THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO: HÃY VIẾT BÀI VỚI DANH DỰ CỦA CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Nhân dịp Trại hè Việt Nam 2013, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam đã có một số phát biểu và nhận định liên quan tới những cuộc biểu tình, phản đối chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ. Một số cơ quan truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại, đặc biệt là đài BBC và đài VOA ngay sau đó đã đề cập đến những phát biểu này của ông Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng ông đã nói “Người Việt hải ngoại đi biểu tình chỉ vì hận thù và thu nhập”. Phố BolsaTV đã có dịp tiếp xúc, phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tại sở ngoại vụ TP Hồ Chí Minh liên quan đến sự việc này.
-----------------------------
PV: Không biết TT Nguyễn Thanh Sơn hay văn phòng của ông đã theo dõi những bài báo đó chưa? Và ý kiến của ông về vấn đề này?
TT: Trước hết tôi chỉ nói là chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Hoa Kỳ đã rất thắng lợi. Nó đặt một mốc mới rất quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ. Ta có thể nói nhìn về quá khứ đau buồn trước đây thì hai nước từng là cựu thù của nhau. Đến tận bây giờ nhân dân Việt Nam vẫn phải gánh chịu một hậu quả hết sức to lớn do đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Đó là tàn dư phá hoại của chất độc da cam Dioxin. Trong tình trạng vẫn có hàng triệu người VN phải chịu đau thương như vậy mà chúng ta vẫn sẵn sàng khép lại một quá khứ đau thương đó để tiến tới hoà bình hữu nghị và hoà nhập với Thế giới. Đây là xu hướng chung của trào lưu quốc tế.
Chiến tranh đã kết thúc, chân lí đã thắng lợi, hai miền Nam Bắc đã thu về một mối. Những người Cộng sản đã có công thống nhất đất nước, đã làm nên những trang sử rất vẻ vang ( Chính cựu nguyên thủ của VNCH trước đây, ông Nguyễn Cao KỲ đã thừa nhận những việc đó). Những người Cộng sản đã dẫn đắt đất nước ngày càng đi lên, ngày càng tươi đẹp. Còn khó khăn thì nơi nào cũng có (nước Mỹ cũng có không riêng gì Việt Nam). Nếu là khó khăn kinh tế thì tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm gánh vác để cùng nhau phát triển bền vững.
Về một số bình luận của BBC trong bài phát biểu của tôi, trước hết tôi phải nói, đã là cơ quan truyền thông, nhất là cơ quan truyền thông có tiếng như BBC (tôi không nói chung BBC. Có lẽ xưa nay chỉ có ban Việt ngữ BBC đôi khi có những cái “giật tít” như vậy). Đã có tiếng thì anh phải giữ cái uy tín của một cơ quan truyền thông hàng đầu. Anh đưa thông tin phải trung thật, phải khách quan, lành mạnh, không thiên lệch. Anh giật cái tít như vậy là không đúng với mục đích trả lời phỏng vấn của tôi. Tôi nói một số lượng rất nhỏ người Việt Nam còn lại trong cộng đồng gần 4 triệu rưỡi người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó ở Hoa Kỳ vẫn còn tư tưởng hận thù. Số còn tư tưởng đi ngược lại với lợi ích của đất nước còn ít thôi. (Bây giờ đa số các bác đều đã lớn tuổi cả.) Số ít ấy không muốn hiểu tình hình đất nước thật chất ra sao, không muốn nghe thông tin hai chiều và cố tình quên đi vị thế uy tín của đất nước VN. Những người cố tình không thấy một chân lí là VN đã thay đổi một cách cơ bản ấy rõ ràng là còn nuôi tư tưởng hận thù.
Điều thứ hai, trong rất nhiều người về Việt Nam chúng tôi đã gặp, rất nhiều người tham gia các cuộc biểu tình trước đây phản đối chuyến đi thăm của nguyên CTN Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Kỳ năm 2007. Chúng tôi hỏi một số người tham gia biểu tình như thế để làm gì. Họ bảo “Đi là để kiếm thêm vài ba chục dollar. Họ phát tiền, cho tiền thì tại sao không đi?”. Trong thâm tâm họ thực chất đâu có phản đối việc này.
Tôi đã gặp một số doanh nghiệp người VN ở Mỹ vừa qua có cho tôi biết là có một số tổ chức cực đoan kêu gọi quyên góp tiền để tổ chức hoạt động biểu tình chống phá CTN Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ. Nhiều doanh nhân nói với tôi rằng họ sẽ không đóng góp bởi vì đó là những hoạt động phi nghĩa, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Tôi cho rằng đó là những hành động đúng đắn. Điều này thể hiện một sự chống đối yếu ớt và tôi chân thành kêu gọi các quý vị còn nuôi tư tưởng hận thù cần phải dủng cảm nhìn thẳng vào sự thật rằng, đã 40 năm nay quý vị thực hiện chiêu bài này đã đạt được cái gì. Trong khi Việt Nam càng ngày càng đi lên thì quý vị chỉ làm tổn hại sức khoẻ cùng uy tín của bản thần mình.
Giá như 38 năm nay, chúng ta cùng nhau xoá bỏ quá khứ, hướng về tương lai. Việt Nam và Mỹ còn có thể xoá bỏ một quá khứ như vậy thì tại sao người VN chúng ta thừa truyền thống hết sức nhân đạo mà không làm được. Cách tốt nhất là nghĩ đến hoà hợp hoà giải, nghĩ đến vị thế của đất nước VN trong tương lai, một VN phồn thịnh, sánh vai các cường quốc để không làm hổ thẹn tổ tiên ông bà chúng ta.
Cho nên tôi thấy rằng, vừa qua đài BBC có đưa bài viết với một tít giật không xứng tầm với một cuộc viếng thăm của nguyên thủ đất nước, cũng như với uy tín của một đài truyền thông lớn. Có những bài viết kích động, chỉ “đổ dầu vào lửa” thì cũng chả đem lại lợi ích gì cho những quý vị nuôi tư tưởng hận thù, chả ảnh hưởng gì đến uy tín của đất nước VN, cũng ko ảnh hưởng gì đến chuyên thăm Hoa Kỳ của CTN Trương Tấn Sang, mà ảnh hưởng trước mắt là làm tổn hại uy tín của chính cơ quan truyền thông đó.
PV: Nói về khả năng đóng góp của Việt Kiều từ hải ngoại về trong nước, mới đây ông Hoàng Tứ Duy là phát ngôn viên của Việt Tân đã nói rằng: “Trong điều kiện hiện nay của VN sẽ rất khó cho những người quen sống ở bên ngoài về đóng góp một cách lâu dài. Do đó cần một sự thay đổi nào đó về mặt chính trị...”. Ông có thể phát biểu ý kiến của ông về chính sách thu hút đầu tư của VN hiện nay?
TT: Trước hết nói về mặt thuận lợi, các chính sách đầu tư cho doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài hay cho người nước ngoài hiện nay đã có những sự thay đổi rõ rệt. Chúng tôi xem người nước ngoài vào đầu tư trong nước như những nhà đầu tư trong nước. Trong nghị quyết 36 của Đảng đã quy định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời đối với đất nước VN. Trong những năm vừa qua, bà con cô bác đã có những đầu tư lớn về trong nước, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng. Tất nhiên chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Nhà nước cải cách, tinh giảm các thủ tục hành chính.
Còn về vấn đề thay đổi thể chế hay không thì quý vị bà còn đã quá rõ. VN hiện nay là thành viên của Asean, VN vẫn do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Chúng ta vẫn một Đảng nhưng VN vẫn hội nhập với quốc tế, vẫn chơi các sân chơi ngang ngửa với bạn bè quốc tế có thể chế chính trị khác nhau. Trong Asean với các thành viên có thể chế chính trị khác nhau nhưng VN vẫn được các nước tín nhiệm, là thành viên trụ cột của Asean. Tôi cho rằng thể chế không ảnh hưởng nhiều đến hợp tác và hội nhập quốc tế. Bản thân Đảng CS VN đã đổi mới tư duy, mong muốn giao lưu với tất cả các nước muốn làm bạn với VN.
Một vấn đề khác là rất nhiều nhà hoạt động chính trị, thậm chí cách đây không lâu ông Hoàng Duy Hùng là một trong những thủ lĩnh chống cộng cực đoan ở Huston đã về VN, đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kĩ từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi mời ông đi tham quan rất nhiều những công trình văn hoá, khoa học, y tế, giáo dục,... Và ông đã khẳng định trong cuộc họp báo sau khi ông rời VN về Mỹ rằng, không nhất thiết cứ phải đa đảng thì mới có dân chủ, và dân chủ thì phải có đa đảng. Tôi cho điều đó hết sức đúng đắn. Thậm chí so sánh dân chủ ở Mỹ với VN thì còn chưa biết ở đâu là hơn ở đâu. Ở Mỹ không có quyền phản đối cảnh sát khi cảnh sát dừng xe lại hỏi, anh chỉ biết chấp hành và nộp phạt. Nhưng ở VN người dân có quyền chất vấn cảnh sát. “Tôi phạm luật gì, lỗi gì, tại sao dừng xe tôi?”. Để có thể phạt một hoá đơn vi phạm giao thông thôi mà cảnh sát phải trả lời rất nhiều câu hỏi của dân. Vậy thì có dân chủ hay không dân chủ?
Hoặc về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Các anh đã chứng kiến rất nhiều các đại lễ cầu siêu ở nhiều nơi như ở nhà thờ Hàm Long . Khi xe cộ của các tín đồ tràn ngập xuống lòng đường gây mất trật tự an toàn giao thông nhưng cũng không có phóng viên nào quay được một bóng cảnh sát đến để “xua đuổi, đàn áp” các buổi lễ hội hay tự do cầu nguyện, tâm linh tín ngưỡng trong tôn giáo.
Tôi cho rằng chúng ta so sáng cũng cần khách quan, dựa trên cơ sở thực tế, dựa trên cơ sở cái nhìn nhận của người dân trong đời sống hàng ngày. Chứ không phải chúng ta ngồi bên này Thái bình Dương, chúng ta so sánh phía bên kia Thái bình Dương, mà lại so sánh theo thông tin một chiều. Những suy nghĩ như thế luôn kèm theo tư tưởng phải thay đổi thể chế. Tôi nghĩ không cần thiết vì nhiều quốc gia hiện nay phát triển, hội nhập rất tốt mà cũng chỉ có một đảng lãnh đạo. Tôi cho rằng thể chế nào, chế độ nào, chính quyền nào cũng chăm lo cho đời sống của người dân. Vấn đề là đất nước có thật sự đi lên, phát triển hay không.
Chúng ta so sánh từ năm 1975 ,từ một đất nước bị tàn phá, sán phẳng mà đến bây giờ đi đâu Bắc vào Nam cũng thấy đồng ruộng xanh tươi. Tốc độ đô thị hoá, mức sống phải nói là tăng lên rất nhanh. Sài Gòn hiện tại không chỉ là Hòn ngọc viễn đông như những năm 70 trước đâu mà đã trở thành hòn ngọc của cả khu vực, của cả châu Á. Nhiều kiều bào về nước còn nói Sài Gòn bây giờ có thể so sánh với của Singapore, Malaisia... Thế như vậy đất nước không phải là đi xuống. Như vậy có thể thấy rằng, thể chế nào cũng như thể chế nào, miễn là đất nước độc lập, tự do, dân ấm no, hạnh phúc thì đấy là thể chế được nhân dân tín nhiệm và ủng hộ.
PV: Sau chuyến thăm của CTN Trương Tấn Sang và những phát biểu của TT Nguyễn Thanh Sơn, chắc chắn sẽ còn những ý kiến bình luận trong những ngày tới. Trước khi chấm dứt buổi phỏng vấn, ông có thể chia sẻ ý kiến về vần đề này?
TT: Tôi trước hết rất cảm ơn Phố BolsaTV và một số cơ quan truyền thông khác tại hải ngoại. Tôi đánh giá cao sự trung thực, khách quan của các vị, đặc biệt là Phố BolsaTV, Việt Weekly,... Tôi chắc chắn là không có đặc ân gì dàn cho Phố BolsaTV, và Phố BolsaTV cũng không chịu ảnh hưởng, áp đặt gì của các cơ quan trong nước. Cho nên tôi mong rằng các bài viết, phóng sự của quý vị, đặc biệt là các cơ quan thông tấn có tiếng trên thế giới nên giữ uy tín của chính mình, giữ uy tín của hãng mình, giữ uy tín của chính bản thân người viết.
Tôi chỉ mong quý vị hai vấn đề cơ bản. Đó là những thông tin quý vị đưa phải trung thực, bài viết quý vị đưa phải rất khách quan. Chúng tôi không yêu cầu các cơ quan truyền thông người Việt ở hải ngoại phải tô son điểm phấn gì cho thực tế đất nước, cho cá nhân tôi hay bất cứ cá nhân nào, kể cả các vị lãnh đạo mà là sự thật rõ ràng, điều quý vị thấy hàng ngày ở đất nước Việt Nam. Một lần nữa, tôi kêu gọi quý vị hãy hết sức trung thực, khách quan, viết bài với danh dự của chính bản thân mình, với uy tín của hãng truyền thông mình, hãy nên có những bài viết, phóng sự đưa các quốc gia xích lại gần với nhau, các dân tộc khác nhau đều nối một vòng tay lớn thì sẽ có một thế giới hoà bình, phồn thịnh và phát triển./.
----------------
Nguồn: Phố BolsaTV
Ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !