Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Cộng Sản cướp công ?!!

Chương 10 -tiểu thuyết Ván Bài lật ngửa 
Đã có nhiều người nói đến sự cướp công của Cộng sản ,về vị thế của những người " quốc gia " trong quá trình đả thực phong , và chỉ bằng một đoạn văn ít ỏi , tác giả đã lột tả được nguyên vẹn những ý kiến xác đáng về luận điệu này của bè lũ phản cách mạng ,phản quốc
- Tôi hỏi nghiêm chỉnh: Ông định làm gì? 

- Đó là một câu hỏi hòa bình. Tôi là một người lính, vì là lính, tôi quí trọng hòa bình. Nói cho cùng, chúng tôi đổ máu để vĩnh viễn chấm dứt đổ máu. Tôi sẽ làm tất cả những gì vì nền hòa bình bền vững sau khi đã làm tất cả những gì vì nền độc lập mà tất cả chúng ta đang hưởng… 

Nhu nhìn Luân soi mói: 

- Ông xác tín rằng việc của ông làm trong chín năm là đúng đắn? 

- Có lẽ ông Nhu còn biết rõ hơn tôi là điều tin tưởng đó không chỉ của riêng tôi, của những người kháng chiến chúng tôi. Chẳng lẽ ông không tin như vậy? 

- Cuộc kháng chiến lúc đầu phù hợp với ý nguyện toàn dân, song càng về sau, Cộng sản cướp công, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc biến thành cuộc đấu tranh ý thức hệ. 

Luân vụt cười to. Giám mục không biết phải làm gì, đành sớt những miếng thịt bò bít tết thơm lừng vào đĩa Nhu và Luân: 

- Mời các vị… 

Nhu châm quẹt đốt một điếu thuốc, nén bực bội. 

- Tôi xin lỗi đã cười. – Luân dằn từng tiếng – Ông Nhu có thể cho tôi khiếm nhã. Song, câu hỏi của ông Nhu thật đáng tức cười. Tôi không nghĩ ông Nhu sẽ hỏi như vậy. Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Tường Tam, Bảy Viễn và những người tương tự, không phải là học giả, họ không biết phải tự bào chữa cho thái độ ươn hèn của họ không dám theo đuổi sự nghiệp kháng chiến đến cùng bằng cách nào, nên dùng câu hỏi đó. Còn ông, một người học cao, đọc nhiều sách, nổi tiếng là một nhà tư tưởng lớn, không nên lầm lẫn như vậy… 

Nhu rít một hơi thuốc thật dài. 

- Tôi lầm lẫn ở chỗ nào? 

- Ông có nhận ra cuộc kháng chiến mang lợi ích rõ ràng nhất về cho ông Ngô Đình Diệm hay không? Hay là ông nghĩ sự quay 180 độ của người Pháp – từ sa thải đến trọng dụng ông Diệm – là hảo tâm của họ? Ông có thấy nếu không có cuộc kháng chiến, nếu cuộc kháng chiến không đi đến thắng lợi – thì ông Diệm phải lưu vong suốt đời hay không? Hiển nhiên là Phạm Quỳnh sẽ giữ ngôi vị của ông ta. Ngay ông, ông Nhu, chắc còn phải chôn vùi tháng ngày ở thư viện… Những người kháng chiến chẳng những không cướp công mà đã chia công, thậm chí, trên một nghĩa nào, đã chia công cả cho những người chẳng có một chút công, nếu không nói là có tội! Thế mà, bỗng nhiên vang lên điệp khúc: Cộng sản cướp công… Chuyện của Laurel, Hardy, chuyện của Fernandel (2)… sao lại chen vào đây? 

Giám mục lo lắng. Ông thấy mặt Nhu như dài hẳn ra. Luân đã bổ một cú “nốc ao” vào tính tự phụ của anh ta. 

- Người khác hô hoán về “Cộng sản cướp công” thì khả dĩ còn hiểu được. Đến ông Diệm, ông Nhu mà cũng phụ họa theo, thật kỳ quặc. Những người kháng chiến ròng rã chín năm chịu cực chịu khổ đủ điều, hy sinh mạng sống, bỗng bị lên án là kẻ cướp công! Ông Nhu không thấy tính cách khôi hài trong lập luận này sao? Ông còn nói đến cuộc đấu tranh ý thức hệ. Tôi nghĩ rằng một số người quen miệng nói mãi rồi tự kỷ ám thị mình nói đúng. Quả có sự tranh chấp ý thức hệ thật: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh ngoài Bắc, Bảy Viễn, Nguyễn Hòa Hiệp trong Nam, chưa đánh Pháp đã đầu hàng Pháp, họ muốn cả dân tộc hạ vũ khí, trở lại thân nô lệ. Tuyệt đại đa số người kháng chiến không chấp nhận sự phản bội, quyết kháng chiến đến thắng lợi. Đó là cuộc đấu tranh ý thức hệ… 

- Ông cuồng tín quá! - Nhu vớt vát. 

- Hình như ông Nhu muốn ám chỉ sự cuồng tín của những người Cộng sản. Tại sao lòng yêu nước nồng nhiệt không thể có ở người Quốc gia? Vô tình, ông Nhu đẩy người Quốc gia về phía những kẻ đầu óc trống rỗng. 

- Không! – Nhu cải chính – Tôi không nói như vậy. Dù sao, người Quốc gia trong kháng chiến cũng không có quyền… 

- Tôi chờ câu nầy của ông. Lại một giả định mà như có thật. Ông nói quyền gì? Tôi là một người kháng chiến không thiếu một ngày, tôi có quyền không? – Luân bỗng cười: - Tiếc rằng đây là thị xã Vĩnh Long, nơi các ông quản lí, tôi không có cách gì chứng tỏ một người Quốc gia kháng chiến có quyền tới đâu. Tôi là một chỉ huy, tôi có quyền đánh giặc. Và, không phải để khoe khoang, tôi cần thưa: tôi đánh giặc không kém lắm, được khá nhiều huân chương quân công. Anh tôi, một phó chủ tịch, anh ấy có quyền, như luật pháp chính phủ quy định cho một phó chủ tịch. Tôi muốn nói thẳng với ông Nhu điều nầy: các ông phạm một thiếu sót lớn, ông cho phép tôi gọi như vậy, đó là các ông đối địch với cuộc kháng chiến. Nhất là đối địch khi kháng chiến đã đánh bại Pháp, kẻ chiếm nước ta ngót trăm năm, thậm chí không sánh nổi Bảy Viễn, Năm Lửa. Người Mỹ cung cấp cho các ông nhiều thứ, song họ không thể cung cấp cái chất dân tộc dữ dội nầy, tất nhiên, trừ thứ giả… 

Nhu húng hắng ho. Anh ta bắt đầu nhìn Luân bằng những tia mắt khang khác. 

- Anh hùng biện quá! 

- Tôi nổi tiếng là người nói dở. Chẳng qua, tôi bảo vệ sự thật. 
Nguyễn Trương Thiên Lý 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !