Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

"Lá cải hóa” báo chí là tự giết mình!

Sự khác biệt của những tờ báo chính thống với những mạng xã hội chính là những nguyên tắc đạo đức, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Khi các nhà báo xa rời những chuẩn mực này thì đó cũng là lúc họ đã tự đồng hóa công việc cao quý của mình với những kẻ đưa chuyện vỉa hè!
Bên hành lang kỳ họp Quốc hội (29/5) bàn về báo chí Việt Nam hiện nay lại xôn xao về chuyện đấu tranh chống xu hướng “lá cải” của một số báo, tạp chí, nhất là báo mạng. Đa số các cán bộ ngành báo chí truyền thông đều cho rằng, báo chí hiện nay đang khai thác các vấn đề được cho là dư luận, xã hội quan tâm, đáp ứng thị hiếu đi quá đà… đến chuyện giật gân, câu khách. Rồi kết luận rằng đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của một số người làm báo xuống cấp trầm trọng.
Thật ra, “lá cải” hóa công cụ báo chí không phải là chuyện bây giờ mới có, nó đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những trang báo chính thống từ nhiều năm nay, khi mà xã hội hóa báo chí xuất hiện, những tờ báo tư nhân ra đời và hòa mình vào cuộc đua thương mại hóa. Từ đó xu hướng khai thác thông tin kiểu giật gân, câu khách bằng mọi giá trở thành xu hướng không chỉ riêng của những báo tự hạch toán mà cả một số trang báo được cho là chính thống cũng không thể cưỡng lại trước sức ép của cuộc đua lợi ích này.

"Báo lá cải" thiêu đồng loại, đốt chính mình
Rất nhiều người sẽ hỏi rằng, vậy thế nào được gọi là thông tin báo “lá cải”, câu khách, giật gân thật ra là thế nào? Vài hôm trước, tôi bất ngờ nhận được thư của một người, cô ấy tự xưng là ca sĩ (tôi không tiện nêu tên) mà hơn 6 năm trước từng bị công an TP HCM bắt vì tội môi giới mại dâm, sự việc xảy ra vào đầu năm 2006, sau vụ việc của Yến Vy không bao lâu. Cô bị lãnh án 6 năm tù giam. Sau thời gian chịu án, cô trở về với xã hội và quyết tâm từ bỏ con đường cũ. Cô quay lại con đường ca hát. Cô kể đã đầu tư làm 2 album, điều đó có thể kiểm chứng trên thị trường. Thế nhưng, đau buồn thay là kể từ khi cô quyết tâm làm lại cuộc đời, sự nghiệp và danh dự bản thân vốn đã mất nhưng cuộc đời vẫn cứ xô đẩy cô. Và rằng, cô “được” xuất hiện trên báo chí như một ngôi sao thời danh khi có bất cứ một sự việc nào dính đến pháp luật, mại dâm của nghệ sĩ như chuyện người mẫu Vĩnh Thụy buôn lậu, hay mới đây nhất là người mẫu Hồng Hà bán dâm.
Hàng loạt báo bắt đầu thuật lại sự việc của cô năm xưa dù sự việc đã trôi qua 6 năm. Thư cô viết không dài nhưng dày đặc những câu hỏi. Cô hỏi rằng vì sao người ta lại cứ nhắc về quá khứ lỗi lầm của cô như thế? Rằng “họ” có nghĩ đến cô không khi điều đó làm con đường trở về của cô thêm phần mù mịt? Cô bảo đạo đức và lương tâm con người đã ở đâu, dù rằng nhắc lại chuyện xưa nhưng đâu cần phải ghi đầy đủ tên và kèm hình to tướng? Phải chăng những người lầm lỗi trong quá khứ như cô mãi là những kẻ tội đồ trong mắt mọi người mà không còn lối quay về, cải thiện hay sao?
Dễ dàng xác minh những gì cô ấy kể về quá khứ lầm lỡ là sự thật, cô ấy là chủ đường dây gái gọi cao cấp gồm nhiều cô là ca sĩ, diễn viên. Chưa nói đến chuyện thật sự cô ta có “hoàn lương” hay chưa nhưng điều tôi quan tâm là ở những câu hỏi. Phải chăng những bài báo đó đang hại đồng loại để câu khách!? Thật ra trường hợp cô gái đó là còn may mắn bởi có những trường hợp còn thương tâm hơn. Ví dụ như cách báo chí khai thác thông tin về những “clip sex sinh viên tự quay” chẳng hạn. Hai bạn sinh viên bình thường, cô gái có vẻ mặt ngoan hiền, chàng trai không giấu được sự háo hức với trò chơi ái tình, họ yêu nhau đắm đuối nhưng có phần dại dột và cẩu thả. Và xét trên mọi khía cạnh của truyền thông thì những đoạn clip tình yêu đó không có lý do gì để trở thành một câu chuyện thời sự, bởi có đoạn phim được quay từ hơn một năm trước. Vậy mà nó lại trở thành thời sự, thành tin tức được truy cập nhiều trên các trang báo điện tử.
Ngay cả việc đoạn phim được đưa lên mạng xã hội, nó cũng sẽ không bị phổ biến tràn lan hay thu hút như một câu chuyện thời sự nếu như không được sự trợ giúp của các tờ báo điện tử “uy tín”. Rồi ngay cả khi trang chia sẻ video trực tuyến Youtube đã xóa đoạn clip này thì nó lại được những báo điện tử nổi tiếng “tường thuật” lại một cách như “có trách nhiệm”. Thế là từ “trách nhiệm đưa tin” của một số trang báo khiến đôi sinh viên phải đối mặt với một tương lai không bằng phẳng trên con đường mưu cầu hạnh phúc, họ sẽ bước vào cuộc đời với những tiếng xì xào, những cái nhìn ác ý, những lời dè bỉu không hề dễ chịu mà chẳng thể trách được ai!
Câu hỏi đặt ra cho việc đưa những hình ảnh, thông tin như hai trường hợp đó trên công cụ báo chí để làm gì? Để cảnh báo rằng, trong quá khứ đã từng có diễn viên, người mẫu, ca sĩ bán dâm chăng? Để cảnh báo với các gia đình về xu hướng tình dục trước hôn nhân của giới trẻ? Chắc chắn không phải như vậy mà lý do bình thường thậm chí tầm thường nhất là thu hút sự chú ý của đọc giả bằng mọi giá, thu hút sự tò mò bệnh hoạn, ác ý của một số người.
Báo chí hiện nay không những chịu sự cạnh tranh gay gắt của báo tư nhân, báo mạng “lá cải” mà còn chịu sức ép nặng nề từ các trang mạng xã hội. Nhưng để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, xu hướng lá cải hóa công cụ báo chí của các nhà báo, các trang báo mạng không phải là giải pháp đúng đắn, đó chỉ là giải pháp lệch lạc với chuẩn mực xã hội. Sự khác biệt của những tờ báo chính thống với những mạng xã hội chính là thái độ làm báo, là những nguyên tắc đạo đức, là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Khi các nhà báo, phóng viên đã xa rời những chuẩn mực này thì đó cũng là lúc họ đã tự đồng hóa công việc cao quý của mình với những kẻ đưa chuyện vỉa hè! Và một khi đó là xu hướng chủ đạo của báo chí, nhất là những trang báo mạng được cho là chính thống thì sẽ không còn ranh giới giữa báo chí và truyền thông mạng xã hội. Khi đó, việc đưa những tin tức “lá cải” giật gân, câu khách rẻ tiền sẽ dẫn dắt báo chí đến kết cục là sát hại chính mình!
Trao đổi với báo chí về xu hướng đưa thông tin lá cải, giật gân câu khách của báo chí hiện nay, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, sắp tới những báo nào không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích để kéo dài, không thay đổi sẽ bị phạt bằng những biện pháp chế tài đủ mạnh, thậm chí bị xem xét rút giấy phép hoạt động.
Lê Trúc/petrotimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !