Trung Quốc đã có động thái đưa thêm một giàn khoan nữa vào biển Đông, điểm đến của giàn khoan Nam Hải số 9 là vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông. Không khó để lý giải vì sao Trung Quốc làm như vậy, vì sao chọn địa điểm đó và vì sao thời điểm này, tất cả dĩ nhiên là nằm trong một tính toán kỹ lưỡng của họ.
Địa điểm sẽ đặt giàn khoan là vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải giữa hai bên. Đó sẽ là câu chuyện riêng của hai nước mà dư luận quốc tế sẽ ít chú ý tới, thêm nữa với khoảng cách không xa so với đảo Hải Nam, giàn khoan sẽ được hộ tống và bảo vệ tốt hơn.
Nhưng vấn đề của chúng ta đã không còn nằm ở riêng HD981 hay HN9, sự leo thang của Trung Quốc đã đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên một quy mô và tầm mức mới với tính chất khác hẳn.
Nếu như những năm trước khi các vụ gây hấn mà nguyên nhân ngọn ngành được cho là do các nhóm lợi ích của Trung Quốc gây ra, như vụ cắt cáp tàu Bình Minh năm 2012 là do lực lượng Hải giám, Ngư chính thực hiện hòng gây sự chú ý, chứng minh tầm quan trọng đi đến mục đích thành lập một Bộ của riêng mình.
Những vụ gây hấn như thế thường nhanh chóng được giải quyết bởi bản thân chúng không được thực hiện cho một chiến lược dài hạn, chúng chỉ "vô tình" (hay cố tình mượn nước đẩy thuyền) nằm trong tham vọng độc chiếm Biển Đông mà thôi.
Thì bây giờ, chúng ta có thể thấy, không phải trùng hợp mà Trung Quốc kéo HN9 vào vùng biển tranh chấp cùng lúc với sự kiện ông Dương Khiết Trì (bộ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc) thăm Việt Nam, "xoa trước đấm sau, vừa xoa vừa đấm", rõ ràng đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng phía Trung Quốc.
Việc có sự tham gia của ông Dương Khiết Trì trong kế hoạch đó, chứng tỏ tầm mức của những toan tính đã ở bậc cao hơn, tức nó xuất phát trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc. Điều này là hoàn toàn phù hợp khi mà hoàn cảnh nội tại của Trung Quốc thúc ép những lãnh đạo cao nhất phải tìm cách "ghi điểm", Biển Đông là sự lựa chọn.
Sự kiện HD 981 kéo dài cho tới này là đã 51 ngày, bất chấp sự tiêu hao tài lực, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, Trung Quốc không xuống thang mà còn thực hiện thêm những hành động khiêu khích, từ chổ tố ngược các tàu chấp pháp Việt Nam bày ra các thủ đoạn đánh lừa dư luận cho đến nay lại khuấy đảo Vịnh Bắc Bộ bằng HN9, có thể thấy đó không còn là "thăm dò phản ứng của các nước" nữa.
Một kế hoạch đòi hỏi những hiệu quả thực sự trên Biển Đông đang được Trung Quốc thực hiện, "hiệu quả" đó dĩ nhiên là moi giá biến bằng được "vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp", "vùng đang có tranh chấp thành vùng của mình" xa hơn là mưu đồ 9 đoạn.
Ngoại trừ Trường Sa và Hoàng Sa nơi mà Trung Quốc vẫn không ngừng thực hiện chiến lược "chiếm dụng hữu hiệu" khi cho xây dựng các công trình dân sự lẫn quân sự, thì lần đầu tiên chúng ta chứng kiến trên Biển Đông có nhiều hơn một điểm nóng (do Trung Quốc gây ra), như vậy đó không còn là những hành động đơn lẻ mà đã thành hệ thống, điểm này nối tiếp điểm khác.
Khi đã là hệ thống thì sẽ không có điểm dừng cho đến lúc hệ thống đó được hoàn thiện, hệ thống này không chỉ được hiểu là chuỗi các điểm nóng trên biển Đông mà còn là tổng hợp tất cả những động thái ngoại giao, chính trị, quân sự khác nữa.
Tính chất của căng thẳng biển Đông đã thực sự thay đổi kể cả về tầm mức lẫn quy mô, Việt Nam chúng ta cũng buộc phải tính toán đến các đối sách trong tình hình mới tương thích với những gì Trung Quốc đang thực hiện và mưu đồ thực hiện.
Có lẽ đã đến lúc, cần có tiếng nói phản đối ở mức độ cao hơn, cần sớm xúc tiến chuẩn bị cho mặt trận pháp lý, gấp rút có những bước đi ngoại giao thực dụng để tranh thủ những sự ủng hộ "thực tế" và "thiết thực" nhất.
Viết bởi Đông Tuyền
bài rất thực tế
Trả lờiXóa