John Mauldin là một chuyên gia nổi tiếng về tài chính, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất trong danh sách của New York Times và nhà bình luận trực tuyến các vấn đề tài chính và thị trường toàn cầu.
Bản tin điện tử hàng tuần của ông có tên “Thoughts from Frontline” ("Suy nghĩ từ tiền tuyến") là một trong những ấn phẩm đầu tiên cung cấp thông tin khách quan và miễn phí, hiện đã trở thành một trong những ấn phẩm không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư trên thế giới và được dịch sang nhiều thứ tiếng như Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý.
Cuối tháng Năm vừa qua, John Mauldin đã cho đăng trên bản tin một bức thư từ chuyên gia kinh tế Worth Wray - một người đồng nghiệp của John Mauldin - với nhiều kiến giải đáng chú ý đối với các vấn đề hiện nay của kinh tế Trung Quốc.
BizLIVE xin trích đăng một phần bức thư của Worth Wray. Chúng tôi chia nhỏ theo nhiều kỳ để bạn đọc tiện theo dõi. Tựa đề do Tòa soạn đặt.
Kỳ 1: Đừng vội tin con số!
Trong bài đăng trên Thoughts from Frontline vào tháng Ba năm ngoái, tôi đã nhấn mạnh tình trạng bong bóng khổng lồ trong lĩnh vực nợ tư nhân của Trung Quốc và vạch ra viễn cảnh trong ngắn hạn với hai kịch bản, (1) kinh tế chững lại do cải cách hoặc (2) suy thoái do khủng hoảng.
Đây không phải là một đề tài dễ dàng hay trực diện để phân tích, xét trong bối cảnh số liệu “chính thức” của nhà nước thống kê và số liệu rút từ các biện pháp đo đạc hoạt động kinh tế thực tế lệch pha nhau.
Quá nhiều câu hỏi
Mặc dù John và tôi dành ra nhiều giờ mỗi tuần để tìm kiếm sự thực từ một biển báo cáo chính thức và không chính thức, lần nào chúng tôi cũng đi đến một kết luận giống nhau: Không có cách nào để biết điều gì đang xảy ra tại Trung Quốc hôm nay, tương lai thì lại càng mịt mờ, nếu dựa trên những số liệu hiện tại.
Số liệu vô cùng thiếu sót và bị điều chỉnh lệch lạc. Đôi khi sự lộ liễu lại nằm ẩn chính trong sựbất nhất giữa các số liệu chính thức và không chính thức, cho thấy các số liệu chính thống chỉ phát huy tác dụng nhất trong vai trò là công cụ tuyên truyền của nhà nước.
Nói một cách khác, chúng chỉ hiển thị những điều các nhà lập pháp Trung Quốc muốn cả thế giới tin vào.
Sự thiếu hụt số liệu đáng tin cậy và có tính ứng dụng trong một nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất, quảng giao nhất thế giới làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời - nhất là giữa bối cảnh bong bóng tín dụng Trung Quốc đang phình to, với nhiều dấu hiệu rõ ràng của tình trạng đầu tư quá mức và tỷ lệ nợ cao bất thường.
Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại đối với mọi nhà đầu tư, ở mọi tầng lớp, mọi khu vực trên thế giới ngày hôm nay, và lời khuyên là mọi người nên hết sức thận trọng.
(Tôi cần lưu ý rằng John Mauldin có quyền truy cập đối với một khối lượng khổng lồ các nghiên cứu từ một danh sách rất dài những nguồn tin chính thống và không chính thống… Tôi nói điều này khi có cơ hội ngàn vàng tiếp cận với những nguồn tài liệu khó tin, như thể tôi đang là nhà chiến lược gia quản lý danh mục đầu tư cho một ông chủ tỷ phú vậy.
Tôi được tận mắt đọc, nghiên cứu những thứ mà ngày trước tôi chỉ có thể ngồi mơ tưởng, còn những dòng thông tin thì gây nghiện như thuốc phiện vậy.
Các nguồn tin của John mang lại cho chúng tôi những ý tưởng khởi đầu lớn lao, thậm chí nhiều lúc choáng ngợp, về tác động của hoạt động đầu tư xung quanh những xung chạm liên tục giữa các lực lượng kinh tế.
Bị ràng buộc bởi đạo đức và pháp luật, có một vài nghiên cứu chúng tôi không được quyền công bố, nhưng bên cạnh đó, chúng tôi được quyền chia sẻ một số ý tưởng cốt lõi và sẽ cố gắng hết mức để giúp bạn mường tượng. Đây chính là mục đích của bức thư này).
Lường trước sai lầm
Hầu hết các kinh tế gia Trung Quốc - những người cố gắng hết sức phân tích bằng cách tập trung vào một số lượng nhất định các thông số kinh tế trải dài từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ số mua sắm nhà quản trị (PMI), lạm phát tiêu dùng/sản xuất (CPI/PPI), tổng đầu tư xã hội và sản xuất công nghiệp - đều đi đến những kết luận khá trái chiều về viễn cảnh hoạt động kinh tế Trung Quốc, với lập trường dự đoán thay đổi từ quý này sang quý khác.
Nói tới bộ phận này, tôi đặc biệt ấn tượng với bức thư từ những người bạn trong công ty Political Alpha, một trong những công ty phân tích cao cấp nhất thuộc điều hành tư nhân.
Trong khi các chuyên gia Trung Quốc có xu hướng theo dõi sát sao chỉ số thể hiện sức sản xuất (PMI) chính thức và không chính thức được công bố, và xem đó như chỉ số đại diện của nền kinh tế vĩ mô trong từng tháng, thì rất ít nhà đầu tư hiểu rằng “sản xuất không còn là đầu tàu của kinh tế Trung Quốc”...
Mặc dù Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong lĩnh vực hàng hóa giá trị gia tăng (value-added manufactured goods), quốc gia này đã không còn vượt trội trong lĩnh vực xuất khẩu suốt một thời gian dài.
Như tôi đã chỉ rõ trong bức thư tháng trước, tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc phần nhiều vào lượng đầu tư cố định cao cực điểm, vẫn đang được hỗ trợ bởi tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ngày càng leo dốc và sự tăng trưởng không bền vững ở lĩnh vực tín dụng tư nhân.
Nguồn: Wayne M. Morrison, China’s Economic Rise: History, Trends, Challenges, & Implications for the United States. Congressional Research Service, 3/2/2014
Kể cả vậy, nhiều chuyên gia vẫn rơi vào bẫy khi sử dụng số liệu sản xuất cục bộ để ngoại suy thành dự đoán cho bức tranh kinh tế rộng lớn.
Những đồng nghiệp tại Political Alpha miêu tả một trường hợp điển hình của nhóm nghiên cứu Trung Quốc tại HSBC (định chế công bố chỉ số PMI không chính thức hàng tháng).
Ngày 23/9, HSBC nhận định số liệu PMI tức thời là “minh chứng của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang lấy lại phong độ”, nhưng chỉ 7 ngày sau đó, cơ quan này đã buộc phải sửa đổi khẳng định trên thành một kết luận có phần ảm đạm hơn: “Vẫn còn nhiều đợt chuyển đổi cấu trúc trong thời gian tới. Đây là những số liệu khả quan nhất có thể có trong thời điểm hiện tại. Đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào một bước nhảy vọt từ vị trí này”.
Dưới đây là hai clip nhận định được HSBC công bố.
Clip nhận định công bố ngày 23/9: http://www.cnbc.com/id/101053388
Clip nhận định công bố ngày 29/9: http://www.cnbc.com/id/101071631
Nói ngoài lề một chút, tôi không có ý chê bai nhóm nghiên cứu tại HSBC hay đặt câu hỏi về năng lực của họ bằng cách trích dẫn những bình luận trên.
Tôi chắc chắn rằng họ luôn thức dậy mỗi buổi sáng với một khát khao sâu thẳm muốn hiểu hết về những trạng thái chuyển đổi của nền kinh tế một cách sâu sắc nhất, cũng như bản thân tôi, để giúp khách hàng của mình bảo toàn và nhân lên tiền trong tài khoản.
Bởi, hầu hết các nhà đầu tư đang phụ thuộc vào một số lượng hạn chế các dữ liệu sai lệch hoặc dễ gây hiểu nhầm.
Nguồn: Hoisington Investment Management Company, tháng Năm 2014
Như các bạn có thể thấy trong bảng trên, tỷ lệ nợ/thu nhập của Trung Quốc tăng vọt hơn 100% (thêm một lần GDP nữa) chỉ trong năm năm vừa qua, tỷ lệ này vượt mặt mọi nền kinh tế hùng mạnh khác trên thế giới, bao gồm cả Nhật Bản.
Vén bức mành tre
May mắn thay, bức thư trước đề cập tới tình trạng nợ chồng chất của Trung Quốc đã thổi bùng lên nhiều cuộc tranh luận trong giới đầu tư, kinh tế gia và các nhà lập pháp trên toàn thế giới - ở những nơi như London, Tây Ban Nha, Nam Phi, Singapore, Dubai, Úc, Hongkong và Phần Lan.
Đương nhiên, John rất nóng lòng muốn giới thiệu tôi với những người bạn thân của anh ấy (rất nhiều trong số đó là các kinh tế gia hạng A và nhà quản lý vốn), nên khỏi cần nói, những tháng vừa rồi với tôi tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Nhưng John đã giới thiệu tôi với một người đàn ông, người có khả năng vén bức mành tre nhìn vào kinh tế Trung Quốc theo một cách tôi chưa bao giờ nghĩ tới, điều đó giúp tôi có cảm giác mình đang nhìn Trung Quốc với một con mắt hoàn toàn khác.
Người đó là Leland Miller - Chủ tịch của China Beige Book International. Cùng với Tiến sĩ Craig Charney, người chịu trách nhiệm quản lý nghiên cứu của cơ quan này, Leland nỗ lực để mang lại cho các định chế hàng đầu thế giới (từ các ngân hàng trung ương, bộ ngành, đến ngân hàng đa quốc gia và quỹ đầu cơ) một cái nhìn tổng quan vào nền kinh tế Trung Quốc.
Đầu năm 2010, nhóm của chúng tôi lên kế hoạch xây dựng một phiên bản Sách Vàng (Beige Book) mang đặc thù Trung Quốc.
(Chú thích: Beige Book là tên gọi bản báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED về tình hình kinh tế Mỹ hiện tại cũng như bức tranh toàn cảnh về đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, dựa trên hoạt động kinh tế của 12 ngân hàng dự trữ bang của FED).
Để xây dựng Beige Book, mỗi quý, chúng tôi thực hiện một bản khảo sát bao quát hơn 2.000 doanh nghiệp dẫn đầu trong các phân khúc chủ chốt của nền kinh tế; một bản thảo luận chi tiết với từng lãnh đạo hàng đầu của các công ty trong cùng lĩnh vực hoạt động tại mọi khu vực trên thế giới; và một bản khảo sát riêng lẻ nhằm vào giới lãnh đạo ngân hàng cùng giám đốc các chi nhánh.Với số liệu thu được từ ba phương pháp trên, chúng tôi có khả năng so sánh các vùng miền và các ngành công nghiệp trong một quý với nhau cũng như theo dòng thời gian.
Kết quả là những nỗ lực trên đã đem lại cái nhìn tổng quan nhất từng có về kinh tế Trung Quốc…
Tôi không thể chia sẻ toàn bộ bản báo cáo này hay tiết lộ quá nhiều nội dung, nhưng Leland đã cho phép tôi được tiết lộ một phần đánh giá các vùng miền và những điểm đáng lưu ý trong báo cáo Q1/2014.
Sách Vàng Trung Quốc - Khái quát vùng miền (Trích từ báo cáo Q1/2014)
Vùng 1: Thượng Hải, Giang Tô, Triết Giang
Tăng trưởng chậm lại, tốc độ phát triển của phân khúc bán lẻ và bất động sản chững đáng kể - mặc dù sản xuất vẫn ổn định, còn dịch vụ, vận tải và nông nghiệp khởi sắc.
Hoạt động vay vốn bình ổn với lãi suất ngân hàng giảm và lãi suất từ các định chế phi ngân hàng tăng.
Hoạt động tuyển dụng chậm lại, tăng trưởng lãi suất cận biên cũng yếu đi. Bối cảnh quý I ở mức trung bình, nhưng viễn cảnh trong năm đáng lo lắng.
Vùng 2: Quảng Đông, Phúc Kiến
Mặc dù kinh tế cả nước chậm lại, Quảng Đông vẫn tiếp tục vươn lên, dẫn đầu bởi sản xuất và vận tải.
Tăng trưởng bán lẻ ổn định, trái ngược với dịch vụ và bất động sản. Tốc độ tăng lương cao nhưng lạm phát giá cả giảm, thúc đẩy lợi nhuận cận biên. Hoạt động cho vay khởi sắc, với lãi suất ngân hàng bình ổn.
Hoạt động xuất khẩu cũng là một yếu tố sáng sủa.
Vùng 3: Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hồ Bắc
Thủ đô Bắc Kinh có một quý 1 thê thảm do vấn đề trong ngành dịch vụ và sản xuất. Bất động sản và khai khoáng ổn định, bán lẻ có phần nhỉnh hơn. Tỷ suất tăng trưởng giảm. Hoạt động cho vay bình ổn, lãi suất thấp nhất đất nước.
Vùng 4: Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh
Khu vực phía Đông Bắc phát triển chậm, khi hoạt động khai khoáng co hẹp, tăng trưởng tại phân khúc sản xuất, bất động sản và nông nghiệp trượt lại phía sau.
Phân khúc dịch vụ ổn định, bán lẻ khởi sắc. Hoạt động tuyển dụng và lương được củng cố, trong khi giá cả giảm, tạo sức ép lên lợi nhuận. Hoạt động cho vay nhích nhẹ, lãi suất được nới lỏng. Công cuộc tái cân bằng sẽ gặp nhiều khó khăn trong khu vực công nghiệp lâu đời này.
Vùng 5: Hồ Bắc, Hà Nam, Trùng Khánh, Tu Xuyên, An Huy, Giang Tây
Tăng trưởng chậm đột ngột, nhất là bán lẻ, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp và khai khoáng, duy nhất sản xuất là ổn định.
Hoạt động tuyển dụng ổn định, nhưng chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, bó hẹp lợi nhuận cận biên.
Hoạt động cho vay lại sút giảm, với lãi suất thấp ở cả ngân hàng chính thống và tín dụng ngầm - một tín hiệu không sáng sủa.
Vùng 6: Sơn Tây, Nội Mông, Ninh Đông
Tăng trưởng trượt mạnh, lợi nhuận ngành khai khoáng trụ cột chững lại. Sản xuất, bất động sản và nhất là bán lẻ suy yếu. Dịch vụ và vận tải là hai đốm sáng.
Hoạt động tuyển dụng và tăng trưởng lợi nhuận cận biên đều chững lại. Hoạt động cho vay không đổi trong khi lãi suất tăng.
Vùng cực Bắc vẫn phụ thuộc quá nhiều vào phân khúc khai khoáng đang gặp nhiều khó khăn.
Vùng 7: Quế Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Hồ Nam
Một lần nữa lệch pha với cả nước, kinh tế vùng Tây Bắc tăng tốc. Sản xuất, vận tải, khai khoáng được cải thiện, nhưng tăng trưởng bán lẻ, dịch vụ và bất động sản chậm lại.
Quá trình tuyển dụng và chi phí đầu vào đi lên, nhưng giá cả và lợi nhuận cận biên cũng tăng theo. Hoạt động cho vay khởi sắc, lãi suất ngân hàng ngầm tăng cao hơn lãi suất ngân hàng chính thống.
Vùng 8: Tân Cương, Tây Tạng, Cam Túc, Thanh Hải
Miền Tây là khu vực tăng trưởng mạnh hơn cả, mặc dù sản xuất, bản lẻ và dịch vụ chậm lại. Chỉ bất động sản khởi sắc, với vận tải và khai khoáng ổn định.
Hoạt động tuyển dụng và chi phí đầu vào ổn định, nhưng tăng trưởng giá cả và lợi nhuận chững lại. Hoạt động cho vay ảm đạm nhất nước, khi lãi suất nhảy vọt.
Sách Vàng Trung Quốc, Điểm nhấn Nghiên cứu (Trích từ báo cáo Q1/2014)
Sản xuất vẫn ổn định, nhưng nền kinh tế thì không
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại rõ rệt. Doanh thu, doanh số, lợi nhuận và tốc độ tăng lương đều suy yếu so với một năm về trước.
Tốc độ trì trệ đặc biệt tập trung tại phía Bắc [Vùng 6] và Đông Bắc [Vùng 4], đồng thời hoành hành tại Bắc Kinh [Vùng 3] và miền Trung [Vùng 5].
Theo ngành, phân khúc sản xuất tăng trưởng ổn định trong quý đầu càng khẳng định luận điểm của chúng tôi, lâu nay cho rằng đây không còn là đầu tàu kinh tế…
Một cú lội ngược dòng vào cuối năm là hoàn toàn có thể
Hai phân khúc chuyển biến tệ nhất trong quý và trong năm là bất động sản và xây dựng.
Trong khi các công ty bất động sản đang vật lộn, phân khúc này vẫn nổi tiếng là bất ổn vì cả lí do cơ cấu lẫn chính trị.
Sẽ không ngạc nhiên nếu bất động sản khôi phục vào cuối năm.
Một số lý do để lạc quan: Tăng trưởng số đơn đặt hàng nội địa mới khá bền vững (cứu cánh cho vùng Đông Bắc), cả lượng đơn đặt hàng nội địa xuất khẩu đều khởi sắc tại Quảng Đông.
Số liệu này không biểu trưng cho bước một bước đột phá cuối năm 2014, nhưng chúng cho thấy những dự đoán về một giai đoạn suy thoái kéo dài có phần quá bi quan.
Phân khúc tài chính phức tạp
Những tranh luận không nguôi về chính sách tiền tệ vô hình chung cho rằng những dự đoán về chính sách thắt chặt hay nới lỏng lan truyền rộng rãi trong phần đông khách đi vay.
Số liệu trong Sách Vàng Trung Quốc cho thấy điều ngược lại.
Đầu tiên, trong khi số lượng doanh nghiệp báo cáo họ đã vay vốn trong quý I đã ổn định, số lượng vẫn dừng lại ở mức cực thấp.
Việc đẩy mạnh tính thanh khoản của thị trường tín dụng sẽ không phát huy hết mức hiệu quả cho đến khi lượng cá thể tham gia tăng lên.
Điều này bao gồm cả việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Required Reserve Rate) – mặc dù đương nhiên những quyết định như thế này một phần xuất phát từ những lí do chính trị.
Thứ hai, ngân hàng ngầm có thể đang chuẩn bị để trỗi dậy trở lại.
Số liệu Sách Vàng Trung Quốc cho thấy doanh số của các sản phẩm quản lý tài sản (wealth management products – WMPs) (*WMPs tương tự như một chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nhưng lại có lợi suất cao hơn cho người mua – chú thích của người dịch) đang trên đà hồi phục, một phần do sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng trực tuyến.
Có thể hiểu tiền mặt đang vỗ cánh bay khỏi hệ thống ngân hàng chính thống, và trong khi các định chế cho vay phi ngân hàng chưa lấy lại phong độ trong quý I, đây là điều tất yếu xảy ra.
Ngân hàng trực tuyến có thể tạo điều kiện cho những động thái rủi ro
Các ngân hàng cho vay trực tuyến thường được xem làmang lại sự tự do, cũng như một lựa chọn an toàn hơn thay thế hệ thống tài chính ngầm ngoài vòng quản lý.
Tuy nhiên số liệu cho thấy sự sinh sôi nảy nở của hình thức này cũng có cái giá của nó…
Tình trạng trong đó việc kinh doanh ngân hàng trực tuyến mang lại lợi nhuận cao hơn đã buộc nhiều nhà băng phải thực hiện các giao dịch không được thống kê trên bảng cân đối kế toán nhằm né trần lãi suất.
Trong khi lựa chọn này có thể giúp hoàn thành các chỉ tiêu chính sách trong ngắn hạn, những giao dịch không được ghi chép báo trước vấn nạn về ngân hàng ngầm trong tương lai.
Khoảng giãn lãi suất giữa ngân hàng chính thống và ngân hàng ngầm cao nhất trong một năm
Lãi suất vay ngân hàng và lợi suất trái phiếu giảm nhẹ trong quý này, nhưng giá vốn lại leo dốc nếu doanh nghiệp vay từ những định chế phi ngân hàng.
Mặc dù sự chuyển dịch không quá đáng ngại, nhưng khoảng cách giữa lãi suất ngân hàng và phi ngân hàng trên khắp đất nước đang ở mức lớn nhất kể từ quý I năm 2013.
Điều này vẽ nên con đường gập ghềnh phía trước đang chờ đón những doanh nghiệp này, chủ yếu là các công ty tư nhân nội địa không thể tiếp cận dòng vốn vay từ các kênh chính thống.
Tăng trưởng chậm lại nhưng chưa sụp đổ (tính đến thời điểm hiện tại)
Sau khi đọc báo cáo gần nhất, tham vấn bạn bè có kiến thức liên quan, và “dội bom” Leland với một tràng câu hỏi trong tháng trước, John và tôi vẫn chưa dám khẳng định có đủ thông tin để đưa ra một kết luận trực diện đối với nền kinh tế vĩ mô quyền lực nhất thế giới (và cũng bí ẩn vào bậc nhất)… nhưng chúng tôi đã thu lượm được nhiều thứ về nền kinh tế Trung Quốc hơn những gì chúng tôi viết cho các bạn đọc vài tháng về trước.
Đó chính là hiệu quả của những số liệu quý giá – chúng như tia sáng soi rọi vào bóng tối (bao gồm cả hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc).
Chúng tôi có thể nhìn ra những sắc thái đối lập trong hoạt động kinh tế từng vùng miền, sự tái cân bằng nhỏ nhất (nhưng chưa hiệu quả) giữa các phân khúc, và áp lực đè nặng lên thị trường tín dụng cho thấy có thể đợt biến động lãi suất liên ngân hàng mùa hè năm ngoái sẽ tái xuất vào năm 2014.
Chúng tôi cũng nhìn thấy một bức tranh kinh tế nhiều màu sắc đối nghịch hơn rất nhiều so với những gì các số liệu được theo dõi rộng rãi biểu thị.
Nhịp độ chung của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang chậm lại, nhưng chưa tới điểm sụp đổ.
Phương thức chuyển giao tín dụng rõ ràng đang gặp trục trặc, minh chứng bằng biểu đồ dưới đây (với các doanh nghiệp nhà nước và được nhà nước bảo hộ trong những “ngành kinh tế ma” ngốn hầu hết tín dụng của cả đất nước… từ đó buộc các hộ gia đình phải vay mượn từ các ngân hàng ngầm với chi phí rủi ro khổng lồ) tuy nhiên tính đến nay, bong bóng tín dụng vẫn chưa phát nổ.
Nói đến vấn đề này, China Beige Book International là công ty nghiên cứu độc lập duy nhất trên thế giới theo dõi tỷ giá cho vay ngân hàng ngầm không chỉ trong phạm vi quốc gia hay khu vực, mà ở mọi lĩnh vực trên mọi miền theo thời gian.
Leland và nhóm của ông đã giải được bài toán khó nhất: Đâu là chi phí thực của việc huy động vốn tại Trung Quốc, và ai là người thực sự được tiếp cận nó?
Nguồn: Wei Yao, “China: A whiff of debt deflation.” Societe Generale Research, 9/5/2014
Đương nhiên là – Leland cũng nhấn mạnh điểm này – khó khăn lớn nhất của Trung Quốc là giảm thiểu nợ trong nền kinh tế, cùng lúc tái cơ cấu sang một mô hình ưu tiên tiêu dùng nội địa lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại.
Nhiệm vụ này không thể được hoàn thành nếu các hộ gia đình vẫn bị bó buộc bởi sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận thị trường tính dụng hoặc tỷ giá hối đoán bị kìm kẹp có chủ đích, điều sẽ thuyên chuyển tài sản tư nhân từ giới lao động sang các doanh nghiệp được nhà nước chống lưng.
Nhưng để cải cách hệ thống, tốc độ tăng trưởng sẽ còn chậm lại thêm nữa so với mức độ được các nhà lập pháp Trung Quốc cho phép hiện tại.
Và Leland cảnh báo, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ và vốn tháo ồ ạt nếu các dự đoán chính thức và tình trạng kinh tế trên thực tế lệch pha quá mạnh.
Lê Phương /bizlive
sự thật mới quan trọng
Trả lờiXóa