Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

GDP VN sẽ tăng dưới 5% vì căng thẳng trên biển Đông ?

Dù theo kịch bản nào, cú sốc trong quan hệ với Trung Quốc cũng khiến kinh tế năm nay khó tăng trưởng trên 5%, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP).
Trao đổi với báo chí bên lề buổi công bố báo cáo thường niên kinh tế năm 2014 hôm qua, ông Nguyễn Đức Thành nhận định kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay và năm tới, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
nguyen-duc-thanh-5045-1401386124.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng cú sốc trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng kinh tế năm nay khó đạt ngưỡng 5%. Ảnh: VEPR
- Trong báo cáo mới công bố, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ đạt 4,15 - 4,88%, thấp hơn năm 2013 cũng như mục tiêu Quốc hội đề ra. Đâu là nguyên nhân để ông và nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo này?
- Đầu năm, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 5,4 - 5,5%, song vì cú sốc trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nên nhóm nghiên cứu phải tính toán lại, bởi các doanh nghiệp cũng như Chính phủ sẽ có thay đổi để thích nghi, từ đó có thể tạo ra sự suy giảm nhất định.
Có hai kịch bản được đưa ra. Một là Trung Quốc có ý đồ thực sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam thì kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng lớn. Còn trong trường hợp Trung Quốc chỉ gây áp lực về chính trị, kinh tế giữa hai nước vẫn bình thường thì tăng trưởng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp tăng trưởng kinh tế đều chỉ dưới 5%, bởi doanh nghiệp lo ngại sẽ khiến hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng tôi dự báo cú sốc này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm nay và cả năm sau.
- Vậy Việt Nam cần làm gì để hạn chế những tiêu cực nếu căng thẳng hai nước lên cao, đặc biệt khi giao thương với Trung Quốc hiện vẫn đóng vai trò quan trọng?
- Thực ra cú sốc này là cơ hội để Việt Nam tự nhìn lại mình, rằng khi quan hệ tốt đẹp thì giao thương kinh tế với Trung Quốc trôi chảy, nhưng khi không tốt thì chúng ta mới thấy mình lệ thuộc nhiều. Do đó, Việt Nam cần có sự chuyển hướng, tăng cường khả năng sản xuất, tự cung ứng nguyên liệu và tìm các đối tác tương đương hoặc tốt hơn Trung Quốc, như các quốc gia trong khu vực ASEAN hay Hàn Quốc, một đối tác có khả năng thay thế đầu vào khá tốt hiện nay.
Trong nội bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân phải linh hoạt hơn, tìm sẵn nguồn nguyên vật liệu thay thế. Khu vực Nhà nước cũng phải có kế hoạch hỗ trợ để không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Những việc trên hoàn toàn khả thi. Nếu không thực hiện, kinh tế Việt Nam sẽ ngay lập tức vấp phải khó khăn trong tương lai. Ví dụ, khi Việt Nam và Trung Quốc hữu hảo thì lượng khách du lịch đến rất động, nhưng bây giờ nguồn khách bị chặn đứng. Xuất khẩu gạo, cao su cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Việt Nam cũng nhập nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc vì hàng hóa, máy móc của họ giá rất rẻ, cho phép doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh hơn. Song, việc làm này hiện nay cần phải nhìn lại. Các doanh nghiệp nên tái cơ cấu chu trình sản xuất của mình, nhập những máy móc, hàng hóa có giá trị cao hơn. Tuy vòng quay vốn sẽ kéo dài nhưng sẽ hạn chế được rủi ro, sự bất nhất và không thể dự báo được trong mối quan hệ với Trung Quốc.
- Ngoài rào cản từ mối quan hệ với Trung Quốc, theo ông Việt Nam tăng trưởng thấp còn do những yếu tố nào?
- Theo phân tích của chúng tôi, ràng buộc tăng trưởng kinh tế còn nằm ở những yếu tố như cơ sở hạ tầng, thể chế pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, sự phát triển của trung gian tài chính và nguồn nhân lực… Ngay cả hoạt động xuất khẩu, Việt Nam cũng phụ thuộc vào nguyên liệu thô, nếu không thay đổi, khi hội nhập chúng ta chỉ có lợi thế ban đầu nhưng sau đó những bất lợi có thể lấn át.
Việc đưa ra những ràng buộc trên cốt để thấy Việt Nam nên có định hướng rõ ràng hơn để loại bỏ những cản trở, đưa kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng cao hơn. Chẳng hạn như phải cải thiện, nâng cao chất lượng của hệ thống trung gian tài chính nhằm dẫn vốn cho nền kinh tế tốt hơn. Đặc biệt, thể chế và thủ tục hành chính phải hỗ trợ để giảm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư.
- Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư và doanh nghiệp sẽ phải làm gì để vượt qua khó khăn?
- Môi trường đầu tư quan trọng nhất là phải bảo vệ nhà đầu tư, các thủ tục hành chính hỗ trợ cho việc kinh doanh cũng phải dễ dàng, tránh thiên vị giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Do đó, chính quyền địa phương phải cải thiện thủ tục hành chính để bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư.
Đối với nợ xấu, theo tôi tiến trình xử lý hiện nay mới chỉ ở bước đầu là thống kê các khoản nợ trong hệ thống ngân hàng thương mại mà chưa có bước cụ thể gây dựng thị trường giải quyết số nợ này và tạo cơ hội cho các ngân hàng xây dựng một chu trình cho vay mới. Điều này có nghĩa hiện nay chưa có dòng tiền thực để mua nợ xấu, cắt bỏ nó đi hay cho phép tổ chức trong và ngoài nước mua. Do vậy, cần có thêm những công cụ xử lý nợ xấu bên cạnh việc mua bán nợ qua Công ty Quản lý tài sản VAMC.
Tín dụng hiện nay cũng không tăng được do rủi ro từ phía cầu. Bản chất doanh nghiệp có muốn vay hay không, muốn mở rộng sản xuất hay không? Nếu họ chưa có các nhu cầu trên và lãi suất còn cao so với rủi ro phải chịu thì doanh nghiệp sẽ không tiếp cận tín dụng.
Trong hoàn cảnh này, tôi đánh giá doanh nghiệp Việt Nam đang chịu tác động lớn hơn từ các điều kiện vĩ mô, do vậy cần cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ những rào cản tăng trưởng. Bản thân doanh nghiệp cũng phải linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm các nguồn lực và cơ hội kinh doanh mới. Tránh việc chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi những tin đồn, cú sốc tác động tới quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.
Phương Linh

6 nhận xét:

  1. Ôi, tầm nhìn của các nhà kinh tế của nước tôi cao xa quá!

    Thiết nghĩ, cho dù GPD có tăng 5% hay 10% mỗi năm đi nữa, mà đồng tiền VN vẫn tiếp tục lạm phát thì mọi chỉ số gia tăng cũng bằng thừa!

    Vấn đề tiên quyết mà VN cần phải giải quyết cho kinh tế là ĐIỀU CHỈNH và QUẢN LÝ sự CÂN BẰNG ỔN ĐỊNH giữa MỨC THU NHẬP và GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG chứ không phải là những con số viễn vông!

    Nói một cách thiết thực và cụ thể hơn, tiền lương (mỗi ngày) của một lao động phổ thông VN hiên tại, đủ để ăn được bao nhiêu bát phở, uống được mấy ly café?

    Hoặc nói rộng ra, sau khi trang trải tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, tiền điện thoại, mỗi tháng, người công nhân VN còn được bao nhiêu tiền để chi phí cho việc ăn, việc mặc, và những sinh hoạt linh tinh khác? Ấy là chưa nói đến chuyện thuốc men lúc ốm đau.

    Hình như giới lãnh đạo VN đã quen hô khẩu hiệu và thích làm việc bằng những báo cáo mơ hồ, hơn là nhìn vào thực trạng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tăng gdp đã trừ lạm phát nên đừng xồn xồn . không biết thì đừng phán lung tung :-j

      Xóa
    2. Bác nói đúng đấy , nhưng may mắn thay là Việt Nam mà ở đây là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn lấy tiêu chí chống lạm phát lên hàng đầu , thực tế mức tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong 2 năm qua liên tục chậm lại . Khốn nạn thay , những mặt hàng tiêu dùng ấy lại đều là hàng trong nước , hậu quả là các ngành công nghiệp tiêu dùng vẫn cứ đình đốn . Em đã được đi nhiều công ty tiêu dùng và họ đều than là nhà nước nếu cho họ vay tiền thì họ cũng chẳng dám vay mà làm lớn khi giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thậm chí chẳng kém mấy với giá thành phẩm mà họ bán ra .

      Xóa
    3. Có lẽ câu cuối trong lời bình của tui đã "chạm nọc" Bách gia :)

      Theo tui thấy, GDP chỉ là con số chung chung - Và con số này rất xa rời với cái túi tiền thật sự của người dân. Trong khi đó, giá cả thị trường thì trực tiếp ám ảnh cuộc sống của người dân, từng ngày, từng giờ!

      Như tui đã đưa ra con số làm ví dụ ở trên, sau khi chi phí mọi thứ cần thiết, người công nhân VN còn lại bao nhiêu tiền dành cho cái ăn, cái mặc? Và, phải bao nhiêu KIẾP mới đủ tiền để mua (trả góp) một căn nhà? Hoặc một chiếc ôtô như dân nước ngoài? Đó là hậu quả và là thực trạng của nạn lạm phát!

      Trong thời gian "xây dựng" suốt gần bốn mươi năm qua, VN đã đánh mất rất nhiều cơ hội để giúp cho toàn dân được cơm no áo ấm! Vũng Áng là một ví dụ điễn hình!

      Tui nói bằng nỗi bức xúc của một người con ở xa nhìn về tổ quốc và dân tộc, không hề có ý bài xích, hay chống đối bất cứ ai. Lời thật thì mất lòng! Đành vậy thôi!

      Xóa
    4. Bác ở xa tổ quốc , uhm , thực tế với thời đại thông tin như thế này thì bác ở đâu cũng như vậy nếu như biết lựa thông tin đúng đắn mà mình cần tìm . Em ở Hà Nội , thì cũng chẳng phải Hà Nội nội thành mà ở Gia Lâm , giá cả tương đối rẻ ( với đồng lương của 1 anh độc thân ) , giá nhà cũng không tính là cao và hoàn toàn có thể mua được trước tuổi 35 . Nhưng đó là mảnh đất cần để ở , còn nếu như mua đất ở trong nội thành thì rất đắt . Vậy bác có thể nhìn nhầm về giá đất ở trong các khu bất động sản hay những trong tâm lớn như thế để xem xét về việc lương và giá đất thì em hoàn toan có thể hiểu được .
      Lạm phát hay giá đất tăng cũng chỉ mới bắt đầu từ năm 2007 đến năm 2012 thôi bác ạ . quảng thời gian trước đó và giờ thực tế khá ổn . Bạn em ở Đức làm nghiên cứu sinh và giảng dạy tại đấy mấy năm nhưng vẫn ở nhà thuê như em mà thôi :)

      Xóa

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !