Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Năm 1975 ,có thể mất Trường Sa nếu chậm vài tiếng .

NĂM 1975, NẾU CHÚNG TÔI CHỈ CHẬM VÀI TIẾNG, CÓ THỂ QUÂN TRUNG QUỐC SẼ CHIẾM TRƯỜNG SA!

NVM FB- Lời tha thiết tìm gặp lại “NGƯỜI TRƯỜNG SA 1975” của NVM trên facebook và blog đã tình cờ đến với ông, người chính trị viên kiên trung, đi đầu của đại đội đặc công lừng danh Quân khu 5- người lính mưu trí, người chỉ huy tài giỏi trong chiến dịch giải phóng Trường Sa – quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc tháng 4-1975.
Ông có người con trai và cô con gái đều làm trong ngành bưu chính viễn thông. Nhờ thế, người lính già đầu bạc rất thông thạo và internet. Một buổi chiều mưa tầm tã, ông lướt web và đã đọc được những bài báo NVM và GM viết về sự kiện giải phóng Trường Sa cùng những ý nguyện của hai người lính cầm bút trẻ tuổi. Ông lập tức gọi cho NVM (vì GM còn ở độ tuổi trẻ trâu, chưa xứng tầm)!
Gần 40 năm, nhưng ký ức về sự kiện vĩ đại đó như những con sóng vẫn dội hoài trong ông. Tự hào. Thao thức. Trăn trở. Tiếc nuối…
Đội mưa sáng thứ bảy tìm đến gặp ông, dù sức khoẻ chưa hồi phục nhưng NVM không thể từ chối liên tục cạn chén cùng ông để được cùng ông lật những trang hồi ức một mùa hè rực lửa, một mùa hè rực sáng trên biển Đông.
Xúc động hơn nữa, ông gọi đến một người đồng đội, một người anh, một người lính kỳ cựu hơn, từng là chính uỷ Trung đoàn tham gia giải phóng và tiếp quản Trường Sa năm ấy…
Gặp hai ông, mới hay sau 40 năm, những câu chuyện người ta viết, người ta nói về giải phóng Trường Sa vẫn còn quá ít, quá mơ hồ.
Hôm trước, nhà báo Khắc Xuể khi ngồi trọn một buổi cùng NVM và GM đã nói một câu gan ruột rằng: “Thời gian càng lùi xa, càng thấy sự kiện giải phóng Trường Sa vô cùng vĩ đại. Ngày hôm nay, hãy đặt câu hỏi. Nếu như không có Trường Sa, thân thể đất nước sẽ ra sao? Biển Tổ quốc sẽ ra sao? Đất nước ta có còn là một quốc gia biển nữa không?”
Hôm nay, ngồi với hai “người lính gìa đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”, bỗng giật mình sửng sốt trước nhiều thông tin quý giá mà lâu nay, vì nhiều lý do, chưa ai ghi chép lại một cách có hệ thống. Bỗng giật mình vì đằng sau sự kiện giải phóng Trường Sa, còn quá nhiều những bí mật của lịch sử, còn quá nhiều tư tưởng, tầm nhìn chiến lược, bước đi táo bạo của Đảng ta, của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cần được làm rõ, khẳng định rõ hơn nữa.
Cũng có quá nhiều bài học cần được khái quát.
Cũng có quá nhiều thiệt thòi, khuất lấp về những người lính giải phóng Trường Sa. Có người đến tận năm ngoái mới được công nhận là thương binh. Có những phân đội, những người lính sau bao năm chinh chiến đằng đẵng, sắp hoà bình vẫn quyết chí xung phong ra Trường Sa, sẵn sàng đánh đổi số phận, hi sinh vì việc lớn. Nhiều người đã khóc, đã van nài chính trị viên, chính uỷ của mình khi bị “ở nhà” không được đi giải phóng Trường Sa.
Những trận đánh cam go, trận đầu đã có liệt sĩ, trận sau giằng có gần một tiếng, trên một đảo mà đã có ít nhất 3 chiến sĩ bị thương. Mọi thứ không đơn giản như ai đó vẫn kể thoáng qua trên vài bài báo phản ánh giản đơn…
Câu chuyện ngày mưa giữa tôi và hai ông rồi cũng lại trở về với vùng biển Mẹ Tổ quốc đang dậy sóng bởi cái giàn khoan HYSY-981. Người chính trị viên, người lính đặc công nước kỳ cựu nói về cái của nợ ấy bằng một cái nhếch mép coi thường. “Chưa cần đến tên lửa, tàu chiến. Nói thật là với cái giàn khoan ấy, bằng khả năng của đặc công nước với những kỹ thuật, cách đánh đã dày công tập luyện như thời chúng tôi đánh nhau, chỉ cần cỡ tiểu đội, trung đội, giao cho tôi chỉ huy, chỉ một đêm tôi “giải quyết” nhẹ nhàng! Tàu vạn tấn của Mỹ, căn cứ, sân bay cẩn mật là thế bọn nó thách đố chúng tôi còn “xơi” ngon lành thì cái giàn khoan đó không là gì cả! Nhưng đánh hay không, đánh lúc nào trong thế cờ và đối sách như thế này lại là chuyện khác…” – người cựu trung tá, chính trị viên đặc công khẳng định.
Mọi câu chuyện những ngày này rồi cũng nói về Trung Quốc. Qua lời kể của hai ông, hoá ra Trung Quốc không chỉ có dã tâm xâm lược Hoàng Sa mà còn có ý đồ với Trường Sa ngay từ năm 1975. Nhưng họ đã chậm trước tầm nhìn Võ Nguyên Giáp và trước bước chân thần tốc của những người lính như hai ông.
“Khi chúng tôi đánh chiếm xong đảo Nam Yết, lá cờ giải phóng tung bay lúc 8 giờ sáng thì 8 giờ 30 cấp trên truyền lệnh từ Hà Nội. Mệnh lệnh yêu cầu triển khai trận địa, sẵn sàng đánh trả lực lượng nước ngoài sẽ đánh chiếm đảo. Mệnh lệnh rất rõ ràng: “Bất cứ lực lượng nước ngoài nào tấn công thì đều phải đánh trả để giữ đảo, kể cả lực lượng đó là quân Trung Quốc. Chúng tôi đã sẵn sàng, dù rất ngạc nhiên vì lúc đó quan hệ giữa hai nước đang rất tốt. Quả nhiên, đến 12 giờ trưa thì tàu Trung Quốc xuất hiện gần Nam Yết. Họ dừng cách đảo khoảng 4-5 hải lý. Quan sát ống nhòm thấy thả xuống rất nhiều đồ vật gì đó. Chúng tôi đã sẵn sàng nổ súng nhưng có lẽ quan sát thấy ta đã làm chủ đảo, rất khó đánh chiếm, sau đó tàu Trung Quốc bỏ đi!” – người cựu chính trị viên kể lại.
Ngồi bên cạnh, đại tá, cựu chính uỷ tiếp lời: “Hè 1975, ở Cam Ranh, Trung Quốc từng có ý định cho tàu ngầm của hạm đội Nam Hải vào đóng tại Cam Ranh. Nhưng lúc đó, tàu ngầm của Liên Xô đã vào trước, đồng loạt nổi lên trong vịnh. Vì thế, tàu ngầm Trung Quốc mới không thể vào nữa”.
Sự nuối tiếc, ấy là các ông cùng những người chỉ huy cao nhất trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm ấy từng lên kế hoạch giải phóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa do Phi-lip-pin chiếm đóng trái phép và cả quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng. Họ đã đi trinh sát, đã báo cáo về Hà Nội và luyện tập phương án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lý do yêu cầu nhiệm vụ giải phóng nhiều vùng miền khác, kể cả sự kiện quân Pôn Pốt đánh chiếm Phú Quốc ngay sau 30-4 đã khiến chúng ta không đủ tàu thuyền, lực lượng cũng như không còn đủ sự tập trung lực lượng thực hiện tiếp các kế hoạch ấy.
“Đó là điều chúng tôi nuối tiếc và cảm thấy đau đớn nhất. Chính tôi cũng đã vào tận cái đảo do Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, đảo Ba Bình thì phải để trinh sát. Nó thấy tàu ta vào, bắn đại bác nổ ngay trước mũi tàu. Nhưng không vì thế mà kế hoạch đánh chiếm lại đảo không được chúng tôi xác lập, báo cáo” – vị đại tá già rơi lệ khi ngồi kể lại cùng NVM trong buổi sáng thứ bảy mưa rả rích không ngớt.
7-5-1975, một số người lính tham gia sự kiện giải phóng Trường Sa được về Sài Gòn dự buổi đại lễ mừng ngày toàn thắng, tổ chức ở Dinh Độc Lập. Sau bao năm nếm mật nằm gai, đói khát, kham khổ, lần đầu tiên người lính được một phần thưởng nhớ đời. Khẩu phần ăn chiều 7-5-1975, mỗi người được hẳn một con gà!
===
Từ hai ông, những mắt xích đầu tiên trên hành trình tìm lại “NGƯỜI TRƯỜNG SA 1975” của chúng tôi đã hé mở. Một ngày không xa, chúng tôi sẽ cùng các ông đi dọc chiều dài đất nước tìm lại những đồng đội. Và mong ước xa hơn nữa, chúng tôi muốn tìm lại những người lính quân đội Sài Gòn đồn trú ở Trường Sa năm ấy, gồm 34 người bị bắt làm tù binh và cả những người đã được tàu chiến HQ-14 của Quân đội Sài Gòn thu quân trước giờ Quân giải phóng lên đảo. Bây giờ họ ở đâu?
Hãy giúp chúng tôi tìm lại họ, những chứng nhân lịch sử mang theo nhiều hoài niệm, nhiều thông tin quý giá về một sự kiện lịch sử lớn lao, một sự kiện gắn với điều kiện sinh tồn, phát triển của đất nước ta, với tư cách là một quốc gia biển, bằng mọi giá phải bảo vệ được chủ quyền biển đảo và tiến ra biển.
Chúng tôi rất muốn tìm lại họ, ghi lại chân thực những thông tin từ họ để sớm có những tác phẩm, những chương trình tôn vinh, tri ân cũng như thu thập các tư liệu lịch sử phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ai biết thông tin về họ, xin được liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ:
Nguyễn Văn Minh, Hoàng Trường Giang – Báo Quân đội nhân dân, 7-Phan Đình Phùng – Hà Nội, ĐT: 0983225576, 0915400800
Email: nguyenvanminhbqd@gmail.com

1 nhận xét:

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !