Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013
QUAN ĐIỂM CỦA CHÍNH QUYỀN MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN TAY SAI VNCH VỀ VIỆT NAM.
(Tranh châm biếm cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam: "Chúng tôi đem tới dân chủ. Nhắc lại theo tôi nào: D-Â-N-C-H-Ủ")
1.CHÍNH QUYỀN MỸ.
Tài liệu được giải mật của Lầu Năm Góc vào năm 2010 cũng viết: "Không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam... Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ".
Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, một trong những người góp phần hoạch định chính sách Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã thừa nhận rằng: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi đã mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”. Và, Mc.Namara cho nguyên nhân sai lầm đó là vì Mỹ “đã hiểu sai thậm tệ những mục tiêu của Trung Quốc và lầm lẫn cho rằng những ngôn từ hiếu chiến của nó hàm ẩn động cơ giành bá quyền khu vực. Chúng tôi cũng hoàn toàn đánh giá thấp khía cạnh dân tộc chủ nghĩa trong phong trào Hồ Chí Minh."
Trung tướng Bernard Trainor, từng phục vụ ở Việt Nam hai lần, của cả hai loại hình Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ, so sánh cuộc chiến ở Việt Nam với cuộc chiến tranh giành độc lập Hoa Kỳ: “Nhiều người nói rằng chúng ta phải ném bom để đưa miền Bắc về lại thời kỳ đồ đá. Ở mức độ nhất định, chúng ta đã đạt được hiệu quả này, nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Có ném bom nữa cũng không ăn thua gì. Tôi thấy cuộc kháng chiến của Việt Nam có nét tương đồng với cuộc Cách mạng của Mỹ. Cũng như các nhà cách mạng Mỹ thời đó, người Việt quyết chiến đến cùng. Những người dân Mỹ hồi đó đã đi tới một quyết định rằng độc lập là thiết yếu. Họ đặt cược tính mạng và của cải của mình vào sự nghiệp giành độc lập... Hy vọng ban đầu là thu phục trái tim khối óc của người dân, nhưng hy vọng này đã bị tan tành bởi thất bại của chính quyền Sài Gòn trong việc giành tín nhiệm của dân và chiến lược Tìm và diệt của Westmoreland…”.
*QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ MỸ.
Năm 1972, Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ quyết định tổ chức một cuộc báo cáo điều trần về cuộc chiến tranh Việt Nam suốt ba ngày liền, (9, 10, 11-5-1972) xoay quanh chủ đề nguồn gốc, nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam và những bài học rút ra từ đó. Bốn học giả có tên tuổi đại diện cho phong trào phản chiến Leslie Gelb, James Thomson, Arthur Schlesinger và Noam Chomsky được coi là những người am hiểu tình hình đã từng nghiên cứu nhiều về Việt Nam, được Quốc hội Mỹ mời đến báo cáo góp ý kiến cho Quốc hội về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đánh giá chế độ Việt Nam Cộng hòa, giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky của học viện MIT đã nói trước Uỷ ban đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ rằng: “Chính phủ Nam Việt Nam đã trở thành nơi ẩn nấp của những người Việt Nam từng đi theo Pháp trong cuộc chiến đấu chống lại nền độc lập của đất nước họ. Chính phủ Nam Việt Nam không có cơ sở thành trì trong nhân dân. Nó đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị, trên thực tế nó là sự tiếp tục chế độ thuộc địa của Pháp” .
Các giáo sư đánh giá: Ở Việt Nam, Mỹ đã gặp phải một đối phương không chịu chấp nhận chế độ thực dân mới, không chịu quỳ gối trước sức mạnh quân sự Mỹ. Ngoài ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá, người Việt Nam còn sáng tạo ra một đường lối, chiến lược và biện pháp đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh để phát huy sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Giáo sư Noam Chomsky nhận định: Đối phương đã tìm ra "một chiến lược khôn khéo đến mức nguy hiểm để đánh bại Mỹ", giám đốc Phân tích Hệ thống đã cảnh báo "Trừ khi chúng ta nhận ra và chống lại nó ngay bây giờ nếu không chiến lược đó sẽ trở thành phổ biến trong tương lai. Chiến lược đó là tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dựa trên nguyện vọng của nông dân Việt Nam muốn độc lập và công bằng xã hội. Nước ngoài không bao giờ có thể địch nổi chiến lược đó" .
Nói về nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam, các học giả trên đã bác bỏ lý do của chính quyền Mỹ dựng lên là “chống miền Bắc Việt Nam xâm lược”, Arthur Schlesinger khẳng định: “Thật là sai lầm khủng khiếp, nếu coi Hà Nội và Việt cộng là mũi lao xâm lược”. Noam Chomsky kết luận: “Chính Mỹ đã đẩy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào vòng chiến”.
Leslie Gelb nhấn mạnh dứt khoát rằng “lời giải thích thoả đáng duy nhất là đối phương vẫn tiêu biểu cho chủ nghĩa dân tộc và nền độc lập của họ, Mỹ phải chịu trách nhiệm đặc biệt về cuộc chiến tranh này và về việc kéo dài chiến tranh”. Arthur Schlesinger lập luận, “sở dĩ có cuộc chiến tranh này là vì chính sách áp đặt những sở thích của chúng ta cho người khác”. Do đó, “nếu người Việt Nam không coi trọng sự khôn ngoan của chúng ta, thế là chúng ta quyết định dùng sức mạnh ưu thế của mình để bắt họ phải làm theo ý muốn của chúng ta”. Trước Quốc hội, các học giả Mỹ kết luận: nguyên nhân cuộc chiến tranh Việt Nam là bắt nguồn từ chiến lược và chính sách xâm lược của Mỹ. Điều đó coi như đã được xác nhận từ phía những nhà nghiên cứu Mỹ.
Nhà sử học Frances FitzGerald viết:
"Chiến thắng của họ (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) là chiến thắng của dân tộc Việt Nam - người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với một cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một sự khẳng định nguyên tắc thống nhất dân tộc mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố ủng hộ rồi phản bội".
Theo một góc nhìn khác, tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong buổi phỏng vấn với CNN và trong sách "Những Bí mật về Chiến tranh Việt Nam" đã viết: "Không hề có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp-Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ... Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, như nó đã không là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến... Theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta (nước Mỹ) công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lược của Mỹ".
Theo ông nguyên nhân sâu xa của việc Mỹ áp đặt sự chiếm đóng lên miền Nam Việt Nam là để điều khiển và kiểm soát thị trường kinh tế, nhân lực, sức lao động và tài nguyên ở vùng Đông Nam Á.
Sử gia Jonathan Neale cũng đồng ý lập luận này và cho rằng chính sách chống Cộng của chính phủ Mỹ chỉ là để phục vụ cho quyền lợi của những tập đoàn tư bản Mỹ.
Neil Sheehan - nhà báo Mỹ, một trong những người phanh phui Tài liệu mật Lầu Năm Góc ra trước công luận đã nhận định rằng: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”.
QUAN ĐIỂM CỦA CHÍNH QUYỀN VNCH.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu cũng đã từng phát biểu:
"Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!".
Trong bài viết "30/4/1975, Dương Văn Minh và tôi", Nguyễn Hữu Thái thuật lại lời Tổng thống Dương Văn Minh đã nói với ký giả Francois Vanuxem:
"Hết Tây (Pháp) rồi đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!".
Năm 2005, khi về VN và trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã nhận định rằng: "Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm "kép nhất". Vì vậy ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê."
Đại tướng Cao Văn Viên thì viết:
“Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm về cuộc chiến ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ làm theo họ mà thôi!”.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thì nói:
"Tôi nói thật, trong tất cả các đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ai mà Mỹ không ưa thì người ấy bị hất đổ ngay... Người Mỹ họ có đường lối của họ: đó là họ phải nắm chỉ huy ở miền Nam này. Họ chỉ huy trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới ngoại giao Mỹ đều nắm hết."
Nguyễn Văn Ngân, nguyên trợ lý đặc biệt của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, đã nhận xét:
"Người Mỹ đã thay thế Pháp với chính sách thực dân mới. Vào thế kỷ 19, người Pháp nhân danh khai hóa để khai thác tài nguyên thuộc địa, nay người Mỹ nhân danh dân chủ để khai thác xương máu người Việt trong việc thiết lập một "tiền đồn chống Cộng" tại Đông Nam Á. Người Mỹ đến Việt Nam không vì quyền lợi người Việt Nam mà vì quyền lợi người Mỹ. Nền dân chủ mà người Mỹ tán dương khi can thiệp vào Việt Nam là nền dân chủ được định nghĩa trong quyền lợi của Mỹ, một thứ phó sản được dùng làm bình phong để thực hiện chính sách chia để trị, thiết lập đạo quân thứ năm, khuyến khích tình trạng vô chính phủ, nội loạn… để dễ bề khuynh loát và khi cần thiết để thực hiện các cuộc đảo chính và ám sát lãnh tụ quốc gia bằng bàn tay của các tay sai bản xứ. Chính sách viện trợ hoàn toàn có tính cách tiêu thụ đã được sử dụng như lưỡi gươm Damoclès... chỉ nhằm mục đích làm tê liệt ý chí đề kháng và nô lệ hóa…"
(Còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !