Ảnh: Các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma được đưa về đất liền.
“HQ 505 trúng đạn đã nghiêng, để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà chiến sĩ cũng hy sinh hết. Tôi phát lệnh bằng mọi giá lao tàu lên đảo”, thuyền trưởng HQ 505 Vũ Huy Lễ nhớ lại quyết định trọng đại nhất đời binh nghiệp 26 năm trước.
Nhắc đến trận chiến năm xưa, vị thuyền trưởng đã gần 70 tuổi bồi hồi nhớ lại. Năm 1988, Trung Quốc đưa quân ra chiếm bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Ba đảo này chỉ cách nhau vài hải lý, hợp thành một cụm đảo trong nhóm đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa).
Các bãi đá này không có quân đồn trú nên Hải quân Việt Nam phải đưa tàu ra bảo vệ. Cuộc chiến chính thức nổ ra ngày 14/3/1988 và chỉ kéo dài trong ít giờ buổi sáng trên cả 3 đảo.
Theo thuyền trưởng Lễ, thực tế ngay trước khi diễn ra trận hải chiến năm 1988, HQ 505 đang thực thi nhiệm vụ đưa bộ đội công binh và vật tư công trình đến đảo Đá Lớn. Vừa hoàn thành công việc thì sáng 13/3/1988, tàu nhận được lệnh đến đảo Cô Lin.
Trên đường HQ 505 di chuyển, tàu Trung Quốc tìm cách ngăn chặn, khiêu khích. 18h cùng ngày, dù bị đối phương gây nhiễu làm mất liên lạc với sở chỉ huy song tàu vẫn đến đúng vị trí và hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin sáng sớm 14/3.
Đe dọa và khiêu khích không thành, hôm sau tàu Trung Quốc đã tấn công vào bộ đội Việt Nam đang bảo vệ cờ trên các đảo và nã đạn vào các tàu HQ 505, 604, 605.
6h30 sáng, 3 tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo vào HQ 505, đạn trúng vào buồng máy, khu thông tin, đài chỉ huy, kho tàu bốc cháy. Gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, máy bị hỏng nên tàu trôi xa khỏi đảo hơn một hải lý. Pháo 85, 100 ly trên tàu Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn khiến HQ 505 bốc cháy ngùn ngụt, thân tàu thủng, nước tràn vào các khoang, dầu trôi ra lênh láng mặt biển. Hệ thống liên lạc bị hỏng, không thể báo cáo tình hình với cấp trên.
“Lúc này HQ 505 đã nghiêng và có nguy cơ chìm. Để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà toàn bộ chiến sĩ cũng hy sinh, chỉ còn cách đưa tàu lên bãi cạn”, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhớ lại.
Ngay lập tức, ông hội ý với Ban chỉ huy tàu và yêu cầu phải sửa chữa bằng được máy móc để đưa tàu lên đảo. Trong vòng 3-4 phút, phương án này được thống nhất. Dù bị thương nhưng máy trưởng, đại úy Nguyễn Đại Thắng vẫn xông xáo chỉ đạo anh em sửa máy bằng được.
“Tàu mất điện, lái hỏng, chúng tôi phải dùng một máy tiến, máy lùi để tàu quay mũi hướng về phía đảo. Sau vài phút rồ hết công suất hai máy, tàu lao lên bãi cạn. Đến khi nghe tiếng san hô cọ rào rào và 2/3 thân tàu nằm trên bãi thì tôi biết quyết định ủn bãi đã thành công”, vị thuyền trưởng kể.
Con tàu dài gần 100 mét, rộng 28 mét vừa yên vị trên bãi thì cũng là lúc tàu chiến Trung Quốc tiếp tục nã đạn. Thuyền trưởng Lễ yêu cầu anh em hủy tài liệu mật, sơ tán khỏi tàu nhằm hạn chế thương vong, đồng thời chuyển vũ khí lên đảo chuẩn bị chiến đấu.
“Lúc đó dù lực lượng mỏng nhưng do đã án ngữ lối lên nên tôi tin là dù địch có đổ bộ chúng tôi vẫn đánh được và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo”, đại tá Lễ khẳng định.
Nhân lúc tàu địch rút ra xa, bộ đội trên tàu HQ 505 tổ chức dập lửa, dùng xuồng cao su sang đảo Gạc Ma cứu vớt công binh, bộ đội của tàu HQ 604 bị chìm và đưa được 44 chiến sĩ trong đó có thương binh, tử sĩ về an toàn.
Nhớ lại tình thế ngàn cân đó, thuyền trưởng Lễ cho rằng, đời binh nghiệp có nhiều giây phút phải lựa chọn song quyết định lao tàu lên đảo là quyết định trọng đại nhất của ông. HQ 505 sau đó hiên ngang trên đảo Cô Lin, cờ tổ quốc tung bay trên tàu, dù nguy nan còn kéo dài hàng tháng trời.
Chín cán bộ chiến sĩ bám trụ ở Cô Lin do thuyền trưởng Lễ chỉ huy luôn trong trạng thái chiến đấu. Ngày nào đối phương cũng cho tàu chiến đến đe dọa. “Có ngày chúng quấy nhiễu 3-4 lần, dùng loa réo tên tôi ra hàng. Nhưng điều đó khiến tôi và anh em càng quyết tâm bảo vệ đảo”, ông kể.
Không chỉ căng thẳng về tinh thần, do thực phẩm cạn, tiếp tế khó khăn, cứ đêm đến vài chiến sĩ phải đốt đuốc xuống bãi san hô bắt cá. Có hôm ăn bị ngộ độc, nhiều người đau buốt xương khớp, 3-4 ngày mới khỏi.
Dù có thể rút về đảo Sinh Tồn nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe nhưng thuyền trưởng Lễ đã bám trụ lại đảo Cô Lin cùng các chiến sĩ đến tháng 6/1988, khi các hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc đã giảm và chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững.
Đầu năm 1989, tàu HQ 505 và thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều chiến sĩ khác được thưởng huân chương chiến công các hạng. Đích thân Tổng bí thư Đỗ Mười khi trao tặng danh hiệu đã khẳng định, tấm gương hy sinh, ý chí kiên cường dũng cảm, tinh thần mưu trí sáng tạo, tình yêu thương đồng đội của thuyền trưởng và tập thể cán bộ chiến sĩ tàu HQ 505 là niềm cổ vũ lớn lao với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước trên quần đảo Trường Sa.
Sau trận hải chiến ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, phía Việt Nam chìm 2 tàu vận tải, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt làm tù binh. Trung Quốc chiếm giữ đảo Gạc Ma, Việt Nam giữ được những đảo còn lại.
Nguồn :Tin nhanh Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !