Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Iran chuẩn bị chiến tranh như thế nào

(1): “Mối đe dọa tên lửa”

- Hai năm gần đây, Iran đẩy mạnh chuẩn bị cho chiến tranh. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu nếu tính đến việc phương Tây không quá tin vào khả năng Iran trở thành một nguy cơ thực sự đối với các nước NATO đã làm tất cả những gì có thể để kích động sự chuẩn bị đó.
Được Mỹ và NATO bật đèn xanh, báo chí phương Tây đang tăng cường thổi phồng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran, tuy nhiên, trên thực tế giới lãnh đạo chính trị-quân sự tối cao Iran đã đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại vũ khí cho tất cả các quân chủng và hầu như cho tất cả các binh chủng, kể cả vũ khí tiến công cũng như phòng thủ. Mục đích của họ là đem lại cho lực lượng vũ trang của mình khả năng tiến hành các chiến dịch trong khu vực nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia, cũng như (và tính cấp thiết của nhiệm vụ này gần đây đang ngày càng gia tăng) đánh trả cuộc xâm lược từ các nước phương Tây.

Trong khi đó, vì những lý do dễ hiểu, chính các chương trình tên lửa của Iran tạo ra tiếng vang và mối quan tâm đặc biệt trên thế giới. Nguyên nhân thậm chí không nằm ở khả năng Iran trở thành mối đe dọa đối với châu Âu và Mỹ (rõ ràng Iran không cố gắng làm điều đó nếu đó không phải để đáp trả sự xâm lược chống lại chính Tehran), mà ở chỗ chính các chương trình này đã trở thành cái cớ hình thức để triển khai hệ thống tên lửa ở châu Âu. Như ta đã biết, chính điều này đã gây căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ của Mỹ và NATO với Nga.

Bên cạnh đó, phương Tây đang tìm cách hợp nhất các vấn đề các chương trình tên lửa và hạt nhân Iran để cố chứng minh rằng, khả năng của cường quốc này chế tạo thiết bị nổ hạt nhân cùng với chế tạo các phương tiện mang phóng ở dạng tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) là mối đe dọa nghiêm trọng đối với châu Âu và Mỹ. Mặc dù như ta biết khả năng hạt nhân và khả năng của Iran tiến tới chế tạo ICBM mang đầu đạn hạt nhân trong thời gian rất ngắn rõ ràng là bị phóng đại.

Còn bản thân các tên lửa đường đạn “khủng khiếp nhất” Sejil-2 (Tehran thông báo thử thành công tên lửa này vào năm 2009), cũng như các tên lửa đường đạn đang được phát triển là Shahab-5 и Shahab-6 với tầm bắn tương ứng 3.000 km và 5.000-6.000 km, ở giai đoạn này đúng hơn đang đóng vai trò một vũ khí chính trị-quân sự bởi lẽ không có đầu đạn hạt nhân thì sử dụng chúng chẳng thể có ý nghĩa quân sự lớn.

Về bản chất, phương Tây đã có những nỗ lực to lớn để dồn Iran vào thế bí về chính trị-quân sự. Một mặt, Mỹ và châu Âu (trước hết là Pháp) trực tiếp cũng như thông qua “cái loa” của mình trong khu vực là Israel đang đặt ra tối hậu thư đối với Tehran: tiếp tục chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí tên lửa sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt, thậm chí đến tận can thiệp quân sự.

Mặt khác, Tehran hiểu rõ rằng (mà nước láng giềng Iraq là tấm gương tày liếp): kể cả chấm dứt tất cả các chương trình quân sự cũng không hề ảnh hưởng đến các kế hoạch xâm lược chống Iran, nếu như người ta sẽ đưa ra quyết định tương ứng.

Có nghĩa là Iran chỉ có một lối thoát: toàn lực chuẩn bị cho chiến tranh. Một lần nữa phương Tây lại điên cuồng cắt nghĩa sự chuẩn bị này như mối đe dọa để tạo dự luận rằng, với tất cả “lòng yêu chuộng hòa bình” của các nước phương Tây, chỉ có sức mạnh quân sự có thể chế ngự giới lãnh đạo Iran. Như vậy là vòng tròn khép kín lại.

Có nghĩa ta đã rõ rằng, ý muốn của Iran bảo vệ mình bằng cách phô diễn các khả năng phòng thủ của mình cũng được diễn giả như một mối đe dọa. Hơn nữa, tình hình còn thêm phần phức tạp bởi lẽ do những lý do dễ hiểu, Tehran không tiết lộ các tính năng kỹ-chiến thuật đầy đủ của các loại vũ khí của mình (cụ thể là các dự án nghiên cứu tiên tiến), và sự hình dung về chúng phần nhiều dựa trên các tính toán của các chuyên gia, và điều đó tạo ra không ít đất cho đủ loại đồn đoán, lợi dụng chính trị trong vấn đề này.

Cần nhớ rằng, trường hợp chưa lâu khi vào cuối tháng 6.2011, truyền hình nhà nước Iran giới thiệu với khán giả các giếng phóng tên lửa ngầm dưới đất, trong đó chứa các tên lửa tầm xa đang trực chiến đã gây ra sự xôn xao như thế nào trên báo chí phương Tây. Bản tin có đưa hình ảnh các giếng phóng tên lửa nói về quá trình cuộc tập trận tên lửa “Nhà tiên tri vĩ đại 6”.

Theo các sĩ quan Iran, các tên lửa bố trí trong các giếng phóng đó là một phần của hệ thống phản ứng nhanh đối với cuộc tấn công có thể xảy ra và “sẵn sàng tấn công các mục tiêu đã ấn định sẵn trong bất kỳ thời điểm nào”. Các mục tiêu đó là gì thì trong bản tin không nói rõ. Vị trí bố trí các trận địa mới của bộ đội tên lửa Iran không được tiết lộ, nhưng trước đó các chuyên gia phương Tây phỏng đoán rằng, chúng đang được xây dựng ở tây bắc Iran.

Tờ The New York Times cho hay, các giếng phóng được che chắn bởi các tấm thép dày, sẽ nâng cao đáng kể cơ hội bảo toàn các tên lửa Iran một khi bị tấn công bất ngờ - ai cũng hiểu rằng, khi nằm dưới đất, các tên lửa này khó bị tiêu diệt hơn nhiều so với trên bãi phóng hay xe bệ phóng cơ động trên mặt đất. Iran tuyên bố rằng, các công nghệ được sử dụng để xây dựng các công trình này cũng tinh vi gần như các công nghệ chế tạo bản thân các tên lửa. Các sĩ quan tên lửa Iran cũng kể rằng, các giếng phóng đã được xây dựng bằng nỗ lực của các kỹ sư và kỹ thuật viên bản địa.

Truyền thông phương Tây đưa tin: các tên lửa có trong trang bị của quân đội và Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran có khả năng với tới các mục tiêu ở vùng Vịnh Persique, Afghanistan, Iraq và Israel. Nằm trong tầm bắn của chúng là nhiều căn cứ quân sự Mỹ và toàn bộ lãnh thổ Israel.

Trước đây, hãng tin IRNA đưa tin rằng, Iran trong thời gian sắp tới sẽ bắt đầu sản xuất loạt tên lửa đường đạn chống hạm. Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo, chuẩn tướng Mohammad Ali Jaafari đã tuyên bố như vậy. Theo ông, các tên lửa có thể đạt tốc độ cao gấp 3 lần tốc độ âm thanh và tàng hình đối với radar đối phương.

Ở phương Tây, người ta phỏng đoán rằng, Iran đang nói đến việc hoàn thành dự án chế tạo các tên lửa tầm bắn đến 300 km. Chương trình này được bắt đầu 2 năm trước. Theo lời tướng Jaafari, thiết kế ban đầu đã được hoàn thiện, nên kết quả đã chế tạo được loại vũ khí chính xác hơn, tuy ông không tiết lộ tên các tên lửa mới. Theo đánh giá của giới quân sự Iran, phần lớn các mối đe dọa có thể đối với Iran xuất phát từ hướng biển và từ trên không. Họ đang phát triển vũ khí mới và các hệ thống hàng không chính là xét đến các mối đe dọa này.

Cuối tháng 8.2011, Iran đã thông báo hoàn thành 3 dự án quân sự lớn, trong đó có việc giới thiệu tên lửa Qader. Như truyền hình Iran đưa tin, tên lửa triển khai trên tàu và trên bờ Qader có bán kính tác chiến đấu 200 km và dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên bờ của đối phương.

Phát biểu trong một buổi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi tuyên bố rằng, Iran bằng nỗ lực của các chuyên gia trong nước đã tự túc sản xuất được nhiều loại vũ khí. Hiện nay, công nghiệp quốc phòng Iran đang sản xuất 233 loại vũ khí trang bị, ông bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhưng thông tin như thế có hiệu ứng kép. Một mặt, chúng cho phép trước hết Israel và Mỹ, cũng như châu Âu nói đến tính hiện thực của “mối đe dọa Iran”. Mặt khác, chúng rõ ràng có mục đích răn đe những kẻ có âm mưu xâm lược Iran. Trong khi đó, tự cảm thấy an toàn nên Mỹ chẳng mấy sợ hãi trước màn phô diễn sức mạnh của Iran.

Với Israel, thì sau khi Iran thử tên lửa đường đạn Sejil-2 với bán kính tác chiến lớn nhất, cựu giám đốc chương trình tên lửa của Bộ Quốc phòng Israel, từng tham gia phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow, tiến sĩ Uzi Rubin tuyên bố rằng, tên lửa này có tầm bắn không phải là 2.000 km như Iran tuyên bố mà ít nhất là 2.500 km. Như vậy theo ông Rubin, nếu triển khai các trận địa phóng các tên lửa này ở các khu vực tây bắc Iran thì các mục tiêu trê lãnh thổ Hy Lạp, Rumani, Bulgaria, miền đông Ba Lan, Hungary và Slovakia sẽ lọt vào tầm bắn. Như vậy, châu Âu phải triển khai nhanh hơn hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ trước Iran.

Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia phương Tây (East West Institute, SIPRI ở Stockholm) đánh giá khả năng tên lửa Iran thấp hơn nhiều. Các chuyên gia phương Tây (tạm chưa nói đến “đơn đặt hàng chính trị”) cho rằng, các tên lửa Iran hiện nay có tầm bắn đến 2.000 km. Địa điểm lý tưởng để triển khai chúng ở dạng cơ động (có ý nói đến tên lửa nhiên liệu rắn Sejil-2) là vùng tây nam Iran với địa hình núi non phức tạp và khoảng cách ngắn nhất đến Israel. Như vậy, các tên lửa Iran có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Israel, bao trùm một số nước Đông Nam Á và các căn cứ Mỹ ở vùng Vịnh Persique. Mỹ và các nước châu Âu không nên sợ hãi trước sức mạnh này.

Điều thú vị là chỉ một năm trước, các nhà phân tích quân sự châu Âu (cũng chính SIPRI) chỉ ra rằng, trong 10-15 năm rới, không thể nói đến việc Iran chế tạo được ICBM “thực sự”, có khả năng bao trùm châu Âu và với tới lục địa nước Mỹ, và có các đầu đạn hạt nhân. Ngoài những lý do khách quan là trình độ phát triển công nghệ và khả năng kỹ thuật của Iran, khả năng của lực lượng vũ trang Iran bảo đảm đào tạo các chuyên gia cần thiết cũng có vai trò của mình. Tuy vậy, hiện nay các dự báo này bị “lãng quên” và trong bối cảnh triển khai hệ thống tên lửa ở châu Âu thì đơn giản là chẳng ai nhớ lại những dự báo đó cả.

Hiện nay, phương Tây cũng coi các tên lửa chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật trong trang bị của Iran là sự đe dọa, trong khi chúng may ra chỉ nguy hiểm với các nước NATO khi họ trực tiếp tấn công Iran.

Đó là tên lửa chiến dịch-chiến thuật WS-1 (tầm bắn đến 80 km), các biến thể tên lửa Nazeat (tầm bắn đến 150 km), CSS-8 (tầm bắn đến 180 km), Zelzal và các tên lửa chiến dịch-chiến thuật khác có tầm bắn đến 300 km. Theo các nhà phân tích, các tên lửa này không thể sử dụng làm phương tiện mang vũ khí hạt nhân, nhưng chúng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên biển ở khu vực vịnh Persique và vịnh Oman, tạo ra mối đe dọa đối với việc vận chuyển dầu mỏ từ khu vực này.

Một mối đe dọa nữa là việc tiến hành chương trình Shahab. Báo cáo chung của các nhà khoa học Nga và Mỹ có tiêu đề “Tiềm lực hạt nhân và tên lửa Iran” (Iran’s Nuclear and Missile Potential) do Viện Đông Tây công bố vào tháng 5.2009 chỉ rõ rằng, tên lửa đường đạn R-17 (NATO gọi là Scud-B) do Liên Xô chế tạo và các loại tên lửa tương tự cải tiến (trước hết là các tên lửa của Bắc Triều Tiên) đã là cơ sở cho các nghiên cứu công nghệ chế tạo các tên lửa đường đạn Iran. Ban đầu, Iran mua các tên lửa loại này ở nước ngoài, một phần ở Libya, nhưng chủ yếu là ở Bắc Triều Tiên.

Tên lửa đường đạn đầu tiên của Iran Shahab-1 có tầm bắn 320 km, tải trọng hữu ích 985 kg. Tên lửa này được sản xuất đến năm 1991. Hầu như đồng thời với Shahab-1, các công trình sư Iran đã bắt đầu phát triển biến thể của nó là Shahab-2. Để làm việc đó, trong những năm 1991-1994, Tehran đã mua của Bắc Triều Tiên 250-370 tên lửa Scud-C, sau đó là một phần đáng kể thiết bị công nghệ, nhờ đó năm 1997, họ đã triển khai tự sản xuất các tên lửa loại này. Theo một số nguồn tin, Iran đã triển khai được việc sản xuất tên lửa Shahab-2 ở Syria.

Trong những năm 2004-2006, Iran đã sử dụng các tên lửa này trong tập trận.

Các chương trình Shahab-1 và Shahab-2 đã bị chấm dứt hoàn toàn vào năm 2007, nhưng theo các thông tin hiện có, Iran hiện đang cất giữ trong các kho từ 250-600 tên lửa Shahab-1 (biến thể Scud-B) và 50-150 tên lửa Shahab-2 (biến thể Scud-C).

Chương trình tên lửa Shahab-3 tích cực sử dụng các giải pháp thiết kế của tên lửa Nodong của Bắc Triều Tiên. Iran bắt tay vào thử nghiệm tên lửa Shahab-3 vào năm 1998 đồng thời với việc phát triển tên lửa Shahab-4. Tên lửa Shahab-3 lắp động cơ mới của Bắc Triều Tiên đã phóng thử thành công vào tháng 7.2000. Iran phải đến cuối năm 2003 mới triển khai sản xuất được tên lửa Shahab-3 với sự hỗ trợ tích cực của nhiều công ty Trung Quốc.

Theo một số nguồn tin, từ tháng 9.2006, Iran sở hữu 30 tên lửa Shahab-3 và 10 bệ phóng cơ động cho các tên lửa này.

Tên lửa cải tiến Shahab-3М có khả năng mang các thùng chứa để mang phóng vũ khí hóa-sinh. Dự đoán, biến thể tên lửa này có tầm bay 1.100 km với phần chiến đấu nặng 1 tấn (các nguồn tin khác thì nói tầm bắn đến 2.000 km với phần chiến đấu nặng 700 kg).

Ngoài ra còn có biến thể nhiên liệu rắn là Shahab-3D (IRIS). Dự đoán, chính tên lửa này đã được sử dụng làm tầng 2 của tên lửa đẩy 2 tầng Safrir-2 mà ngày 2.2.2009 đã đưa lên quỹ đạo thấp gần trái đất vệ tinh đầu tiên của Iran là Omid.

Trong tương lai, Tehran dự định phát triển các tên lửa đường đạn Shahab-5 và Shahab-6 có tầm bắn tương ứng 3.000 và 5.000-6.000 km (chương trình chế tạo Shahab-4 tầm bắn 2.200-3.000 km đã bị đình chỉ hoặc tạm dừng vào tháng 10.2003 vì các lý do chính trị).

Các tên lửa hiện có đã được đưa vào trang bị cho 5 lữ đoàn tên lửa trực thuộc trực tiếp Tổng tư lệnh tối cao Iran mới từ vài năm trước. Tham gia các cuộc tập trận, các lữ đoàn này phô diễn tính chuyên nghiệp và trình độ huấn luyện cao nếu như ta tin vào báo chí và các tuyên bố của giới lãnh đạo chính trị-quân sự Iran.

Các chuyên gia Israel và phương tây đánh giá rất khác nhau về khả năng thực sự của các lữ đoàn tên lửa này hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, cũng giống như khi đánh giá về tính năng của các tên lửa Iran ракет.

Liệu sự không ăn khớp trong đánh giá như thế về chính trị lại có lợi cho Iran hai ngược lại thì khó nói.

2): phòng không

 Một khi chiến dịch quân sự chống Iran nổ ra, tiến trình của nó sẽ phần nhiều bị quy định bởi tình trạng và tiềm lực phòng không của Iran.

Trong bối cảnh đối đầu giữa Iran và phương Tây và kịch bản chuyển từ “chiến tranh ngoại giao” sang giai đoạn xung đột vũ trang ngày càng nhiều khả năng xảy ra, người ta đưa ra các giả thiết mở màn cuộc xung đột này.

Tất cả đều không phủ nhận một điều: một khi chiến dịch quân sự nổ ra, tiến trình của nó sẽ phần nhiều bị quy định bởi tình trạng và tiềm lực phòng không của Iran.

Điều giả thiết này là dễ hiểu: kể cả chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 ở Iraq và chiến tranh chống Nam Tư năm 1999, Mỹ và các nước NATO đã kiểm nghiệm một mô hình thuật toán xâm lược vũ trang hiệu quả nhất chống các nước thứ ba khi ta nói về sự đối kháng “truyền thống”, tức là xung đột với với sự tham gia của các quân đội chính quy. Ra đời và được “chạy thử” từ nửa cuối thế kỷ ХХ, hiện nay, các điểm chính của thuật toán này đã trở thành tiên đề: trước hết, tiêu diệt các lực lượng phòng không mà bất kỳ nước nào cũng sử dụng trước hết để bảo vệ các mục tiêu chiến lược của mình (các sở chỉ huy, các tuyến đường giao thông, hạ tầng), đồng thời với bản thân các mục tiêu.
Ở trường hợp Libya, ta thấy rõ đó là việc tiêu diệt hệ thống phòng không bằng lực lượng không quân sử dụng vũ khí chính xác cao, và tiếp đó là tiêu diệt các sở chỉ huy đối phương, phá hủy hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc (NATO gọi là С3), có sử dụng các phương tiện hiện đại khác để đạt các mục tiêu chính trị-quân sự, cho phép giành thắng lợi hoàn toàn mà không cần tiến hành chiến dịch mặt đất. Rõ ràng là với Iran, nhiệm vụ này sẽ không hề đơn giản, nhưng bản thân thành công của chiến dịch lại phụ thuộc chính vào việc phòng không Iran sẽ có thể chống trả cuộc tấn công đầu tiên như thế nào.
Hiện nay, chúng ta thấy có những bất đồng về quan điểm của Israel, và Mỹ với châu Âu về vấn đề mở chiến dịch. Mặc dù những khác biệt này hoàn toàn có thể chỉ là những thành tố của một kế hoạch thống nhất, theo đó việc gây áp lực của Israel chỉ hàm chứa yếu tố hăm dọa, còn đây là lý do. Như ta biết, Israel đòi tấn công các mục tiêu hạt nhân của Iran (đồng thời nếu có thể thì tiêu diệt cả các đơn vị tên lửa Iran). Trong trường hợp đó, ta sẽ không hiểu rõ hoàn toàn bản thân Israel trông cậy vào cái gì bởi lẽ không rõ trong trường hợp một cuộc tấn công như vậy thì sự nhiễm xạ địa hình tất yếu xảy ra sẽ có quy mô thế nào, nếu xét đến yếu tố lãnh thổ Israel cũng ở gần và có sự hiện diện trong khu vực của quân Mỹ, ũng như các mỏ dầu đang khai thác vốn là mối quan tâm chủ yếu của Mỹ và các nước châu Âu.
Về phần mình, các nước phương Tây đe dọa tấn công một khi Iran phong tỏa eo biển Hormuz là nơi có tuyến đường vận chuyển hydrocarbon từ khu vực này ra thị trường thế giới.

Trong cả hai trường hợp, diễn biến tiếp theo phụ thuộc vào các hành đông của phòng không Iran. Đúng hơn là khả năng của nó chống đỡ hoặc là cuộc tấn công tên lửa của Israel, hoặc là cuộc tấn công bằng lực lượng và phương tiện hải quân và máy bay ném bom của Mỹ.

Hiểu rõ điều đó nên ban lãnh đạo Iran trong giai đoạn phương Tây thảo luận ở cao trào về khả năng xâm lược chống Iran đã tăng cường phô trương sức mạnh phòng không của mình. Tháng 11.2011, tại các khu vực miền đông Iran đã diễn ra cuộc tập trận phòng không quy mô lớn trên diện tích 800.000 km2. Chỉ huy tập trận là chuẩn tướng Farzad Ismaili  thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Tư lệnh phòng không của căn cứ Khatam-ol-Anbia. Cuộc tập trận được chia thành mấy giai đoạn mà theo báo chí Iran là có sự tham gia của “một số lượng lớn các đơn vị chiến đấu, trinh sát, chưa kể nhiều đơn vị hậu cần”. Cuộc tập trận quy mô của phòng không Iran được tiến hành không lâu sau khi trên báo chí phương Tây xuất hiện những thông tin về khả năng Israel và Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Sau cuộc tập trận phòng không này, có tin trong quá trình tập trận đã thao dượt khoa mục đánh trả cuộc tấn công ồ ạt Iran bằng máy bay và tên lửa hành trình. Theo báo cáo của bộ chỉ huy Iran, lực lượng vũ trang Iran đã đánh trả thành công cuộc xâm lược. Theo báo chí Iran, trong cuộc tập trận, kẻ địch giả định đã dự định tiêu diệt các mục tiêu chiến lược của Iran. Cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV), máy bay tiêm kích và tên lửa hành trình, tuy nhiên bộ đội phòng không Iran đã thực hiện “đòn phản công mạnh mẽ và hiệu quả, buộc kẻ thù phải rút lui”. Trong cuộc tập trận đã tiến hành thử nghiệm cả các hệ thống radar, tên lửa phòng không (kể cả hệ thống tên lửa phòng không mang vác tối tân) và các khí tài tác chiến điện tử mới nhất do Iran phát triển.

Cần nói thêm rằng, theo tin tức báo chí Iran, tất cả các đơn vị phòng không chủ yếu của Iran sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không mang vác mới nhất. Điều này nghe thì hơi lạ bởi lẽ như ta biết, các hệ thống tên lửa phòng không mang vác trước hết được sử dụng làm vũ khí phòng không trên chiến trường để trang bị cho các đơn vị lục quân, chứ không phải các đơn vị phòng không.

Theo báo chí Iran, các hệ thống tên lửa phòng không mang vác đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận của lực lượng phòng không “về bảo vệ không phận và các cơ sở hạt nhân trong trường hợp có can thiệp của nước ngoài”. Các hệ thống phòng không mới nhất đã thể hiện hiệu quả trong việc vô hiệu hóa các UAV của kẻ thù giả định. Trong các tính năng cơ bản của hệ thống tên lửa phòng không mang vác mới của Iran có các đặc điểm như kích thước nhỏ cho phép một người lính thao tác phóng tên lửa.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Iran thông báo đưa vào trang bị cho các lực lượng phòng không các hệ thống Mersad do Iran tự sản xuất. Như hãng tin FARS của Iran đưa tin hồi cuối tháng 9.2011, lễ nhận vào trang bị các hệ thống này đã diễn ra tại căn cứ không quân Iran Khatam-ol-Anbia.
Chèn chú thích ảnh vào đây
Trước đó, giới quân sự Iran đã tiến hành một loạt thử nghiệm hệ thống phòng không mới và xác nhận các thử nghiệm này là thành công.

Mersad được trang bị các tên lửa phòng không Shahin, có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay ở cự ly 70-150 km.

Đầu tháng 9.2011, tại căn cứ Khatam-ol-Anbia cũng đã tiến hành chuyển giao các tên lửa phòng không Shalamcheh, có khả năng bay với tốc độ đến 3M và cũng thuộc loại tên lửa phòng không tầm trang. Các chi tiết khác về hệ thống tên lửa phòng không mới của Iran không được tiết lộ.

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi, Mersad có “tính linh động cao” và khả năng tiêu diệt mục tiêu ngay cả trong điều kiện có chế áp điện tử mạnh. Hệ thống mới sẽ liên tục liên lạc với các radar và các hệ thống quân sự khác”.

Cần nhắc lại là ngay từ tháng 2.2010, giới lãnh đạo quân sự Iran đã thông báo rằng, Iran đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa phòng không nội địa có tính năng vượt trội hệ thống S-300 của Nga. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Nga từ chối cung cấp cho Iran các hệ thống S-300 mà Iran đặt mua từ năm 2007. Lý do để Nga từ chối cung cấp S-300 là nghị quyết của LHQ cấm cung cấp vũ khí trang bị cho Iran.
Không quân tiêm kích của lực lượng phòng không cũng được chú ý. Tháng 3.2011, được biết, Iran đã bắt tay vào thực hiện dự án tiêm kích mới có sử dụng một số giải pháp kỹ thuật được sử dụng ở máy bay chiến đấu Saegheh. Tướng Không quân Iran Mohammad Reza Karshki cho biết. Hiện chưa rõ chi tiết về tiêm kích tương lai của Iran. Dự kiến, nó sẽ có tính năng cao hơn Saeqeh.

Phi đội Saegheh đầu tiên đã được nhận vào trang bị vào tháng 9.2010. Saegheh được chế tạo dựa trên tiêm kích Mỹ F-5E Tiger II có sử dụng công nghệ được dùng cho máy bay chiến đấu đầu tiên của Iran là Azarakhsh. Theo giới quân sự Iran, Saegheh vượt trội về tính năng so với các máy bay F/A-18 Hornet của Mỹ. Năm 2008, giới quân sự Iran cho biết, Saegheh có tầm bay 3.000 km.

Lẽ ra các hệ thống S-300 mua từ Nga đã có thể tăng cường cơ bản tiềm lực phòng không Iran. Năm 2011, Iran đã áp dụng cá biện pháp khác nhau để nhận các hệ thống hiện đại này, song vô hiệu. Tháng 8.2011, đại sứ Iran tại Nga thông báo, Tehran đã kiện Nga ra tòa án quốc tế vì từ chối cung cấp cho Iran S-300. Bằng cách đó, Iran muốn giúp Moskva loại bỏ điều khoản cấm cung cấp S-300 khỏi danh mục trừng phạt mà Moskva áp dụng theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

“Về pháp lý, chúng tôi cho rằng, việc giao hàng S-300 không nằm trong hiệu lực của nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Chúng tôi đã gửi đơn kiện để phán quyết của tòa giúp Nga thực hiện việc chuyển giao nàu, để Nga có con bài pháp lý”, đại sứ Iran tại Nga Mahmoud Reza Sadjadi nói. Tuy nhiên, ông đại sứ không nói cụ thể tòa án quốc tế nào mà Tehran gửi đơn kiện tới.

Tháng 9.2011, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, chuẩn tướng Ahmad Vahidi đã kêu gọi Nga thực hiện cam kết của mình về việc cung cấp S-300 cho Iran. “Hợp đồng phải được thực hiện, việc này cần xem xét độc lập với các vấn đề khác”, ông Vahidi nói. Theo Neusru.co.il, ông Vahidi đã kêu gọi phía Nga “tìm ra cách tiếp cận phù hợp” cho phép thực hiện đầy đủ hợp đồng cung cấp tên lửa.

Iran trong hai năm qua đã nói rằng, dẫu sao họ vẫn đã có các hệ thống S-300 (4 hệ thống). Những thông tin ban đầu cho thấy, họ đã mua 2 hệ thống từ Belarus, 2 hệ thống nữa ở một nước không được nêu tên. Năm 2008 có tin, Croatia đã bán cho Iran 4 hệ thống S-300. 


Liên quan đến các vũ khí phòng không khác của Iran thì nguy hiểm nhất là các hệ thống S-200 với khoảng 10 bệ phóng (Tehran đã mua các hệ thống S-200VE vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990).

Tháng 11.2010, xuất hiện thông tin thú vị là theo hãng tin Mehr, Iran đã thử nghiệm thành công tên lửa nội địa dành cho hệ thống S-200. Chuẩn tướng Ahmad Migani thông báo như vậy khi kết thúc cuộc tập trận tổng hợp 5 ngày ở Iran với sự tham gia của Không quân, cảnh sát, các đơn vị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và các lữ đoàn tình nguyện. Tính năng của tên lửa này không được tiết lộ. Trong khi đó, vẫn để ngỏ câu hỏi các hệ thống S-200 hiện có của Tehran sẵn sàng chiến đấu đến mức độ nào và các binh sĩ của các đơn vị này được huấn luyện chuyên nghiệp ra sao.

Năm 2006, Nga đã hoàn tất chuyển giao cho Iran các hệ thống tên lửa phòng không chiến thuật cơ động Tor-М1 (29 hệ thống và 800 tên lửa đi cùng) dùng để phòng không và phòng thủ tên lửa cấp tiểu đoàn. Có tầm bắn 12 km (tiêu diệt mục tiêu bay ở độ cao 6 km), chúng có thể được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu đơn lẻ.

Ngoài ra, phòng không Iran còn có các hệ thống tên lửa phòng không Rapier (không dưới 30 hệ thống, tầm bắn 6 km, độ cao tác chiến 3 km), các hệ thống đã rất lạc hậu S-75 (30-40 hệ thống, tầm bắn 34 km, độ cao tác chiến 27 km).

 Nền tảng của bộ đội tên lửa phòng không Iran là các hệ thống MIM-23 Hawk của Mỹ (hơn 150 hệ thống). Mỹ chuyển giao các hệ thống này trong những năm 1970, song Mỹ đã loại khỏi trang bị 10 năm nay (sau thời gian phục vụ hơn 40 năm). Trong suốt thời gian sử dụng, Mỹ đã 3 lần nâng cấp MIM-23 Hawk, nhưng Iran chỉ có biến thể cơ sở (tầm bắn 25 km, độ cao tác chiến dưới 14 km). Iran cũng đã tuyên bố họ tự hiện đại hóa các hệ thống này, nhưng không ai biết đích thực tính năng sau hiện đại hóa của chúng.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ chống không kích từ hướng biển, cần chú ý đến cả yếu tố này. Từ mùa xuân năm 2009, Iran đã tuyên bô bắt tay vào sản xuất pháo tàu Fath dùng để tiêu diệt tên lửa hành trình và máy bay bay thấp của đối phương. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Iran, pháo Fath 40 mm có tầm bắn 12 km, tốc độ bắn 300 phát/phút. Hiệu quả chống tên lửa hành trình của loại vũ khí này vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Như vậy, với tất cả sự lạc quan của Tehran về tình trạng lực lượng vũ trang của mình, thật khó nói về khả năng của họ bảo vệ chắc chắn lãnh thổ của mình chống các cuộc tấn công đường không và tên lửa. Trong khi đó, trình độ chuyên nghiệp của bộ đội phòng không cũng có ý nghĩa lớn. Về mặt này, trường hợp lực lượng quân sự Iran bắt “hạ cánh” UAV RQ-170 Sentinel của Mỹ hồi năm ngoái là một ví dụ thuyết phục, mặc dù nó không có liên hệ trực tiếp tới hoạt động của chính các đơn vị tên lửa phòng không.

Cũng có thể nói như vậy về máy bay của phòng không Iran (Iran hiện có các tiêm kích F-14 Tomcat, F-7M, Mirage F1, F-5 và MiG-29). Kinh nghiệm Libya cho thấy rằng, khi hiệu quả của bộ đội tên lửa phòng không của bên phòng vệ mà thấp, quân đội NATO có khả năng thiết lập nhanh chóng cái gọi là vùng cấm bay trên lãnh thổ quốc gia nạn nhân của xâm lược. Trong trường hợp đó, trình độ chuyên nghiệp của phi công chẳng có ý nghĩa lớn.


Đồng thời, các hành động hiệu quả, mạch lạc và nhịp nhàng của phòng không Iran có khả năng phá tan âm mưu “tốc chiến tốc thắng” của đối phương, kéo dài thời gian cho cộng đồng quốc tế phản ứng. Xét tới yếu tố là không phải ai trên thế giới cũng ủng hộ chiến lược hiện nay của Mỹ và một số nước châu Âu (nhất là sau cuộc chiến chống Libya), điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến diễn biến sự kiện. Tuy nhiên, đây đã là lĩnh vực của chính trị lớn.
  • Nguồn: Dmitri Tymchuk // Hvylya, 11.1.2012. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !