Dù được mệnh danh là kinh đô điện ảnh thế giới, nhưng các bộ phim của Hollywood từ xưa đến nay vẫn mắc phải những sai lầm và những dấu hiệu đặc trưng của điện ảnh mà có thể nói là hạt sạn làm chất lượng của bộ phim trở nên kém đi, dễ đoán hoặc gây hiểu sai về nhiều lĩnh vực.
_Kẻ xấu trong phim thường đến từ Nga – hoặc mang cái tên giống Nga (Hawaii Five-O, Big Mommas: Like Father Like Son…), các nước xã hội chủ nghĩa hoặc từng là xã hội chủ nghĩa hoặc từng ở trong liên bang 15 nước cộng hòa của Liên Xô trước kia như Ukraina (24 – season 8 ), Trung Quốc, Triều Tiên (Stealth, Red dawn 2012, Olympus has fallen…), Việt Nam (Rambo: First blood part 2), Cu Ba (Bad boys II)… Ngoài ra kẻ xấu còn có thể là những kẻ thù cũ trong lịch sử nước Mỹ như Đức Quốc Xã, Đế quốc Nhật Bản, đế quốc Anh (The patriot)…, các nước Hồi giáo Trung Đông như Irag, Iran, Afghanistan… (Homeland, Green zone…) các nước Mỹ Latin khác (The Alamo). Riêng Liên Xô và con người Xô Viết được miêu tả trong các bộ phim Hollywood thì không bao giờ là tốt cả.
_15 nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô ngày xưa có ngôn ngữ riêng, nhưng khi kẻ xấu đến từ các nước này lên phim vẫn nói tiếng Nga???
_Kẻ xấu bao giờ đánh nhau với phe Mỹ cũng dùng AK-47 và những loại vũ khí thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Còn nếu kẻ xấu dùng vũ khí của bên tư bản thì sẽ chiến thắng quân Mỹ, đặc vụ Mỹ ở hiệp đầu, đợi đến hiệp 2 bị đánh bại lại (Air force One, Olympus has fallen).
_Kẻ xấu khi bắn hạ nhân vật chính hoặc người hùng thường không chịu kiểm tra xem nạn nhân đã chết hay chưa, cũng không thắc mắc là tại sao không có máu chảy ra. Kết quả người hùng tỉnh dậy do viên đạn găm vào đồng hồ quả lắc gài trong áo và đánh nhau với kẻ xấu tiếp (White House down).
_Người hùng bao giờ cũng là người Mỹ hoặc ít ra cũng phải biết nói tiếng Anh. Kẻ xấu có thể cũng biết nói tiếng Anh hoặc có khi không cần mà chỉ cần độc ác và bị tiêu diệt.
_Người hùng Mỹ có thể đột lao thẳng vào hàng ngũ lính Việt Nam dùng súng máy bắn hạ họ trong khi lính Việt Nam cũng bắn nhưng không trúng người hùng Mỹ 1 phát nào (Rambo: First blood part 2, Missing in Action, Missing in Action 2: The Beginning, Braddock: Missing in Action III). Từ đó trở đi trong các phim hành động của Hollywood, kẻ xấu bắn rất nhiều nhưng ít khi trúng người hùng, người hùng có trúng đạn thì cũng chỉ bị thương và được cứu thoát, còn kẻ xấu thì chết cả loạt sau khi người hùng bắn vài phát (The expendables, The expendables 2…)
_Trong các bộ phim chiến tranh, lính Mỹ và đồng minh chết rất ít trong khi kẻ địch chết rất nhiều. Kẻ địch khi đánh nhau với quân Mỹ bao giờ cũng áp đảo quân Mỹ về quân số, dùng chiến thuật biển người, kết thúc là quân Mỹ may mắn được không quân và bộ binh đến cứu viện và chiến thắng. (We were soldiers, The Pacific, The bridges at Toko-Ri, Saing private Ryan, Band of brothers, Starship troopers…). Riêng quân đội Liên Xô trong phim Hollywood bao giờ cũng dùng chiến thuật biển người và bị phe Mujahideen lẫn quân Đức Quốc Xã tiêu diệt (Enemies at gate, Rambo III…).
_Khi một đám đông kẻ xấu bao vây một người hùng, từng tên sẽ lao vào lần lượt đánh nhau với người hùng, bị đánh bại và tên khác xông lên tiếp cho đến khi tất cả bị hạ và người hùng trốn thoát.
_Khi gã lái ô tô, tàu hỏa, tàu điện ngầm, tàu thủy, máy bay… mà trở nên vô dụng hoặc có ý đồ chống cự hay báo nguy, kẻ xấu sẵn sàng ra tay giết luôn(Olympus has fallen). Ô hay, vậy ai lái bây giờ? Khỏi lo vì con tàu đó có chế độ lái tự động (Speed, xXx: State of the Union) hoặc kẻ xấu có người lái hộ (The Taking of Pelham 1 2 3, Air force One).
_Trong các bộ phim khoa học viễn tưởng về vũ trụ như Babylon, Star trek, Starship trooper… trong tàu và trạm không gian bao giờ cũng có trọng lực, thức ăn nằm yên trên đĩa, đồ uống không hóa thành những quả cầu lơ lửng. Có thể giải thích rằng trong những con tàu này có khả năng tạo trọng lực, hoặc vì cảnh phim quay trên Trái Đất.
_Nhân vật chính (người hùng hoặc kẻ xấu) trong các phim hành động và chiến tranh có thể xả đạn liên tục đến hàng chục, hàng trăm phát mà rất ít hoặc không cần ngừng để nạp lại dù băng đạn đôi khi chỉ có 30 viên hoặc ít hơn (Saving private Ryan, Scarface, Band of brothers…). Bên cạnh đó, các khẩu súng máy có thể bắn liên tục trong thời gian dài mà không bị nóng nòng.
_Kẻ xấu khi bắt giữ được người hùng (luôn có màn tra tấn) bao giờ cũng tiết lộ kế hoạch của chúng, người hùng sau đó thoát được hoặc được giải cứu liền lần theo kế hoạch của kẻ xấu để chặn chúng lại.
_Khi một chiếc máy bay rơi do hỏng hóc, mọi thứ và mọi người bên trong bị quay tròn nhào lộn lung tung mà không bị lơ lửng do rơi vào tình trạng vô trọng lực.
_Người hùng có thể dùng chân đạp bung cửa hoặc lao cả thân mình vào húc đổ cánh cửa (thường làm bằng gỗ). Trong khi đó lũ quái vật và zombie sẽ phải mất một lúc và tông vào cánh cửa liên tục mà chưa chắc nó đã đổ.
_Sau khi tiêu diệt một kẻ xấu hoặc một con quái vật, nếu không có cảnh sát đến thì đừng ăn mừng vội vì kẻ xấu hoặc con quái vật có thể còn sống và sẵn sàng tấn công người hùng tiếp. Còn khi đã có cảnh sát hoặc tiếng còi hú xuất hiện thì có thể đảm bảo quái vật hoặc kẻ xấu đã chết.
_Nếu động cơ của một phương tiện trục trặc, người hùng chỉ cần đập vào nó vài lần thật mạnh là nó chạy lại ngay (Armageddon, Judge Dredd…).
_Trong phim Armageddon, một con tàu vũ trụ đâm vào một mảnh thiên thạch và bị hỏng hóc hoàn toàn, một số phi hành gia bên trong đã chết, ôxi đã bị thoát hết ra ngoài nhưng bên trong tàu vẫn có lửa cháy âm ỉ. Các nhà làm phim cho rằng phải có lửa cháy thì mới diễn tả được cảnh tàn phá chăng?
_Quân đội Mỹ luôn thắng trong mọi trận đánh, đỉnh cao của sự dối trá này là trong phim We were soldiers khi vài trăm quân Mỹ phản công tiêu diệt hơn 2000 quân Việt Nam mà chỉ chết có vài chục người trong trận Ia Drang (trong trận đánh Ia Drang không có đợt phản công nào của quân Mỹ, quân số Việt Nam gấp đôi quân số Mỹ còn tỉ lệ thương vong của hai bên là 2 Việt 1 Mỹ). Chỉ có trong trận Mondigashu được mô tả trong phim Black Hawk down thì quân Mỹ bị quân Somali đánh bại thật và được đoàn xe bọc thép đến giải vây, mà những bộ phim như vậy rất hiếm.
_Trong các phim hành động, nhất là phim võ thuật, những nhân vật gốc Á hoặc có khuôn mặt giống châu Á bao giờ cũng mang những cái tên giống Trung Quốc và luôn biết đánh võ.
_Trong phim Olympus has fallen, đặc công Triều Tiên thực hiện cuộc tấn công cảm tử khá thành công và chiếm được Nhà Trắng, nhưng trong cuộc tấn công đó chẳng có mấy chiến sĩ đặc công nào chịu canh phòng sau lưng và bên sườn, tạo điều kiện để đặc vụ Mike Banning dễ dàng tấn công từ đằng sau và tạt sườn số quân Triều Tiên đang tiến vào Nhà Trắng. Đây thực sự là một lỗi lầm không thể tha thứ trong bất kỳ đội quân chuyên nghiệp nào, nhất là với đội quân có khả năng chiếm được Nhà Trắng, hoặc là Hollywood cố tình làm vậy để Mike Banning trở thành người hùng nước Mỹ.
_Cũng trong phim Olympus has fallen, khi Kang Yeonsak định xử tử bộ trưởng quốc phòng McMillan, Mike Banning phục sẵn ở cầu thang nhưng không bắn Kang là tên trùm mà đi bắn hạ bọn tay chân xung quanh. Kết quả là Kang chạy thoát dù người của hắn bị hạ hết. Chưa hết, khi hạ gục được Forbes, Mike Banning yêu cầu Forbes đang hấp hối lừa Kang Yeonsak rằng mình đã chết, nhưng Kang lại quá chủ quan không yêu cầu Forbes mang xác, đầu hay ảnh xác chết của Mike về để chứng minh.
_Khi kẻ xấu dồn được người hùng vào chân tường, chúng không ra tay kết liễu người hùng ngay mà còn nói một câu thoại để gây ấn tượng. Kết quả là người hùng kịp thời vớ lấy vũ khí nào đó để đánh lại hoặc được đồng đội cứu (The Matrix, Van Helsing, Live Free or Die Hard…).
_Cả kẻ xấu và người hùng đều không vượt qua được ải mỹ nhân, dễ bị người đẹp chinh phục và chuốc họa vào thân. Thường các cô gái làm công việc này có mái tóc vàng (Indiana Jones and the Last Crusade, Terminator Sarah Connor chronicles, Fast 5, Die another day, Dark Knight rises…). Các cô gái tóc vàng thậm chí còn có sức mạnh quyến rũ được cả quái vật lẫn zombie (King Kong, Warm bodies…)
_Người hùng đến nơi nào thì ở nơi đó luôn có người biết nói tiếng Anh, 2 người Liên Xô/Nga cũng nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Thậm chí người ngoài hành tinh cũng nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. (Hawaii 5-0, Air Force One is down, The expendables, The expendables 2, Braddock: Missing in Action III, Transformers, The Avengers, Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull, Thor…).
_Trong một nhóm người nếu có một người da đen, da vàng, Mỹ Latin mà không phải là nhân vật chính trong một bộ phim hành động hoặc kinh dị, người đó thường là nạn nhân đầu tiên hoặc phải chịu một cái chết đầy đau đớn (Shark night 3D, Anaconda…).
_Trong năm 2013 có 3 bộ phim về việc Nhà Trắng bị tấn công, tính mạng tổng thống Mỹ bị đe dọa là G.I. Joe: Retaliation, Olympus has fallen và White House Down). Đặc điểm chung dễ đoán là người giải cứu tổng thống luôn là những sĩ quan an ninh, nhân viên mật vụ có nguồn gốc từ quân đội với khả năng đánh bại cả trăm kẻ địch mà chỉ bị xây sát đôi chút. Thật kỳ lạ khi một đội quân chuyên nghiệp được tổ chức tốt, có khả năng đánh chiếm Nhà Trắng, tiêu diệt toàn bộ lực lượng mật vụ bảo vệ tổng thống mà không thể đánh bại nổi kẻ địch duy nhất còn sót lại trên chiến trường.
_Cả người hùng và kẻ xấu khi thấy bạn gái, người thân, đồng đội của mình bị đe dọa đều ngoan ngoãn không kháng cự, đầu hàng kẻ địch, thậm chí để chúng điều khiển. Có những trường hợp hiếm hoi như Morpheus nổ súng để cứu Trinity trong Matrix: Reloaded. Jack Traven bắn vào chân Harry Temple để cứu anh ta khỏi bị bắt con tin trong Speed. Harry Tasker bắn hạ tên khủng bố để cứu vợ trong True Lies.
_Khi bắt được người hùng, kẻ xấu có thể tra tấn, hành hạ cả về tinh thần và thể xác của người hùng, nhưng khi chúng ra khỏi đó thì người hùng lại lấy được bất kỳ dụng cụ, vũ khí hoặc phương tiện liên lạc ra khỏi một chỗ giấu kín trên người để thoát ra. Có lẽ bọn kẻ xấu không biết khái niệm lục soát kỹ lưỡng là gì. (Taken 2).
_Những Kẻ Hủy Diệt trong chùm phim nổi tiếng Kẻ Hủy Diệt bao giờ cũng xông trực diện vào cửa trước, điều đó khiến cho quân Kháng Chiến người có khả năng đạt bẫy phục kích hạ gục chúng. Có vẻ như những cỗ máy này có khả năng quét thấy người ẩn nấp nhưng không đủ thông minh để phát hiện ra bẫy.
_Khi người ngoài hành tinh đến Trái Đất, nếu thân thiện thì chúng sẽ gặp con người gần nhất và nói: “Đưa ta đến gặp thủ lĩnh của các ngươi!”. Còn nếu không thân thiện thì đến là chiến luôn, bắn phá hủy diệt cả Trái Đất (The independent day, The darkest hours…).
_Hollywood luôn miêu tả Triều Tiên là nghèo khổ, dân chết đói hàng loạt nhưng lại có đủ sức mạnh để xâm lược Mỹ và chả thấy đả động gì đến việc giải phóng miền nam còn đang bị chia cắt (Red dawn 2012).
_Người hùng có thể dùng súng ngắn bắn hạ một tên bắn tỉa dùng kính ngắm hồng ngoại trong môi trường tối mà không cần tính khoảng cách, tính gió và điểm rơi của đạn (The sinper).
_Lính bắn tỉa của Hollywood đôi khi bắn một mình mà không cần có spotter để xác định mục tiêu, tính khoảng cách và hướng gió mà vẫn trăm phát trăm trúng. Trong thực tế lính bắn tỉa chuyên nghiệp hoạt động theo nhóm 5-6 người: một người bắn, một người phát hiện mục tiêu, những người còn lại cảnh giới hai bên và đằng sau (The shooter, The expendables 2).
_Nếu người hùng và kẻ xấu cùng lạc vào một nơi tối tăm, kẻ xấu dùng kính nhìn đêm mà chả thấy người hùng đâu, còn người hùng thì nấp một chỗ và phục kích thành công kẻ xấu mà không cần kính nhìn đêm.
_Chiếc xe của người hùng dù xơi cả trăm viên đạn vẫn lao đi vun vút đuổi theo kẻ xấu hoặc chạy thoát khỏi chúng, dù cho vỏ xe ở nắp bơm xăng và động cơ đã thủng lỗ chỗ (The marine).
_Trong các cuộc đấu súng hoặc truy đuổi với kẻ xấu (thậm chí là cả người hùng), xe cảnh sát luôn bị tiêu diệt ở số lượng lớn nhất (Bad boys II). Có những chiếc bị lật tung lên nhưng cảnh sát bên trong chẳng bị chết hay bị thương nặng (Bat man begins). Lực lượng cảnh sát cũng vì thế là vô dụng nhất vì khi kẻ địch bắn trả bằng vũ khí hạng nặng thì ẩn nấp hoặc chạy tán loạn (Superman returns, Terminator 2: Judgment Day).
_Trong một số phim chiến tranh, hành động, các tay súng thỉnh thoảng dùng răng để kéo chốt lựu đạn trước khi ném. Trong thực tế chốt lựu đạn rất chắc chắn, dùng răng kéo thì chỉ có gãy răng.
_Trong một số cảnh phim, một người mặc áo chống đạn bị trúng đạn vào ngực hoặc bụng, từ chỗ vết đạn có thể tóe ra lớp bụi. Thực tế không đúng vậy vì trong cảnh quay thật khi thử nghiệm áo chống đạn, khi viên đạn va chạm vào áo thì không có cái gì tóe ra cả. Lớp bụi tóe ra trong cảnh phim chỉ để tạo cho người xem cảm giác người đó thực sự bị bắn. (NCIS: Los Angeles, 24 – Season .
_Khi có một vụ nổ, người hùng chỉ cần nằm xuống tránh được luồng lửa hoặc có áo chống lửa là thoát. Có lẽ vụ nổ đó chỉ có lửa mà không có mảnh vỡ gây sát thương chăng? (The marine, xXx: State of the Union, Resident evil: Apocalypse…).
_Một số kẻ xấu và người hùng đôi lúc không chuyên nghiệp lắm khi chĩa súng vào đối thủ thường để rất sát, thậm chí chạm nòng súng vào người đối thủ, và chỉ một giây lơ đãng là đối thủ có thể dễ dàng hất súng ra để đánh lại hoặc tẩu thoát.
_Khi kẻ xấu bắn về phía người hùng, người hùng dù là người bình thường vẫn kịp thời né tránh đạn. Thực tế một viên đạn vừa ra khỏi nòng súng có thể đạt đến tốc độ 900m/s, đó là một tốc độ mà chớp mắt cũng không kịp chứ đừng có nói đến tránh đạn (The matrix).
_Rất nhiều bộ phim cao bồi có cảnh tay súng cầm cả 2 tay 2 súng cùng chĩa về 1 hướng và bắn hạ đối thủ. Trên thực tế, chương trình Mythbuster đã làm thí nghiệm về một người 2 tay cầm 2 súng cùng chĩa về một phía, 2 cánh tay giơ ra dù song song hay bắt chéo cũng không thể nào bắn trúng bia cách người bắn vài mét.
_Khi người hùng bị dồn vào đường cùng, trong tay chỉ còn một khẩu súng ngắn. Một toán kẻ xấu xông tới định tiêu diệt anh ta nhưng bị người hùng bắn hạ tiêu diệt, chúng chỉ xông tới và bị bắn hạ trong khi tay đang cầm những khẩu súng to hơn nhiều của người hùng mà không bắn anh ta (chắc là hết đạn nên không bắn) (We were soldiers).
_Một người hùng bị trúng đạn vào chân vẫn có thể chạy tiếp, cõng, vác, kéo đồng đội bị thương hoặc dùng chân đánh nhau và hạ gục kẻ thù. (Windtalkers).
_Việc nhồi thuốc nổ có chứa phẩm đỏ bên dưới lớp áo hoặc da giả để làm vết thương súng đạn vẫn được áp dụng trong các bộ phim ngày nay. Nếu nhìn ở cảnh quay chậm thì ta sẽ thấy ở chỗ gọi là vết thương phồng lên rồi bung ra lớp phẩm đỏ giả làm máu. Tuy nhiên điều này là sai vì viên đạn khi găm vào cơ thể thì quần áo, da thịt sẽ phải lõm vào và máu phun ra từ đó chứ không phải phồng lên và nổ như quả bóng căng hơi (trừ khi đạn xuyên ra sau). Vết thương do thuốc nổ như vậy còn gây hạn chế là một người có thể bị bắn cả chục phát nhưng chỉ có 1 hoặc 2 lỗ thủng chảy máu xuất hiện trên người. Kỹ xảo đồ họa máy tính CGI đang khắc phục điều này nhưng thỉnh thoảng vết thương chưa giống thật, đôi khi chỉ là lớp bụi đỏ phun ra để lại chấm đỏ trên áo (ngày trước là bụi trắng tóe ra từ vết thương do đạn bắn), dù có vết thương nhưng đôi khi máu không chảy tiếp.
_Trong rất nhiều phim, người hùng và kẻ xấu có thể dùng chân hoặc tay đấm hoặc đá mạnh một cú là cửa kính ô tô sẽ vỡ. Đỉnh cao của sai lầm này là trong phim House of wax khi kẻ sát nhân phi thanh gỗ nhọn xuyên qua hai lớp kính xe và xuyên thủng qua hộp sọ Paige Edwards (Paris Hilton). Thực tế kính xe cực kỳ chắc chắn, lấy búa đập vài lần mới có thể rạn nứt rồi vỡ, sức người chỉ bằng tay chân mà đấm đạp vỡ kính thì gãy tay chân, trừ Kẻ Hủy Diệt (Terminator). Còn để đạt đủ lực mà xuyên thủng 2 lớp kính và hộp sọ nạn nhân như trong House of wax thì phải là lực của một viên đạn chứ sức người không bao giờ đạt được.
_Một người sau khi chết được 25-30 phút sẽ có hiện tượng tái nhợt tử thi, nhưng trong nhiều phim, nhất là phim chiến tranh người chết ngoài chiến trường vài ngày mà xác vẫn không tái nhợt. Bên cạnh đó, sau hiện tượng tái nhợt tử thi sẽ là hiện tượng hồ máu tử thi khi máu dồn hết xuống phần thấp ở cơ thể khiến da ở phần đó tím lại, nhưng chẳng có xác chết nào trong phim có hiện tượng này. Kể cả hiện tượng co cứng tử thi khiến xác người cứng đơ lại như bức tượng cũng không được thể hiện (trừ xác chết bị cháy đen).
_Trong phim Dante’s Peak, chiếc xe mà tiến sĩ Harry Dalton (Pierce Brosnan) lái để thoát khỏi vụ phun trào núi lửa bị bén lửa ở lốp, nhưng chiếc xe vẫn chạy được tiếp cho đến khi lửa ở lốp xe tắt. Thực tế cho biết lửa đã bén vào lốp thì lốp xe chắc chắn sẽ bị chảy và xe đang chạy sẽ chẳng mấy chốc nổ tung (chắc điệp viên 007 James Bond mang chiếc xe này đến Mỹ để đóng phim. Bên cạnh đó, dù chiếc xe có chạy nhanh đến mấy nhưng luồng hơi phun ra từ ngọn núi lửa có thể hủy diệt mọi thứ xung quanh và tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều so với một chiếc xe chạy ở tốc độ nhanh nhất, do đó việc các nhận vật chính trong phim thoát khỏi luồng hơi núi lửa bằng xe hơi là bất khả thi.
_Theo lý thuyết, người người chỉ tàng hình khi ánh sáng đi đến người đó bị bẻ cong và không chạm vào người đấy. Trong trường hợp đó những người khác sẽ không nhìn thấy người đấy, nhưng vì ánh sáng không chạm vào người đó nên mắt người tàng hình cũng sẽ không nhìn thấy gì, hoặc ánh sáng tiếp xúc với mắt người đó hai hai con mắt sẽ lơ lửng giữa không trung. Trong tất cả các bộ phim như Hollow man, Harry Potter, Lord of the Ring thì những người có khả năng tàng hình mà nhìn thấy xung quanh là sai. Trường hợp của Predator trong chùm phim cùng tên có lẽ đúng hơn vì tuy tàng hình nhưng chúng quan sát mọi thứ xung quanh bằng tia dò nhiệt.
_Trong tiếng Anh, từ predator có nghĩa là quái thú, alien có nghĩa người ngoài hành tinh. Trong các bộ phim của Hollywood, Predator là những sinh vật văn minh đến từ hành tinh khác có công nghệ tiên tiến và vũ khí tối tân hơn rất nhiều so với con người, chúng đi săn các Alien là những sinh vật sinh ra từ những quả trứng tạo ra vật trung gian hình con nhện bám vào mặt vật trung gian khác và phôi thai thành Alien, Alien sau khi hình thành sẽ đục thủng ngực vật trung gian thứ 2 để chui ra và biến thành những con quái vật khát máu man rợ gần như không có trí tuệ. Tại sao các nhà làm phim Hollywood lại đổi tên hai sinh vật này cho nhau?
_Trong phim Anaconda, con trăn sau khi nuốt tên thợ săn trăn Paul Serone (Jon Voight) chuyển sang tấn công Terri Flores (Jenifer Lopez), và để việc đuổi theo con mồi mới thuận tiện, nó nhả luôn gã thợ săn ra. Điều này trong thực tế không đúng vì trăn mà đã nuốt mồi sẽ nằm im vài ngày cho đến khi tiêu hóa xong, và kể cả khi tiêu hóa xong thì nó có thể nhịn ăn cả tháng trước khi săn mồi tiếp, và khi còn đang no thì trăn sẽ không để ý tới bất kỳ con mồi nào xung quanh, do đó nó không có cớ gì để đuổi theo con mồi mới. Trăn Anaconda có phun mồi mới nuốt ra, nhưng chỉ khi gặp nguy hiểm thì nó mới phun ra để dễ bề tẩu thoát.
_Trong chùm phim về Matrix, bầu trời trên Trái Đất bị bao phủ bởi đám mây đen vô tận, mặt đất lạnh giá và khô cằn bị thống trị bới máy móc. Những con người cuối cùng của Trái Đất tập trung sống tại Zion, một thành phố nằm gần lõi trái đất để thu nguồn năng lượng địa nhiệt nhằm phục vụ cho sự sống. Thế nhưng những cư dân ở đây không ai bị những căn bệnh do thiếu ánh sáng mặt trời như bạc màu da.
_Trước khi bang Hawaii trở thành bang thứ 50 của nước Mỹ vào năm 1959, lá cờ của nước Mỹ chưa có đủ 50 sao. Thế nhưng trong rất nhiều bộ phim lấy bối cảnh cao bồi miền tây, chiến tranh thế giới thứ 2 cho tới giai đoạn đầu của chiến tranh Lạnh là 1957 (Indiana Jones and the kingdom of the crystal skull), lá cờ Mỹ luôn có đủ 50 sao. Có lẽ các nhà làm phim ngại phải thay lá cờ có đủ số sao phù hợp với số bang của nước Mỹ thời đó.
Khả năng kỹ xảo mà Hollywood thể hiện trong các bộ phim của mình là hoàn toàn không thể chối cãi. Thế nhưng tập trung quá nhiều vào kỹ xảo, gây sai sót các chi tiết về lịch sử, địa lý, văn hóa, quân sự, y học, sinh học, vật lý, logic, ngôn ngữ… thậm chí phớt lờ đi chất lượng nghệ thuật sẽ khiến cho các tác phẩm của Hollywood trở nên dễ đoán và nhàm chán, nguy hiểm hơn đó là sự hiểu nhầm giữa các quốc gia và dân tộc.
sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !