Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Thử tìm hiểu Cù Huy Hà Vũ qua những bài báo cũ



Ông Cù Huy Hà Vũ nộp đơn ứng cử chức Bộ trưởng

Chiều 8/5, ông Vũ đã gửi đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Văn hoá Thông tin tới 4 cơ quan: Ban bí
Thạc sỹ văn chương Cù Huy Hà Vũ
thư trung ương Đảng, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ và Thủ tướng. Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu khẳng định, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

"Điều 53 Hiến pháp quy định, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội... do đó tôi thấy mình hoàn toàn có quyền ứng cử vào vị trí bộ trưởng", tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ khẳng định với VnExpress chiều 9/5. Ông cho biết, là người viết văn, nghiên cứu lịch sử, có nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật nên ông tự nhận thấy có sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực văn hoá. "Từ nhiều năm nay, tôi đã đấu tranh chống sự xuống cấp về văn hoá nhưng hiệu quả không là bao. Vì vậy, với tôi, giải pháp tốt nhất là trực tiếp tham gia quản lý điều hành ngành văn hoá thông tin", ông Vũ nói.
Ông Cù Huy Hà Vũ, 49 tuổi, làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1979, con nhà thơ Huy Cận, con nuôi nhà thơ Xuân Diệu. Ông có bằng thạc sĩ văn chương, tiến sĩ luật tại Pháp; đồng thời tốt nghiệp Học viện Quốc tế hành chính công của Pháp.
Trong "chương trình hành động", ông Vũ nêu 3 vấn đề. Đầu tiên, giải quyết nạn vi phạm bản quyền; tệ nạn núp bóng hoạt động văn hoá. Thứ hai, rà soát năng lực cán bộ ở các cấp. Vấn đề tiếp theo là chấn hưng văn hoá dân tộc và hội nhập văn hoá thế giới.
Trao đổi với VnExpress, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình cho hay, ông đã nhận được đơn của ông Vũ và chuyển cho Ban công tác đại biểu để chuyển cho Uỷ ban thường vụ và Quốc hội. "Cá nhân tôi cho rằng, đây là tin vui bởi điều này cho thấy sinh hoạt chính trị của chúng ta ngày càng dân chủ", Trưởng ban dân nguyện đánh giá.
Tuy nhiên, đề cập đến góc độ pháp lý của vấn đề này, ông Bình cho biết, luật pháp quy định công dân từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và khi đủ 21 tuổi có quyền ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội. "Hiện không có quy định nào về việc công dân ứng cử vào cơ quan hành pháp", ông Bình nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu cũng khẳng định, chỉ có Thủ tướng mới có quyền giới thiệu nhân sự thành viên Chính phủ để QH xem xét phê chuẩn. "Trường hợp của anh Cù Huy Hà Vũ không thể gọi là ứng cử vì Chính phủ không phải là cơ quan để ứng cử. Mà đây có thể hiểu là anh Vũ đề đạt nguyện vọng, mong muốn cá nhân. Có chấp nhận hay không là quyền của Thủ tướng", người đứng đầu cơ quan tư pháp của Chính phủ nhìn nhận.
Ông cũng cho biết thêm, từ trước tới nay, ông chưa thấy tiền lệ công dân tự ứng cử vào chức Bộ trưởng.
Tối 9/5, ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng, cho hay, ông chưa hề nhận được thông tin về vấn đề này.
Trong kỳ Đại hội Đảng X vừa qua, trả lời VnExpress về khả năng người ngoài đảng ứng cử chức thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị cũng bộc lộ quan điểm khuyến khích bộ trưởng là người ngoài Đảng.
Hiện, ông Cù Huy Hà Vũ là người ngoài Đảng.
Phạm Hiếu - Anh Thư/VNExpress/2006
Hoạ sĩ, luật gia Cù Huy Hà Vũ, một năm ba lần khuấy động công luận
Dù còn điều này tiếng khác song có một thực tế không dễ phủ nhận: Trong năm qua, để khuấy động được sự chú ý
Họa sĩ-Luật gia Cù Huy Hà Vũ
của công luận như họa sĩ, luật gia Cù Huy Hà Vũ, mà lại khuấy động tới... 3 lần là điều không phải ai cũng làm được.
Nhân dịp cuối năm Bính Tuất, chúng tôi có cuộc trao đổi cởi mở, “lật bài ngửa” với ông Cù Huy Hà Vũ để nhìn nhận lại những vụ việc mà ông là “đồng tác giả” trong năm qua.
- Người đời vẫn xem thân phụ ông - nhà thơ Cù Huy Cận thuộc vào hàng khai quốc công thần. Vậy mà sinh thời, cụ hoàn toàn bằng lòng với vị trí Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ông nghĩ thế nào mà đột nhiên “nhảy ra” xin ứng cử vào vị trí Bộ trưởng cao vời như thế?
+ Nói thật là việc tôi ra ứng cử không có ý đồ sắp xếp trước. Chỉ là tình cờ: Một hôm, khoảng tháng 5, đến nhà một người bạn, lật giở một chồng báo, tôi thấy đăng thông báo Quốc hội sắp tới sẽ thay một số Bộ trưởng, có nói 5 Bộ, trong đó có Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT). Lập tức, tôi nảy ra ý: Như vậy, thay Bộ trưởng, thì Cù Huy Hà Vũ với tư cách một công dân, thấy mình đầy đủ năng lực xứng đáng thì ra ứng cử.
- Và ông tin rằng ý nguyện của mình sẽ thành hiện thực? Hay đơn thuần- như có người vẫn nghĩ- đó là một cách làm lạ, gây chú ý của ông?
+ Tôi là người được đào tạo bài bản ở Tây, luôn luôn nghĩ tới tính hiệu quả. Không bao giờ nghĩ “không được” mà tôi lại ra ứng cử. Xét về nhiều phương diện, tôi thấy việc tôi ra ứng cử lúc ấy là chín muồi.
Bạn nên nhớ, Cù Huy Hà Vũ có bằng Thạc sĩ văn chương của Pháp, bằng TS Luật ở đại học Sorbonne. Bằng này cho thấy khả năng xây dựng pháp luật, và thẻ Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam để thấy Hà Vũ có chân trong một ngành nghệ thuật.
Còn về truyền thống gia đình, có thể khẳng định luôn là, tới thời điểm ấy, ít người “cạnh tranh” được. Nhiều người biết mình là con cụ Cận, nhưng không phải ai cũng biết mình còn là cháu ông Diệu (nhà thơ Xuân Diệu; Cù Huy Hà Vũ gọi bằng bác).
- Mặc dù việc không thành, nhưng có lẽ công luận cũng tôn trọng cá tính của ông. Bằng chứng là báo chí ít “chọc ngoáy” khi đưa tin.
+ Nên nói là chưa thành thì đúng hơn. Tôi khẳng định trước sau tôi sẽ là Bộ trưởng trong tương lai. Còn về báo chí, tôi đọc nhiều, thấy tất cả đều rất hoan nghênh. Có người còn cho rằng, tôi là người đã đặt được một cột mốc. Vâng, tôi cứ ôm cột mốc chứng minh công dân có quyền theo hiến pháp quy định, có quyền đóng góp cho đất nước.
- Nhưng đến vụ ông “kiện” album “Chat với Mozart” của Mỹ Linh là xâm phạm bản quyền, người ta đã phần nào khó chịu với cách đặt vấn đề của ông. Nếu tôi không nhầm thì chính lãnh đạo Cục Bản quyền và Sở VH-TT Hà Nội cũng đã có ý kiến khác về vụ việc này?
+ Chưa xuôi đâu. Sắp tới chắc chắn Cục Bản quyền và Sở VH-TT Hà Nội sẽ phải chính thức trả lời tôi. Có cơ sở pháp lý nào bênh vực được? Tôi tin tưởng việc phạt Mỹ Linh là chắc chắn. Luật Sở hữu trí tuệ ghi rất rõ: Nhạc có hai loại: có lời và không lời. Nhạc người ta đang không lời, mình cải biên thành có lời là không được.
Ấy là chưa nói tới việc nhạc không lời (trong trường hợp này là nhạc giao hưởng - NV) là đỉnh cao của âm nhạc. Người ta đang ở “cao”, mình kéo xuống “bình dân” là phá hoại văn hóa.
- Cứ cho là ý kiến của ông đúng, thì việc ông “tố” người “trong nhà” với người “bên ngoài” xem ra có gì đó không được “thuận tình” thì phải?
+ Không được! “Thế giới phẳng”, phải coi người ở ngoài cũng như mình. Phải trên cơ sở luật chơi chung. Vả chăng, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne, tôi lên tiếng “kiện” Mỹ Linh là làm theo tinh thần ấy đấy. Mà làm thế, sau này mới có cớ “gào” lên bảo vệ cho các nhạc sĩ trong nước nếu họ bị vi phạm bản quyền ở nước ngoài.
Nhân đây tôi cũng xin tiết lộ rằng: Có tờ báo nước ngoài phỏng vấn tôi, họ cho biết bản thân nước ngoài cũng không phát hiện ra “vụ” này. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói trên báo mạng: Phải là người rất tinh tế mới phát hiện ra vụ này. Phải có cái đầu tinh tế.
- Ông quả là người quyết liệt, kể cả trong những vụ “ăn cơm nhà, vác tù và…”? Có lúc nào ông thấy mệt mỏi, nhất là với vụ liên quan đến ca sĩ Mỹ Linh, ông bị dư luận không mấy hoan nghênh? 
+ Vụ này thật ra tôi chưa bị “phê” nhiều như vụ ông Đào Thái Tôn. Dễ có tới 90% báo chí “phang” lại tôi. Thắng kiện mà còn thế đấy. Nhưng tôi không ngại. Nói thật, tôi đã đi một bước khá xa với mọi người về pháp luật, nên về dư luận báo chí, Cù Huy Hà Vũ không để ý.
Các vị có phải là chuyên gia về pháp luật đâu. “Đối thủ” của tôi là Tòa án, là đương sự, còn công luận thì cứ việc tự do nêu lên. Có phải bình thường mà từ ý kiến của Cù Huy Hà Vũ, vụ xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh phải ách lại. Rồi vụ đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch, có xây được đâu?

  Phạm Khải/CAND/2007

Cù Huy Hà Vũ đã làm ra nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước Việt Nam

(GD&TĐ) – Chiều nay (6/11), tại Hà Nội, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã chủ trì cuộc họp thông báo về hành vi vi phạm pháp luật của Cù Huy Hà Vũ.
Cù Huy Hà Vũ bị bắt vì hành vi chống phá Nhà nước. ảnh Internet
Diễn biến trước đó, ngày 5/11/2010, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp đối với Cù Huy Hà Vũ để điều tra về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự và đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Theo Cơ quan An ninh điều tra, qua các chứng cứ, tài liệu do các cơ quan chức năng thu được đã chứng minh Cù Huy Hà Vũ có những hành vi vi phạm pháp luật.

Cơ quan An ninh điều tra cho biết, Cù Huy Hà Vũ đã làm ra nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước Việt Nam để tuyên truyền, xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, đòi lật đổ chế độ, thực hiện đa nguyên, đa đảng, đi ngược lại quyền lợi dân tộc, kêu gọi nước ngoài can thiệp. Như các tài liệu: "Chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4 dưới mắt tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ" đề ngày 1/5/2010; tài liệu "Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa" đề ngày 30/8/2010; tài liệu "Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ- đa đảng hay là chết" đề ngày 11/9/2010; "Phải đa đảng mới chống được lạm quyền", tài liệu "Cáo trạng xác nhân chế độ đa đảng" đề ngày 17/1/2010...

Cù Huy Hà Vũ quan hệ với các đối tượng có tư tưởng chống đối Nhà nước trong nước, các thế lực chống Việt Nam ở nước ngoài, đã thực hiện hơn hai mươi cuộc trả lời phỏng vấn các đối tượng, đài báo của các đối tượng phản động chống Việt Nam ở nước ngoài có nội dung chống Nhà nước và chuyển tải các tài liệu do Vũ làm ra để chúng sử dụng chống phá Nhà nước Việt Nam.

Cù Huy Hà Vũ làm ra các tài liệu, đưa thông tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc sự lãnh đạo và quản lý của Nhà nước, Chính phủ gây hoang mang trong nhân dân, kích động, cổ súy, hô hào chống Nhà nước; vu khống, xúc phạm danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền. Đó là các tài liệu như "Đường sắc cao tốc Bắc- Nam- dự án tham nhũng"; "Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ về hành vi ban hành Nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật" đề ngày 14/9/2010; “Đơn khởi kiện Thủ tướng do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg phê duyệt phân vùng khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015” đề ngày 11/6/2009; “Văn phòng Chính phủ - từ cố ý làm trái pháp luật đến trắng trợn xuyên tạc sự thật”; “Thanh tra Chính phủ quy định không xử lý đơn khiếu nại, tố cáo có chữ ký nhiều người là trái Hiến pháp và pháp luật”; “Đơn tố cáo Chủ tịch UBND quận Hà Đông” ngày 16/9/2010; “Đơn tố cáo khẩn cấp về việc chính quyền phường Điện Biên Phủ đập phá trái pháp luật tường rào”…

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước nói trên của Cù Huy Hà Vũ, ngày 5/11/2010, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp đối với Cù Huy Hà Vũ để điều tra về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự và đã được Việm Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Việc bắt, khám xét được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ mức độ sai phạm về hành vi của Cù Huy Hà Vũ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo Cơ quan An ninh điều tra, Cù Huy Hà Vũ còn phải chịu trách nhiệm về hành vi quan hệ dâm ô, trụy lạc do Vũ gây ra đêm 4/11/2010 tại phòng 101, Khách sạn Mạch Lâm, TP. Hồ Chí Minh.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Lê Văn Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình - Hà Nội là nơi Cù Huy Hà Vũ cư trú cho biết Cù Huy Hà Vũ sinh năm 1957 tại tỉnh Hà Tĩnh, hộ khẩu thường trú tại số nhà 24, đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Từ nhiều năm nay, Vũ liên tục vi phạm pháp luật. Năm 1986, Vũ bị Công an quận Ba Đình, Hà Nội khởi tố về hành vi đánh người gây thương tích. Cù Huy Hà Vũ nguyên là cán bộ Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) đã bỏ cơ quan không đến làm việc. Đến năm 2009, Bộ Ngoại giao có quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc.

Năm 2003, Cù Huy Hà Vũ đã bị xử lý về hành vi cố tình lấn chiếm xây dựng nhà trái phép. Năm 2006, ông ta tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội khoá XII, tổ dân phố đã họp biểu quyết nhưng không có ai đồng ý vì không đủ tư cách. Trong gia đình, ông Vũ đánh chửi em gái, lấn chiếm tầng 1 nhà số 24 đường Điện Biên Phủ, gây mất trật tự trị an, tỏ ra ngạo mạn, coi thường pháp luật.
Kiên Hưng/Giáo dục và thời đại /2010
 Bài học cho những kẻ ngông cuồng và ảo tưởng
Cù Huy Hà Vũ bị bắt vì hành vi chống phá Nhà nước.
QĐND - Liên tục phát ngôn và hành động ngang ngược, ngông cuồng, chiều 5-11, Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt về hành vi vi phạm pháp luật “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ luật Hình sự”.
Theo cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, Cù Huy Hà Vũ đã làm ra nhiều tài liệu chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, tuyên truyền kích động nhân dân, công khai đòi lật đổ chế độ, đòi đa nguyên đa đảng, kêu gọi nước ngoài can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Những luận điệu ấy thể hiện qua tài liệu: “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30-4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”, đề ngày 1-5-2010; tài liệu: “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa” đề ngày 30-8-2010; tài liệu: “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ- đa đảng hay là chết”, đề ngày 11-9-2010; tài liệu “Cáo trạng xác nhận chế độ đa đảng”, đề ngày 17-1-2010.
Không chỉ vậy, Cù Huy Hà Vũ còn công khai móc nối quan hệ với những đối tượng có tư tưởng chống đối Nhà nước và các thế lực thù địch chống Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện hơn 20 cuộc trả lời phỏng vấn đài, báo có tư tưởng phản động chống Việt Nam. Vũ còn là cầu nối chuyển tải tài liệu và tư tưởng chống đối về Việt Nam, cần mẫn “cõng rắn cắn gà nhà”.
Trong nước, trước những khó khăn về tình hình kinh tế-xã hội, thiên tai hoành hành… Vũ thường lợi dụng vào đó để bịa đặt, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước, kích động và vận động nhân dân chống đối chính quyền, xúc phạm danh dự cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những hành vi đó thể hiện qua tài liệu: “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Dự án tham nhũng”; “Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ về hành vi ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật”; “Đơn khiếu kiện Thủ tướng do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg phê duyệt phân vùng khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007- 2015”… và hàng loạt đơn kiện khác. Cù Huy Hà Vũ không ngần ngại kiện bất kỳ ai, có những đơn kiện của Vũ hình như không phải để thắng kiện, mà để nổi danh, để khác người, làm nhiều người rơi nước mắt xót thương cho tình người, xót thương cho đạo lý, khi người cả gan đứng tên kiện là một tiến sĩ!
Cùng với hay kiện, Vũ còn hay thể hiện “cơ bắp” với người khác. Năm 1986, Vũ đã bị Công an Ba Đình (Hà Nội) khởi tố về hành vi đánh người gây thương tích. Và ngay hôm 5-11-2010, khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ, ông tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cũng bất hợp tác, muốn giải quyết gọn bằng sức mạnh cơ bắp!...
Cù Huy Hà Vũ có một hệ thống bằng cấp ít người có được và một lý lịch gia đình, quê hương thật đáng trân trọng và tự hào. Vũ sinh năm 1957, trong một gia đình danh giá, đó là điều kiện tốt để Vũ được học nhiều, trở thành tiến sĩ luật học, thạc sĩ văn chương, họa sĩ. Vũ là con trai nhà thơ Huy Cận và là con nuôi nhà thơ Xuân Diệu. Mẹ Vũ là Ngô Thị Xuân Như, thuộc dòng họ Ngô Đức Kế (Can Lộc, Hà Tĩnh). Thật đau xót, Vũ đã quyết liệt đi ngược lại với truyền thống quê hương và gia đình cách mạng ấy.
Điều nhiều người quan tâm là vì sao một con người có nhân thân tốt như thế lại ra nông nỗi vậy? Theo dõi các hành động của Vũ, xem các bài báo Vũ viết trên các trang điện tử thì thấy rõ Vũ là người ngông cuồng, nghĩ rằng mình đứng trên mọi người, đứng trên pháp luật, Vũ cho rằng xã hội u mê cả, mình Vũ tỉnh. Vũ cho rằng với những tấm bằng cấp ấy, với những bài trả lời phỏng vấn nóng bỏng sự phỉ báng và chì chiết chính quyền ấy, Vũ đã là một thiên tài, Vũ phải làm chức này chức nọ mới xứng. Vì vậy, năm 2006, Vũ nộp đơn ứng cử Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin. Ngày ấy, đại diện Quốc hội và Bộ Tư pháp khẳng định việc tự ứng cử vào cơ quan hành pháp không có trong luật; Chỉ có Thủ tướng mới có quyền chỉ định các thành viên Chính phủ để Quốc hội thông qua. Vũ trở nên nổi tiếng. Vũ lại ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng lại bất thành, vì ngay ở tổ dân phố nơi Vũ sống, không ai đồng ý. Quẫn bách, Vũ cuồng say chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vũ yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thiết nghĩ, từng ấy dòng lý lịch cũng đủ vẽ nên chân dung một con người: Có học, say mê quyền lực, nhưng không tìm một con đường đi đến quyền lực bằng sự dấn thân cống hiến ích nước lợi dân, mà là… đòi. Đòi không được thì khùng và kiện, và quay lưng với đất nước.
Vũ là người học nhiều, nhưng lạ thay, các luận điểm về chính trị của anh ta rất nông nổi, cảm tính. Một luận điểm được các thế lực thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam tung hô, hả hê, cho Vũ lên bậc thiên tài là: “Ngày xưa các cụ nhà ta suốt mấy nghìn năm lịch sử có đảng đâu, sao vẫn giữ được nước?” Nghe luận điểm này, những người chưa bao giờ nghiên cứu chính trị sẽ tâm đắc, cho đó là phát minh của Vũ. Nói thế, Vũ cố tình lờ đi, hay thực sự không thấy thế giới ngày nay không nền chính trị nào không có đảng chính trị làm ngọn cờ tiên phong, nếu không là đảng này, ắt là đảng khác dẫn dắt dân tộc. Chỉ khác nhau là, đảng tiến bộ và cách mạng lãnh đạo thì xã hội ổn định, đất nước phát triển, trong khó khăn vẫn tìm được lối thoát cho cả dân tộc; ngược lại, nếu đảng hỏng, đảng sai lầm thì đất nước lầm than, tao loạn. Người thông minh như Vũ chắc không khó hiểu vì sao đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam biết bao anh hùng hào kiệt xuất lộ cứu đời, cứu nước mà thất bại như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học…? Lịch sử đã trả lời minh bạch, vì họ có thừa lòng yêu nước và có thừa dũng khí nhưng thiếu một chủ nghĩa, thiếu một con đường đúng đắn để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là những người yêu nước Việt Nam tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lê-nin, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong bối cảnh hiện nay chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam chân chính mới đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Vậy nhưng Vũ cố tình phớt lờ sự thật, căm giận Đảng, căm giận chính quyền, tấn công vào danh dự và niềm tự hào của cha ông mình.
Động cơ nào vậy? Cù Huy Hà Vũ đã thể hiện rõ một động cơ cá nhân tham vọng quyền lực. Vũ hy vọng những việc làm của Vũ sẽ đạt mục đích lật đổ chế độ này, và sau đó Vũ nhảy lên ngôi cao?! Đó là một ảo tưởng đáng thương hại cho Vũ. Người xưa đã tổng kết con đường của các bậc anh hùng trong thiên hạ là: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Với Vũ, “tu thân” được một phần là học hành, nhưng trong một con người luôn cần có tài và đức. Cái đức của Vũ còn thiếu nhiều, khi anh ta đánh đập, kiện tụng những người trong gia đình, sống buông thả. Đó cũng là cái gốc để Vũ không thể “tề gia” theo đúng nghĩa một người chồng, một chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Đối với xã hội, ngay một tổ dân phố nơi Vũ sống cũng không thể biểu quyết để Vũ đại diện cho quyền lợi của họ, thì Vũ có thể làm được gì trên chính trường đây? Mất gốc rồi, tổ dân phố cũng không chấp nhận thì làm sao Vũ cứ đòi làm to được?! Nhân dân tinh lắm. Những người như Vũ càng phỉ báng Đảng và Nhà nước thì như một phản xạ tự nhiên, nhân dân càng thấy trách nhiệm phải bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước của mình.
Vậy là sau một thời gian dài chống phá Đảng và Nhà nước bằng những chiêu bài thô thiển núp trong cái áo choàng sang trọng “Tiến sĩ luật”, Cù Huy Hà Vũ ngông cuồng đã sa vòng pháp luật. Đây là một bài học làm người với Vũ và với cả những ai còn ảo tưởng về Vũ.
Xuân Bằng


Cù Huy Hà Vũ là người như thế nào?
Việc một Cù Huy Hà Vũ ảo tưởng và ngông cuồng sa lưới pháp luật âu cũng là hệ quả tất yếu. Ở đâu cũng thế thôi, cố tình đi trái làn mãi, ắt sẽ gặp phải tai nạn giao thông. Chỉ có điều, đến giờ phút này, trên nhiều diễn đàn mạng thông tin điện tử, nơi vẫn được coi như một công cụ chính để Vũ thể hiện những ngông cuồng ấy, nhiều học giả, trí thức đã từng rất thiện chí mà chỉ ra những việc làm sai trái của Vũ từ lâu rồi.Cù Huy Hà Vũ không phải là người bình thường! Bởi người bình thường thì không ai lại cố tình có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật đến như thế. Con người này sinh năm 1957 tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiếng tăm và có điều kiện được giáo dục bài bản, tiếc thay Vũ lại không ý thức được bản thân.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (chuyên ngành tiếng Pháp), năm 1979, Vũ nhận công tác tại Ban Thông tin Học viện Quan hệ quốc tế. Trong thời gian 5 năm làm việc ở Học viện, Vũ liên tục được đi Pháp để tiếp tục học tiếng Pháp và học thêm các chuyên ngành quản lý nhà nước, quan hệ quốc tế, luật kinh tế.
Hơn 15 năm được ưu tiên du học nước ngoài, đủ mọi loại bằng cấp nhưng Cù Huy Hà Vũ chẳng cống hiến được gì với nơi đã tạo điều kiện cho Vũ ăn học cũng như cho xã hội. Đã thế, khi về nước vào năm 1999, Vũ không đến cơ quan làm việc, không chấp hành kỷ luật của tổ chức. Đùng một cái, đến năm 2004, Vũ trở mặt quay lại kiện cáo đòi cơ quan phải trả lương.
Sau khi được giải quyết nhận công tác trở lại (2004 - 2009), Cù Huy Hà Vũ tái diễn không đi làm, và lại vi phạm liên tục kỷ luật lao động. Cơ quan của Bộ Ngoại giao nói trên đã không dưới 2 lần nhắc nhở và yêu cầu Vũ thực hiện nghĩa vụ công chức nhưng không có kết quả. Đến ngày 19/11/2009, Bộ Ngoại giao buộc phải quyết định xử lý kỷ luật cho thôi việc nhưng Vũ đã không chấp nhận, còn có những lời lẽ thách đố, mạt sát cá nhân lãnh đạo đơn vị và của Bộ.
Có thể nói, lật giở các trang hồ sơ từ Học viện Quan hệ Quốc tế đến UBND phường Điện Biên, thông qua những người anh em họ hàng cũng như hàng xóm, khối phố của Cù Huy Hà Vũ mới thấy con người này quả là "danh bất hư truyền" về thói hung hăng, côn đồ, coi thường gia phong, coi thường luật pháp. Vào năm 1986, UBND phường Điện Biên đã từng phải xử lý vụ Cù Huy Hà Vũ đánh bị thương người phụ nữ nhà bên cạnh do tranh chấp đất đai, Công an quận Ba Đình đã khởi tố về hành vi đánh người gây thương tích nhưng rồi lại được miễn truy cứu hình sự.
Chưa hết, không ít lần Vũ đã sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với những người anh em cùng cha khác mẹ trong nhà vì tranh chấp biệt thự số 24 Điện Biên Phủ, gây mất an ninh trật tự ở khu phố. Hàng xóm cũng chẳng ai dám "dây" vào Vũ.
Và có điều này cần phải làm rõ với bạn đọc: Cù Huy Hà Vũ đi đâu cũng tự nhận mình là con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu) để rồi lấy cớ đó ngang nhiên khẳng định mình "có quyền" thừa kế, chiếm giữ phần nhà, đất của nhà thơ. Việc Vũ gọi nhà thơ Xuân Diệu là bác ruột là sự thật. Tuy nhiên, vào năm 2001, ông Ngô Xuân Huy là em ruột nhà thơ Xuân Diệu và cũng chính là cậu ruột của Cù Huy Hà Vũ đã từng có đơn gửi Bộ Tư pháp đề nghị xác nhận việc này về mặt pháp lý.
Phía Bộ Tư pháp sau đó đã có Công văn số 622/TP-HT ngày 20/8/2001 trả lời rằng: Nhà thơ Xuân Diệu chưa bao giờ làm thủ tục pháp lý nhận Cù Huy Hà Vũ làm con nuôi cả! Như vậy là việc Vũ có thực sự được thừa kế tài sản của nhà thơ Xuân Diệu hay không, trong khế ước gia đình hay theo một cách nào đó tạm không bàn tới. Nhưng lấy sự nhập nhèm để công khai cho mục đích cá nhân, đó là điều người đàng hoàng tử tế không ai làm.
Tính cách thiếu đàng hoàng ấy lại thêm một lần bộc lộ ở ngay chính cái biển to chềnh ềnh trên nóc cổng số nhà 24 đường Điện Biên Phủ. Mặc dù đã nhận bào chữa cho một số vụ kiện dân sự, thậm chí có bằng Tiến sĩ Luật kinh tế của Pháp hẳn hoi, nhưng Cù Huy Hà Vũ chưa từng được pháp luật công nhận hành nghề luật sư tại Việt Nam.
Cụ thể, Đoàn Luật sư Hà Nội đã phải ra thông báo chính thức rằng Cù Huy Hà Vũ không phải là luật sư. Còn về Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ: Văn phòng này được thành lập và đăng ký hoạt động ngày 9/4/2007 do Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà (vợ Vũ) làm Trưởng Văn phòng và tên giao dịch của nó thì lại được đặt trúng tên... Cù Huy Hà Vũ!!!
Cù Huy Hà Vũ bị chính cộng đồng mạng bài bác.

Nhưng nếu những vụ xì-căng-đan gây sốc trong giới "người của công chúng" thời gian qua vốn nhiều lời đàm tiếu để so với những vụ kiện cáo, ý kiến phát biểu này nọ của Cù Huy Hà Vũ mà cũng không nhằm mục đích nào khác ngoài đánh bóng bản thân thì có lẽ cũng chưa thấm vào đâu. Vũ thật là biết chọn thời điểm, và cũng biết xác định "mục tiêu" của mình. Thế nhưng, ngay tại chính cộng đồng mạng, nơi mà Vũ cảm thấy thích hợp nhất để thể hiện những lố bịch ấy, người ta lại "vả" những cái "tát" trực diện vào mỗi lời ngông cuồng phát ra.
Ngay sau khi Vũ có bài trả lời phỏng vấn Đài VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) với tiêu đề "Chiến tranh Việt Nam và ngày 30- 4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ", chủ trang web cá nhân ký tên Võ Khánh Linh đã vạch ra hàng loạt những cái nhìn sai lệch của người trả lời cũng như sự thiếu hiểu biết (hoặc cố tình không hiểu) của một người xưng danh là tiến sĩ như Vũ.
Trong entry "Thư ngỏ gửi hai ông Cù Huy Hà Vũ và Phạm Toàn", tác giả Võ Khánh Linh đã mở đầu thế này: "Vốn quen nghe các ông mượn danh trí thức để phản biện các đường lối, chính sách của Đảng trên trang mạng Bauxite Việt Nam, nhưng tôi vẫn bị... sốc khi đọc bài viết trên".
Bằng những phân tích của mình, tác giả Võ Khánh Linh đã chỉ ra rằng, Cù Huy Hà Vũ bàn về nội chiến mà chẳng hiểu thế nào là nội chiến. "Với cách diễn giải vòng vèo, thoạt nghe tưởng cách nhìn của ông Vũ về ngày 30-4 có "sáng kiến" mới lạ, nhằm "mở đường cho người Mỹ có thua thì cũng vẫn reo vui được với nền hòa bình đã tới với người Việt" như nhận xét của ông Phạm Toàn nhưng thực chất vẫn là những lập luận tôi đã biết và đã nghe hơn 30 năm qua do một số người Mỹ và những người mang danh "dân chủ", "cấp tiến"... đã phát biểu mòn rồi, rốt cục cũng chỉ hướng tới con đường là tìm cách phủ nhận vai trò lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập, tự do cho đất nước của ĐCSVN. Khôi hài thay, những thủ thuật biện xảo của ông chỉ lừa bịp được những người không có cơ hội tiếp cận thông tin... Không biết ông Vũ có hiểu thế nào là "nội chiến" không? Nội chiến là cuộc chiến giữa các phe trong một quốc gia mà không có sự nhúng tay hay hiện diện của người ngoài. Nếu ông có định nghĩa nào khác về nội chiến thì xin mời đưa ra!".
Thực tế thì nội chiến hay không phải nội chiến cũng đã từng là một vấn đề gây tranh cãi trong giới học thuật Mỹ, vốn được coi như là một trong những cách biện hộ về thất bại của người Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Vượt qua tất cả những quan điểm trái chiều, Daniel Ellsberg, viên chức trong chính quyền Mỹ, người từng đọc được những tài liệu mật nhất của Mỹ liên quan đến cuộc chiến này và chính ông là người đã tiết lộ Tài liệu Ngũ Giác Đài - công trình 36 tác giả giấu tên do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamana chỉ thị thực hiện đã kết luận tại trang 255 của cuốn "Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers" của ông, Nhà xuất bản Viking phát hành năm 2002, khẳng định: "Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ...”. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp - Mỹ, sau đến toàn là Mỹ.
Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam - không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh - chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công của Mỹ.
Cuộc chiến đó không có gì là "nội chiến", sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc - một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình - thì không phải là một cuộc nội chiến.
Bảo rằng chúng ta "xía vào" cái gọi là "đích thực là một cuộc nội chiến", như hầu hết các tác giả Mỹ, và ngay cả những người có khuynh hướng tự do chỉ trích cuộc chiến cho rằng như vậy cho đến ngày nay, đơn giản chỉ là che dấu một sự thực đau lòng hơn, và cũng chỉ là một huyền thoại như là luận điệu chính thức về một "cuộc xâm lăng từ miền Bắc".
Theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ!
Nực cười cho Cù Huy Hà Vũ còn ở chỗ, không chỉ những người chính nghĩa còn không chịu nổi mà phải lên tiếng bài bác các quan điểm sai trái của Vũ mà chính những thành phần vốn được coi là "cùng hội cùng thuyền" với Vũ cũng khó mà chấp nhận được con người có học vị lên tới tận tiến sĩ này. Nhận xét về bản kiến nghị 7 điểm của Cù Huy Hà Vũ, phần kiến nghị với Quốc hội không tổ chức dân quân, tự vệ biển, một "học giả chống Cộng ở hải ngoại" là Trương Nhân Tuấn, nguyên là TBT một tờ báo ngoài luồng, cũng phải thốt lên rằng: "Tôi hy vọng sẽ đọc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ một sách lược (không bệnh hoạn và) hữu hiệu khác nhằm bảo vệ chủ quyền biển và đảo. Đây là việc đương nhiên của phe đối lập. Khi phe mình chống (hay chê) một chính sách của nhà cầm quyền thì mình phải có một chính sách (mà mình nghĩ là) hữu hiệu hơn". Như thế có khác nào thừa nhận những cái gọi là kiến nghị của Cù Huy Hà Vũ chỉ là những lời...  chửi đổng của một gã thất phu bất đắc chí?
Không chỉ bày tỏ quan điểm về các vấn đề của Vũ, có những người có học vị, hiện đang sinh sống ở nước ngoài cũng có những bài viết chỉ rõ quan điểm lệch lạc và sự cố tình bóp méo luật pháp, lĩnh vực mà Vũ vốn "dương dương tự đắc" trong các bài vu khống này nọ của Vũ. Một nickname trên trang diễn đàn vốn thường đưa những ý kiến trái chiều tên là WhiteBear đã có một bài phân tích thuần túy về góc độ pháp luật cả về căn cứ và nội dung của bức thư ngỏ của Cù Huy Hà Vũ gửi một cán bộ cao cấp của Bộ Công an.
Theo chú thích trang thông tin này, thì WhiteBear là một nghiên cứu sinh tiến sĩ, khoa Toán tại Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ. Người này cũng đồng thời là quản trị mạng của một diễn đàn phản biện hoạt động khá mạnh ở nước ngoài. Trong bài phân tích, WhiteBear đã lập luận theo từng vấn đề để chứng minh lối ăn nói tùy tiện, trích dẫn pháp luật sai về sơ đẳng, có những điều sai về căn bản, sai nghiêm trọng về logic của một người luôn gắn mác Tiến sĩ luật cho mọi đơn thư, bài viết của mình.
Tổng kết cho bài viết của mình, nickname WhiteBear đã nói: "It's not what you believe, It's what you can prove in court" (Không phải là những điều bạn tin mà phải là những điều bạn có thể chứng minh được trước tòa) có vẻ như đã lột tả một cách xác đáng cái "năng lực" kiến thức của Cù Huy Hà Vũ rồi.
Và, có lẽ đúng như lời nhận định của blogger Võ Khánh Linh đã từng nói, phải chăng, qua những trao đổi của Cù Huy Hà Vũ và một số người "nhân danh trí thức", người ta ngộ ra rằng, pháp luật không phải là thứ mà họ quan tâm, không phải là điều họ mong muốn "cải tổ". Mà chính là những hành vi cố tình gây rối cho xã hội, đi ngược lại lợi ích của đồng bào mới là động cơ, mục đích nằm sau những "ngôn từ mang danh luật pháp" đó mà thôi!
Thanh Vi - Chuyên đề ANTG tuần số 1010

1 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ CHHV có lẽ mắc bệnh hoang tưởng , THÂT NGHIỆP

    Trả lờiXóa

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !