Mấy tháng trời đi loanh quanh kiếm cơm không có thời gian viết blog , xin lỗi mọi người rất nhiều .
K9
Thoát Trung ?
Trong thời gian vừa qua , nhiều trí thức đã nêu bật lên việc chúng ta phải thoát trung , họ khẳng định không những cần Thoát Trung bằng kinh tế , mà phải Thoát Trung bằng văn hóa , bằng lịch sử . Nói chung là lịch sử 4000 năm của chúng ta có bao nhiêu giá trị của Trung Hoa cần phải thoát sạch sẽ .
Và để trấn an cho những ai đang hoang mang về phong trào này , tôi xin được khẳng định đây không phải phong trào mới diễn ra mà là sự lặp lại của lịch sử hàng trăm năm trước , và trăm năm trước cha ông ta đã vượt qua "dễ dàng " thì chẳng nhẽ con cháu trí thức chúng ta lại không ai có thể vượt qua được hay sao ? Nhất là khi phong trào lại được sự ủng hộ bởi một vị tiến sĩ Hán Nôm oai danh lừng lẫy hay đúng hơn là danh chấn quần hùng , chúng ta tin tưởng vào công cuộc Thoát trung đó .
Nhân dây chúng ta cũng nên bàn lại chút chuyện cũ xem công cuộc Thoát trung trước kia chúng ta đã làm như thế nào ?
Người Pháp đã giúp chúng ta không phải học chữ Nho như thế nào ?
Đời người ta thống hận nhất Tần Thủy Hoàng chính là việc giết học trò , đốt sách vở .
Đời người ta tiếc nhất về thời Lý-Trần thịnh thế chính là vì hành động cướp bóc nhân tài , cướp phá sách vở của Nhà Minh ,dù chỉ có hơn 20 năm nhưng đã khiến cho nước Nam mất đi một lượng lớn nhân tài , lượng lớn tri thức mà cha ông tích lũy trong hàng vài trăm năm thịnh trị để đến giờ kho tàng văn học Lý-Trần tuy chỉ còn ít ỏi nhưng đã khiến người đời phải thán phục !
Ấy thế mà nước mẹ Đại Pháp của dân An Nam đã làm một việc tuy không tàn nhẫn như Tần Thủy Hoàng nhưng nguy hiểm hơn Tần Thủy Hoàng nghìn lần , không thẳng tay như nhà Minh nhưng tác hại thì mười nhà Minh cũng không thể sáng bằng : HỦY TỰ .
Sách đã đốt nhiều đến đâu ắt cũng có người giữ , nhân tài bị bắt nhiều đến đâu cũng có người còn sót nhưng chữ viết đã mất đi rồi thì sách cất giữ cũng là phường vô dụng , nhân tài nhiều cũng chỉ là kẻ lạc loài . Nước pHáp kể từ khi chính thức vững chân ở Nam Kì đến khi đặt ách thống trị nên toàn cõi nước Nam ta cũng chỉ mất mấy mươi năm , nhưng để có thể biến dân Đại Nam thành dân An Nam mít hạ đẳng phải mất gấp đôi thời gian ấy , nhưng họ đã thành công , thành công tương đối triệt để .
Nước Việt Nam là nước có văn hóa lâu đời , lịch sử hàng nghìn năm tự chủ , hàng nghìn năm phát triển , hàng nghìn năm hùng bá cõi Đông Dương đã được kết tinh trong sách vở . Những cuốn sử Việt như Đại Việt sử ký toàn thư , những bài thơ hay như Nam Quốc Sơn Hà , những bài Bình Ngô Đại Cáo , Hịch Tướng Sĩ mà đến nay sau mấy trăm năm chúng ta đọc lại vẫn thấy máu nóng bừng chảy trong huyết mạch .
Tuy nhiên một dân tộc có lịch sử , một dân tộc có văn hóa lâu đời không phải là một thứ dân nô lệ hợp cách . Một dân tộc mà truyền thống đánh giặc được viết la liệt trong sách càng không phải thứ dân nô lệ hợp cách . Để biến con dân nước Nam ta thành dân tộc nô lê hợp cách thì phải loại bỏ sự gắn kết của chúng ta với lịch sử cha ông , trong vài chục năm sẽ quên mất cha ông ta đã làm gì , trong vài trăm năm nhất định sẽ tưởng cha ông ta là "con gà Trống " .
Và mưu sâu kế bẩn ấy đã được viết rất rõ trong Thư của Paulin Vial, Giám Đốc Nội Vụ, Súy Phủ Nam Kỳ gửi Quan Bố Sài Gòn ngày 15 tháng 1 năm 1866:
"Dès les premiers jours, on a reconnu que la langue Chinois était une barrière de plus entre nous et les indigènes; l'instruction donné par le moyen de caractères hiéroglyphiques nous échappait complètement; cette écriture ne permet que difficilement de transmetre à la population les notions diverses qui lui sont nécessaires au niveau de leur nouvelle situation politique et commercial. Nous sommes obligés en conséquence de suivre les traditions de notre propre enseignement; c'est le seul qui puisse nous rapprocher des Annamites de la colonie en leur inculquant les principes de la civilisation européenne et en les isolant des influences hostiles de nos voisins"
Phỏng dịch : Ngôn ngữ Trung Quốc-chữ Nho là rào cản ngăn cản cho thực dân Pháp thống trị người An Nam , và cần phải thay đổi để cho người An Nam được thấm nhuần những văn hóa của phương Tây khai sáng .
Câu nói rất đường hoàng của ngài Giám đốc nội vụ cũng chỉ là bình phong cho cái gọi là hủy tự mà người Pháp sẽ làm ở nước Nam ta .
Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm).
Từ 1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ.
Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão 1915, và ở Huế năm Mậu Ngọ 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ.
Hành động từng bước một đó đã khiến cho việc làm của người Pháp không gặp quá nhiều chống đối từ những nhà nho Việt Nam , những người có địa vị tuyệt đối tại địa phương . Nhưng chính từ khoa thi 1919 hay việc chấm dút chữ hán năm 1932 đã khiến cho người Việt sau đó gần như không còn học chữ Nho nữa , nhưng ông Thầy Đồ hay trường tư dạy chữ Nho- nền tảng của giáo dục Việt Nam hàng ngàn năm độc lập dần mất đi địa vị của chính mình .
Chẳng thế mà chỉ vài năm sau đó , năm 1936 , một cuốn sách dạy chữ Nho đã được làm ra để cứu vớt những thứ cần cứu vớt của dân tộc , trước hết là cứu vớt phần nào cái văn hóa ngàn năm ấy .
"Phàm người Nam ta, ai cũng cần biết chữ nho, vì trong tiếng ta, trong quốc-văn, nhan-nhản những tiếng, những chữ gốc ở chữ nho."
Từ việc mất chữ , chúng ta đã "Thoát Trung " ra sao ?
Có thể nói công cuộc hủy đi chữ Nho , phổ biến chữ Quốc ngữ hay giảng dạy tiếng Pháp , người Việt ta chưa bao giờ "thoát Trung " được như lúc này . và để ghi nhớ công cuộc thoát Trung thần thánh đó , người An Nam đã thể hiện bộ mặt của một dân tộc "tự chủ " bằng cái quyền được uống nhiều rượu hơn và hút nhiều thuốc phiện hơn . Cũng để khẳng định mình là người đã Thoát Trung , những nhà Trí thức thời ấy đã tiến nên một bước yêu cầu bỏ luôn chữ Quốc ngữ , để cho những người trí thức An Nam có thể tiếp tục được tiếp thu văn minh của nước Mẹ đại Pháp được trực tiếp hơn , tinh khiết hơn , như việc dùng rượu cồn có khả năng kích thích nhanh hơn rượu lậu vậy .
Báo Le Saigonnais ra ngày 10 tháng 12 năm 1885 có đăng một kiến nghị của thân hào nhân sĩ xin Hội Đồng Thuộc Địa can thiệp để triệt bỏ chữ quốc ngữ, coi như một thứ chữ vô giá trị. Chữ quốc ngữ do các giáo sĩ Bồ Đào Nha chế tạo ra theo lối ghép vần của Bồ ngữ. Người Việt biết chữ quốc ngữ không thể dùng để học chữ Pháp. Người Pháp nếu đọc chữ quốc ngữ theo vần Pháp thì đọc sai, nhất là đối với các nhân danh và địa danh. Do đó giới người Pháp cũng không ngớt chê bai chữ quốc ngữ là thứ chữ vô tích sự vì đã không giúp ích gì trong việc truyền bá chữ Pháp.
Đấy là những biểu hiện cụ thể và dễ thấy , còn suy đồi về đạo đức thì nhiều không thể tả , từ những câu thơ của Tú Xương : Nhà kia lỗi phép con khinh bố . mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng . Đã được phát triển nên một bước khi những nhà Trí thức ủng hộ nhiệt thành mở những nhà chứa mà ta thấy thấp thoáng hay hiện rõ trong những bài văn tả thực của Vũ Trọng Phụng .
Trí thức nước An Nam giờ không phải so kè ai làm thơ hay hơn ai , ai viết chữ đẹp hơn ai , đạo đức ai cao nhất mà là ai đi hát nhiều hơn , ai dùng nhiều thuốc phiện hơn ...
Đấy là ở các thành thị vốn có sự "phát triển " cao hơn về "văn hóa " , ở những vùng nông thôn , thảm cảnh đã xảy ra , nhưng nó xảy ra ở một dạng khác . Khi những Nhà Nho thất thế , khi câu đối đỏ mất đi , người ta thấy thấp thoáng sự dốt nát ở khắp nơi nơi . Nếu như trước kia việc học mỗi làng đều có , thầy dù giỏi hay kém đều có tác dụng dạy chữ cho người , việc học không quá tốn kém nếu chỉ học mà không thi , thì giờ đây khi các lớp Sơ học phải lên tận huyện lị , việc học đã là thứ tốn kém khó chấp nhận được với mỗi gia đình . Chẳng thế mà chữ Quốc ngữ dù rất dễ học nhưng đến khi độc lập năm 1945 người biết chữ ít đến thảm thương .
Chúng ta nên nhận định thời điểm lịch sử này như thế nào ?
Có thể nhiều người trong đây cảm thấy tôi đã có cái nhìn quá hằn học ,phiến diện vè thời kì này , nhiều người còn có thái độ mỉa mai hơn nữa , chính vì thế sau chót tôi phải thêm cái nhận định của mình vào , phần để khách quan hơn , phần vì nhiều lí do khác nữa .
Không ai phủ nhận tác dụng to lớn của chữ Quốc ngữ đem lại , không ai có thể phủ nhận được việc đây là thứ chữ dễ học , dễ dạy , dễ nhớ và học ít mà hiểu nhiều . Có lẽ chính vì chữ quốc ngữ có quá nhiều ưu điểm như thế nên người Việt ta dù trải qua bao nhiêu năm chiến tranh tỉ lệ người biết chữ vẫn ngày càng tăng và khá hơn hẳn những nước có cùng điều kiện phát triển .
Tuy nhiên việc mất đi chữ Nho trong nền giáo dục Việt Nam chính là thiếu sót lớn nhất cũng là sự đau lòng nhất của của chúng ta hiện nay , nhiều tác hại đã được nêu ở trên nhưng tác hại lớn nhất là việc người Việt đã mất đi truyền thống hàng ngàn năm lịch sử . Một dân tộc có văn hóa đậm bản sắc ,dân tộc đó là dân tộc thịnh vượng , người Trung Quốc có 5000 nhìn năm văn hóa và vì thế dù thế nào họ vẫn vươn lên thành cường quốc , người Mỹ lập quốc chỉ mấy trăm năm nhưng giờ đây họ đã căn nuốt văn hóa cả thế giới , số lượng sách báo tiếng Anh đã chiếm đến 6 thành sách báo của cả thế giới , điều đó cho thấy một tương lai nhất định sẽ ngày càng ổn định và địa vị cường quốc của Mỹ ngày càng bền chắc . Vậy mà lịch sử văn hóa nước ta phần nhiều chỉ biết đến trong trăm năm nay , ngoài trăm năm chẳng những người đọc không chịu tìm hiểu mà người dịch cũng lười dịch ,một sự mù mờ lịch sử , mù mờ văn hóa lan tràn đi khắp nơi và với sự "năng động " trong cách kí âm của chữ quốc ngữ , chúng ta mất đi văn hóa ngàn năm còn sót lại cũng chỉ trong ngày một ngày hai nữa thôi .