Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Lợi dụng Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng GIA MINH, BÙI VĂN BỒNG, NGUYỄN XUÂN DIỆN ĐÃ RƠI MẶT NẠ


Vụ việc lùm xùm về mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lành được khơi nguồn từ báo Lao Động, rồi được TS Nguyễn Xuân Diện chộp lấy và đưa lên blog Tễu. Từ nguồn này, phóng viên Gia Minh của RFA cũng nhanh chóng vào cuộc viết bài, và đăng tải ngay trên trang của Bùi Văn Bồng.

Những thông tin đó là hoàn toàn bịa đặt và vu khống. Xem hình dưới, được chụp từ màn hình máy tính. 


Bản thân Nguyễn Xuân Diện, Bùi Văn Bồng đều biết rõ điều này, nhưng cố tình đăng tải nhằm nói xấu chế độ.

Tất nhiên, anh phóng viên báo Lao Động và Ban biên tập có lẽ sẽ là người phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc đáng hổ thẹn này. Chúng ta hãy chờ xem ông Chủ tịch Tổng LĐLD Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và Tổng Biên tập Báo Lao Động sẽ xoay sở như thế nào với bài viết bịa đặt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của người dân với việc thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của đảng và nhà nước, tạo cơ hội cho đám mất dạy xuyên tạc, bơm bít bóp méo sự thật.

Sau đây là Phản hồi của chính quyền Đà Nẵng về vụ việc. Phản hồi này đã lột mặt nạ của cả Gia Minh, Bùi Văn Bồng và Nguyễn Xuân Diện. Tuy nhiên, điều mà người dân mong chờ là việc xử lý các đối tượng "mượn gió bẻ măng" như thế này.

Phản hồi bài viết trên Báo Lao Động ra ngày 3-7-2014

Ảnh: Bùi Văn Bồng

Ngày 21-7-2014, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 6349/UBND-NCPC kính gửi Chủ tịch Tổng LĐLD Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và Tổng Biên tập Báo Lao Động phản hồi bài viết của Báo Lao Động ra ngày 3-7-2014. Nội dung công văn như sau:

Ngày 3-7-2014, Báo Lao Động Online có bài viết “Đà Nẵng: Bị cưỡng chế, Mẹ Việt Nam Anh hùng quyết ở Trung tâm Y tế chờ tòa án phán xử” về vụ việc liên quan đến gia đình của bà Phạm Thị Lành (Mẹ Việt Nam anh hùng), trú tại 29 đường Nguyễn Thông, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Sau khi xem xét nội dung bài viết nêu trên của Báo Lao Động, UBND thành phố Đà Nẵng có ý kiến cụ thể như sau:

1- Về hỗ trợ, bồi thường và tái định cư đối với bà Phạm Thị Lành

Nhà, đất của hộ bà Phạm Thị Lành có nguồn gốc do Nhà nước quản lý, gia đình bà Phạm Thị Lành ký hợp đồng thuê với diện tích là 49,4m2. Trong quá trình sử dụng, gia đình hộ bà Lành đã tự ý cơi nới thêm, nên tổng diện tích đất gia đình sử dụng đã tăng từ 49,4m2 lên 119,9m2.

Năm 2008, toàn bộ diện tích đất nêu trên nằm trong phạm vi giải tỏa để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Tuy là nhà, đất thuê của Nhà nước nhưng UBND thành phố Đà Nẵng đã xem xét giải quyết hỗ trợ 60% giá đất ở đối với phần diện tích 49,4m2, hỗ trợ 100% giá trị nhà và vật kiến trúc, hỗ trợ khó khăn: 10.000.000 đồng với tổng số tiền đền bù, hỗ trợ là 124.149.150 đồng. Ngoài ra, bà Phạm Thị Lành được hỗ trợ tiền sử dụng đất thuộc diện chính sách theo quy định khi Nhà nước bố trí đất tái định cư với số tiền là 45.000.000 đồng.

Về chính sách tái định cư, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Phạm Thị Lành tại lô đất số 08-B2, đường 7,5m khu dân cư An Mỹ, với diện tích 90m2 (nay là số 33 đường Nguyễn Thông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Tuy nhiên, bà Phạm Thị Lành và gia đình có nguyện vọng muốn mua đất nhằm tạo điều kiện cho con cháu làm ăn sinh sống, không nhận nhà tình nghĩa. Nguyện vọng này của bà Phạm Thị Lành và gia đình thể hiện tại:

- Đơn đề nghị ngày 19-6-2008 với nội dung: “Đề nghị UBND thành phố có biện pháp ngăn chặn ngừng thi công nhà tình nghĩa mà ra quyết định bán đất cho tôi để gia đình tôi tự làm nhà theo ý muốn”.

Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

- Biên bản làm việc ngày 6-6-2008 của UBND quận Sơn Trà, bà Phạm Thị Lành và ông Trần Công Minh (con bà Lành) trình bày: “Mẹ Việt Nam anh hùng còn có 2 con là Trần Công Minh, Trần Minh Đức đứng ra phụng dưỡng do đó chưa cần thiết phải làm nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam anh hùng. Trường hợp xây dựng nhà tình nghĩa thì xem lại có đúng chính sách không và sau khi xây dựng gia đình sẽ không nhận”.

Thể theo nguyện vọng nêu trên của gia đình bà Phạm Thị Lành nêu tại buổi tiếp dân ngày 9-7-2008, Chủ tịch UBND thành phố đã đồng ý bố trí 2 lô đất liền kề (lô số 10 và 11 khu B2) đường 7,5m khu dân cư An Mỹ, với tổng diện tích là 180m2 (nay là số 29 đường Nguyễn Thông), thay cho chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa; còn lô đất số 08-B2, đường 7,5m khu dân cư An Mỹ (nay là số 33 đường Nguyễn Thông-Sơn Trà), UBND thành phố Đà Nẵng giải quyết bố trí để làm nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu vực.

2- Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Sau khi nguyện vọng của gia đình được giải quyết xong, gia đình bà Phạm Thị Lành nhận đất và xây dựng nhà ở khang trang tại 2 lô đất liền kề ở số 29 đường Nguyễn Thông-Đà Nẵng thì ông Trần Công Minh (con của bà Phạm Thị Lành) tiếp tục đòi nhà, đất tại số 33 đường Nguyễn Thông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng mà hiện nay là nhà sinh hoạt cộng đồng của nhân dân tại khu vực (ông Minh cho rằng đây là nhà tình nghĩa đã bố trí cho bà Phạm Thị Lành). Khiếu nại này đã được các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật:

- Quyết định số 1826/QĐ-UBND ngày 20-8-2009 của Chủ tịch UBND quận Sơn Trà.

- Quyết định số 8556/QĐ-UBND ngày 13-11-2009 của Chủ tịch UBND thành phố với nội dung không chấp nhận khiếu nại và giữ nguyên Quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND quận Sơn Trà.

Thanh tra Chính phủ đã tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc. Ngày 17-3-2014, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố tổ chức đối thoại với ông Trần Công Minh (có sự tham gia trợ giúp pháp lý của ông Nguyễn Trọng Phúc – Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Huế). Sau khi đối thoại công khai, dân chủ và trên cơ sở pháp luật, kết quả chính sách hỗ trợ của thành phố đối với bà Phạm Thị Lành, Thanh tra Chính phủ kết luận việc giải quyết của Chủ tịch UBND quận Sơn Trà và Chủ tịch UBND thành phố theo đúng quy định của pháp luật.

3- Về sự việc diễn ra vào ngày 12 và 13-6-2014

Nhà, đất tại số 33 đường Nguyễn Thông, quận Sơn Trà-Đà Nẵng là nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu vực nhưng ông Trần Công Minh ngang nhiên đổ xe tang trên lô đất, phía trước cửa nhà làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của nhân dân. Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Hải Tây đã nhiều lần vận động và thông báo bằng văn bản yêu cầu ông Trần Công Minh di chuyển xe tang ra khỏi nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng ông Trần Công Minh cố tình và kiên quyết không thực hiện.

Thực hiện Công văn số 08 ngày 4-12-2013 của Tổ đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng (đơn vị quận Sơn Trà) về xử lý sớm việc đổ xe tại nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND quận Sơn Trà chỉ đạo UBND phường An Hải Tây thực hiện. Ngày 12-6-2014, UBND phường An Hải Tây tổ chức lực lượng di chuyển xe tang ra khỏi nhà sinh hoạt cộng đồng thì ông Trần Công Minh đưa mẹ là bà Phạm Thị Lành ra cản trở, riêng vợ ông Minh là bà Thảo có hành vi chống đối, đổ can xăng xuống đường để đốt. Trước tình hình phức tạp đó, lực lượng thi hành nhiệm vụ áp tải bà Thảo về trụ sở UBND phường An Hải Tây; cán bộ phụ nữ và nhân viên y tế đưa mẹ Phạm Thị Lành về Trung tâm y tế quận Sơn Trà để chăm sóc.

Đến tối ngày 12-6-2014, ông Trần Công Minh đến Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đưa bà Phạm Thị Lành về nhà. Tuy nhiên, đến khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 13-6-2014, ông Trần Công Minh lại đưa bà Phạm Thị Lành trở lại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà nhưng không làm thủ tục nhập viện theo quy định mà bỏ đi về, để mẹ mình là bà Phạm Thị Lành ở lại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà.

Qua kiểm tra và theo dõi sức khỏe hằng ngày, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà xác định bà Phạm Thị Lành không có bệnh, sức khỏe bình thường nên đã nhiều lần thông báo cho gia đình đưa bà Lành về nhà. Tuy nhiên, đến nay ông Trần Công Minh vẫn không đưa bà Phạm Thị Lành về nhà. Vì vậy, hiện nay Trung tâm Y tế quận Sơn Trà vẫn đang tiếp tục chăm sóc bà Phạm Thị Lành.

Trước tình hình đó, xét thấy việc bà Phạm Thị Lành ăn ở tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà là không bảo đảm đến sức khỏe nên UBND thành phố đã yêu cầu UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, UBND phường An Hải Tây đưa bà Phạm Thị Lành về nhà ở của gia đình tại số 29 Nguyễn Thông-Đà Nẵng. Nếu gia đình bà Phạm Thị Lành không tiếp nhận bà, giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội lập thủ tục cho bà Phạm Thị Lành về Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố để chăm sóc. Hiện nay, các cơ quan, địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện.

Từ kết quả hỗ trợ và tái định cư nêu trên cho thấy, thành phố đã giải quyết thỏa đáng và rất quan tâm đến gia đình của mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lành. Tất cả sự việc xảy ra vào ngày 12 và 13-6-2014 là do vợ chồng ông Trần Công Minh (con của bà Phạm Thị Lành) đạo diễn, ông Minh đã đưa mẹ già của mình ra để cản trở cơ quan chức năng (mẹ Lành đã 97 tuổi), gây áp lực với chính quyền địa phương. Đây là hành vi coi thường pháp luật và bất chấp đạo lý của ông Trần Công Minh. Trong tình huống này, việc đưa mẹ Phạm Thị Lành về Trung tâm Y tế quận Sơn Trà để chăm sóc là cần thiết và mang tính đạo nghĩa sâu sắc.

Bản chất và sự thật của vụ việc diễn ra vào ngày 12 và ngày 13-6-2014 đúng như nội dung báo cáo nêu trên, thế nhưng ngày 3-7-2014, Báo Lao Động Online có bài viết “Đà Nẵng: Bị cưỡng chế, mẹ Việt Nam anh hùng quyết ở Trung tâm Y tế chờ Tòa án phán xử” có nội dung không chính xác, sai lệch.

- Thứ nhất, ngôi nhà tại số 33 Nguyễn Thông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng là nhà sinh hoạt cộng đồng của nhân dân tại khu vực, không phải nhà tình nghĩa của bà Phạm Thị Lành (thành phố đã giải quyết bố trí 2 lô đất liền kề, thay cho chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa theo đúng nguyện vọng của gia đình bà Phạm Thị Lành), thế nhưng bài viết lại cho rằng ngôi nhà này là nhà tình nghĩa của bà Phạm Thị Lành.

- Thứ hai, UBND phường An Hải Tây tiến hành cưỡng chế đưa xe tang của ông Trần Công Minh ra khỏi nhà sinh hoạt cộng đồng để nhân dân tại khu vực sinh hoạt, thế nhưng bài viết cho rằng chính quyền cưỡng chế mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lành.

- Thứ ba, trước tình hình phức tạp tại khu vực vào thời điểm ngày 12-6-2014 như nêu trên, cán bộ phụ nữ và nhân viên y tế của phường An Hải Tây đưa bà Phạm Thị Lành về Trung tâm Y tế quận Sơn Trà để chăm sóc, thế nhưng bài viết cho rằng chính quyền phường An Hải Tây tổ chức cưỡng chế giữ mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lành.

Những thông tin phiến diện, không chính xác, sai lệch và không đúng sự thật sự việc của Báo Lao Động đã làm ảnh hưởng rất lớn đến thành quả thực hiện chính sách đối với gia đình có công cách mạng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện có hiệu quả trong suốt thời gian qua theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

4- Về một số bài báo có nội dung liên quan đến vụ việc

Sau khi sự việc ngày 12 và 13-6-2014 diễn ra và bài viết nêu trên của Báo Lao Động Online, một số báo địa phương, Trung ương đã có bài viết lên án và phê phán hành vi của ông Trần Công Minh, đó là:

- Báo Công an Đà Nẵng có bài viết “Những việc làm trái pháp luật và đạo lý của gia đình ông Trần Công Minh” với nhiều bài có tựa đè: “Chiếm dụng trái phép nơi sinh hoạt cộng đồng”, “Trục lợi từ chữ hiếu”.

- Báo Lao Động xã hội có bài viết “Vụ khiếu kiện của ông Trần Công Minh (Đà Nẵng): “Phải tôn trọng đạo lý và pháp luật” với nhiều bài có tựa đề: “Ưu đãi vượt trội”, “Gia đình chính sách càng phải gương mẫu”, “Một hành động cần lên án”.

Từ những ý kiến nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Tổng Biên tập Báo Lao Động đính chính, phản hồi lại cho dư luận được rõ sự thật của vụ việc, xem xét xử lý vi phạm đối với những phóng viên đã có bài viết nêu trên theo đúng quy định của pháp luật, thông báo kết quả cho bạn đọc và UBND thành phố Đà Nẵng được biết.

UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

---------------

Đây là bài đăng trên blog của Bùi Văn Bồng:

‘Đền ơn, đáp nghĩa’ chính sách và thực tế

Công an, cùng với số đông dân phòng, cán bộ thô bạo lôi ngược bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Lành (97 tuổi) lên xe bắt đi ngày 12/06/2014.

Chính sách ‘đền ơn, đáp nghĩa’ luôn được chính phủ Hà Nội nhắc đi nhắc lại, đặc biệt vào dịp Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27 tháng 7 hằng năm.Tuy nhiên thực tế đối xử với những người từng toàn tâm, toàn ý đi theo ‘chính quyền cách mạng’ ra sao?

Tuyên truyền hay!

Nhiều người từng hăng hái lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp, hay sau này khi đi vào miền nam để chiến đấu đều vì lý tưởng bảo vệ toàn vẹn giang sơn nước nhà, và mong mỏi đất nước không bị nô lệ ngoại bang, người dân sẽ có được một cuộc sống ấm no, không bị bóc lột bởi tầng lớp ‘ăn trên, ngồi trốc’.

Bà Lê thị Ngọc Đa, một nữ thương binh trở thành dân oan khiếu kiện lâu năm vì đất đai bị tước đoạt một cách bất công, rồi trở thành tù nhân với tội danh gây rối trật tự khi cùng bà con dân oan khác lập thành hội nhóm đi biểu tình đòi quyền lợi, nhắc lại gốc gác gia đình theo cách mạng của bà:

Hồi trước tôi tham gia công tác theo truyền thống của ông cha- 3 đời cộng sản. Vì chỗ đó tôi đi theo cộng sản chiến đấu. Cộng sản nói rằng chiến đấu thì sau này không có kẻ giàu, người nghèo, được tự do, hạnh phúc; không có giai cấp bóc lột, dân ai cũng được cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành, không ai áp bức ai. Vì thế tôi đi theo con đường đó. Vì tôi nghĩ con đường đó trên đời này ai cũng muốn, ai cũng ham.

Tôi nhớ ông Hồ Chí Minh có nói ‘đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; phải thật sự cần kiệm, liên chính, chí công, vô tư; phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Nói như vậy thì ai mà không mê!

Theo bà Lê thị Ngọc Đa thì hiện nay trường hợp của bà không phải là cá biệt mà còn nhiều thương binh từng hy sinh máu xương cho ‘cách mạng’ cũng phải chịu cảnh tương tự như bà, thậm chí còn tệ hại hơn bà nữa:

Hôm nay nói vậy tôi cũng đau khổ vì tôi là người từng hy sinh cho họ, và tuyệt đối trung thành với họ; nhưng giờ tôi được gì, cuối cùng được gì. Chẳng những một mình tôi mà còn bao nhiêu anh em khác cũng khổ như tôi, có người khổ hơn tôi!
Thực tế phũ phàng!

Vào nửa đầu tháng 6 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, một Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng tên Phạm thị Lành, thương binh ¾, 93 tuổi, có chồng và 2 con là liệt sỹ, bị các cơ quan chức năng địa phương phường An Hải Tây, quận Sơn Trà đến cưỡng chế ra khỏi căn nhà bằng biện pháp bạo lực. Bà bị đưa đến bệnh viện và giữ ở đó cho đến nay.

Người con trai của bà là ông Trần Công Minh cho biết:

Từ sáng ngày 12 tháng 6 họ bắt đưa vào bệnh viện- Trung tâm y tế Quận Sơn Trà. Chiều hôm đó tôi đến làm việc với giám đốc và phó giám đốc bệnh viện, tôi được phó giám đốc bện viện cho biết ông nhận được giấy triệu tập mời họp của bà phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Huỳnh Thị Mỹ Hoa, về việc cưỡng chế mẹ tôi.

Vào đó thấy mẹ không có vấn đề gì, tôi có yêu cầu Trung tâm Y tế lập biên bản để tôi đưa mẹ tôi về nhà để chăm sóc. Thế nhưng ban lãnh đạo của Trung tâm Y tế nói phải chờ xin ý kiến của chủ tịch UBND quận Sơn Trà. Từ đó đến nay chưa cho mẹ về. Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng cũng họp và cho rằng việc làm của mẹ tôi là sai nên đưa vào Trung tâm Y tế để chăm sóc cho mẹ tôi. Nhưng gia đình không có yêu cầu điều đó.

Bức xúc của gia đình là yêu cầu làm rõ lý do bắt và giữ mẹ tôi tại Trung tâm Y tế Quận Sơn Trà để làm rõ vấn đề này. Làm rõ ai vi phạm qui định của pháp luật và phải xử lý công minh trước pháp luật, dù đó là người có chức có quyền cũng phải xử lý.

Sau khi bị cưỡng chế khỏi nhà và bị giữ ở bệnh viện quận Sơn Trà 18 này, mà không có lệnh theo đúng qui định pháp luật, vào cuối tháng 6 bà Phạm Thị Lành có đơn gửi cho ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lại danh hiệu ‘Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng’. Đơn được điểm chỉ bằng ngón trỏ phải của bà Phạm Thị Lành. Lý do được nêu ra vì ‘quá xấu hổ’ cho hành động phạm tội của hai cấp phường và quận Sơn Trà.

Bà này còn có đơn kêu cứu vì con trai của bà bị theo dõi một cách bất thường.

Một người Pháp nhập tịch Việt Nam, ông Andre Menras- Hồ Cương Quyết, khi hay tin sự việc xảy ra đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm thị Lành, ông này đang có mặt tại Đà Nẵng nên đã đích thân mang hoa đến tại bệnh viện để được gặp bà. Thế nhưng những người tại bệnh viện không cho ông này được gặp bà Phạm Thị Lành. Trong bài viết đưa lên mạng sau đó, ông Andre Menras Hồ Cương Quyết ghi rõ ‘với tôi thì mọi sự đã rõ, bà Lành, 93 tuổi, bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, bị bắt giam với sự a tòng của các bác sĩ và công an của cái hệ thống kiểu Tàu tìm cách khóa miệng người dân, đặc biệt là những người yếu thế nhất.’

Vì đâu nên nỗi?

Một lão thành cách mạng từng được mệnh danh là ‘con hùm xám đường 4’ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Đặng Văn Việt nêu lên lý do vì sao nhiều người có công với cách mạng bị đối xử tàn tệ suốt bấy lâu nay:

“Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là những châm ngôn mà chế độ đề ra, nào là biết ơn người có công, nhớ đến tổ tiên ông bà. Phương châm, châm ngôn đó nghe rất đẹp, nhưng thực hiện thì có nơi người ta thực hiện được, có nơi người ta không thực hiện. Điều này tùy tâm của từng tổ chức, từng người lãnh đạo. Có khi người ta nói một đường mà làm một nẻo.

Việc thực hiện mà không đúng như vậy là do nguồn gốc chính trị của nó. Nguồn gốc chính trị của nó là quan điểm, tư tưởng Mác- Lê nin, là quan điểm đấu tranh giai cấp; tức là giai cấp này tìm cách xóa bỏ giai cấp kia…, hoặc ưu tiên cho giai cấp này, đặc quyền, đặc lợi hơn cho giai cấp khác. Như thế tự nhiên tạo nên những bất công, bất hợp lý và tạo nên những đầu óc cơ hội, lợi dụng những ưu tiên của chế độ đó, làm những việc bậy bạ, chẳng hạn như tham nhũng phát triển không có tài nào ngăn cản nổi. Cơ bản là vấn đề chính trị, từ chính trị mà ra hết. Quan điểm chính trị sai lầm đưa đến những thoái hóa về xã hội”.

Đại biểu quốc hội- sử gia Dương Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2012 có bài viết trên tờ Lao Động Cuối tuần về trường hợp bà Cát Hanh Long- Nguyễn thị Năm. Bà này từng đóng góp nhiều cho cách mạng giai đoạn đầu và trong Tuần lễ Vàng; nhưng rồi bà bị chính cách mạng xử bắn vì là bị qui vào thành phần địa chủ.

Gia Minh/rfa
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 07:36

---------------

Đây là bài trên blog của TS Nguyễn Xuân Diện:

ĐAU ĐỚN THAY! BÀ MẸ VN ANH HÙNG 93 TUỔI TRẢ DANH HIỆU CHO NHÀ NƯỚC

Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Lành, 93 tuổi, đồng thời là thương binh 3/4, trú tại số 29, Nguyễn Thông, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vừa gửi đơn tới Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trả lại danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng". Dưới đây là toàn văn Đơn có điểm chỉ của Cụ bà Phạm Thị Lành và các văn thư liên quan:






Đà Nẵng: Bị cưỡng chế, mẹ Việt Nam anh hùng quyết ở trung tâm y tế chờ toà phán xử 

(LĐO) Đỗ Văn - 11:3 PM, 03/07/2014 

Mẹ VNAH Phạm Thị Lành bị 4 người phụ nữ lôi ngược lên xe cứu thương. 

Sáng 12.6, chính quyền phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã tổ chức cưỡng chế, giữ Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phạm Thị Lành (97 tuổi) ngay trước cửa ngôi nhà tình nghĩa của mẹ tại lô B2-8 (tương đương với số 33) đường Nguyễn Thông, khu dân cư An Mỹ. 

Cưỡng chế... mẹ VNAH 

Thuật lại sự việc với PV Báo LĐ, ông Trần Công Minh (SN 1962, trú tại 29 đường Nguyễn Thông) cho biết: “Sáng ngày 12.6, ông Đỗ Trọng Bê - Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, ông Hồ Thanh Quyền – Phó Chủ tịch phường và rất nhiều công an, cùng với số đông dân phòng, cán bộ công chức kéo đến trước số 33 đường Nguyễn Thông với ý định cưỡng chế ngôi nhà tình nghĩa của mẹ”.

Căn cứ vào các clip gia đình mẹ Lành quay được, có thể thấy trước cửa ngôi nhà số 33 đỗ một chiếc ôtô hòm. Lực lượng cưỡng chế thì căng hai dãy rào sắt di động chắn ngang đường Nguyễn Thông. Lực lượng CA với đủ các sắc phục được huy động, xe cứu thương, cứu hỏa cũng được điều động chờ sẵn.

Lúc này Mẹ VNAH Phạm Thị Lành (hiện đang sống cùng ông Minh - con mẹ Lành - ở số nhà 29) đã ra và mời ông Bê, ông Quyền vào nhà (để đọc quyết định cưỡng chế và lập biên bản cưỡng chế). Tuy nhiên, phía lãnh đạo phường An Hải Tây đã không hề đọc QĐ cưỡng chế, cũng không vào nhà theo lời mời của mẹ Lành và ông Minh.

Trước sự “cương quyết” làm trái của chính quyền phường, Mẹ VNAH Phạm Thị Lành đã xách một can xăng 5 lít đặt dưới đất và đứng chắn trước chiếc xe ôtô, không cho chính quyền phường hành động.

Thấy vậy, ông Đỗ Trọng Bê đã hô người hành động. Một phụ nữ to béo chạy vào nắm lấy tay mẹ Lành, tiếp đó ba người phụ nữ nữa xông vào hỗ trợ lôi ngược Mẹ VNAH Phạm Thị Lành lên xe cứu thương. Chiếc xe cứu thương hú còi chạy mất dạng khỏi hiện trường.

Ông Trần Công Minh cho biết, ông nhận ra hai người phụ nữ không bịt mặt là cán bộ phụ nữ của phường, còn hai người đàn bà bịt mặt thì ông không nhận ra là ai. 

“Mẹ sẽ ở đây chờ tòa phán xử” 

Sáng 2.7, PV Báo LĐ đã vào thăm Mẹ VNAH Phạm Thị Lành tại Trung tâm Y tế (TTYT) quận Sơn Trà – nơi người ta đã giữ mẹ Lành từ khi mẹ bị chính quyền phường An Hải Tây cưỡng chế lên xe cứu thương.

Đã 21 ngày bị đưa vào bệnh viện, nhưng mẹ vẫn khỏe mạnh và ngồi dậy tiếp chúng tôi. Mẹ nhẹ nhàng bảo: “Mẹ sẽ ở đây cho đến khi nào có phán quyết của tòa án xem mẹ phạm tội gì?”.

Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của mẹ Lành, các bác sĩ, y tá đều xác nhận mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì. Khi PV hỏi lý do đưa mẹ vào viện, các bác sĩ, y tá cho biết: Đó là do cấp trên!

Trước câu hỏi tại sao lại giữ Mẹ VNAH Phạm Thị Lành tại TTYT quận Sơn Trà, bác sĩ Nguyễn Văn Cúc – Phó Giám đốc TTYT quận Sơn Trà - cũng cho biết: “Cái đó do chính quyền phường, còn chúng tôi chỉ làm chuyên môn”. Bác sĩ Cúc cũng xác nhận mẹ Lành hoàn toàn khỏe mạnh và cho biết, TTYT đã có CV yêu cầu chính quyền phường An Hải Tây đưa mẹ Lành về nhà, bởi “hiện nay cụ Phạm Thị Lành vẫn đang lưu trú tại khoa Khám bệnh và Cấp cứu của TTYT quận Sơn Trà, đây là môi trường độc hại, có nhiều mầm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm cho cụ, đe dọa đến sức khỏe của cụ”.

Theo điều tra của PV Báo LĐ, sau khi TTYT có công văn gửi UBND phường, ông Hồ Thanh Quyền – Phó Chủ tịch phường An Hải Tây - đã đến tận nhà ông Minh “năn nỉ” đưa mẹ Lành về.

Ông Trần Công Minh - con trai mẹ Lành - cho biết: “Không phải gia đình chúng tôi không muốn đưa cụ về. Chiều 12.6, ngay khi phát hiện mẹ đang bị giữ ở TTYT quận, tôi đã đến TTYT quận yêu cầu mời chính quyền phường đến và lập biên bản để đưa mẹ về, thế nhưng Ban giám đốc của TTYT quận Sơn Trà đã từ chối. Đến nay thì mẹ kiên quyết ở lại TTYT quận để đợi tòa phán quyết mẹ phạm tội gì? Mẹ bảo từ giờ đến khi có phán quyết của tòa, đây là nhà của mẹ”.

Nguồn: Lao Động.

1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ phản quốc, hại dân phải bị trừng trị thật nghiêm khắc

    Trả lờiXóa

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !