Tôi định sẽ tạm dừng việc đăng tải thông tin để nghỉ tết ,nhưng vì thắc mắc của một số cá nhân lười dùng google nên tôi đành đăng bài ,cũng may ,điều này cũng chính là điều liên quan đến Tết và văn hóa dân tộc .
Thưa Cha! Con có quen một người, anh ấy có đề cập đến chuyện kết hôn với con sau này, nhưng có một điều trở ngại anh ấy là người Phật Giáo. Con cũng biết đạo nào thì cũng là đạo, miễn sao mình ăn ngay ở lành với nhau. Nhưng gia đình con thì không cho con quen với người ngoại đạo. Khi con nói với anh là nhà con như vậy, thì anh nói nếu vậy thì anh sẽ theo đạo. Nhưng có một điều con thắc mắc là, khi anh ấy theo đạo rồi còn việc cúng bái thì như thế nào thưa Cha, nhà anh có lập bàn thờ cúng, các anh chị của anh ấy đã có vợ có chồng và có nhà riêng, còn mỗi anh, và anh lại là con út, nên việc cúng bái trong nhà là anh phải lo hết. Vậy không biết sau này khi chúng con kết hôn rồi thì anh ấy có thể tiếp tục cúng bái bàn thờ được nữa không thưa Cha. Kính mong Cha giúp đỡ và cho con những giải pháp tốt nhất để thuận tình gia đình hai bên. Con xin chân thành cảm ơn Cha.
|
Đáp:
Việc hôn nhân khác đạo không phải là một việc đơn giản, trái lại nó là một vấn đề quan trọng cần phải được suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh để đi đến quyết định khôn ngoan. Việc "trở lại" hay theo đạo Công Giáo phải là một quyết định tự do, độc lập có suy nghĩ một cách có trách nhiệm và sáng suốt. Không phải chỉ theo đạo để lấy vợ nhưng theo đạo là tự do chấp nhận một niềm tin Công giáo và sống theo những giáo lý của đạo Công giáo một cách tích cực. Khi đã theo đạo Công giáo thì phải bỏ đạo trước bất kỳ là Tin Lành, Do Thái, hay Phật giáo. Không được cử hành các nghi thức tôn giáo theo giáo huấn của đạo cũ nữa. Nếu vì bất cứ lý do nào mà không bỏ được thì, tốt hơn, không nên vội vàng theo đạo Công giáo.
Tuy nhiên, cũng nên phân biệt việc thờ phượng và tôn kính đối với các bậc tổ tiên.
Ngày 2-10-1964, Toà Thánh ban phép cho các Đấng Bản quyền Việt Nam được áp dụng huấn dụ Plane Compertum Est (ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1939) của Bộ Truyền Giáo liên quan đến việc tôn kính các tổ tiên trong nước Việt Nam. Ngày 14-6-1965 các Giám mục đã họp tại Dalat và ra thông cáo chi tiết về vấn đề này.
Tại Nha Trang ngày 14-11-1974, các Giám Mục thuộc Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm đã ký tên ban hành những quyết định như sau:
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ ấy không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên, và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ những thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày kỵ nhật được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã..., và giảm thiểu canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là lễ nghi tỏ lòng biết ơn hiếu kính và trình diện với ông bà.
5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như giáo hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành hoàng, quen gọi là Phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các yêu thần, tà thần.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích cho người ta hiểu việc tôn kính tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn giáo liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải thảo kính cha me, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa".
Hy vọng ít điều chia sẻ này có thể giúp giải quyết vấn đề liên quan đến hôn nhân và tôn giáo.
VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC ÁP DỤNG QUYẾT NGHỊ CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAMVỀ LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ
Thầy Phó tế GB Tô Hồng Tuấn
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, sở dĩ tín hữu Công giáo chiếm số lượng khiêm tốn trong tổng dân số Việt Nam, phần lớn là do những cản trở về phong tục, truyền thống đạo hiếu thờ cúng ông bà tổ tiên của người dân Việt Nam.
Trước sự cấp bách của việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô, được sự chấp thuận của Tòa thánh, các giám mục Việt Nam đã ra Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên[1], và cho phổ biến thi hành trong toàn quốc, kể từ năm 1974.
Tưởng chừng như Quyết nghị của các giám mục đã mở ra một lối thoát cho việc hội nhập văn hóa để Tin Mừng được lan rộng và thấm sâu vào mọi thành phần dân chúng, nhưng thực tế, việc thi hành những quan điểm cởi mở thích nghi với truyền thống đạo hiếu vẫn không được tiến triển bao nhiêu.
1. Một Quyết nghị rất phù hợp với truyền thống đạo hiếu
Việc tôn kính ông bà tổ tiên là hành vi vô cùng quan trọng của bậc làm con cháu. Nó không chỉ thể hiện tâm tình biết ơn của con cái đối với bậc sinh thành, nhưng còn là một bổn phận bắt buộc mà Thiên Chúa đã ra lệnh cho con người: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20,12).
Bổn phận và tâm tình ấy đã được Con Thiên Chúa – Đức Giêsu - chu toàn một cách hoàn hảo, và trở thành mẫu mực cho người Kitô hữu. Dù là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn “hằng vâng phục” bố mẹ trần thế (x.Lc 2,51). Chính vì đức vâng phục này mà Ngài ngày càng thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (x.Lc 2,52). Ngài không chỉ thực hành điều răn mà Cha Ngài đã ban cho Israen, mà còn nhắc lại và buộc mọi người “phải thờ cha kính mẹ” (Mt 19,19).
Tuy không nhận được mạc khải trực tiếp từ Thiên Chúa, nhưng điều răn Thứ Tư đã được người dân Việt Nam thi hành một cách tốt đẹp từ lâu đời. Truyền thống đạo hiếu ấy được thể hiện rõ nét trong đời sống gia đình, trong họ hàng thân tộc và trong tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, lòng hiếu thảo, tôn kính ông bà tổ tiên trở thành nghi thức bắt buộc đối với con cháu, nhất là trong những dịp như cưới hỏi, cúng giỗ, ma chay,… Và để thực hiện những nghi thức này, trong gia đình không thể không có bàn thờ tổ tiên. Trong gia đình truyền thống Việt Nam, bàn thờ tổ tiên vừa thể hiện thái độ hiếu kính, nhớ ân sâu nghĩa nặng của các đấng bậc sinh thành, mà còn là dấu chỉ của một gia đình có nề nếp gia phong, chứ không phải là một tôn giáo.[2]
Trải qua một thời gian dài với biết bao thiệt thòi, ngăn cản việc loan báo Tin Mừng bởi quan niệm chưa đúng về thờ cúng tổ tiên, nay Giáo hội Việt Nam nhận ra được những bất cập và sai lầm của quá khứ, để ra một Quyết nghị rất hợp thời, mở ra một mùa bội thu trong cánh đồng truyền giáo cho lương dân.
Từ khi Quyết nghị có hiệu lực thi hành đến nay đã gần 40 năm, nhưng thực tế Quyết nghị đó vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Rất nhiều giáo dân trong các giáo phận vẫn chưa biết đến những thay đổi trong Quyết nghị này. Bà con lương dân muốn theo Đạo Chúa, vẫn thường bị cản trở bởi quan niệm “theo Chúa thì phải từ bỏ ông bà tổ tiên, không được lập bàn thờ và cúng giỗ ”.
Nếu như trước kia, Giáo hội xem việc lập và vái lạy bàn thờ tổ tiên, hay hành vi vái lạy người quá cố, cũng như việc tổ chức cúng giỗ là điều cấm kỵ, vì đó là việc “thờ ngẫu tượng”, thì nay Quyết nghị lại nhìn nhận những thái độ hiếu kính đó là chính đáng và khuyến khích mọi người tham dự cách chủ động.
Quyết nghị nói rõ: “Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố (số 5). Vậy mà người viết đã chứng kiến sự phản ứng mạnh mẽ của giáo dân khi thấy cha xứ vái lạy trước linh cữu của một người quá cố khi cử hành nghi thức an táng. Đối với họ, linh mục (và tất cả Kitô hữu) chỉ được phép vái lạy Thiên Chúa mà thôi.
Nhiều giáo dân vẫn chưa phân biệt được giữa hai khái niệm tôn thờ Thiên Chúa với việc tôn kính tổ tiên. Cho nên, họ đồng hóa việc lập bàn thờ tổ tiên trong gia đình như chính việc tôn thờ Thiên Chúa; và coi hành vi đó là một sự phạm thượng, xúc phạm đến Thiên Chúa. Sự thiếu hiểu biết và thiếu cập nhật những đổi thay trong việc hội nhập văn hóa của giáo dân, trách nhiệm trước hết phải là các cha xứ. Bởi lẽ, hội nghị các giám mục Việt Nam đã khuyến cáo Quyết nghị này phải được phổ biến và thi hành trong toàn quốc. Cha xứ là người trực tiếp hướng dẫn đời sống đức tin của giáo dân, nên ngài có nhiệm vụ giải thích và cho thi hành các điều trong Quyết nghị này.
Ngay tại điều 1 của Quyết nghị ghi rõ: “Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch”.[3] Người Việt Nam thường lấy chữ hiếu làm trọng. Nên thật cảm động nếu bàn thờ tổ tiên được đặt trang trọng dưới bàn thờ Chúa. Thật là chính đáng phải đạo khi các gia đình biết “trên tôn thờ Thiên Chúa, dưới kính nhớ tổ tiên”. Đấy cũng là dấu chỉ của một gia đình có nề nếp gia phong. Đáng tiếc là hiện nay nhiều tín hữu và lương dân vẫn chưa nghe biết quy định này.
Phần lớn người dân Việt Nam theo Phật giáo và đạo ông bà. Nên truyền thống cúng giỗ để tỏ lòng hiếu kính ông bà tổ tiên là một bổn phận bắt buộc đối với con cháu. Một số gia đình Công giáo cũng đã thích nghi với truyền thống tốt đẹp này, để vừa tỏ lòng hiếu thảo “uống nước nhớ nguồn”, vừa hòa nhập để truyền giáo cho cộng đồng các tôn giáo bạn. Tuy nhiên, đa số giáo dân vẫn coi việc cúng giỗ là hành vi “thờ ngẫu tượng”, không thể chấp nhận được. Điều này được Quyết nghị hướng dẫn rất kỹ như sau: “Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm. Ngày giỗ cũng là ngày "kỵ nhật" được "cúng giỗ" trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn” (Số 2-3).
Những quy định trong Quyết nghị thật phù hợp với truyền thống đạo hiếu của dân tộc Việt Nam. Nhưng ngay cả giáo dân cũng không có mấy ai biết được những đổi thay ấy, huống chi là bà con lương dân và các tôn giáo khác. Rất nhiều người lương dân và cả Kitô hữu tỏ ra ngạc nhiên khi nghe nói Giáo hội Công giáo đã cho phép lập bàn thờ tổ tiên, cho phép thắp hương cúng giỗ cũng như vái lạy bàn thờ và người quá cố.
Nếu Giáo hội không coi trọng sứ mạng truyền giáo, chỉ sống và tương quan trong nội bộ cộng đồng Kitô hữu mà thôi, thì việc thích nghi với những phong tục, truyền thống hiếu kính của người Việt Nam là điều chẳng đáng quan tâm. Nhưng sứ mạng truyền giáo vốn là bản chất của Giáo hội, là lệnh truyền của Đấng Cứu Thế nên các Kitô hữu không thể thờ ơ, mà nhận lãnh trách nhiệm khi sống chung với anh em lương dân và các tôn giáo bạn.
Mặc khác, hoạt động mục vụ tại các giáo xứ xa xôi và các vùng truyền giáo không đơn giản chút nào. Vì lẽ xã hội ngày nay đề cao quyền tự do tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào là do quyền quyết định của chính đương sự chứ không bị ép buộc bởi bất cứ một quyền lực nào.
Thực tế cho thấy, những nơi không được hướng dẫn chu đáo hoặc mục vụ chưa tốt thì các cuộc hôn nhân bị rối gia tăng. Nhiều đôi bạn sống trong tình trạng “rối” – không cử hành Bí tích hôn phối hoặc không có phép chuẩn hôn nhân khác đạo của Đấng Bản Quyền. Khi tìm hiểu nguyên nhân, thì phần lớn là do người ta chưa nghe biết về những thay đổi của Giáo hội trong việc tôn kính ông bà tổ tiên. Điều này gây cản trở và làm nhiều người cảm thấy ái ngại khi gia nhập vào Giáo hội Công giáo.
Các khóa học giáo lý Dự tòng và Hôn nhân là điều kiện thuận lợi để người Giáo Lý Viên trình bày và giải thích cho các bạn trẻ hiểu rõ các điều trong Quyết nghị. Qua đó, những ai còn ngập ngừng hay lo ngại không muốn gia nhập Giáo hội chỉ vì “theo Đạo thì phải từ bỏ ông bà tổ tiên” không còn lý do để từ chối nữa. Dù là con một hay là cháu đích tôn, khi gia nhập vào Giáo hội Công giáo cũng không ảnh hưởng gì đến việc thờ cúng ông bà tổ tiên; trái lại, họ có điều kiện hơn để tỏ lòng hiếu kính biết ơn đấng đã sinh thành ra mình.
Các cử hành phụng vụ như an táng, làm phép nhà, cưới hỏi,… là những dịp tốt để người cử hành biểu lộ những cử chỉ tôn kính như thắp hương vái lạy người quá cố, vái lạy bàn thờ tổ tiên. Quyết nghị quy định: “Trong hôn lễ, dâu rể được làm ‘Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên’ trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà” (Số 4). Cử chỉ ấy có sức thuyết phục rất lớn, nó “thay lời muốn nói” cho những anh em lương dân và tôn giáo bạn đến tham dự vì tình làng nghĩa xóm, vì thân quen hay vì lý do nào khác.
Những cuộc thăm viếng bà con lương dân và tôn giáo bạn vào các dịp ma chay, cúng giỗ, Tết, v.v… đều là những khoảng thời gian thuận lợi để Công giáo biểu lộ sự tán thành và hòa nhập vào truyền thống tôn kính ông bà tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Người viết bài này đã nhiều lần gây sự ngạc nhiên cho nhiều gia đình lương dân, khi đến viếng thăm họ vào dịp Tết Nguyên Đán rồi thắp hương vái lạy bàn thờ tổ tiên của gia đình. Chính lúc họ thắc mắc là lúc người Kitô hữu có cơ hội để nói cho họ biết về Giáo hội, về Thiên Chúa.
Nhiều bạn gái về làm dâu nhà chồng vốn là Phật giáo hoặc đạo ông bà, đã cảm thấy khó xử khi gia đình chồng tổ chức cúng giỗ cho người quá cố. Các cô băn khoăn không biết có được phép thắp nhang và vái lạy bàn thờ tổ tiên cùng với những người trong gia đình hay không? Các cô có được phép ăn các đồ đã cúng không? Các cô có được phép thắp hương vái lạy bàn thờ Phật không? Hàng loạt câu hỏi đưa ra nhưng nhiều người không nhận được những chỉ dẫn cụ thể từ các vị mục tử, dẫn đến sự bối rối lương tâm không đáng có cho họ.
Trong dịp Thường Huấn năm 2011 của Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, Đức giám mục Giáo phận Phú Cường đã đến ban huấn từ và trả lời cho các vấn nạn vừa nêu. Mặc dù, ngài không trích Quyết nghị trên, nhưng những chỉ dẫn của ngài đều phù hợp với các quy định trong Quyết nghị. Ngài dạy: “Việc thắp nhang vái lạy bàn thờ tổ tiên cũng như dọn các món thức ăn lên bàn thờ là những dấu chỉ của lòng hiếu thảo, được phép làm chứ không có gì sai trái. Nhưng nếu những hành vi ấy được áp dụng cho bàn thờ Phật thì không được, vì khi đó là một hành vi thờ phượng chứ không đơn thuần là tỏ lòng hiếu kính”.
Kết luận
Cách nay gần 40 năm, các giám mục Việt Nam đã nhìn thấy những sai lầm và bất cập trong hoạt động truyền giáo cho bà con lương dân và các tôn giáo khác. Quyết nghị về Lễ nghi Tôn kính Ông bà tổ tiên ra đời tuy muộn nhưng vẫn luôn mang tính thời sự và cấp bách. Đáng tiếc rằng thực tế Quyết nghị đã không được phổ biến sâu rộng cho mọi thành phần dân Chúa, và nhất là không được loan báo một cách hiệu quả đến anh em lương dân và những ai đang khao khát tìm kiến Chân Lý, tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời.
Hy vọng rằng, các anh em Thừa Sai sẽ là những chiến sĩ với đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến nồng nàn luôn sẵn sàng mang Tin Mừng cứu độ đến cho bất cứ ai, đặc biệt là những người đang còn do dự, còn ngập ngừng chưa muốn bước vào Hội thánh chỉ vì quan niệm “theo Đạo thì phải từ bỏ ông bà tổ tiên”.
[1] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Quyết nghị về việc thờ kính ông bà tổ tiên,http://www.ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=1440 , CN. 20/10/2011.
[3] Hồn bạch: Tập tục xưa, trước khi có người tắt thở, người thChân lấy 7m vải trắng đặt lên ngực để đón hơi thở / linh hồn người chết vào đấy. Khi chết thì lấy tấm vải đó kết thành hình người gồm đầu, 2 tay và 2 chân; sau khi nhập quan, đặt hình nộm đó lên giường thờ và người ta tin là hồn người chết ở trong đó, gọi là hồn bạch. Ngày nay, người ta dùng di ảnh thay cho hồn bạch.
|
ai nói với chú là bên đạo khác cúng mâm cơm là ko đúng với lý do ngươi chết ko ăn được? đây lại là 1 sai lầm, ví dụ đám giỗ người chết, người ta cúng mâm cơm ko phải là chỉ để cho người quá cố ăn, mà là để tập trung con cái, họ hàng thân thích lại cùng về tụ họp ăn uống cho thêm không khí gia đình,và cũng nhân đó cả gia đình họ hàng tưởng nhớ người quá cố đấy chú, nông cạn quá
Trả lờiXóa--- Gộp bài viết: Vài giây trước, Bài cũ từ: 8 phút trước ---
Thongocmummim đã viết: ↑
bên Công giáo bây h vẫn cho lấy người ngoại đạo nhưng lại bắt cả 2 vợ chồng lên làm phép chuẩn, chưa kể người ngoại đạo phải học sơ qua giáo lý thì t thấy còn rắc rồi hơn là đi theo đạo rồi cưới cho nhanh thấy, sau đó "theo đạo để lấy vợ rồi sau đó bỏ đạo"....ba cái điều luật xàm xàm của Công giáo, theo t nên bỏ quách đi, 2 bên ko cùng đạo thì cứ việc cưới, đạo ai nấy giữ cho lành, còn ko thì chia tay, kẻo rắc rối về sau