Cách nay mấy tuần tôi có viết bài dưới dạng lá thư gởi sinh viên Ngô Di Lân là chú nhóc mới nhón chân ra ngoài du học đã ngỡ mình vĩ đại đã viết thư cho Bộ trưởng Giáo dục dạy vị này về cái vi diệu của phương pháp giáo dục ở nước ngoài. Hôm nay có bạn báo cho tôi biết đang có hội chứng gọi là Lân Syndrome qua việc lại có một sinh viên khác tên Mai Đức Anh viết thư gởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để giải thích cho vị này biết thế nào là chảy máu chất xám khi đất nước còn lấn cấn mãi việc sử dụng nhân tài. Thấy rằng hội chứng này rất nguy kịch, tôi sực nhớ cách nay nhiều năm có viết hai bài về “Nhân Tài” trên emotino.com, nay buộc lòng phải kiếm tìm đăng lại để các trường học có tài liệu mà dạy dỗ học trò cho chu tất, đừng để các cháu nói nhăng nói cuội miết rồi ở nước ngoài nếu biết nội dung “góp ý” của các cháu sẽ cười chê cả dân tộc Việt Nam không hiểu thế nào là “nhân tài”. Song, trước khi chép lại nguyên văn hai bài này, tôi xin ghi ra sáu ý ngắn sau đây để nhờ bà con cô bác gần xa nếu có biết mấy cháu học sinh – sinh viên (kể cả người nhớn học tiến sĩ) Việt Nam nào sắp du học thì giúp chỉ cho các cháu in ra đem theo làm phương thuốc dấu (như Bố D’Artagnan trao cho anh chàng Ngự Lâm Quân thứ tư này) phòng khi hữu dụng đối phó với Hội Chứng Lân Syndrome.
1) Thứ nhất là…xin đọc bài bức thư gởi sinh viên Ngô Di Lân để biết khi còn đang học tức chưa học xong thì vẫn chưa là cái thá gì cả về độ dày độ cao độ nặng của tri thức, trí thức, trình độ, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm, thực hành, ứng dụng, thăng hoa, để cho phép bản thân tự trọng vọng, tự tôn vinh.tự cho mình là hơn thiên hạ còn ở trỏng (tức là còn ở trong nước).
2) Thứ nhì: nếu tốt nghiệp đại học xong ở “bên ấy”, thì nào phải là chuyện không nên nếu được “ở bển” mời công tác vì bao giờ cũng vậy, “học” phải đem ra “hành”, mà chỉ có kết-quả-“hành”-giỏi cộng với tư-cách-đạo-đức-tốt cộng với tiềm-năng-có-thể-khai-thác-nhiều-thêm mới không bị họ tống cổ ra khỏi công ty hay cơ quan của họ sau thời gian thử việc hay sau khi hợp đồng đầu tiên hết hạn. Chỉ có những ai trụ được khi “hành” ở nước ngoài như vậy mới đạt yếu tố đầu tiên cho sự quan tâm có thể có từ nước mà mình là công dân.
3) Thứ ba: từ điều thứ nhì ở trên sẽ cho thấy cái năng lực của người du học vì lẽ nào họ đi du học như người mông muội, không biết mình thích gì, cái mình thích ở quê nhà có đang được khuyến khích tập trung phát triển không, thậm chí nếu quê nhà chưa “nhận ra” cái hay cái ho đó thì bản thân mình phải làm những gì để có sức thuyết phục cực cao khiến Nhà nước phải suy nghĩ lại, làm theo ý mình, để mình với tất cả những thành tựu bề dày kinh nghiệm sáng tạo thành công tại các công ty khổng lồ ở hải ngoại được mời về đảm trách việc gây dựng hình thành cái mới cực hay cực ho đó. Vì rằng, không phải “qua bển” học quản trị kinh doanh rồi vừa tốt nghiệp đã la nhặng lên ta đây là nhân tài, đầu ta có chất xám, nhà nước phải nhanh tay sử dụng kẻo nó chảy đi mất thì đừng trách sao đất nước thiếu người ngồi trên trước làm tổng giám đốc hay chủ tịch tập đoàn.
4) Thứ tư: cụm từ “chảy máu chất xám” chỉ được dùng khi con người kiệt xuất của một quốc giatừ bỏ nơi công tác nội địa để đầu quân cho nước ngoài, bất kể ra hẳn nước ngoài hoặc phục vụ cho công ty nước ngoài ngay trong nước mình. Đang đi học, cách chi đã là “chất xám”! Thi đậu xong, cách chi tự nhiên thành “chất xám”! Đậu xong, “ở bển” làm việc theo lời mời thì lại càng không phải là “chảy máu chất xám” vì chưa hề là người kiệt xuất của quê nhà, có đã là tài sản quốc gia đâu mà gọi là “chảy” ra ngoài, mà phải nói cho đúng hơn là đi du học rồi đi du hí đi du lịch quên mất đường về giống như chiếc lá héo úa rơi xuống dòng suối đục ngầu chảy qua vùng khai thác bô xít vậy.
5) Thứ năm: do “chất xám” liên quan liên hệ liên đới liên kết ý tứ ý nghĩa ý đồ với hai chữ “nhân tài” nên phải chịu khó đọc hai bài viết của Lăng Tần dưới đây đã rồi hãy nói tiếp về “chất xám”.
6) Và cuối cùng điều thứ sáu: đúng như Lăng Tần đã viết trong bài Thế Nào Là Nhà Trí Thức cái kiểu Nhà nước tự tiện tự động ban danh xưng “nhà trí thức trẻ” cho mấy cô cậu vừa tốt nghiệp đại học về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã vùng sâu vùng xa nên tuần này trong mục Dân Hỏi Bộ Trưởng Trả Lời trên VTV mới có “đại sự” rằng đấng nam nhi trẻ người non dạ hỏi “Thưa Bộ trưởng, tôi là nhà trí thức trẻ được đưa về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, nhưng lương chỉ có 5 triệu đồng/tháng, sao nuôi được vợ con, sao có tích lũy, và sao sẽ không có chuyện chảy máu chất xám”. Than ôi, trí thức mà không nuôi nổi gia đình mình thì sao gọi là trí thức! Trí thức phải có hiểu biết về bảy thứ gồm (a) năng lực bản thân làm được gì mà không cần ai dạy bảo thêm, (b) kinh nghiệm bản thân dày đến cỡ nào, (c) giá trị bản thân dữ dội ra sao vì khó ai sánh được vì một mình ta làm việc bằng tối thiểu mấy chục người, (d) có hay không có cái ý thức quốc gia – quốc dân – quốc thể – cống hiến – dâng hiến, (e) tình hình quốc gia hiện nay, (f) quyền lợi tối đa mà quốc gia có thể chu cấp, và (g) để đáp ứng thêm cho nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình thì mình có thể có thêm thu nhập đoan chính nào từ năng lực đoan chính và thời gian riêng của mình. Trí thức là người khi nhận việc hay từ chối nhận việc đều trong tư thế đường bệ như thế đấy.
Đang du học, chớ biết theo ngành nào, ghê gớm đến đâu, mà đem việc Giáo sư Ngô Bảo Châu phải dạy học ở nước ngoài vì ở Việt Nam không có Viện Toán để ví von muốn nước nhà phải dọn cỗ trước cho bản thân mình về xơi như thế! Thật là kiểu mà tiếng bình dân Nam Bộ gọi là “chơi cha”. Thế giới toàn cầu hóa. Anh là dân Mỹ nhưng giỏi về lĩnh vực Việt Nam cần chẳng hạn như cơ khí y sinh hóa thì Việt Nam trải thảm đỏ mời anh. Anh là dân Việt nhưng giỏi về nghiên cứu địa cực và dung nham học thì Việt Nam tự hào với danh dự có anh được Hiệp Hội Hỏa Sơn Địa Cực Thế Giới trải thảm đỏ mời làm chuyên viên chứ làm gì có việc Việt Nam vơ vét tiền thuế của dân mua mười bảy thỏi kim cương đường kính mỗi thỏi 234 cen-ti-mét để khoan trong 456 ngày chọc xuống tận trung tâm địa cầu cho phún thạch hỏa son phụt phun ra ngay tại Dinh Độc Lập để vịnhân tài chất xám được cấp nhà ở đường Lê Duẩn mỗi ngày chạy Lamborghini đến nghiên cứu dung nham cho thuận tiện để dân tộc Việt Nam tự hào, còn Đảng Cộng sản được nức tiếng thơm trọng dụng nhân tài chặn ngăn dòng chảy chất xám!
Than ôi, nghe đâu biết bao sinh viên Nhật sang Mỹ du học, đánh cắp phác thảo công nghệ rồi tự sát để bạn bè phanh thây nhét dấu tài liệu đưa thi hài về xứ sở Phù Tang, giúp Nhật Bản hùng cường đến độ bao học sinh sinh viên Việt Nam vin vào đấy mà dè bỉu nước nhà sao quá dở ẹc. Phải chăng trong tiếng Nhật không có cụm từ “đãi ngộ chất xám”, không có thành ngữ “trọng dụng nhân tài”, và người Nhật không xem trọng tiền lương! Hãy đòi tất cả các quyền lợi như kẻ bán sức lao động thuận mua vừa bán, và đừng bao giờ xem mình là nhà trí thức, là chất xám, là nhân tài. Nhục lắm Mai Đức Anh ạ!
Sau đây là hai bài viết về Nhân Tài, kính trình độc giả thưởng lãm:
Bài 1: Hỡi Ơi Hai Tiếng Nhân Tài
Hoàng Hữu Phước, MIB
21-12-2009
Gần đây có rất rất nhiều bàn luận về nhân tài sau khi có một dự thảo luật về thuế thu nhập của người đi du học và giới hạn thời gian được phép ở nước ngoài sau khi du học. Tôi thấy đã có sự nhập nhằng không chuẩn xác khi chữ nhân tài được đem ra …”phản biện” một chủ trương hay chính sách cực kỳ giản đơn của nhà nước.
Trước hết, cần nói rõ là một dự thảo luôn là một dự thảo, tức chất chứa trong nó những điều cần phải bàn thêm, nhiều hạt sạn, hay những điều nên loại bỏ hoặc thêm vào. Việc đóng thuế thì là chuyện hoàn toàn đúng, cực kỳ đúng, vĩnh viễn đúng trên toàn hành tinh này đối với bất kỳ công dân nào cho bất kỳ đất nước nào của họ, chứ nào phải đâu chuyện lạ. Còn chuyện đề nghị mọi du học sinh trở về nước trong ba năm làm việc ở nước ngoài thì đúng là phải bàn lại vì lý không thông; song đây cũng là chuyện mang tựa đề giống như của một vở hài kịch của William Shakespeare – Much Ado about Nothing, tức Chuyện Không Có Gì Mà Ầm Ỉ. Cứ thảo luận phải trở về sau nào 5 năm, 10 năm, hay 60 năm làm việc ở nước ngoài, cũng chẳng chết một “nhân tài” nào vì đã có “nhân tài” nào đâu? Việc có một bằng cấp hay học vị không tự động biến một người trở thành “nhà trí thức”. Việc là tiến sĩ vật lý học không tự động gán cho một người cái danh nhà bác học. Việc có bằng tiến sĩ Anh Văn không tự động đem lại cho người sở hữu văn bằng khả năng hùng biện tiếng Anh hay viết nổi một bài thơ, một truyện ngắn tiếng Anh.
Khi nói nhiều đến du học sinh tự túc rồi bàn quá nhiều về vấn đề “nhân tài”, phải chăng người ta muốn tự động hóa một quy trình hoàn hảo: muốn là nhân tài, hãy lo đủ tiền đi du học, không cần biết học có xong không, mà có học xong thì có dùng được điều đã học không, mà có dùng được thì ở cấp độ nào – lấy bằng dược sĩ về mở phạc-ma-xi hay thành nhà nghiên cứu vaccine vĩ đại tiêu diệt Ebola hay SARS. Thêm vào đó, vấn đề “nhân tài” được đặt ra khi nói về những du học sinh, phải chăng hàm nghĩa học trong nước thì chẳng thể thành “nhân tài”, và các trường đại học trong nước chất lượng có vấn đề hay sao?
Ai đó đã có câu thâm thúy: nhân tài như lá mùa thu, ý nói nước ta có khối nhân tài, nhưng đồng thời còn hàm nghĩa lá có trưởng thành rời khỏi thân cây thì cũng ở đâu đó gần với cội nguồn – tất nhiên trừ phi có mưa gió bão bùng biến cố như hồng thủy New Orleans. Và cần tách bạch một điều thâm thúy trong từ ngữ Tiếng Việt – và chỉ có mỗi trong Tiếng Việt: “người giỏi” hay “người có tài cao” là bất kỳ ai giỏi và có tài cao, nhưng “nhân tài” chỉ được dùng để gọi “người giỏi” hay “người có tài cao” nào thực sự đã có cống hiến nổi bật cho chính đất nước Việt Nam. Anh hãy đi du học, hãy trở thành nhân viên kiệt xuất của Cơ Quan Nghiên Cứu Không Gian NASA của Hoa Kỳ, thuận thì mua, vừa thì bán, hưởng lương cao ngất rồi đóng thuế gần sạch bách cho Hoa Kỳ, nhưng chỉ khi nào anh về Việt Nam thành người hữu dụng thực sự ở quê nhà, lịch sử ngày sau của Việt Nam mới có thể gọi anh là “nhân tài” theo đúng ngữ nghĩa Tiếng Việt. Ai đó đã phỏng vấn anh, và anh trả lời chắc nịch rằng anh đi du học bằng tiền của anh, nếu bắt anh đóng thuế thì không có tác dụng khuyến khích nhân tài – nghĩa là anh đã cho rằng anh là nhân tài ngay khi có đủ tiền đi du học – hay xin được học bổng, và nếu anh về liệu Nhà Nước có tạo điều kiện tìm việc làm cho anh không. Lời nói của kẻ không màng đến nhục quốc thể vì trước khi bước chân ra nước ngoài phải biết thuế là nghĩa vụ thiêng liêng mà dân chúng các quốc gia tiên tiến cực kỳ xem trọng, và là lời nói của người lạc hậu vì làm gì có chuyện đòi hỏi Nhà Nước phải có nghĩa vụ tìm việc cho anh nếu muốn anh về sau ba năm làm việc ở nước ngoài? Những năm chiến tranh, bao người đã nằm xuống hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được dù chỉ một lóng xương để bố mẹ anh được sống và sinh ra anh. Nhiều năm kể từ sau chiến tranh, có nhiều người như tôi làm với nước ngoài nhưng hưởng lương nước trong để những đứa bé như anh được hưởng chăm sóc y tế miễn phí, bố mẹ anh được đi xe máy với giá xăng bao cấp, xài điện nước giá bèo. Và nay anh chưa ra khỏi Việt Nam đã cho rằng đồng tiền anh đem đi du học lớn lắm sao, đồng tiền anh có thể kiếm được ở nước ngoài nhiều lắm sao, và những kẻ như chúng tôi chờ đợi mõi mòn và thèm thuồng ba đồng bạc cắc tiền thuế Nhà Nước có thể sẽ thu được từ anh hay sao mà anh cằn nhằn là thuế không khuyến khích anh, một nhân tài tự phong của nước Việt?
Sống mà không biết mình mang nợ quốc gia, mang nợ dân tộc, mang nợ tiền nhân, mang nợ hậu thế, mang nợ chính cuộc đời, thì nào phải cung cách của một nhân tài.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế/Đại biểu quốc hội /Nguồn
GATO vì k bằng đc ngta hả...
Trả lờiXóa