Các phe phái chống cộng đều có một lập luận chung rằng: Chủ nghĩa xã hội là một ảo tưởng chỉ có chủ nghĩa tư bản là hiện thực vì vậy Việt Nam cần phải từ bỏ ảo tưởng và đi theo hiện thực. Hoặc tinh vi hơn thì sẽ sử dụng hình mẫu các nước Bắc Âu để nói rằng có một con đường thứ ba, kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ/nhân quyền, tạo ra hạnh phúc. Tóm lại, tất cả những gì cần thiết là đi theo chủ nghĩa tư bản dưới hình thức này hay hình thức khác.
Đối với các vị tư sản thì trước kia có lịch sử nhưng khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện thì lịch sử chấm hết. Loài người mãi mãi dừng lại chủ nghĩa tư bản. Hãy thử tưởng tượng, bạn quay về đế quốc La Mã và nói với họ rằng xã hội chiếm hữu nô lệ trên đỉnh cao văn minh nhân loại của họ sẽ bị các bộ tộc German dã man đánh bại và thay thế nó bằng một chế độ khác. Những người La Mã văn minh ấy sẽ trả lời bạn hệt như các vị tư sản ngày nay. Hoặc gần hơn nữa, hãy nhớ lại lập luận của các vị tư sản khi họ treo cổ đám vua chúa phong kiến lên, mặc dù đám vua chúa và quý tộc phong kiến đó giàu sang và có học hơn họ nhiều. Lúc đó nếu ai dám nói với họ rằng chế độ tư bản chỉ là ảo tưởng, chỉ có các triều đình phong kiến là hiện thực thì chỗ của người đó sẽ là trên giá treo cổ, bên cạnh vua chúa và quý tộc các loại.
Trước hết, chủ nghĩa xã hội không phải là ý tưởng kỳ quái từ đâu đó sinh ra, đó là quy luật của xã hội loài người, đó là quy luật của lịch sử, nó sinh ra khi chủ nghĩa tư bản đạt đến mức độ phát triển nhất định ngay chính trong lòng xã hội tư bản với tư cách là sự thay thế chế độ tư bản. Quy luật ấy sẽ phải được thể hiện bằng sự lựa chọn của một số quốc gia nhất định bởi vì chủ nghĩa tư bản đã củng cố và tạo ra các biên giới quốc gia thống nhất thay cho các lãnh địa phong kiến tản mạn xưa kia.
Tại sao người Việt Nam lựa chọn chủ nghĩa xã hội mà không chọn chủ nghĩa tư bản?
Chủ nghĩa tư bản phát triển đến mức độ nhất định tại một số quốc gia thì nó sẽ phá hoại những điều kiện phát triển bình thường tại một số quốc gia khác khiến cho những quốc gia bị phá hoại không thể phát triển lên chủ nghĩa tư bản được nữa. Nếu các ngài tư sản có nói với bạn rằng hãy chọn con đường tư bản để được ấm no thì bạn hãy chỉ cho các ngài ấy thấy ngoài Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản chưa từng thành công ở bất cứ đâu, đa phần các nước khác hoặc là đói nghèo lạc hậu hoặc phải sử dụng một thứ kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản với những quan hệ xã hội khác để tồn tại. Việt Nam là một nạn nhân của chủ nghĩa tư bản thời đại đế quốc, bom đạn, văn minh, dân chủ, nhân quyền phương Tây đã gần như đưa xứ sở của chúng ta về thời đồ đá, rất tiếc là họ không được như ý vì chúng ta đã tiến vào thời đại đồ nhôm. Con đường chủ nghĩa tư bản không hứa hẹn đem lại bất cứ thứ gì tốt đẹp cho chúng ta. Lịch sử đã không cho chúng ta chọn chủ nghĩa tư bản.
Kể từ khai sinh cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã đạt đến độ chín của nó. Hãy nhớ rằng khi La Mã bị người German dã man đánh bại thì La Mã phát triển hơn German rất nhiều, sở dĩ có điều đó là bởi vì chế độ chiếm hữu nô lệ của La Mã đã mất hết động lực phát triển và trở thành gánh nặng. Chủ nghĩa tư bản ngày nay cũng vậy, các nước tư bản vẫn giàu có hùng mạnh và có thể hùng hổ bắt nạt cả thế giới, nhưng trong căn nguyên của chủ nghĩa tư bản thì cái quan hệ sản xuất của nó đã lạc hậu và mất hết động lực phát triển. Xưa kia khi quan lại phong kiến cố gắng bám lấy chế độ phong kiến trước sự đe dọa của chủ nghĩa tư bản bằng những lý lẽ nào thì giờ các vị tư sản lại bám lấy chế độ tư bản bằng những lý lẽ y hệt. Lý trí sáng suốt nào lại cho phép chúng ta bám lấy những gì đang suy tàn mà từ bỏ cái mới tốt đẹp hơn đang hình thành. Không, chính lý trí đã giúp người Việt có được sự lựa chọn sáng suốt. Cũng cần phải nói thêm rằng nếu không có cái lý trí sáng suốt ấy thì người Việt Nam cũng như nước Việt Nam thậm chí còn không tồn tại. Nỗi nhục nước bị xóa tên trên bản đồ, người Việt phải nói tiếng Pháp thay cho tiếng mẹ đẻ chẳng phải là mới ngày hôm qua thôi sao?
Chủ nghĩa tư bản phát triển dựa trên quan hệ giữa các cá nhân độc lập với tư cách chủ sở hữu hàng hóa, quan hệ giữa họ là mua bán. Những phương thức sản xuất khác thì không dựa trên việc mua bán hàng hóa nên buộc phải dựa vào các mối quan hệ gia tộc, huyết thống và sự mở rộng nhất định của các thiết chế mang tính tập thể. Khi các chủ nghĩa tư bản phát triển thì Việt Nam mới ở vào giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến vì vậy các quan hệ xã hội và thiết chế mang tính tập thể của người Việt Nam vẫn còn rất mạnh. Chính yếu tố đó khi được trui rèn trong lò lửa của cách mạng vô sản và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc suốt nửa sau thế kỷ 20 đã nuôi dưỡng trong lòng xã hội Việt Nam cái hạt nhân mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội. Lý trí của người Việt bắt nguồn từ hiện thực của người Việt chứ không phải là một ảo tưởng sùng bái vĩ nhân hay học thuyết ngoại lai nào đó.
Nói tóm lại, lịch sử đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam vì trong lòng xã hội Việt Nam đã mang sẵn những mầm mống của nó, cho dù nước Việt Nam vẫn còn chưa được giàu mạnh. Hãy nhìn lại lịch sử! Chẳng phải các bộ tộc người German dã man đã đánh bại La Mã thần thánh đó sao? Chẳng phải thương nhân Hà Lan đã đánh bại cả triều đình Habsburg lẫn đế quốc Tây Ban Nha hùng mạnh để giành độc lập sau 80 năm kháng chiến gian khổ ngay giữa lúc chế độ phong kiến châu Âu đạt tới đỉnh cao đó sao? Cần phải nói thêm rằng cũng chính người Hà Lan đã đưa William Orange lên ngai vàng nước Anh (để tìm đồng minh chống lại Tây Ban Nha), mở đường cho nước Anh rệu rã sau này trở thành đế quốc của thời đại tư bản.
Một hình thành xã hội tư sản thì giai cấp tư sản của nó phải đủ mạnh, nhưng chính bản thân giai cấp tư sản ở Việt Nam lại chưa bao giờ đủ mạnh và độc lập. Giai cấp tư sản Việt Nam hình thành nhờ vào vai trò trung gian giữa đế quốc và người bản địa, thế nên dưới chế độ thuộc địa thì giai cấp tư sản lệ thuộc vào đế quốc. Khi chế độ thuộc địa bị đập tan thì giai cấp tư sản cũng nhanh chóng tan rã, những mảnh còn lại của nó buộc phải bám lấy giới tiểu thương thành thị, nông dân giàu và trí thức. Sau này, khi kinh tế thị trường được phát triển trở lại ở Việt Nam, giai cấp tư sản bắt đầu hồi phục, nhưng vì không có truyền thống thống trị độc lập nên hệ tư tưởng của giai cấp này cũng không độc lập, nó phân tán và chịu đủ sự chi phối từ các tầng lớp khác, khi phải đối mặt với sự tổ chức và tính kỷ luật đã được rèn rũa bằng cách mạng của giai cấp vô sản thì nó hoàn toàn bất lực. Chính hoàn cảnh này đã phản ánh vào tâm thức của một bộ phận tầng lớp trí thức ở Việt Nam. Trên thực tế họ là cái loa của giai cấp tư sản do đã bị tư sản hóa, do những mảnh của giai cấp tư sản ẩn náu trong họ. Sự yếu đuối bế tắc, không có tư tưởng độc lập của giai cấp tư sản được thể hiện thành những luận điệu lải nhải về sự ngu dốt thấp kém của người Việt nói chung, mặc dù đó thực ra là của giai cấp tư sản Việt Nam.
Chính người lao động Việt Nam đã chứng minh được trí tuệ và bản lĩnh của họ trong suốt nửa thế kỷ qua, chính những người nông dân chân lấm tay bùn, những người thợ nhem nhuốc dầu mỡ, những anh giáo làng nhút nhát đã bằng chính đôi tay của mình quật ngã những đế quốc sừng sỏ nhất của thế kỷ 20, ngay giữa thời đại phát triển thịnh vượng nhất của họ. Đó chẳng phải bản lĩnh và trí tuệ đó sao? Để làm được điều đó thì chẳng phải cần đến sự tổ chức cũng như kỷ luật sắt đá đó sao? Hãy nhớ rằng đó là kỷ luật của cái chết, còn cao hơn kỷ luật của ngọn roi cá đuối thời đại chiếm hữu nô lệ và kỷ luật của cái đói trong chế độ tư bản! Thật nực cười khi nói rằng người Việt Nam không biết tổ chức cũng như không có kỷ luật. Giai cấp vô sản Việt Nam hình thành chậm hơn và thiếu sự phát triển hơn so với giai cấp vô sản ở các nước tư bản nhưng họ mang trong mình hạt nhân cách mạng mà ít có giai cấp vô sản ở các quốc gia có được, đó là lý do khiến nước Việt Nam vẫn còn đứng vững cho đến nay.
Hoàn cảnh lịch sử ấy cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã đẩy xã hội Việt Nam vào một giai đoạn đặc biệt đáng chú ý trong lịch sử, có thể gọi nôm là "đánh võ mồm" hay "bàn phím chiến".
Sợ hãi trước trí tuệ và bản lĩnh của người Việt, giai cấp tư sản cũng như những kẻ tay sai của họ không ngừng tìm cách bôi nhọ người Việt Nam (nực cười thay, khi đó họ không xem bản thân là người Việt, hệt như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại). Họ không ngừng lôi ra những cái gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam và so sánh với những gì gọi là văn minh, tốt đẹp của phương Tây (theo chủ nghĩa tư bản). Chuyện này đã khiến rất nhiều người bị nhầm lẫn. Nhưng hãy hình dung bằng một ví dụ đơn giản, một đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, bố mẹ nó không khá giả lắm thì sẽ mua cho nó bộ quần áo rộng một chút để nó có thể mặc được lâu. Đứa bé mặc bộ quần áo rộng thùng thình thì sẽ rất xấu, không thể so sánh với những đứa bé con nhà giàu mặc bộ quần áo vừa vặn được. Nhưng những người hiểu biết liệu có chê bai chế nhạo đứa bé kia về bộ quần áo rộng và bộ dạng chả mấy đẹp đẽ của nó không? Chắc chắn không có người hiểu biết nào lại làm cái điều ngớ ngẩn đó. Xã hội Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nó tạo ra hàng sa số những xung đột giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, hàng sa số những vấn đề mà hiện tại không có cách nào giải quyết được, nhất là khi các điều kiện cần thiết để giải quyết chúng chưa xuất hiện. Những hiện tượng đó cho thấy xã hội Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng. Tranh luận và cãi cọ về những thứ đó chỉ tốn thời gian và chẳng đem lại lợi ích gì. Thậm chí chính tư duy cái bộ phận dân cư không ngừng nguyền rủa và hạ nhục người Việt kia cũng là sản phẩm của hoàn cảnh ấy, nó thể hiện sự bất lực và thiếu hiểu biết của họ trước những xung đột xã hội và nó cũng sẽ tan biến khi những xung đột ấy chấm dứt. Ở đây lý trí của người vô sản bình thường sẽ mách bảo cho bạn biết rằng những gì bạn cần làm lúc này là chọn xem vấn đề nào giải quyết được và giải quyết vấn đề đó chứ không phải đứng đó gào thét và chửi bới cái mớ hỗn độn quanh bạn.
Cần phải trả lời cái luận điệu "Phương Tây là văn minh và tốt đẹp, hãy học họ để văn minh và tốt đẹp chứ đừng biện minh cho bản thân bằng những vấn đề của họ" ra sao? Rất đơn giản, luận điểm đó dựa trên hai giả định, thứ nhất là phương Tây văn minh tốt đẹp hơn Việt Nam, thứ hai là những cái văn minh và tốt đẹp ấy không gắn liền với các vấn đề của họ. Điều thứ nhất bạn có thể chứng minh rằng đó là tâm thức của những kẻ nô lệ, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy phương Tây văn minh tốt đẹp hơn và phải "Thoát Á" hay "Thoát Trung", đó là điều nhảm nhí. Cái tâm thức ấy rất điển hình của giai cấp tư sản và một bộ phận trí thức Việt Nam, họ làm trung gian giữa các đế quốc phương Tây và người Việt thế nên sự siêu việt của văn minh phương Tây đảm bảo cho địa vị đặc quyền của họ và do đó họ sẽ phủ nhận mọi sự tốt đẹp của người Việt (vì điều đó đe dọa địa vị của họ). Phần thứ hai cũng có thể chứng minh đơn giản, các vấn đề của phương Tây gắn liền với những cái gọi là văn minh và tốt đẹp của phương Tây, đi theo con đường của phương Tây (hay chủ nghĩa tư bản) là chấp nhận những thứ đó. Hãy vạch mặt giai cấp tư sản và tay sai của giai cấp tư sản bằng cách ấy. Hãy hiểu rằng cái mà giai cấp tư sản Việt Nam muốn là chủ nghĩa tư bản phương Tây, còn tất cả những gì tệ hại như thất nghiệp, bần cùng, tội phạm, tàn phá môi trường, khủng hoảng kinh tế, sự tha hóa của nhân cách thì giai cấp vô sản sẽ phải gánh chịu, thế nên chúng sẽ luôn phớt lờ những mặt trái của xã hội phương Tây để ca ngợi những thứ phù hợp với lợi ích của chúng. Hãy luôn nhớ rằng giai cấp công nhân và nông dân sẽ phải gánh chịu toàn bộ những thảm họa đó, nếu giai cấp tư sản thành công trong việc thay đổi hướng đi của đất nước này.