QĐND - Đánh giá về tài thao lược của vị “Napoleon Đỏ”, tướng P.Mắc Đô-nan (Peter MacDonald), nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, từng nhận định: “Từ năm 1944 đến 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”. Và trên thực tế, không ít các quan chức quân sự một thời bên kia chiến tuyến cũng đã phải “ngả mũ” trước vị Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông R.Mắc Na-ma-ra ngày 23-6-1997. Ảnh: AP
|
Vinh hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp
Trước khi được Việt Nam trao trả về Pháp, tướng Đờ Cát-xtơ-ri (De Castries) đã đề nghị cho ông ta được phát biểu vài cảm nhận về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông ta nói: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”.
Khẳng định rằng mình đã làm hết sức mình trên chiến trường và thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân nhưng Đờ Cát-xtơ-ri thừa nhận: “Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cô-nhi (Cogny) và tướng Na-va (Navarre). Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Nằm trong số những sĩ quan Pháp bị bắt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tướng M.Bi-gia (Marcel Bigeard), khi ấy mới là thiếu tá lính dù, phải thừa nhận tài năng của người từng là đối thủ của mình trên chiến trường: “Ông Giáp đã lãnh đạo quân đội Việt Nam giành được chiến thắng trong một thời hạn thật đặc biệt kéo dài suốt 30 năm, đó là một kỳ tích chưa từng thấy! Đúng vậy, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.
Vị tướng vĩ đại nhất của thế hệ vĩ đại nhất
Sau khi chiến tranh kết thúc, cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Mắc Na-ma-ra (Robert McNamara), người được mệnh danh là “công trình sư” của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đã hai lần tới Việt Nam gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mục đích tìm kiếm câu trả lời cho những thất bại thảm hại của mình. Trong cuộc gặp mặt lần thứ hai kéo dài một tiếng rưỡi diễn ra ngày 23-6-1997, vốn có những bất đồng về quan điểm, R.Mắc Na-ma-ra đã không ít lần ngắt lời Đại tướng. Tuy vậy, Đại tướng vẫn bình thản và lịch sự, chủ động giành lấy phần lớn thời gian nói rõ rằng, Việt Nam là một dân tộc có tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm nhưng rất mong muốn hòa bình. Phía Mỹ đã đánh lỡ nhiều cơ hội để kết thúc chiến tranh còn Việt Nam thì không bỏ qua bất cứ cơ hội nào. “Mỹ xâm lược Việt Nam là một sai lầm. Mỹ thua là do không hiểu được Việt Nam”, Đại tướng khẳng định. Trước những lập luận rất sắc sảo này, cuối cùng R.Mắc Na-ma-ra không giữ được kiên nhẫn, phải thốt lên: “Thế là ngài lại thắng về thời gian rồi”. Tại buổi gặp gỡ này, tướng C.Cu-pơ (Chester Cooper), cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã bày tỏ thái độ một cách chân thành: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục”. Trong khi đó, tướng U.Oét-xmo-len (William Westmoreland), nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, từng tuyên bố Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã hội tụ được tất cả những phẩm chất làm nên một thống lĩnh quân sự vĩ đại gồm “khả năng quyết đoán, sức mạnh tinh thần, sự tập trung và trí tuệ”.
Nhận xét về vị tướng tài ba, cựu trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ G. Dăm-oan-tơ (James G. Zumwalt) từng tham chiến tại Việt Nam từ năm 1968 đến 1971 nói rằng, sự khiêm nhường dường như là một nét tính cách đặc trưng của Tướng Giáp. “Khi cha tôi (Đô đốc E.Dăm-oan-tơ (Elmo Zumwalt), tư lệnh Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam) gặp ông Giáp vào năm 1994, hai người lính già đã ôm nhau và cùng ngồi nói chuyện chiến tranh như những người bạn cũ”, ông G.Dăm-oan-tơ chia sẻ. Dưới con mắt của một quân nhân chuyên nghiệp, cựu Trung tá Dăm-oan-tơ đánh giá: “Khi nhìn lại con đường mà Đại tướng Giáp đã dẫn dắt một thế hệ người Việt Nam trong thế kỷ 20 giành chiến thắng trước người Pháp, người Mỹ..., tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”.
VĨNH AN (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !