Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Người Trong giang hồ


A Saigon night-club dancer 1969. Một vũ nữ Sài gòn năm 1969

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có bạn đọc nào đó đón nhận cuốn sách này - không như mong muốn của tác giả - với một thái độ thờ ơ, thậm chí là xa lánh. Cũng phải thôi, đa phần độc giả đều là những người lương thiện - như tôi, như bạn - khó có thể bắt họ phải cảm thấy “say mê” khi mà suốt hàng trăm trang sách, những khuôn mặt hiện ra đều là biểu tượng của cái ác, sự điên rồ, liều lĩnh, những hành động được mô tả đều là tội lỗi, gắn liền với những chết chóc, thù hằn và được thể hiện bằng những cuộc tranh giành, đâm chém, thanh trừng lẫn nhau một cách tàn bạo. Tuy nhiên, đó là điều không thể tránh khỏi chứ hoàn toàn không phải là mục đích của tác giả khi đặt bút viết cuốn sách này.


Loài người, trong đó có xã hội mà chúng ta đang sống, tiến dần về phía tương lai văn minh và phát triển với niềm tin “nhân chi sơ tính bản thiện” thì đồng thời loài người cũng phải oằn lưng gánh trĩu và luôn phập phù, cảnh giác với dục vọng “nhân chi sơ tính bản ác”, cố nhiên, cũng nảy sinh trong một bộ phận khác của đời sống xã hội. Cho dù chúng ta ghê sợ, xa lánh và luôn tìm cách chống lại thì cũng phải thừa nhận: cái ác luôn tồn tại, loại trừ hay chối bỏ nó hoàn toàn chỉ là một ước mơ đẹp đẽ nhưng hết sức ngây thơ. Để phấn đấu cho điều đó, không còn cách nào khác, việc đầu tiên là phải nhận diện được cái ác, hiểu về nó một cách tường tận và không ảo tưởng.

Thoạt kỳ thủy, hai tiếng “giang hồ” được dùng để định danh một lớp người phiêu bạt, lấy việc hành hiệp trượng nghĩa, giúp kẻ yếu người cô giành lại sự công bằng làm mục đích; lấy phô diễn tài năng, hơn thua cao thấp - chủ yếu về sức mạnh võ nghệ - làm niềm vui... Với ý nghĩa đó, “giang hồ” được nhìn nhận như một lối sống, một loại tính cách, đẹp và mã thượng. Tuy nhiên, cái đẹp ấy chỉ còn tồn tại trong sách kiếm hiệp đa phần là hư cấu. Theo thời gian, hai tiếng “giang hồ” đã biến chất, tha hóa hẳn. Đến nay, nó chỉ còn lại như một khái niệm về tội lỗi và cái ác, “giang hồ” được hiểu như từ định danh về một thế giới gồm toàn những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, kết bè kết đảng và thủ lợi bằng con đường phạm pháp.

Nhưng, việc phân tích các khái niệm không phải là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là công việc của các nhà xã hội học. Với cuốn sách này, chúng tôi chỉ muốn khắc họa lại một cách chính xác những khuôn mặt cộm cán nhất của giang hồ miền Nam trong thế kỷ XX. Để bạn đọc tiện theo dõi và nhận diện rõ nét quá trình tha hóa của thế giới giang hồ, những khuôn mặt trong sách được sắp đặt theo đúng trình tự thời gian mà họ sống. Bắt đầu từ Sơn Vương Trương Văn Thoại từ những năm 1930, “người của giang hồ” dù sao vẫn còn giữ được những nét mã thượng, mục đích giang hồ còn đôi chút hướng thượng và trọng nghĩa, ít nhiều vẫn phảng phất đôi nét Từ Hải, Robin Hood - người của tự do. Trượt dài đến “thời hai tay ba đao” của những năm 60-70, “giang hồ” đã hoàn toàn biến chất, trở thành một thế giới ngự trị đầy rẫy những cái ác, ác từ suy nghĩ đến hành động, với những Đại Cathay, Sơn Đảo, Lâm Chín ngón, Điền Khắc Kim, Năm Vĩnh v.v... Từ xuất phát điểm là bạn của dân nghèo, giang hồ đã trở thành tai họa, nỗi ám ảnh đầy đe dọa của lương dân. Yếu tố vụ lợi đã làm tha hóa toàn bộ bản chất của một lớp người. Đến những Năm Cam, Hải “bánh”... cuối thế kỷ XX thì giang hồ đích thị chỉ còn lại những bộ mặt quỷ dữ. Đó là tập hợp những tên tội phạm, những kẻ đâm thuê chém mướn. Dù vậy, giới giang hồ vẫn có những đặc trưng riêng, luật lệ riêng. Khi nói đến giang hồ là nói đến những tên tội phạm - điều đó đúng, nhưng một tên cướp giật, một tên tội phạm móc túi, trộm vặt mà gọi là giang hồ thì chắc chắn là sai.

Cho dù qua mỗi thời kỳ, giới giang hồ mang một đặc điểm hoàn toàn khác nhau thì thế giới ấy vẫn chưa bao giờ biến mất hay đứt đoạn. Sơn Đảo của thời hỗn loạn thập niên 60-70 từng gặp gỡ, bái phục và là một bản sao không hoàn chỉnh của Sơn Vương - rất ngạo thế khinh đời thập niên 1930; Năm Cam, Hải “bánh” hung thần cuối thế kỷ chỉ là một  thứ “âm binh mất ma” học nghề từ những dân chơi trước giải phóng như Đại Cathay, Sơn Đảo và từng cạnh tranh với những đàn em của tên hung thần lề phố này như Huỳnh Tỳ, Lâm Chín ngón... Theo nghĩa đó, cái ác là một khối u ác tính di căn trong đời sống xã hội.

Nếu đầy đủ hơn khi nói về thế giới giang hồ, lẽ ra cuốn sách của chúng tôi phải thêm vào tối thiểu ba nhân vật nữa, đó là “cọp rừng Sác” Lê Văn Viễn những năm 40-60; là “Vua hắc đạo” Tín Mã Nàm những năm 60-70 và Năm Cam, trùm “xã hội đen” cuối thế kỷ.

Bảy Viễn không chỉ là một giang hồ nổi tiếng, ông ta còn là một nhân vật khuấy nên một phần lịch sử, từng tham gia kháng chiến chống Pháp rồi trở mặt đầu Tây, trở thành Thiếu tướng trong quân đội Liên hiệp Pháp, được Bảo Đại giao trách nhiệm cai quản an ninh toàn bộ khu vực Sài Gòn - Gia Định. Đã có không ít cuốn sách viết về nhân vật có tính cách phức tạp và cuộc đời sôi động, đầy bi kịch này. Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyên Hùng, Bảy Viễn đã hai lần trở thành nhân vật trung tâm và là chất liệu để tác giả dựng nên hai cuốn sách dày cộm là “Người Bình Xuyên” và “Bảy Viễn - Thủ lĩnh Bình Xuyên”. Nếu không gọi là toàn bộ thì dưới ngòi bút chi tiết của nhà văn Nguyên Hùng, chân dung Lê Văn Viễn cũng đã hiện ra quá đầy đủ. Có viết lại, tư liệu của chúng tôi cũng không thể hơn, chỉ tổ mang tiếng “múa rìu qua mắt thợ”, trong khi xào nấu lại tư liệu lại là điều mà lòng tự trọng của người cầm bút không cho phép.

Ngược lại, với Tín Mã Nàm, trở ngại mà chúng tôi vấp phải là chưa thể thu thập đủ thông tin. Tên thật là Trần Hà Tư, đẳng cấp giang hồ là một Thầu Dậu (đầu gà), nổi tiếng với biệt danh Tín Mã Nàm (con ngựa điên), nhân vật này đã làm mưa làm gió suốt hai thập niên 60-70, thống lĩnh toàn bộ giới tội phạm người Hoa khu vực Chợ Lớn. Có nhiều thông tin cho rằng Tín Mã Nàm chính là kẻ giữ vai trò Hồng Trượng (tức cây gậy đỏ), kẻ đứng thứ hai, vai vế chỉ thua Hoàng Long (Rồng vàng), nắm toàn quyền chỉ huy an ninh trong tổ chức tội phạm Tam Hoàng Hội chi nhánh Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền lực đen và mức độ tàn bạo của tên giang hồ này lớn hơn rất nhiều so với tầm hình dung của một người lương thiện. Thế nhưng dù đã gặp được một số người thân quen của hắn thì với đặc tính kín đáo cố hữu của người Hoa, chúng tôi vẫn không thể thu thập được gì chính xác hơn ngoài những câu chuyện truyền miệng đậm chất giai thoại, khó có thể tùy tiện gọi đó là sự thật. Vì thế, dù rất tiếc, một chân dung đầy đủ về nhân vật Tín Mã Nàm vẫn cứ là món nợ mà chúng tôi đành khất lại cùng bạn đọc.

Nhân vật thứ ba, Năm Cam, nếu xét về ảnh hưởng xấu thì thừa đủ để có thể cho vào sách. Tư liệu về y lại càng không thiếu khi đã có hàng ngàn trang báo phô bày trong suốt 2 năm đầu của thế kỷ XXI. Thế nhưng, trong mắt chúng tôi, Năm Cam dù là một tên tội phạm sừng sỏ, dù đầy tội ác nhưng vẫn không đáng được gọi là giang hồ. Điều duy nhất mà Năm Cam làm được, hơn đứt nhiều tên tội phạm khác, là đã mua chuộc được một bộ phận thoái hóa trong bộ máy công quyền ở nhiều cấp. Với thế mạnh này, từ một tên gá bạc nhãi ranh, Năm Cam đã ngoi dần lên trên từng nấc thang của quyền lực tội ác. Thế nhưng, trước sau Năm Cam vẫn bị giới giang hồ xem như một trùm xã hội đen sừng sỏ chứ không hề là một giang hồ có số. Lý do đơn giản, trên con đường ngoi lên, Năm Cam thiếu hẳn ba tiêu chuẩn: bản lĩnh cá nhân, cách chơi đúng luật (đen) và ân uy với đàn em... Xét về cấu trúc, trong giang hồ chỉ có quan hệ đàn anh - đàn em (được phân ngôi tùy theo đẳng cấp, trình độ, bản lĩnh chứ không theo tuổi tác), tuyệt nhiên không có quan hệ chủ - tớ. Với tham vọng biến thành “vua”, Năm Cam đã biến tất cả những kẻ dưới trướng thành đầy tớ khiến chúng chỉ sợ mà phục tùng chứ không nể trọng. Vì thế, Năm Cam chỉ đáng được xem như một tên trùm tội phạm kiểu xã hội đen mà không đáng được coi là “người của giang hồ”.



Ngoài ra, còn một loạt “tên tuổi lớn” khác của giang hồ mà chúng tôi chưa có dịp đề cập, hầu hết đều xuất thân từ Trung Hoa đại lục. Họ là những người có công lớn trong tiến trình hoằng duơng võ học có nguồn gốc Thiếu Lâm vào Việt Nam. Đó là Lương Vũ Tế, tức Nguyên Tế Công Đại sư, ông tổ của Vịnh Xuân quyền Việt Nam; là Trương Tòng Phú, hậu duệ đích tôn 16 đời của Thái cực Võ Đang Trương Tam Phong, Chưởng môn phái Võ Đang tại Chợ Lớn; là Đoàn Tâm ảnh vốn là một áp tiêu lừng danh trên đoạn đường từ núi Côn Luân (Trung Quốc) đến Hồng Kông, sau qua Việt Nam “phong kiếm qui ẩn” trở thành Đại lão võ sư Đoàn Tâm ảnh, Chưởng môn phái Thiếu Lâm Côn Luân (Thủ Đức); là Hạng Văn Giai, nguyên là thiếu tướng, Quân đoàn phó Quân đoàn Vân Nam ly khai của Quốc dân Đảng sau biến cố 1.10.1949, theo nhiều người trước ông từng là Biệt đội trưởng Biệt đội ám sát của Tưởng Giới Thạch, một trong những “tác giả kịch bản” của vụ ám sát Uông Tinh Vệ tại Hà Nội  nổi tiếng thập niên 1930...

Cuộc đời họ đầy sóng gió và bi kịch hẳn sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với bạn đọc. Song, ghép chung chân dung họ với chân dung những tên “giang hồ tội phạm” tầm thường e là điều bất nhã và bất kính. Chúng tôi đành phải gác lại và hẹn bạn đọc ở một cuốn sách khác viết riêng về họ, cuốn Giang hồ võ lâm Việt Nam  mà chúng tôi đang thai nghén.

Theo nhận xét của chúng tôi, từ trước đến nay đã có không ít tác giả viết về giang hồ. Nhưng, do mục đích tiếp cận khác nhau nên các tác giả này đều chưa phản ánh đúng chân dung, bản chất và số phận của những kẻ được coi là “người của giang hồ” mà họ đề cập. Trước năm 1975 đã có hàng loạt nhà văn, đứng đầu là nhà văn nổi tiếng Duyên Anh đã cho ra đời hàng loạt cuốn tiểu thuyết thuộc loại “sách xúi con nít đập lộn”. Nhân vật chính của những cuốn sách này thường là những tên bụi đời, du đãng cộm cán sống ngoài lề phố và bất chấp luật lệ. Vì mục đích “vị nghệ thuật”, các nhà văn thế hệ này đã đẩy khoảng cách tâm lý đi quá xa, huyền thoại hóa các nhân vật giang hồ, xem tội lỗi, các trận thư hùng của chúng như những chiến tích. Chịu ảnh hưởng của văn học Phương Tây, kiểu Robin Hood của A. Dumas hay “Thân phận con người” của A.Malraux, những tác giả này đã quá say sưa đề cao chất anh hùng cá nhân của những tên du đãng mà quên mất bản chất đích thực, chúng đích thị là những tên tội phạm. Trong số đó, cuốn Điệu ru nước mắt của Duyên Anh tiêu biểu hơn cả, nhất là khi nó được chuyển thể thành phim Vết thù trên lưng ngựa hoang với bản nhạc nền cùng tên nổi tiếng một thời.

Sau Duyên Anh, một loạt ký giả miền Nam trước giải phóng vẫn mang nặng khuynh hướng huyền thoại hóa, tuy khai thác người thật, việc thật của một lớp giang hồ như Đại Cathay, Lâm Chín ngón, Sơn Đảo... song chủ yếu cũng chỉ khai thác kịch tính của những phi vụ, đẩy các hành động tội phạm của chúng thành một hình thức đối lập, biến những tên tội phạm thành lớp “dân chơi” và “đánh số” chúng theo chuẩn giang hồ chứ không theo những nấc thang đạo đức của xã hội. Chính chủ nghĩa hiện sinh giai đoạn thoái trào du nhập vào miền Nam, chính sự hỗn loạn của xã hội tiêu thụ sống gấp và chết gấp và ý thức phản kháng thời loạn đã tạo nên khuynh hướng này. Bản chất giang hồ có bị (hay được) hiểu sai thì cũng không có gì khó hiểu khi chính các ký giả - tác giả với nhân vật giang hồ của họ đều là bạn bè, quen biết nhau và học đòi nhau. Giữa người nghệ sĩ bế tắc và tên “dân chơi” đập phá ít nhiều cũng có một điểm chung, đó là ý thức bứt phá khỏi các ràng buộc, các định chế của một thứ luật pháp mà họ không tôn trọng; hoặc đơn giản hơn, một ham muốn tự định vị mình. Bằng cách đó, giang hồ được vẽ nên như một thế giới hỗn loạn trong một xã hội hỗn loạn của một thời đại cũng hỗn loạn nốt.

Sau năm 1975, suốt một thời gian dài, đề tài giang hồ, du đãng... hầu như bị quên lãng hoàn toàn trong văn chương, sách vở. May ra, độc giả chỉ còn biết đến các nhân vật của thế giới này trong những bài báo - một thể loại mà tự thân nó, khoảng cách tâm lý đã bị kéo lại quá gần, gần đến mức thiển cận. Nhân vật giang hồ được đề cập hầu như chỉ còn trong phạm vi những thông tin sơ khai của phép cân đối giữa tội lỗi và hình phạt. Không số phận, không tính cách, không được đặt trong phức hợp những bi kịch của cuộc sống, nhân vật giang hồ bị đánh đồng triệt để với hình ảnh tội phạm mà không ai thắc mắc gì đến điểm đặc thù của nó. Thậm chí đã có khi, trên mặt báo, người ta còn né tránh gọi tên những từ định tính như giang hồ, mafia, vì e ngại cách gọi đó sẽ... bôi đen xã hội.

Nói tóm lại, vì nhiều lý do khác nhau vẫn còn thiếu hẳn một cái nhìn đầy đủ, khách quan về một thế giới, một tập hợp người đã hiển nhiên tồn tại trong đời sống, nhất là đời sống ở các đô thị lớn. Vậy thì giang hồ là gì?

Lại một lần nữa, chúng tôi vẫn không muốn “lấn sân” phần việc của các nhà xã hội học. Chỉ xin trả lời vắn tắt: giang hồ là một loại tội phạm có tổ chức, chủ yếu hình thành qua việc xác định “lãnh địa” riêng để hoạt động tội phạm - một hình thức sơ khai của kiểu tội phạm mafia. Nôm na, tất cả mọi người sinh ra đều muốn vượt lên trên chính bản thân mình, luôn khao khát định vị mình trong cuộc đời. Nếu được giáo dục, học hành đầy đủ ở trường học, người ta sẽ trở thành những nhà chuyên môn có ích. Ngược lại, nếu “tốt nghiệp” trường đời, nhiều khả năng người ta sẽ hóa... giang hồ. Như vậy, giang hồ là một thứ “tay nghề cao”, những “nhà chuyên môn” của xã hội lề phố, đời sống lề phố. Nhìn ở một góc độ khác, khát vọng sống, mơ ước vươn lên là những phẩm chất hình thành nên khuynh hướng dấn thân trong mỗi cá nhân. Năng lực hành vi càng lớn, khát vọng dấn thân càng lớn. Đây là một thứ năng lực nội tại, chỉ tăng hay giảm chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào tri thức được giáo dục. Khi khát vọng dấn thân tích trữ đủ lượng và bùng nổ thì mẫu người anh hùng cá nhân xuất hiện. Nếu được định hướng đúng, hướng thượng và hướng thiện, đủ chất tri thức, con người anh hùng cá nhân sẽ thăng hoa, thời loạn có thể trở thành nhà cách mạng, thời bình có thể trở thành khoa học gia, nghệ sĩ v.v... Dù không được, không muốn hay không có điều kiện học hành thì trong những cuộc đời tận đáy xã hội, máu anh hùng cá nhân vẫn cứ tồn tại. Được gắn với mục đích lệch lạc, tham vọng ngoi lên lệch lạc, tất yếu nó sẽ biến con người thành một thứ hư vô chủ nghĩa, thiên hẳn về đập phá, chà đạp lên các giá trị chuẩn mực về đạo đức, tinh thần và tác oai tác quái đối với đời sống xã hội. ở mức độ nhẹ hay phạm vi ảnh hưởng hẹp, con người của chủ nghĩa hư vô sẽ biến thành tầng lớp giang hồ, tìm cách thủ lợi bằng các hành vi chống lại luật pháp. Nếu gặp thời loạn, được hà hơi tiếp sức bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bằng đức tin tôn giáo cực đoan, tất yếu chúng sẽ liên kết với nhau để trở thành những tập đoàn giang hồ quốc tế - cha đẻ của chủ nghĩa khủng bố, một vấn nạn đầy đe dọa nguy hiểm mang tính toàn cầu trong thế kỷ XXI.

Cần nói rõ như thế để thấy rằng, giang hồ là một tập hợp tội phạm nguy hiểm, có tổ chức chứ không phải hỗn hợp những hành động tội phạm manh động. Do đó, để tiêu diệt nó, không đơn giản chỉ là việc “chặt ngọn” với hình phạt thật nặng cho những kẻ phạm tội. Ngược lại, cần quan tâm giải quyết vấn nạn giang hồ ngay từ gốc, không để mầm mống tội phạm có điều kiện sinh sôi nảy nở rồi sau đó mới áp dụng hình phạt.

Cốt lõi hình thành, nuôi sống đội ngũ giang hồ, theo chúng tôi, là hai vấn đề có quan hệ hữu cơ: nạn cho vay lãi nặng và việc phân chia lãnh địa để hoạt động phạm tội. Con người, cho dù là người nghèo thì cũng không tránh khỏi những lúc phải đối diện với những biến cố như thiên tai, đau ốm, ma chay... nghĩa là ngay tức thời cần phải có một khoản tiền lớn để giải quyết. Đối với người dân lao động nghèo, đó là một vấn nạn. Tiền mặt: không có, nhà cửa vật dụng thế chấp để vay ngân hàng: không có, tín chấp: không thể. Đó chính là cơ hội tốt để các giác hút kinh khủng của đám cho vay lãi nặng thò ra. Bao nhiêu tiền cũng có, tất nhiên là với lãi suất cắt cổ. Lãi mẹ đẻ lãi con, những vòi bạch tuộc sẽ hút kiệt tất cả những gì người nghèo tích cóp và trói đời họ trong công nợ. Không trả ư: đã có “luật giang hồ”! Nguồn lợi nhuận này là những con số khổng lồ, đủ để nuôi sống cái gọi là giới giang hồ. Nó lớn đến mức việc tranh giành lãnh địa nhằm bảo kê, cho vay lãi nặng thường biến thành những cuộc “chiến tranh lề phố”. Dĩ nhiên, để chuẩn bị cho điều đó thì tất yếu, các băng đảng tội phạm phải hình thành. Đó là lý do vì sao, giới giang hồ quần tụ nhiều ở các khu vực bến cảng, bến tàu xe, các khu chợ đầu mối ở các đô thị lớn - những nơi tập trung đông đúc tầng lớp vô sản, dân lao động nghèo, làm thuê là nghề nghiệp chính. Đó cũng là lý do vì sao trong cuốn sách này xuất hiện thêm hai nhân vật Lý Long Thân (Đường đời trong lòng tay) và Lâm Huê Hồ (Huyền thoại về một gánh ve chai). Cả hai nhân vật này đều không đụng tay đến “dao thớt”, song với nghề cho vay nặng lãi, họ đích thị là những “ông trùm” của giới giang hồ. Đặc biệt là nhân vật Lý Long Thân, toàn bộ quá trình kinh doanh, làm giàu và ngoi lên đều quan hệ mật thiết với hoạt động của các băng đảng tội phạm thuộc giới giang hồ, theo một cách thức sặc mùi giang hồ.

Cuối cùng, để triệt để giải quyết vấn nạn giang hồ, chúng tôi nghĩ ngoài việc nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường giáo dục... và nhiều mặt khác, cũng rất cần có một quỹ tín dụng cho người nghèo. Khi lâm vào bí bách, người nghèo - với sự xác nhận của chính quyền địa phương - có thể được vay một khoản nào đó, đủ để trang trải khó khăn đang vấp phải. Hãy tự tin rằng, người nghèo, dù nghèo thì vẫn không thiếu lòng tự trọng, đã vay ắt sẽ trả. Trong trường hợp xấu nhất, nhà nước có thể mất đi 10, 20, 100 triệu, thậm chí một tỉ đồng, nhưng chắc chắn xã hội sẽ bớt đi những danh sách tội phạm dài dằng dặc, khi mà vòi bạch tuộc hút máu dân nghèo của giới giang hồ đã mất chỗ bám. Lúc đó, đời sống của lương dân cũng sẽ bớt phập phù trước những đe dọa, khống chế của bọn tội phạm. ít nhất, chúng ta sẽ bớt đi được một phiên tòa như phiên tòa Năm Cam và đồng bọn với hơn 150 bị cáo mà  một phần ba  trong số đó là những tên giang hồ chuyên cho vay lãi nặng.

Toàn bộ gốc và ngọn của vấn đề, những huyền thoại và bi kịch số phận của “người trong giang hồ” chúng tôi muốn thể hiện qua cuốn sách này thông qua một số chân dung giang hồ cộm cán nhất, những kẻ đã từng được nhiều người biết đến với không ít giai thoại nửa thực nửa hư. Với tiêu chí đó, mục đích văn chương bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Hay hay dở, thích hay không còn tùy vào cách thẩm định của người đọc. Chúng tôi chỉ hy vọng, với những ai quan tâm đến vấn đề giang hồ, cuốn sách sẽ là một nguồn tư liệu ban đầu, một cái nhìn khách quan và gần gũi sự thật để bạn đọc có thể tham khảo.

Hầu hết nội dung chính của cuốn sách này đều đã được đăng tải trên mục “Tư liệu nhiều kỳ” của Báo An ninh thế giới. Vào sách, tác giả chỉ dụng công bổ sung tư liệu và thể hiện lại nó dưới dạng truyện để bạn đọc dễ theo dõi chứ tuyệt đối không có ý định trau chuốt văn chương. Vì thế, nếu những câu chuyện này có thể hấp dẫn được bạn đọc thì đó là do sự hấp dẫn được tạo bởi tự thân những bi kịch số phận của các nhân vật chứ không hề do tác giả cố ý sắp đặt hay dụ dẫn. Toàn bộ tư liệu được trình bày là kết quả thu gom, chắt lọc, kiểm chứng mà chúng tôi tiến hành trong khoảng 10 năm. Những gì thể hiện trong trang sách cũng chính là những gì đã diễn ra trong đời thực. Phần việc duy nhất mà chúng tôi làm là xếp đặt lại cho câu chuyện diễn ra đúng theo trình tự vốn dĩ nó có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !