Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Kiến tạo "Kinh đô Ánh sáng" - Quy hoạch cải tạo Paris của Haussmann

Quy hoạch đô thị không bao giờ dễ dàng vì chúng luôn gặp nhiều phản đối , trước hết là không có đủ kinh phí , sau là không có đủ dũng khí , cuối cùng là không có đủ trí tuệ . Nhân sự kiện đường Trường Chinh , tôi xin giới thiệu với các bạn về một thứ rộng lớn hơn là thành phố Paris hoa lệ , kinh đô của ánh sáng , thành phố được thiết kế rất hoàn chỉnh .Có lẽ mong muốn của chúng ta sau khi đọc xong bài này chính là muốn xây dựng một Paris của Á Đông , vừa hiện đại ,lại vừa mang những nét rất riêng chứ không đơn thuần chỉ là đống hỗn tạp như hiện nay .
Thành Paris hoa lệ mà chúng ta biết ngày hôm nay về cơ bản là kết quả của một đồ án quy hoạch hay đúng hơn là một dự án cải tạo đô thị với quy mô và chiều sâu chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đó là Quy hoạch cải tạo (QHCT) Paris do luật sư Georges Eugene Haussmann đứng đầu vào nửa cuối thế kỷ 19. Khác với những nỗ lực quy hoạch trước và sau Haussmann, QHCT Paris của ông không trình bày viễn cảnh cho tương lai thành phố. Bản thân Haussmann, trong thực hành cũng như học thuật, chưa bao giờ tỏ ra quan tâm về một hình ảnh đô thị tương lai phải như thế nào. Thay vào đó, quy hoạch được trình bày thông qua những dự án cụ thể.
Xin giới thiệu với độc giả những ý tưởng, bản vẽ và hành động đã không chỉ biến đổi Paris thành Kinh đô Ánh sáng của nhân loại mà còn khởi đầu cho nền quy hoạch hiện đại. 
Hình 1 - Bản đồ Paris năm 1800 thể hiện tình trạng của thành phố trước QHCT Paris của Haussmann. Chú thích: 1-Vườn Tuileries, 2-Cung điện Louvre, 3-Champs Elysées, 4-Nhà thờ Đức Bà, 5-Sông Seine và 6-Boulevard. (Nguồn: http://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Old_maps_of_Paris) 
Hình 2 - Hình trái: Trước QHCT Paris, hệ thống thoát nước thoát trực tiếp xuống sông Seine, đoạn chảy qua trung tâm thành phố / Hình phải: QHCT Paris gom nước thải vào 2 hệ thống cống lớn trước khi thoát ra sông Seine ở vị trí hạ lưu về phía Tây Bắc thành phố. Nguồn: [8]

Paris trước Haussmann 

Sau “đêm trường Trung cổ”, thành Paris tiếp nhận Trào lưu đô thị Phục hưng từ nước Ý vào cuối thế kỷ 16 (1) với những công trình đơn lẻ và ít tác động vào cấu trúc đô thị hiện hữu. Gần một thế kỷ sau, kiến trúc sư cảnh quan Le Nôtre, tác giả của vườn Versailles, đã đề xuất kéo dài trục của vườn Tuileries về phía Tây để tạo nên Đại lộ Champs Elysées. Đại lộ này sau đó trở thành trục phát triển chính của thành phố: kết nối đô thị với vùng nông thôn phía Tây và tạo ra một khung phát triển vùng độc đáo trong lịch sử (2). Cùng với Champs Elysées, một cung đường rộng khác cũng được mở chạy dọc theo tường thành cũ phía Bắc Paris – nay không còn ý nghĩa phòng thủ (Hình 1). Cung đường này do đó được gọi là Boulevard, một từ gốc Bắc Âu có nghĩa là “hàng rào quân sự” (2).

Vườn Tuileries tráng lệ và Champs Elysées trơ chọi giữa cảnh quan nông thôn tuy giúp định hình Paris tương lai nhưng lại không giúp giải quyết những vấn đề của Paris hiện tại. Thành phố vẫn là một đô thị trung cổ chật chội với nhà cửa lộn xộn và đường phố hẹp (Hình 1). Bên cạnh đó, phần lớn thành phố nằm trên một vùng đất thấp bên hữu ngạn sông Seine nên thường xuyên chịu cảnh ngập lụt (Hình 2). Hệ thống thoát nước yếu kém và việc tới 40% căn nhà trong thành phố không kết nối với hệ thống này khiến cho mỗi khi ngập lụt, phế thải chảy tràn trên đường phố Paris gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật nghiêm trọng (3). Điển hình là dịch tả giết chết 19.000 người vào năm 1848 (9). Cùng lúc đó, cách mạng công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn nông dân di cư ra thành phố trong khi hệ thống hạ tầng đô thị yếu kém và ngành vệ sinh dịch tễ chưa ra đời. Đô thị thực sự trở thành địa ngục trần gian với môi trường sống tồi tệ và bất công đầy rẫy. 
Hình 3 - Bản đồ QHCT Paris trong cuốn catalogue Les promenades de Paris của Alphand. Nguồn: [11] 
Hình 4 - Một bức tranh biếm họa của De La Tramblais vào năm 1870-71 về Haussmann với tay phải cầm xẻng còn tay trái cầm chìa khóa mở “ngân sách công chánh Paris”, phía xa là Paris bị đập phá và san phẳng để xây dựng các dự án của ông. Nguồn: [10]

Khởi sự 

Năm 1853, chỉ một năm sau khi trở thành vua nước Pháp, Napoleon III triệu hồi Haussmann, lúc đó 44 tuổi, về Paris để giao cho chức vụ Préfet de Seine, tương đương vị trí “giám đốc quản lý thành phố”[i], đảm nhiệm việc cải tạo lại toàn bộ thủ đô (3).
Ngày nay chúng ta có đầy đủ thông tin về QHCT Paris phần lớn nhờ vào hai tác phẩm của những người trực tiếp thực hiện dự án.Mémoires (13) (Hồi ức) là cuốn sổ tay Georges-Eugène Haussmann sau này được xuất bản rộng rãi. Cuốn sách không có một tấm hình nhưng đầy những con số: Đường dải sỏi ở công viên Bois de Boulogne dài 612.511 mét, đường cát 189.400, đường đất 275.500; tổng cộng là 1.074.411 mét. Ngược lại, cuốn catalogue của người cộng sự, Adolphe Alphand: Les Promenades de Paris(11) (Những con đường dạo ở Paris) tập hợp tới 500 bản vẽ khắc gỗ vô cùng tinh tế – một số bản vẽ trong cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này.  
Haussmann mang đến Paris khả năng quản trị, tính cương quyết và một sự tận tụy đối với đất nước (4). Đội ngũ chính của ông bao gồm: kỹ sư Eugène Belgrand phụ trách mảng cấp và thoát nước; kỹ sư Adolphe Alphand phụ trách thiết kế cảnh quan; và nhà làm vườn Jean-Pierre Barillet-Deschamps phụ trách về cây xanh. Tất cả đều là những nhà chuyên môn hàng đầu của thời đại và thông qua QHCT Paris họ lưu danh kim cổ.

Một trong những công việc đầu tiên mà Haussmann thực hiện là vẽ bản đồ chi tiết thành phố Paris. Ông cho dựng những cây cột gỗ có kích thước cao hơn các công trình xung quanh khắp nơi trong thành phố để tạo thành các điểm khảo sát. Chi tiết thu được được mô tả trên một bản đồ tỷ lệ 1:5000 có kích thước 3,7 x 4,5 mét (6). Công việc bản đồ hóa hệ thống cống của Paris đã được một sĩ quan trong quân đội bắt đầu dưới thời Napoleon I năm 1806 (8).

Vấn đề thứ hai cần giải quyết là xây dựng cơ chế tài chính để triển khai dự án. Nhà vua đã nhấn mạnh rằng ông muốn cải tạo lại Paris mà không phải tăng thuế lên người dân (6). Điều này có nghĩa là Haussmann phải tìm phần lớn nguồn vốn ngoài ngân sách hiện hữu của chính quyền. Giải pháp tài chính đầu tiên là bán trái phiếu của thành phố cho công chúng và các quỹ đầu tư (3). Giải pháp thứ hai của Haussmann là buộc các nhà thầu xây dựng chịu trách nhiệm chi trả cả tiền đền bù cho những công trình bị giải tỏa, tức là chịu gánh nặng tài chính cho toàn bộ dự án. Tuy nhiên, bản thân các nhà thầu không có số tiền lớn như vậy trong khi ngân hàng cũng không sẵn sàng cho vay chỉ dựa trên bản hợp đồng với thành phố. Haussmann giải quyết khúc mắc này bằng một cơ chế tài chính mới: thanh toán trước cho các nhà thầu bằng một loại trái phiếu mà sẽ được chi trả bởi việc tăng nguồn thu thuế do gia tăng giá trị bất động sản sau khi dự án hoàn thành (3). Với trái phiếu này, các nhà thầu có thể dễ dàng đi vay ngân hàng và khởi động công việc xây cất.

Ý tưởng vay tiền trong hiện tại để cấp vốn cho dự án công dựa vào tín chấp là giá trị thuế gia tăng trong tương lai là một phát minh mới vào thời điểm bấy giờ mà Haussmann góp phần đưa vào thực tế cuộc sống. Còn giải pháp “ép” nhà thầu xây dựng đứng ra vay tiền ngân hàng thay chính quyền của ông là nhằm “lách luật”, tránh cơ chế giám sát tài chính của quốc hội. Giải pháp này cuối cùng không thành công như ông dự kiến: giá trị bất động sản tăng xấp xỉ 12 lần khi dự án hoàn thành (9) nhưng thuế thu được chỉ đủ chi trả 1/3 số tiền đã vay. Haussmann chi tiêu tất cả 2,5 tỷ francs trong thời gian 17 năm nắm quyền điều hành dự án và để lại một khoản nợ khổng lồ cho chế độ khiến ông mất việc năm 1870 (3). Tuy nhiên, bất chấp sai lầm này, Haussmann vẫn được coi là một nhà quản lý tài năng, liêm khiết và đầy tâm huyết đã biến Paris thành mô hình mẫu mực trong quy hoạch đô thị cuối thế kỷ 19 (6,3)
Hình 5 - Mặt cắt một con phố ở Paris cho thấy cách bố trí hệ thống hạ tầng. Egout: cống thoát nước; Eau: ống cấp nước; Gaz: ống khí gas. Nguồn: [15] 
Hình 6 - Mặt cắt đường phố thể hiện việc sự xuất hiện của hệ thống cống thoát nước. Nguồn: [11] 
Hình 7 - Thiết kế các loại ống thoát nước khác nhau. Nguồn: [11]

Hạ tầng 

Một thành phố vĩ đại cần một môi trường sống lành mạnh trước khi cần những công trình hoành tráng. Do đó, chính y tế công cộng chứ không phải kiến trúc là trung tâm của đồ án QHCT Paris. Thoát nước thải và chống ngập hiệu quả, cung cấp đủ nước sạch, thắp sáng đường phố, bố trí đủ nghĩa trang và xây dựng công viên là những mục tiêu đầu tiên được đặt ra.Ba vấn đề cấp bách đối với hệ thống thoát nước thải của Paris là: gia tăng quy mô, chống tràn ngược và dời xa cửa xả khỏi thành phố và nguồn nước sinh hoạt. Lời giải của đồ án QHCT Paris là xây dựng một hệ thống thoát nước dưới mọi lòng đường và gom nước thải vào hai cống lớn hình elip trong khu trung tâm trước khi thoát ra hạ lưu sông Seine, nằm xa về phía Tây Bắc thành phố (Hình 2). Hệ thống cống gom này đủ lớn để con người có thể dễ dàng di chuyển và thực hiện công việc bảo dưỡng trong lòng cống (Hình 6 và Hình 7). Mặc dù có quy mô lớn, hệ thống thoát nước này được hoàn thiện trong một thời gian kỷ lục: quy hoạch xong vào năm 1856, hoàn thành hệ thống cống chính vào năm 1868 và toàn hệ thống với tổng chiều dài 500km vào năm 1870 (9). Khi dự án thoát nước kết thúc cũng là lúc Haussmann rời nhiệm sở, để lại một Paris không có nước đọng trên đường phố và rủi ro ngập lụt giảm đáng kể. Hệ thống thoát nước này sau đó trở thành mẫu mực trên thế giới và phần lớn hệ thống vẫn hoạt động tốt cho tới ngày hôm nay (3).Hệ thống cấp nước cũng không kém phần ấn tượng. Kỹ sư Eugène Belgrand đã tái cấu trúc lại hệ thống với hai nguồn song song: nước suối để uống và nước sông để dùng cho vệ sinh. Để gia tăng gấp đôi lượng nước sạch cung cấp cho thành phố, đạt gần 300 lít/người, Belgrand thiết kế những hệ thống dẫn nước (aqueduct) quy mô lớn từ những nguồn xa thành phố hàng trăm km (9,3).Tuy nhiên, thành công của hệ thống cấp và thoát nước không được lặp lại đối với việc xây dựng nghĩa trang. Quá tin vào sức mạnh của công nghệ để giải quyết mọi vấn đề, Haussmann đã bỏ qua các phong tục của người dân mà đề xuất sử dụng đường sắt thay vì xe ngựa kéo để vận chuyển quan tài từ thành phố ra nghĩa trang mới dự kiến ở ngoài ngoại ô. Đề án này bị dư luận phản ứng dữ dội và Haussmann đành từ bỏ mọi kế hoạch về xây dựng nghĩa trang. 
Hình 8 - Một phối cảnh trong công viên Bois de Boulogne. Nguồn: [11] 
Hình 9 - Bản vẽ san nền (trên) và mặt bằng cảnh quan (dưới) công viên Buttes Chaumont. Nguồn: [11] 

Hình 10 - Một bản vẽ thiết kế chi tiết đường phố. Nguồn: [11]

Công viên 

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng môi trường sống, QHCT Paris của Haussmann thiết lập nhiều công viên công cộng mới và có quy mô lớn khắp Paris “như một liều thuốc giải độc cho một thành phố đông người và chật chội” (6). Bản quy hoạch phân bố đều các công viên ra các khu vực khác nhau của thành phố: Bois de Boulogne ở phía Tây, Bois de Vincennes phía Đông, Parc des Buttes-Chaumont phía Bắc và Parc Montsouris phía Nam. Trong nhiều trường hợp, vườn hoàng gia (Tuileries, Luxembourg), nghĩa trang và cả bãi tập duyệt binh của quân đội được chuyển đổi thành những công viên phục vụ tất cả mọi người (3). Bên cạnh những công viên lớn, đồ án của Haussmann cũng bao gồm 24 công viên nhỏ trong các khu dân cư (9). Trong vòng chưa đầy 20 năm, diện tích mảng xanh của thành phố tăng lên gấp 10 lần, đạt tổng diện tích 1800 hecta (9).Về khía cạnh thiết kế, phong cách cảnh quan truyền thống của Pháp, tiêu biểu bởi mạng đường đi bộ hình kỷ hà và những ô trồng cây vuông vắn, được thay thế bởi phong cách “tự nhiên” của Anh Quốc (14) (Hình 9). Kỹ sư Alphand không chỉ thiết kế mặt bằng công viên và đường phố mà tất cả những chi tiết nhỏ nhất để tạo dựng được một Paris tráng lệ và đầy phong cách. Hình 10 là bản vẽ mặt bằng và mặt cắt một vỉa hè với chi tiết về vị trí đèn đường, cây, bó vỉa và vạch sang đường của một avenue, cho thấy mức độ tinh tế của thiết kế. Các hộp trồng cây được sử dụng để ngăn chặn rễ cây phá hủy vỉa hè. Vỉ chặn gốc cây được thiết kế để các vòng sắt ở trong có thể tháo ra theo thời gian khi cây lớn lên – một thiết kế của Alphand mà tới nay vẫn là chuẩn mực trên thế giới. Nội thất vỉa hè còn bao gồm cả một miếng gạt đất khỏi giày cho người đi đường. 
Hình 11 - Bản đồ thể hiện những tuyến đường và công trình giao thông của Paris được xây dựng trong QHCT của Haussmann. Số 2: Nhà ga đường sắt Gara du Nord; Số 3: Boulevard Sebastopol; Số 7: Khải Hoàn Môn. Nguồn: [9] 
Hình 12 - Thiết kế một số quảng trường/nút giao thông trong QHCT Paris. Hình ở giữa là mặt bằng Quảng trường Étoile với công trình Khải Hoàn Môn ở trung tâm. Nguồn: [11] 
Hình 13 - Mặt bằng và mặt cắt của Đại lộ Impératrice hướng nhìn về Khải Hoàn Môn với chi tiết thiết kế hàng rào và đèn đường. Nguồn: [11]

Đường phố 

Việc xây dựng hệ thống cống thoát nước, vỉa hè, đèn chiếu sáng và dải cây xanh dọc theo các tuyến đường đã định nghĩa lại làn ranh giữa không gian công cộng (đường phố) và không gian tư (công trình) (8). Hệ thống hạ tầng này mở rộng định nghĩa về chức năng của đường phố, từ không gian vận chuyển con người và hàng hóa tới vai trò về môi trường và sức khỏe cộng đồng (8). Những con đường mà QHCT Paris đề xuất bao gồm hai loại: avenue và boulevard.Boulevard thường là những đường vành đai rộng, cây trồng hai bên đường và có chức môi trường: mang ánh sáng, không khí và cây xanh tới cuộc sống đô thị (8). Trong khi đó, avenue là những đại lộ thẳng tắp có chức năng thiết kế đô thị là kết nối các công trình mang tính biểu tượng quan trọng. Cả avenue và boulevard tạo thành hệ thống khung cho “không gian kiến trúc và hướng sự chú ý tới nơi chốn” (3). Hệ thống giao thông của Paris được hoàn thiện bằng việc xây dựng các trục Đông-Tây và Bắc-Nam xuyên thành phố và hoàn thành đại lộ vành đai (Boulevard St. Germain). Những thành quả khác của dự án bao gồm: sử dụng nhựa đường thay thế cho đá lát đường; tăng tổng chiều vỉa hè từ 250 km năm 1842 lên đến 1000 km vào năm 1870; và xây dựng 7 cây cầu bắc qua sông Seine (9).Tuy nhiên, giao thông trong đồ án cải tạo Paris của Haussmann không chỉ bó hẹp trong việc xây dựng hệ thống đường cho phương tiện cơ giới. Giao thông công cộng cũng được đầu tư thích đáng. Năm 1954, công ty xe buýt sử dụng ngựa kéo ra đời từ sự hợp nhất nhiều doanh nghiệp nhỏ với 30 tuyến và gần 500 phương tiện. Một tuyến đường sắt hạng nhẹ[ii] chạy bằng hơi nước kết nối công viên Bois de Boulogne với Quảng trường Concorde khai trương năm 1854 (9). Một tuyến đường sắt chạy vòng quanh thành phố được đưa vào hoạt động từ 1862 tới 1867 với chiều dài 30km, 27 nhà ga và 3 chuyến mỗi giờ (9).
Hình 14 - Đại lộ L'Avenue de l'Opéra trước nhìn từ Nhà hát Opera Paris (hình trái) và nhìn về nhà hát (hình phải). Kiến trúc công trình hai bên đại lộ là kết quả của quy định quản lý kiến trúc trong QHCT Paris. (Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/File:Avenue_de_l'Opéra.jpg)
Hình 15 - Hình trái là bản vẽ quy định tầng cao tối đa của công trình trong QHCT Paris của Haussmann (1859) cho phép công trình tăng chiều cao so với quy định cũ (1784). Hình phải là một kiến trúc chung cư điển hình của Paris theo quy định của QHCT. Nguồn: [12]

Kiến trúc 

Mặc dù kiến trúc không phải là ưu tiên hàng đầu của dự án (3), nhiều công trình công cộng quan trọng đã được xây dựng trong thời kỳ này như: Nhà hát Opéra Paris, bệnh viện Hôtel Dieu, một nhánh mới của cung điện Lourve và hai nhà ga đường sắt, v.v… Tuy nhiên, ảnh hưởng quan trọng nhất của QHCT Paris với kiến trúc thành phố là một bộ quản lý kiến trúc chi tiết và chặt chẽ (12).
Trước hết, nhằm đạt ý đồ thiết kế đô thị tổng thể của đồ án, các công trình được quy định xây sát vỉa hè nhằm định hình không gian công cộng và tạo thành tuyến nhìn dọc theo các đại lộ tới các công trình điểm nhấn (Hình 14). Không gian đường phố còn được tôn lên thông qua quy ước giới hạn chiều cao tối đa là 6 tầng, chiều cao các tầng phải đồng nhất và tầng mái vát một góc 45 độ.
Dựa trên mô hình nhà chung cư có tên gọi insula từ thời La Mã cổ đại, các quy định về kiến trúc được đặt ra nhằm đảm bảo độ an toàn và chất lượng sống trong mỗi công trình. Các khối nhà đều có sân trong để lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên cũng như bố trí cầu thang. QHCT Paris cũng quy định về mức độ chịu lửa của các bức tường, kiểu cách của mặt tiền và tỷ lệ diện tích mặt kính được sử dụng trong các công trình mới. Những chi tiết kiến trúc có thể khác biệt giữa các công trình không nhiều như chi tiết khung cửa sổ, chi tiết trang trí trên các console. 



Hình 16 - Phố Réaumur trước và sau đồ án cải tạo Paris của Haussmann. (Nguồn: skyscrapercity.com)

Ảnh hưởng & Phê phán 

Haussmann và cộng sự là tác giả của Paris mà chúng ta biết tới ngày nay. Khoảng 60% số công trình và đường phố của thành phố được xây dựng dưới sự điều hành của ông (3). Dự án đã tác động mạnh vào nền kinh tế nước Pháp lúc đó bằng việc sử dụng tới 70.000 lao động và làm tăng giá đất ở Paris khoảng 12 lần. Việc giải tỏa để xây dựng hạ tầng và công trình công cộng cũng tạo ra một lượng lớn bất động sản và tiền được luân chuyển trên thị trường. Các công trình chung cư mới được xây theo quy định kiến trúc của Haussmann đã tạo ra 215.304 căn hộ mới, so với 117.000 căn bị phá dỡ (9). Tuy nhiên, số lượng căn hộ mới này vẫn không đủ để đáp ứng dòng nhập cư vào thành phố. Bên cạnh đó, giá thuê nhà tăng cao sau khi dự án hoàn thành khiến những người lao động nghèo không có chỗ trong Paris mới tráng lệ (16).

Phê phán lớn nhất đối với dự án cải tạo Paris của Haussmann chính là việc đẩy người nghèo ra khỏi trung tâm thành phố và tạo ra một sự phân tách về không gian sống giữa các tầng lớp trong xã hội. Một thế kỷ sau, sự tách biệt giữa người giàu và người nghèo vẫn còn gây ra những vấn đề trầm trọng về giao thông công cộng và quản lý xã hội (2). Ngày nay, đối lập với khu trung tâm hoa lệ của thủ đô nước Pháp là vùng ngoại ô của người nghèo và dân nhập cư nơi những bất mãn thường xuyên chuyển thành những cuộc bạo động.

Còn ngay tại thời điểm triển khai dự án, việc giải tỏa quá nhiều công trình dẫn đến sự phản đối gay gắt đối với Haussmann. Một phê bình phổ biến nữa là những nỗ lực xây dựng và mở rộng đường phố của QHCT Paris thực chất phục vụ mục tiêu quân sự: cho phép quân đội và khí tài di chuyển dễ dàng trong thành phố và ngăn chặn việc người dân nổi dậy và lập ra các công sự trên đường phố.

Trước những phê phán này, Haussmann bị sa thải năm 1870 trong nỗ lực bất thành của nhà vua nhằm cứu vãn chế độ. Chỉ vài tháng sau, triều đại của Napoleon III sụp đổ, nhường bước cho nền Cộng hòa.

Bất chấp những phê phán trên, những gì diễn ra ở Paris nửa sau thế kỷ 19 và những gì trình bày trong cuốn catalogue của Aldoph Alphand đã trở thành niềm cảm hứng và mở đường cho những biến đổi từ Vienna tới Roma, từ Chicago tới Hà Nội. Frederick Law Olmsted, cha đẻ của ngành kiến trúc cảnh quan hiện đại, đã có mặt trên công trường xây dựng Bois de Boulogne để học hỏi cho dự án Central Park ở New York. Trong khi đó Daniel Burham, tác giả của Quy hoạch Chicago – hồ sơ quy hoạch hoàn chỉnh đầu tiên của nhân loại, thì đã đọc ngấu nghiến cuốn Les Promenades de Paris (3,5). Có thể nói, dự án cải tạo Paris của Haussmann đã mở đường cho quy hoạch và xây dựng đô thị hiện đại. Nhà đô thị học Francoise Choay cho rằng Haussmann đã đặt ra “nền tảng về phương pháp luận” và đặt không gian đô thị thành đối tượng của khoa học ứng dụng (5). Giáo sư xã hội học Richard Sennett thì ghi nhận rằng Haussmann “là người đầu tiên nhìn nhận các vấn đề (nhà ở, giao thông, chính trị,v.v…) có mối liên hệ cơ bản với nhau” (5). Thay vì quy hoạch từng khu vực và cải tạo dần dần, Haussmann đã nỗ lực thực hiện một đồ án tổng hợp và toàn diện. Cũng trong đồ án cải tạo Paris của Haussmann, lần đầu tiên chúng ta thấy một sự dịch chuyển từ quy hoạch thiên về thiết kế thị giác sang quy hoạch lấy trọng tâm là kinh tế, xã hội và môi trường (3,5)
Hình 17 - Đại lộ Champs Elysées. Nguồn: [11
Hình 18 - Quang cảnh công trường xây dựng hồ chứa nước cung cấp cho Paris. Nguồn: [11] 
Hình 19 - Thiết kế mặt bằng công viên Bois de Boulogne theo phong cách cảnh quan "tự nhiên" của Anh. Nguồn: [11] 
Hình 20 - Chi tiết hàng rào công viên. Nguồn: [11] 
Hình 21 - Minh họa máy trồng cây trong catalogue Les Promenades de Paris của Alphand. Nguồn: [11]
Chú thích:
[i] Trong hệ thống chính quyền đô thị ở nhiều nước phương Tây, bên cạnh thị trưởng và Hội đồng thành phố là các vị trí dân cử có vai trò giống như hội đồng quản trị của một công ty còn có bộ máy quản lý thuần túy chuyên môn đứng đầu bởi một “giám đốc quản lý thành phố”. Các “giám đốc” này cũng như các vị trí đứng đầu các cơ quan của thành phố trước kia được chỉ định như trường hợp của Georges-Eugène Haussmann. Ngày nay, các vị trí này được tuyển dụng công khai trên thị trường lao động.

[ii] Giống như “tàu điện” mặt đất bây giờ nhưng sử dụng máy hơi nước thay vì điện.

Tài liệu tham khảo: 

1. Bacon, E. (1974). Design of Cities. New York, NY: Penguin Books;
2. Morris, A.E. (1979). History of Urban Form before the Industrial Revolution. New York, NY: John Wiley & Sons;
3. Saalman, H. (). Haussmann: Paris transformed. New York, NY: George Braziller;
4. Jordan, D. (2005). Review of Papayanis, N. (2004): Planning Paris before Haussmann. The American Historical Review, vol. 110, no. 4, 2005.
5. Papayanis, N. (2004): Planning Paris before Haussmann. Baltimore, MD: John Hopkins University Press.
6. Jordan, D. (1992). Baron Haussmann and Modern Paris. The American Scholar.
7. www.mapforum.com (n.d.). An Imperial Capital: Georges-Eugène Haussmann’s Transformation of Paris. Retrieved in Decmeber 20th 2011 from http://www.mapforum.com/15/blmap.htm;
8. Allen, D. (2011). Lectures on History of Urban Form. College of Architecture. Georgia Institute of Technology;
9. Couperie, P. (1971). Paris through the ages: an illustrated historical atlas of urbanism and architecture. New York: G. Braziller.
10. Des Cars, J. (1991). Paris-Haussmann: “le pari d’Haussmann”. Paris: Pavillon de l’Arsenal .
11. Alphand, A. (1984). Les promenades de Paris: histoire–description des embellissements–dépenses de création et d’entretien des Bois de Boulogne et de Vincennes, Champs-Élysées–Parcs–squares–boulevards–places plantées, Étude sur l’art des jardins et arboretum, 487 gravures sur bois, 80 sur acier, 23 chromolithographies. Princeton, NJ: Princeton Architectural Press.
12. Loyer, F. (1988). Paris nineteenth century: architecture and urbanism. 1st American ed. New York: Abbeville Press.
13. Haussmann, G. Eugène. (1890). Mémoires du Georges-Eugène Haussmann. Paris: Victor-Havard.
14. Boults, E. & Sullivan, C. (2001). Illustrated history of landscape design. Hoboken, NJ: John Wiley & Sons.
15. Adcok, M. (1996). Remaking Urban Space – Baron Haussmann and the Rebuilding of Paris, 1851-1870.  The University of Melbourne Library Journal Volume 2, Number 2.
16. Chapman, B. (1953). Baron Haussmann and the Planning of Paris. The Town Planning Review, Vol. 24, No. 3, pp. 177-193.
Nguyễn Đỗ Dũng 
(Tác giả trân trọng cảm ơn giáo sư Douglas Allen, Viện Công nghệ Georgia - Mỹ, đã gợi ý và truyền cảm hứng về bài viết này)
(Bài viết này được đăng trong số Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 7+8 phát hành tháng 01/2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !