Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Người trong giang hồ - Nguyễn Hồng Lam (12) Vàng


12. VÀNG

1. Du mục

Rất có thể bạn sẽ chẳng tán đồng, nhưng dù sao, tôi vẫn cứ tin rằng đôi khi những biến cố lớn, những sự kiện đáng nhớ trong đời lại có khởi nguồn hoặc đến với chúng ta một cách hết sức ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên, tôi đến với nghề báo. Ngẫu nhiên, tôi gắn công việc và thời gian của mình với những chuyến đi... Những lúc một mình với chiếc xe gắn máy cà tàng rong ruổi qua từng miền đất lạ của rẻo đất cong cong hình chữ S, tôi thường cảm thấy lòng dội lên một cảm giác lâng lâng khó tả.

Lâu dần thành quen, công việc đã vô tình biến tôi thành một tín đồ của chủ nghĩa xê dịch, luôn phải đi và muốn đi. Thú vị là ở chỗ, những lúc rong ruổi đường xa, tôi lại có cơ hội để gặp lại tuổi thơ trong những cơn mơ mòng hiệp khách, chủ yếu hình thành từ những trang sách ngấu nghiến đọc trộm và đam mê khám phá.

Cũng ngẫu nhiên như thế, năm 1997, cái địa danh “bãi vàng Phước Sơn” đã tình cờ lọt vào tai tôi và nằm lại đó như một bí ẩn nhiều sức hút. Năm ấy, mưa lũ không lớn lắm. Nhưng ở một xứ sở mà cơ sở hạ tầng còn yếu kém như đất nước thân yêu của chúng ta thì không cần lớn, thiên tai cũng dư sức gây đại họa. Riêng tại Quảng Nam, với trận lụt “không lớn lắm” năm ấy, toàn tỉnh đã có “97 người chết và mất tích”. Thật ra, “chết” với “mất tích” cần phải được hiểu chẳng qua cũng chỉ là một! Trước cơn rùng mình, nổi gai ốc của tôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Thành, Phó phòng PX15 Công an tỉnh đã cay đắng bổ sung:

- Đó là chưa kể những người đã bỏ mạng tại bãi vàng Phước Sơn đấy. Dân đào vàng toàn người tứ xứ, sợ luật pháp nên không ai trình, ai báo. Dù cố gắng mấy, ngành công an cũng không thể thống kê chính xác được. Chỉ riêng bãi Nguyễn Văn Ngọc đã có 21 người chết. Tỉnh phải đem máy xúc lên đào suốt cả tuần mới lấy được xác các nạn nhân!

Biên độ chệch chuẩn quá lớn giữa các con số của báo cáo quan liêu và thực tiễn sống động đã khiến thói quen phân tích cố hữu của gã nhà báo là tôi mường tượng ra một đời sống khốc liệt, khốn khổ và đang bị lãng quên ở vùng vàng. Đối với nghề cầm bút, đó là một đề tài có sức hấp dẫn ghê gớm.

Cho đến lúc đó, thông tin mà tôi có đựơc về “miền đất hứa của những kẻ liều” vẫn không có gì nhiều hơn đôi dòng vắn tắt: Phước Sơn là một huyện miền núi phía Tây Quảng Nam, giáp Lào và tỉnh Kon Tum. Cả huyện có 18.000 dân. Thời chống Mỹ, đó là căn cứ của Cách mạng, nhiều trận đánh ác liệt tốn nhiều xương máu đôi bên đã nổ ra, hình thành nên những địa danh huyền thoại đã đi vào văn chương, sách vở: cao điểm E, Sân bay Hiệp Đức, ngầm Phước Mỹ, cầu Đắc Xà Ê... v.v. Nếu chỉ với từng đó thôi, Phước Sơn cũng đã đủ cuốn hút tôi với bao nhiêu nỗi tò mò. Nhưng hơn thế nữa, cho dù khuôn mặt đen đúa, không đáng được gọi là thư sinh, cũng không thuộc vào tuýp người cao quí luôn tin chắc rằng mình có một tâm hồn lãng mạn thì từ hơn 10 năm trước, tôi cũng đã trót phải lòng mấy câu thơ của Trinh Đường:

Sông Phước Mỹ đổ xuống nguồn Vu Gia

Anh biết đổ vào đâu quanh năm nước lũ

Xã Phước Mỹ giáp Gia Lai - Kon Tum

Anh giáp với ai trong mang mang hoàn vũ

Quá xã Phước Thành đến huyện Trà My

Quá lòng anh đến đâu xa xứ

Núi Xuân Mãi vươn lên thì gặp trời

Anh vươn lên e cháy đầu nắng lửa

Phước Sơn có vàng có quế có trầm hương

Anh chỉ có một bài thơ viết dở...

(Bài thơ nhờ độc giả huyện Phước Sơn đặt đề)

Hai mươi bảy tuổi, đã qua lâu rồi cái thời sách vở, trong tôi không còn mơ mộng những chuyện phiêu lưu hão huyền, nhưng niềm đam mê kỳ lạ về những vùng đất xa xôi, những điều lạ lẫm thì vẫn còn nguyên vẹn. Ngay lập tức, cái địa danh Phước Sơn xa lạ kia trở thành nơi mà tôi tự nhủ lòng rằng phải đi, phải đến và phải thấy.

Hùng, một tài xế có “tay lái lụa” ở Công an Quảng Nam bảo tôi:

- Nếu muốn, sắp xếp thời gian lên đây tôi chở ông đi. Vùng đó, tôi rành như lòng bàn tay. Còn tính đi xe máy thì quên đi. Khổ không qua nổi đâu. Tôi cam đoan bãi vàng Phước Sơn không hề giống bất cứ nơi nào mà ông từng biết.

Tôi không trả lời Hùng. ở cơ quan hoặc đôi lúc ngồi giữa bạn bè thân, loại người như tôi vẫn thường được những người xung quanh xem là điên. Tôi cũng chẳng thấy cần phải thanh minh, bởi thằng điên nào cũng có cái lý riêng của nó. Bạn bè, đồng nghiệp và những người thân của tôi, tất thảy đều tử tế, đáng kính và cẩn thận. Họ không tài nào hiểu nổi cái lý giản đơn là những khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm nữa, mới chính là ma túy của những kẻ ưa xê dịch. Thiếu nó, cuộc sống của những kẻ mang máu ngẫu hứng, “rồ dại” như tôi xem ra chỉ đáng bỏ đi.

Thế nhưng, cũng phải hai năm sau đó, tôi mới có cơ hội biến dự định của mình thành hiện thực. Lại hoàn toàn là quyết định ngẫu nhiên bởi thật ra, trong kế hoạch ban đầu, nơi tôi sẽ đến không phải là bãi vàng Phước Sơn mà là bãi đá saphire Trường Xuân ở Đắc Nông, Đắk Lắk, cách thị trấn Gia Nghĩa 29km.

Ngày 14.5.1999, mưa tầm tã, tôi vượt một lèo 250 km từ Sài Gòn lên đến Gia Nghĩa. Thuyết phục, năn nỉ mãi các anh công an huyện Gia Nghĩa vẫn dứt khoát không dẫn đường, cũng không cho phép tôi bén mảng vào bãi đá quí. Lý do đơn giản: nguy hiểm. Bãi đá saphire Trường Xuân từng được mệnh danh là một “Texas City ở Việt Nam”. Trong bãi tập trung hầu như không thiếu thứ gì các loại tệ nạn xã hội. Cư dân của bãi đá này (khoảng hơn 1.000 người) chỉ gồm hai loại: những tên đầu trộm đuôi cướp trốn lệnh truy nã và những con nghiện oặt xà lai, thiếu sức sống nhưng thừa máu liều... Không còn cách nào khác, tôi quyết định gửi đồ đạc lại công an huyện và bắt xe ôm một mình thâm nhập vào bãi đá. Để tăng cảm giác tự tin, tôi nhét vào trước bụng một khẩu rulô có 5 viên đạn hơi cay và hơi ngạt, thứ công cụ hỗ trợ “làm dáng là chính” được cơ quan cho phép mang theo (có giấy phép) trong những chuyến công tác đường dài.

Không người dẫn đường, không quen biết ai, cũng chưa định... gặp tai nạn, tôi không thể mạo hiểm đột thẳng vào khu vực lán trại của dân đào đãi đá dựng lên xung quanh hai bờ suối Đăk Tol nằm kẹt giữa những ngọn đồi. Để nâng tầm quan sát, tôi quyết định rúc lên rừng le mọc kín quanh ngọn đồi phía Tây Bắc con suối. Chỉ cần có một chút xíu kinh nghiệm đường rừng, bạn đọc cũng đã có thể hình dung ra tôi đã phạm những hai sai lầm một lúc. Thứ nhất: chỉ có những kẻ thiếu hiểu biết mới công không đi rừng vào mùa mưa. Thứ hai, lớp lá mục của rừng le chính là “thiên đường” của các loài vắt, con nào con nấy to nần nẫn như ngón tay cái. Tiếng bước chân đạp lên cành khô, lá mục của tôi đã khiến lũ vắt đang “ngủ say” thức giấc. Chúng “nhổm” lên và búng đi nghe rào rào...

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” hay gọi là “có duyên nghề nghiệp” thì cũng thế. Thiếu kinh nghiệm thậm chí có gọi là dốt nát đi chăng nữa cũng chưa chắc đã là quá tệ. Khi bò lên hết đỉnh đồi có rừng le, tầm mắt đủ quan sát mọi động tĩnh của vũng bãi đá, tôi chợt phát hiện ra có 4, 5 người mặc quần áo như dân lao động cũng đang lui cui chui rúc trong rừng le như tôi. Lúc này, tôi mới chợt nhớ ra: ở trước dãy nhà nát là lán trại của Xí nghiệp đá quí Đắk Lắk dựng gần bãi khai thác, tôi có trông thấy một chiếc xe Uoát mang biển số trắng 29L..., có lẽ chiếc xe đó là của những người đang lui cui phía cuối đồi le. Theo suy đoán, tôi nghĩ rằng họ đang tìm cách phát rừng, tìm đất để làm rẫy cà phê. Vào thời điểm đó, phá rừng làm rẫy càphê là phong trào đang rầm rộ ở Đắk Lắk. Nhưng, mất gần trọn buổi chiều bí mật quan sát, tôi vẫn không hề thấy họ hạ một khúc cây, đốt một vạt rừng nào. Bị kích thích bởi sự ngạc nhiên, tôi quyết định mò đến tận nơi. Nếu họ cũng như tôi, đến bãi đá saphire mà không phải để đào đãi thì chắc là không có gì đe dọa, tôi nghĩ thế.

Nhưng, còn cách tốp người nọ cỡ 100m, tôi đã bị chặn lại bởi một tiếng quát:

- Đứng lại! Ông đi đâu?

Giật bắn mình, tôi thò tay vào báng súng và từ từ quay đầu lại. Và trợn mắt ngạc nhiên. Hùng, gã lái xe của công an Quảng Nam đang đứng đó há hốc mồm, y như tôi vậy (!).

- Ông đi đâu đây?

- Vậy anh đi đâu đây?

Thì ra, những người mà tôi ngỡ đi phá rừng trồng cà phê kia, không ai khác, chính là các cán bộ của Phòng Cảnh sát Điều tra Công an Quảng Nam. Họ đang mai phục để truy bắt những tên tội phạm nguy hiểm do tên Nguyễn Văn Thanh, tức Thanh “sứt” cầm đầu. Chúng đã gây hàng chục vụ cướp của hiếp dâm ở bãi vàng Phước Sơn, sau đó tắt rừng vọt sang Kon Tum rồi mò lên bãi saphire Trường Xuân trốn tránh. Vô tình, máu mạo hiểm đã đẩy tôi lọt vào giữa một cuộc truy kích. Cơ hội ngàn vàng, xin thề là có đuổi tôi cũng không đi! Bất đắc dĩ, Trung tá Huỳnh Đức Cường, Phó phòng Cảnh sát Điều tra Công an Quảng Nam, người chỉ huy cuộc truy kích đành phải chấp nhận cho tôi nhập bọn, đơn giản vì không thể để tôi rời ra, dễ lộ khiến đối tượng đánh hơi chạy mất.

Trong hai ngày sau đó, tôi đã theo chân các anh Cường, Trung, Dũng, Nhậm, Hùng... tiến hành đột kích xuống khu Bờ Suối hai lần, bắt giữ bảy kẻ tình nghi. Trong số đó, có bốn tên: Bắc phò, Tiên nghiện, Lanh và Thanh Hàng trắng là những tên cướp đào thoát từ bãi vàng, hiện đang bị truy nã. Riêng Thanh sứt, tên cầm đầu đã may mắn thoát vòng vây, với một khẩu K54 đầy đạn. Oái ăm ở chỗ, trên đường chạy, Thanh “sứt” đã vọt xuống phía dãy lán của xí nghiệp và cuống cuồng chui vào chiếc... U oát của những người Công an truy đuổi để... ăn trộm quần áo cải trang trước khi chạy mất. Tên Thanh “hàng trắng” cũng lao qua đầu những người truy kích tính lủi vào rừng le. Nhưng không kịp, chỉ thoáng nửa giây, khẩu súng trong tay Trung tá Huỳnh Đức Cường đã kịp vẩy theo. Viên đạn duy nhất thoát nòng găm vào bàng quang đã xô tên tội phạm ngã úp mặt xuống suối, đành phải tra tay vào còng và được đem đi cấp cứu.

Trong hai chuyến đột kích ấy, tôi, vì không phải cảnh sát điều tra, không có chuyên môn, nghiệp vụ nên được phân công “lao động giản đơn”, chỉ phải làm duy nhất một công việc nhẹ nhàng, đó là rút khẩu ru lô của mình ra và đứng canh không cho những tên cướp đã bị còng tay từng hai tên một chạy trốn. Dù vậy, cũng có thể xem như tôi đã “đồng cam cộng khổ”, cho nên cánh điều tra mặc nhiên coi tôi như một “phe ta”, chịu chơi và thân thiết. Dự định vào bãi vàng của tôi được Trung tá Cường và các trinh sát ủng hộ ngay. Cường hẹn:

- Đúng một tuần nữa gặp nhau ở bãi vàng. Chuyên án này (chuyên án CD99) mà xong, ông tha hồ tư liệu mà khai thác.

3 giờ chiều ngày 16.5.1999, tài xế Hùng phóng chiếc Uoát chở tên Thanh về Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh rồi trở lại ngay. 2 giờ sáng, anh đã có mặt trở lại ở công an huyện Đắc Nông để sáng hôm sau đưa các cán bộ điều tra và những tên bị bắt theo quốc lộ 14, rẽ quốc lộ 26 rồi xuôi quốc lộ 1A về Quảng Nam. Tôi không đi theo họ mà tiếp tục ở lại Đắc Nông thêm một ngày để hoàn tất nốt phần việc của mình. Ngày hôm sau, chiếc xe máy của tôi đã dừng lại ở thị xã Plây Cu. Tôi quyết định nghỉ lại ở phố núi một đêm, kiểm tra xe cộ trước khi “một mình một ngựa” ngược đường 14 để thâm nhập vùng vàng.

Trước khi công trình đường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn được khởi công, từ Quảng Nam đi lên Kon Tum xem như hoàn toàn không có đường. Để đến thị trấn Khâm Đức - thủ phủ của vùng vàng, dân đào vàng thường xuất phát từ TP. Đà Nẵng hoặc thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), đi ngược lên. Đoạn này xa hơn - khoảng 200 km - nhưng còn có thể gọi là đường, còn có người qua lại, phòng khi bất trắc. Đoạn từ thị trấn Plei Cần (Ngọc Hồi, Kon Tum) xuống tuy chỉ dài 130 km nhưng hoàn toàn xuyên trong rừng già, lại bị chắn ngang liên tục bởi vô số những ngọn núi có cao độ không dưới 1.400m, hai bên đường hầu như không có dân cư.

Người khai sinh ra con đường độc đạo này không ai khác, chính là Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thì đúng rồi, nhưng khổ nỗi ông ta lại là vị Tổng thống có năng lực cai trị của một quan thanh tra tản mạn. Xuất thân từ tầng lớp quan lại quan liêu, khi trở thành Tổng thống của cả một “quốc gia dân chủ”, ông Diệm vẫn mang nặng lối tư duy duy ý chí mà thiếu trầm trọng những năng lực chuyên môn. Để “cải thiện dân sinh”, năm 1957, Diệm đã hô hào dựng lên ở miền Nam hàng loạt khu trù mật, hàng loạt tỉnh tân lập. Năm sau, 1958, trong tham vọng “nối Cao nguyên với Duyên hải miền Trung”, ông ra lệnh cho xây dựng một tuyến đường độc đạo xuyên từ Tây sang Đông Trường Sơn, nối Kon Tum với Quảng Nam, bất chấp con đường đó phải xuyên qua vô số rặng núi đá hiểm trở của vùng Tây Trường Sơn trước khi đâm chéo sang hướng Đông Bắc - cũng hiểm trở không kém - đổ vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Vào thời bình, với mục đích phát triển kinh tế, điều kiện thi công thuận lợi, rất có thể đây là một ý tưởng tốt và khả thi. Khổ nỗi, ông Diệm lại là một Tổng thống của thời chiến, chỉ quen cai trị bằng mệnh lệnh nhưng thiếu đầu óc bao quát và khả năng tư duy trừu tượng nên ông bất chấp. Theo lệnh của ông, cuối năm 1958, một đại đội công binh và hai đại đội Bảo an bảo vệ công trường đã được cắt ra, giao cho đại úy Trần Văn Kha chỉ huy kéo lên Kon Tum để xây dựng con đường này. Dù đã hết sức cố gắng đi kèm với hàng loạt phúc trình về điều kiện an ninh không bảo đảm, Trần Văn Kha vẫn không tài nào hoàn tất nổi nhiệm vụ được giao. Công tác thi công gần 200km đường qua một địa bàn toàn rừng rậm, núi cao và hầu như không có dân cư, làng mạc đã khiến cho hai đội Bảo an không thể bảo vệ nổi con đường trước những cuộc tập kích bất ngờ và liên tục của quân cách mạng. Ngày 21.10.1960, hàng loạt đồn bót, cứ điểm gồm Dakpet, Daksout, Dakse ở Kon Tum bị “Việt cộng tấn công ồ ạt và tràn ngập”, Ngô Đình Diệm phải gửi gấp ba tiểu đoàn dù của Nguyễn Chánh Thi lên cứu viện. Một tuần sau, ngày 28.10.1960, đại đội bảo an và đại đội công binh thi công cùng một loạt đồn bót bảo vệ công trường khác thuộc địa phận Quảng Nam lại bị tấn công, gây thiệt hại nặng nề: quân lực bị tiêu hao, phương tiện cơ giới bị phá hủy, đồn bót bị phá vỡ. Trước đó đúng hai tháng, sân bay Hiệp Đức và căn cứ bố phòng tại cao điểm (thị trấn Khâm Đức) cũng bị tấn công dữ dội, một máy bay bị bắn cháy, cao điểm E bị quân cách mạng chiếm giữ sáu tiếng đồng hồ liền, toàn bộ hệ thống bố phòng bị phá hủy, toàn bộ vũ khí bị tịch thu, trước khi quân tiếp viện kịp tiếp ứng và tái chiếm.

Làm chưa xong đoạn này, đoạn khác đã bị tấn công phá hoại, Trần Văn Kha không còn cách nào khác, đành viết báo cáo xin từ nhiệm. Đến năm 1962, công trình đường 14 “nối dài” của ông Diệm đành phải bỏ dở khi chưa thể hoàn thành.

15 năm chiến tranh sau đó, đoạn đường 14 này đích thực là một bãi chiến trường, ta và địch giành nhau từng mét một. Đó là cửa ngõ duy nhất tiến vào vùng Bắc Tây Nguyên, là hành lang cho những đoàn xe tăng, pháo binh quân giải phóng tiến đánh hàng loạt căn cứ Plei Me, Plei Cần, sân bay Phượng Hoàng, Đắk Tô, Tân Cảnh... từ đó thọc xuống Kon Tum và Gia Lai. Sau chiến dịch Hạ Lào năm 1971, mặt đường đã bị bom pháo cả hai bên giã nát. Gần 1/4 thế kỷ sau sau ngày giải phóng, đoạn đường độc đạo này hầu như bị lãng quên, không hề được tu sửa, không có ai qua lại, bởi quá nguy hiểm. Bằng máu phiêu lưu cá nhân, sau bốn thập kỷ, tôi đã có dịp dẫm chân lên con đường phiêu lưu chính trị của ông Ngô Đình Diệm!

Với những người giàu kinh nghiệm thì đây là con đường chỉ dành cho hai hạng người: những tên cướp từ bãi vàng tắt đường trốn sang Kon Tum hoặc những anh công an đang truy tìm bọn cướp. Khi quyết định chọn ngả “không thể vượt qua” được này, xuyên từ Tây sang Đông dãy Trường Sơn, để thâm nhập bãi vàng, tôi đã tự biến mình thành loại thứ ba, loại người thiếu kinh nghiệm trầm trọng. Đi là để biết, tôi không muốn chọn cho mình con đường dễ!

2. Xuyên Tây Trường Sơn

8 giờ sáng ngày 18.5.1999, từ thị xã Plei Ku còn đúng 24 giờ đồng hồ nữa sẽ chính thức trở thành thành phố, tôi bắt đầu xuất phát. Ngoài chiếc xe Dream lùn làm phương tiện, tôi chỉ có duy nhất một “bạn đồng hành”: một tấm bản đồ đường sá (Nam) Việt Nam do hãng dầu nhớt ESSO ấn hành năm 1968.

Bản đồ có vẽ nghĩa là có đường. Có đường thì phải có người đi. Người ta đi được thì tôi đi được... Cái tam đoạn luận trình độ tiểu học ấy là niềm tin duy nhất để tôi dấn thân vào cuộc hành trình. Cứ nghĩ đến việc được đạp lên những đoạn đường thời chiến, lửa hăng hái đã cháy lên trong tôi ngùn ngụt. Đường vắng, nắng nhẹ, sau hai tiếng rưỡi, tôi đã vượt qua Kon Tum rồi Đắc Tô, Tân Cảnh, sân bay Phượng Hoàng... và có mặt ở thị trấn Plei Cần, cách Plei Cu đúng 150 km. Trước mặt tấm biển chỉ đường đã mờ nhưng vẫn còn đọc được, đề: Ngã ba biên giới - 18km. Đá chân chống xe, tôi níu áo một người đàn ông đang lùa bò qua đường hỏi một câu rất... oách:

- Bác ơi, sang Lào đi ngã nào?

Hỏi chỉ để mà hỏi, kỳ thực tôi không hề có ý định... vượt biên bằng xe máy.

Bên tay phải, con đường xuyên Tây Trường Sơn cũng đã hiện ra. Mặt đường không khác gì một dòng suối cạn, phủ đầy đá củ đậu, bị nước mưa bào mòn thành vô số hố rãnh khiến xe máy cứ chồm chồm nhảy từng bước vài mét một. Sau gần 20 km, khi tay lái đã mỏi nhừ, tôi gặp trục trặc đầu tiên: xì bánh sau. Nắng như đổ lửa. Hai bên đường là những bản làng dân tộc thưa thớt và heo hút, không hề có chỗ vá, lại không mang theo đồ nghề, tôi đành lặc lè dắt bộ lên dốc xuống đèo. Điều an ủi duy nhất là cảnh ven đường tuyệt đẹp. Ngay dưới chân tôi là sông Krông Pôcô, một dòng sông hẹp nhưng sâu và trong vắt, chảy cặp bên đường. Giá mà được vứt xe nhảy ùm xuống đó để gột sạch lớp bụi đường và làm dịu cái nắng cao nguyên đang thiêu đốt thì hay biết mấy. Nhưng không thể. Bờ sông là vách đá dựng đứng, sâu cách mặt đường từ 30 - 50 m.

Được hơn cây số, vị cứu tinh xuất hiện. Sau khi hoàn tất một miếng vá với giá 25.000 đồng, gã xe ôm vùng sơn cước tỏ ra áy náy bảo tôi:

- Không có đồ xơ-cua, đi đường rừng nguy hiểm lắm. Nếu anh cần, tôi tính giá hữu nghị: 100 ngàn cả hai thứ. Cái bơm tôi mới xài hai năm. Cái ruột (xe) cũng còn tốt chán, mới vá có... sáu lỗ.

Dĩ nhiên, các loại ruột mới vá có sáu lỗ mà vẫn còn tốt chán không phải là thứ nằm trong ý thích, cho nên tôi chỉ nhã nhặn cảm ơn và chuồn gấp để bảo vệ sự tồn tại cho 100 ngàn.

Hơn một giờ chiều, dừng ăn trưa tại Đak Glei - thị trấn cuối cùng của tỉnh Kon Tum - tôi gặp thêm người tử tế thứ hai. Hưởng, như lời tự giới thiệu, tay bưởng thứ thiệt vừa từ bãi vàng thôn 8, xã Phước Thành mò ra, nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại của một kẻ từng trải:

- Quên chuyện vượt đèo Lò Xo bằng xe của ông đi. Thử tưởng tượng: Ông sẽ phải vượt 65km đường rừng với vô số đèo dốc và không hề gặp một bóng người. Chỉ một thân một mình, lỡ ra... Cứ nghỉ lại đây một đêm. Nếu muốn vào bãi, mai gửi xe lại, tôi đưa ông vào. Đi một mình như ông đừng hy vọng đến nơi, họa có khùng!

Không nên gọi người chưa quen là “khùng” bởi rất có thể bạn sẽ gặp một tay... khùng thật, lúc đó thì nguy lắm! Tuổi trẻ cao ngạo và dốt nát, tôi ném cho gã một cái nhìn khinh mạn:

- Tôi không có thói quen bỏ cuộc chỉ vì một lời khuyên xa lạ!

Với tôi, mối đe dọa trong trí tưởng tượng bao giờ cũng đáng sợ hơn nhiều so với những đe dọa gặp trong thực tế. Hưởng không tự ái, chỉ trả lại cho tôi nguyên vẹn cái nhếch mép:

- Được, ông cứ đi đi. Cam đoan chiều nay ta lại có dịp cùng ăn tối tại quán này! Nên nhớ, những kẻ ông gặp trên đường, không phải thằng nào cũng tử tế như tôi đâu.

Lại tiếp tục lên đường. Trời đang nắng đột nhiên tối sầm rồi mưa quất chéo mặt. Chỉ vài cây số, con đường đã mất hút giữa rừng già; dốc, cua chóng mặt và không một bóng người. Toàn đá, đá và đá. Được đôi đoạn đường đất thì lại trơn kinh khủng. Khẩu hơi cay giắt trước bụng, cả người lọt thỏm trong chiếc áo mưa rộng thùng thình của Báo ANTG, tôi gần như chồm người đè lên guidon để giữ tay lái, mặc kệ cho bánh xe sau cứ tuột quăng quật ra hai bên. Khoảng một giờ sau, khi vòng tránh một bãi lầy khổng lồ tôi mới thở phào: con đường có vẻ như rộng ra, dễ đi hơn. Quá tốt, tôi cứ cắm mặt cho xe vượt dốc. Cho đến khi một đống hoang tàn phủ rêu bỗng nhảy ra trước mặt, tôi mới ngớ ra: lạc đường. Nơi tôi đang đứng là... ngục Kon Tum. Lại lộn xuống dốc. Hóa ra, bãi lầy kinh khủng kia là ngã ba, đi thẳng là Quốc lộ 14 về Khâm Đức, còn rẽ phải là tỉnh lộ dẫn lên ngục Kon Tum!

Mất hơn 15 phút mới vượt hết bãi lầy bất trắc, tôi lại tiếp tục lóc cóc tiến sâu vào rừng già. Cách 10 m đã không nhìn thấy con đường. Rừng già giao tán phủ kín lối đi. Thỉnh thoảng bánh xe lại khựng lại vì vấp một cục đá to, hất tôi ngã nhào xuống mặt đường.

Trời vẫn mưa. Mưa Tây Trường Sơn không lớn lắm nhưng dai dẳng. Sau hơn chục lần té lên té xuống, tôi mới lần lên được đến đỉnh đèo Lò Xo. Mới bốn giờ chiều nhưng rừng đã sụp tối. Tịnh không bóng người, chỉ mây núi ken đặc luồn qua chân, phả vào mặt lành lạnh. Khuỷu tay, đầu gối đều trầy trụa và sưng vù, bùn ngập từ chân lên đến đầu khiến tôi cảm thấy cô đơn và chán nản ghê gớm. Nhưng tôi không thể quay lại. Sự lì lợm và cố chấp của tuổi trẻ sẽ khiến tôi điên mất, nếu quay lại để phải nhận nụ cười độ lượng và thương hại của gã đào vàng ở thị trấn Đak Glei. Lúc đó, tôi chỉ có một ao ước hết sức nhỏ nhoi là mình đang có mặt tại Sài Gòn, được mặc một bộ đồ khô ráo, rúc mình vào một quán càphê ấm áp nào đó với một ly đen không đường và mấy điệu tango dìu dặt...

Những thách thức vẫn chưa giãn ra. Mưa xói, đoạn đường bằng duy nhất trên đỉnh dốc bị núi lở chắn ngang bằng một bãi bùn khổng lồ. Vặn hết ga, tôi cho xe liều mạng vút qua. Hực một tiếng, người lao vọt qua guidon xe, tôi bị ném phịch xuống giữa bãi bùn. Bánh trước bị lút sâu trong bùn nên xe vẫn không ngả, bánh sau vẫn quay tít.

Nhấc bánh xe trước ấn xuống bùn để xe khỏi ngã, sau đó lại nhấc bánh xe sau... Thêm gần nửa giờ vật lộn bằng phương pháp “sâu đo” ấy tôi mới vượt qua được bãi lầy dài chừng hơn 100m. Đến lúc đó tôi mới cảm hết nỗi cô đơn, tuyệt vọng và nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Lại lên xe, nhưng đề, đạp cả buổi máy vẫn không nổ. Nổi khùng, tôi đá lung tung vào mây và hét toáng lên những câu tối nghĩa. Không ai trả lời. Chỉ có tiếng núi âm âm vọng lại. Vài con bìm bịp - cũng cô đơn như tôi - giật mình bay vút lên!

Có khóc chắc cũng chẳng ai nghe, tôi bất lực ngồi bệt mông xuống lòng đường nhão nhoét. Vì lẽ gì tôi lại phải ném mình vào bãi bùn trên đỉnh núi này? Can đảm thì chắc là không, vì lúc này lòng tôi chỉ chất đầy cảm giác lo lắng, chán nản. Vậy thì đam mê, liều lĩnh? Tôi không biết, chỉ chắc chắn một điều, tôi sẽ không có mặt ở đây, nếu không trót mang cái chức danh nhà báo. Công việc tạo ra mục đích, và với chức danh trót nhận, tôi tin là mình có thể đi đến tận cùng thế giới.

Nói như thế, rất có thể bạn sẽ cho rằng tôi thiếu khiêm tốn. Quả thật, ngoài một trái tim kiêu ngạo, tôi chẳng còn gì khác. Với những gì đã và sẽ gặp, tôi luôn tin chắc rằng khiêm tốn thật ra chỉ là đức của những kẻ thiếu tự tin! Có thể còn có một lý do khác nữa: Tôi đi vì một ánh mắt. Tại sao gã Đon Kihôtê điên rồ của xứ Mantra thì luôn có hình bóng một nàng Dulcinea để mang theo trong những chuyến lang thang mà tôi thì không nhỉ? Có điều, nàng Dulcinea của tôi chắc chắn không ở làng Toboso, cũng chẳng phải là “người muối thịt lợn” ngon nhất xứ. Nàng Dulcinea của tôi là một cô sinh viên đại học. Lần đầu tiên chìa bàn tay nhỏ nhắn và nóng ấm cho tôi nắm lấy, em mới 19 tuổi. Ngày tôi đi, em vẫn 19 tuổi. Năm tháng rồi sẽ trôi đi, nhưng tôi biết, nàng Dulcinea của tôi sẽ vĩnh viễn cứ 19 tuổi. Nhìn vào đôi mắt trong veo của em, tôi biết mình vẫn chưa đủ phong trần để đến bên em thay hoa làm quà tặng. Thế là tôi cứ đi, đi và đi... Khi ngồi bệt trên đỉnh Lò Xo, tôi chợt nghĩ về em, rất lâu, với một chút hối tiếc: tôi đã không hề nói với em một câu nào về chuyến hành trình sắp tới. Biết sao được. Tôi không muốn vì tôi, mắt em phải nhuốm màu lo lắng.

Có một điều phi lý: trong bản đồ của hãng ESSO, đỉnh Lò Xo cao 1448m. Nhưng sau này, ở một bản đồ khác mới xuất bản mà tôi tìm được ở thị xã Tam Kỳ, cao độ này lại tăng vọt, những 1.600m.

Đúng lúc rơi tõm vào tuyệt vọng, lòng tôi bỗng sáng lên: Trước mặt là một bãi... phân trâu đang bốc hơi nghi ngút trong mưa. Sự sống!... Nước mắt tôi trào ra, lòng tôi dội lên một cảm giác hạnh phúc và thân thiết. ở đâu đó trong sách vở, có lẽ chẳng ai lại ngốc nghếch để lòng mình thổn thức vì một bãi phân trâu. Cũng phải thôi, các nhà văn đáng kính, họ có thừa trí tưởng tượng để viết,  cần gì phải trèo lên đỉnh núi nên làm sao bắt họ cũng phải có cảm giác như tôi?

Và tôi đã đoán không lầm. Cách đỉnh Lò Xo chỉ hơn trăm thước có một bản người dân tộc Giẻ Triêng với hơn một chục nóc nhà heo hắt. Từ trong những túp lều thấp lè tè và tối nhờ nhờ, những người đàn ông đàn bà tóc bù xù, ngồi xổm gối chạm mang tai ngó tôi áo tơi sùm sụp lóc cóc lao xe qua bằng cái nhìn lạ lẫm, dừng lại hỏi gì họ cũng lắc đầu.

Tiếp tục cuộc hành trình, tôi cứ lầm lũi cho xe xuyên rừng, leo dốc. Trên đầu tôi, đường dây 500 KV sừng sững vắt qua điệp trùng rừng núi. ở bản người Giẻ Triêng duy nhất ấy, không ai biết đường dây kia là gì cả. Người già không biết, người lớn cũng không. Chỉ có trí tưởng tượng của mấy đứa con nít lòi rốn là tỏ ra có hiểu biết! Chúng gọi đó là những... sợi dây buộc trời!

Khi tôi đổ dốc đèo Lò Xo thì buổi chiều sắp qua hết. Trời ngừng mưa và nắng bỗng ửng lên đợt cuối cùng. Những cánh rừng sũng nước thoắt trở nên vàng rộm, ngập tràn tiếng vượn hú trượt dài theo những tia nắng xiên khoai đang rưng rưng chực tắt. Cầu Đắk Chè hiện ra, đã vỡ mất hơn một nửa. Mặt cầu không hiểu sao lại nhuộm rực một màu vàng non như hoa cải. Khi bánh xe tôi lao qua, thảm hoa cải vàng đột ngột tung lên. Sau cú giật mình, tôi ngừng xe ngây người, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một vũ điệu rộn ràng với hàng vạn cánh bướm đang tung bay giữa lòng khe cạn.

Để vượt qua những chân dốc kinh hồn và khúc khuỷu, không còn cách nào hơn, tôi đành cho xe bò toàn số 1 và đạp phanh liên tục. Kết quả: kim đồng hồ xăng  tụt rất nhanh, chắc chắn không đủ xăng để đi nốt đoạn đường còn lại. Để tiết kiệm xăng, tôi nảy ra sáng kiến: chỉ nổ máy khi leo dốc, còn lúc xuống sẽ tắt máy, và đạp phanh cho xe tự trôi. Trả giá ngay tức khắc: cả người lẫn xe lộn nhào ngay trong cú trượt dốc đầu tiên. Rừng núi Trường Sơn không dung những trò diễu cợt. Tôi nằm lăn giữa dốc, tự nhủ lòng: cùng lắm đành chấp nhận sẽ ngủ qua đêm giữa rừng. Lại lồm cồm bò dậy, lại đi. Khi trời tối hẳn thì giọt xăng cuối cùng bị đốt hết, tôi đành dắt bộ. Rừng tối như hũ nút. Hàng chục cú vấp vào đá khiến những ngón chân tôi tê dại, đau buốt óc. Vứt xe vào ta-luy dương, khóa cẩn thận, tôi quyết định đi bộ để tìm xăng. Nhưng, vừa vượt qua khúc cua, một thung lũng lưa thưa ánh điện đã hiện ra cách chỗ tôi đứng chỉ chừng 5, 6 km. Đoán chắc đó là thị trấn Khâm Đức, tôi bèn quay lại dắt xe đi tiếp. Sau đúng một giờ đồng hồ, cả người lẫn xe mới vượt thêm được đúng 1 km. Dưới chân cầu Đắc Xà Ê, những người dân đầu tiên tôi gặp ở vùng vàng tò mò nhìn gã khách lạ dắt xe vào điểm bán xăng như nhìn một kẻ đến từ hành tinh lạ. Còn tôi, quá mệt mỏi, cả người đau nhừ, đành phớt lờ tất cả, tiếp tục lên xe lết tới thủ phủ vùng vàng, cách đó chừng 4 km.

Tôi đến Khâm Đức lúc gần tám giờ đêm. Tính ra tôi đã vượt qua đoạn đường từ Đak Glei đến Khâm Đức dài 65km mất những hơn 5 giờ hồng hồ.

“Đúng là tốc độ tên lửa”, nhận xét của Thiếu tá Đào Quang - Phó Công an huyện về chuyến hành trình khiến tôi tin chắc ở Phước Sơn, tốc độ tên lửa chậm hơn nhiều so với các nơi khác, chỉ khoảng độ 13km/h!

3. Đường đến thiên đàng

Thị trấn Khâm Đức chỉ có 7.000 dân nhưng lại có tới hơn 100 hàng quán đủ loại, chủ yếu phục vụ các thượng đế vừa mò ra từ bãi vàng. Với một ít hiểu biết sơ khai do công an huyện cung cấp, tôi nhét vào túi một cục tiền và bắt đầu lân la hàng quán bắt chuyện với một số chủ bãi mới mò ra, chìa hẳn thẻ nhà báo cho họ xem và bắt đầu chơi bài “xì tố”. Tại quán nhậu kiêm nhà trọ của bác sĩ X., chủ bãi Nguyễn Văn Ngọc là người đầu tiên tôi tiếp xúc.

- Nghe nói bãi anh xài thuốc nổ dữ lắm, từng sập hầm chết hơn hai mươi người một lúc, đúng không?

Câu hỏi của tôi khiến Ngọc - đang chờ ngày ra tòa - giật nảy người:

- Ăn nhằm gì anh ơi, bãi tụi Vinh “tóc dài”, Dũng Lai, Quốc con... còn chơi bạo hơn nhiều...

Cứ thế, Ngọc kể cho tôi vanh vách những thông tin về các vụ phạm pháp của các hầm, bãi khác. Với những thông tin này, tôi lại tiếp tục chặn những chủ bãi kia và... tố tiếp. Dù không ưa gì tôi, các ông chủ của vùng vàng cũng đành nuốt giận bởi không thể tấn công, trừng phạt nhằm bịt miệng tôi khi họ đang ở ngoài thị trấn. Vậy là họ lại cố thanh minh bằng cách lôi tội kẻ khác ra kể cho tôi nghe kèm theo lời nhắn:

- Không tin bữa nào anh dzô trỏng coi, tụi em chỉ lo làm ăn, hiền khô à.

Dĩ nhiên là tôi chấp nhận lời mời của họ một cách vui vẻ. Đã ngồi chung bàn ở thị trấn thì vào bãi tôi là khách, họ không thể uy hiếp, đe dọa gì tôi được.

Sau hai ngày, đã thu thập được hơn chục lời mời vào bãi làm khách, tôi quyết định bắt đầu cuộc chơi. Mọi con đường vào các bãi đào đều giống nhau: phải đi xe ôm, theo đường mòn vào đến điểm tập kết, sau đó đi bộ cắt núi vào bãi, gần nhất chừng một, hai giờ, xa nhất khoảng ba ngày đường, nếu thạo nghề leo núi.

Đội quân xe ôm ở bãi vàng rất đông đảo - lên đến hàng trăm người - nhưng chỉ độc một loại xe Minsk của Liên Xô cũ. Tất cả chỉ để phục vụ khách ra vào bãi. Thị trấn bé như lỗ mũi, đi xe ôm chỉ tổ mất công leo lên leo xuống.

Gọi là đường cho oai, kỳ thực tất cả chỉ là những lối mòn được bạt sơ sài ôm quanh vách núi. “Thiết kế” và “xây dựng” những con đường này chính là đồng bào dân tộc Mơ Nông ở địa phương, mục đích để có cớ thu tiền của những kẻ đào vàng hơn là để phục vụ việc đi lại. Do vậy, những con đường thường dốc đứng một cách vô lý, rất dễ khiến cả người lẫn xe bật ngửa ra phía sau. Đã vậy, mặt đường lại hoặc trơn trợt, hoặc nhão nhoét. Nhiều đoạn, xe và người ngập trong “món cốc-tai của Trời”, bùn lút đến đầu gối. Để vượt qua những đoạn đường như thế, tất cả xe ôm đều phải gia cố bánh sau. Hai sợi dây xích nối bằng sên cam xe máy dài đúng bằng chu vi lốp xe, được nối ngang bằng những đoạn sên cam khác tạo thành một cái “rọ” xích ôm lấy bánh xe sau, hai đầu nối với nhau bằng hai đoạn ốc tăm xe đạp. Chỉ với những chiếc rọ này, bánh xe mới có thể bám vào mặt đường để leo dốc, vượt lầy mà không rơi xuống vực, không bị trượt. ở những đoạn lầy lội, xe sau cứ ngắm thẳng vết bánh xe trước bò qua. Nhiều đoạn, vết bánh xe bị rọ xích cày thành rãnh, sâu tới 30cm. Người ngồi sau phải co hai chân lên mới không bị gạt văng mắt cá. Vào mùa mưa, xe ôm bánh xích cũng chỉ chạy được từng đoạn. Qua những đoạn quá lầy hoặc quá dốc, khách được hét xuống lội bùn hoặc đẩy xe mà không hề được trừ bớt tiền. Đã vậy, các “thượng đế” cũng chẳng được đối xử nhẹ nhàng gì cho lắm. Chưa leo lên xe, tôi đã bị Quảng, 31 tuổi, gã xe ôm mà tôi thuê đe dọa:

- Ngồi sát vào, ôm cho chặt. Coi chừng bung rọ lốp, xích văng đứt chân ráng chịu!

Tiếp đó là:

- Ngồi yên, nói xuống phải xuống, nói lên là lên, nếu không, té ráng chịu...!

Để trả cho hàng loạt sự “ráng chịu” ấy gã lái xe bảo tôi gọn lỏn:

- Năm trăm ngàn.

Tôi trợn mắt:

- Anh có điên không đấy, chỉ có ba mươi tư cây số?

Lần này thì gã xe ôm tỏ ra lễ độ:

- Dạ, không điên. Xe ôm bãi vàng luôn nói đúng giá!

Rồi tỏ ra không cảm, gã tặng cho tôi một lời giải thích miễn phí:

- ở đây người ta không tính cây số, chỉ tính ngày đường.

Sau đoạn đường này, tôi tin chắc rằng không ở đâu giá xe ôm đắt như ở Phước Sơn, nhưng các bác tài xứ này cũng xứng đáng là các cua rơ giỏi nhất. Nếu được gọi vào đội tuyển quốc gia môn đua xe đạp đội hình, tôi cam đoan mùa SEAGAME tới, Việt Nam cứ gọi là đem rổ mà đựng huy chương vàng!

Hãi nhất là đoạn men dọc suối Đắk Mỹ, xe và người cứ len lỏi quanh những đoạn đường hẹp như chiếc thắt lưng, đầy những vòng cua cùi chỏ, những con dốc như lao bổ xuống địa ngục. Một bên đường liên tục thò ra những gốc cây nhọn hoắt, chỉ sơ ý một chút là có thể bị cắm ngay vào người. Tránh cũng không được, vì chỉ chệch chừng vài gang tay là lăn ngay xuống vực. Mặt đường nhão nhoét, thỉnh thoảng lại có một đoạn được chống lầy bằng những đoạn cây dài chừng 1,2 m lót ngang. Xe đi nép một bên, sức nặng khiến đầu kia của khúc cây chốc ngóc lên, có lúc văng hẳn lên trời. Vậy nhưng, Quảng vẫn đảo tay lia lịa như múa mà không hề run. Đã vậy, gã còn luôn miệng nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Nhưng tôi không trợn mắt nữa. Cho tôi một nửa con số 500.000 đồng kia mỗi ngày chắc là tôi còn huyên thuyên dữ tợn hơn nhiều. Cứ làm xiếc và huyên thuyên như thế, Quảng lần lượt đưa tôi vượt hết dốc cổng trời Phước Đức, lầy Phước Chánh, ngầm Phước Kim và cầu treo Đắk Mỹ được ghép bằng cả trăm chiếc thùng phuy.

Lúc qua dốc Bảy Cua ở xã Phước Chánh, đột nhiên Quảng đánh tay lái cho bánh trước cạ vào vách núi. Gã giải thích:

- Côn không nhả, phải cắt ambrayage thôi.

Nói là làm, gã giở đồ nghề ra... Chưa hết, lúc đang từ từ đổ dốc, gã bỗng cho xe đổ đèo nhanh như tên bắn không một lần nhấp phanh. Ngồi sau xe, tôi sợ vã mồ hôi, không dám nhìn chiếc xe vừa lao vừa đảo như làm xiếc trên miệng vực. Xuống hết dốc, gã cho xe lao hẳn xuống lòng suối toàn đá trâu đằm phủ rêu trơn trợt, nước ngập đến thắt lưng. Đồ đạc, máy ảnh, pin, đèn mà tôi mang theo, tất thảy đều bị ngâm vào nước. Xe khựng lại đổ nghiêng và tắt máy. Tôi vọt ngay lên bờ, vứt túi đồ xuống mặt đất, vớ ngay một cục đá và lao đến trước mặt Quảng quát:

- Đồ điên! Định giết bố mày đấy à? Sao không đạp phanh chạy từ từ?

Bác tài tỉnh bơ giải thích:

- Đứt phanh! Anh bảo làm sao tôi chạy chậm được?

Ngán ngẩm và lạnh toát sống lưng, tôi quăng cục đá, thả bịch mông xuống phiến đá bên bờ suối. Quảng lúi húi giở đồ nghề. Trong lúc Quảng sửa xe, tôi tranh thủ đảo mắt quan sát khắp vùng. Bên kia suối, có một tay “mục đồng” với ngọn roi trong tay đang lùa cả một đàn gần 30 con heo, mỗi con cỡ một tạ lội qua suối. Chỉ một mình anh ta, nhưng cả bầy heo vẫn ngoan ngoãn vượt suối rồi chen nhau chạy lon ton dọc con đường mòn. Núi rừng mênh mông nhưng đàn heo vẫn tỏ ra hết sức kỷ luật, không còn nào lủi vào bụi hay rẽ sang đường khác. Quảng bù lỗ cú “đứt phanh” khi nãy bằng lời giải thích:

- Trước khi lùa heo đi, mấy chả lấy lửa đốt hết mi mắt chúng. Tạt ngang ngửa, đụng phải lá cây là xót nên bầy heo cứ thế đi thẳng, không chạy lung tung đâu cả. Nếu không thì còn mệt.

Ra là thế. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nhưng tôi biết, đến lượt mình tôi sẽ không làm được thế. Kinh nghiệm sống của con người phần nhiều đồng nghĩa với sự nhẫn tâm, tôi theo không nổi. Có điều, vì được Quảng giải thích, tôi chợt đâm ra có thiện cảm với tên cà chớn.

Khi bầy heo vừa đi khuất, bác tài lại cho xe nổ máy. Vượt thêm chừng hai ngọn đồi, gã lại đột ngột cho xe ngoẹo đầu, dừng lại ngay lưng chừng dốc. Vẫn tỉnh rụi, Quảng thông báo:

- Nghe “cạch” một tiếng là tôi đã nghi. Hóa ra cần đạp số... rớt mất tiêu rồi.

Sau 15 phút quay lại tìm vẫn không thấy, gã lại trả lời ánh mắt dò hỏi đầy bực bội của tôi bằng cách ngoắt một xe ôm khác. Tôi tưởng sắp bị giở trò sang xe, té ra không phải. Dân lái xe ôm xứ này uy tín hơn nhiều. Gã hỏi mượn “đồng nghiệp” một chiếc kìm con, kẹp chết vào cốt thay cho cần số và bó chặt lại bằng một đoạn dây thép nhỏ. Cứ thế, lại leo đèo, đổ dốc, quá trưa, chiếc Minsk không côn, không phanh với chiếc cần số có một không hai ấy đã đưa tôi đến trước Trụ sở ủy ban xã Phước Thành.

Lấy tiền trả, tôi có cảm giác rất yên tâm vì cái giá “trên trời” kia là rất “phải chăng”, rất tương xứng với “con đường đau khổ” mà mình vừa trải. Chỉ hơi lo: Liên Xô tan vỡ, xe Minsk không còn được nhập, dân Phước Sơn sẽ đi xe gì để vào bãi vàng? Rất có thể họ xe mua xe... tăng. Dân bãi vàng thiếu gì tiền. Những nòng pháo các loại thì họ không cần thật, nhưng với con đường đầy dốc, đầy bùn này, vòng bánh xích xe tăng chắc là rất hữu dụng!

Nhưng gian nan của đường vào bãi, đó chỉ mới là khúc dạo đầu. Để vào được các bãi Một Nước, Một Khô, Muối, Thôn Hai, Vinh Tóc dài, Đồi Mafia... dân đào vàng còn phải đi bộ qua vô số sườn núi lởm chởm và cao ngất khác. Toàn những con dốc “kinh người”. Mỗi lúc bò lên - có khi bằng cả bốn tay chân - đầu người phía dưới cứ ủi thẳng vào... mông người phía trên. Một lần ai đó bước chệch chân, một tảng đá lở ra, lăn lông lốc theo đường mòn, đe dọa đập thẳng vào đầu, vào mặt người đi sau. Muốn tránh cũng không có chỗ. Người đi sau chỉ có duy nhất một chỗ để đặt chân, đó chính là dấu chân của người đi trước, đã ăn lõm vào vách đất, kẽ đá thành những hố sâu hoắm. Leo chừng 5 phút đã bở hơi tai, nhưng con dốc ngắn nhất, muốn vượt qua cũng mất không dưới 30 phút. Xuống dốc càng khổ hơn vì không biết bám vào đâu. Trong giày sũng nước, ngón chân cứ tõe ra, dọ dẫm lựa thế đặt từng mũi xuống. Chỉ sau một ngày leo núi, xuống dốc, ngón chân Giao Chỉ đã hành tôi khốn khổ. Vì liên tục bị ấn vào mũi giày khi xuống dốc trơn như thoa mỡ, mười đầu ngón chân tôi bị co quắp và tê dại, hai ngón chân cái tụ máu bầm đen, đau buốt óc. Sau chuyến đi này, tôi bị thối mất hai móng chân cái, các kẽ ngón còn lại đều nứt toác và tróc lở, phải bôi thuốc sáu tháng trời mới ra móng mới và lành hẳn.

Nguy hiểm nhất là đường vào bãi thôn 4, xã Phước Kim, đoạn sau Dốc Gió. Từ trên đỉnh núi đi tắt xuống bãi, chúng tôi phải áp ngực vào vách núi dựng đứng và đi nghiêng. Bàn chân đặt từng bước vào các gờ đá, tay giang rộng để giữ thăng bằng và bám chặt vào các mỏm đá nhô ra từ vách hoặc các túm rễ cây dài 4 - 5 mét rủ từ trên cao xuống lòng thòng. Phải mất hơn 20 phút mới vượt qua nổi một vách núi chỉ dài chừng 150m, chỉ cần sẩy tay là rớt xuống tan xương. Đi hết đoạn đường, nhìn lại tôi bỗng rùng mình. ở trên vách đá cao chừng cả trăm mét, những người “cõng chuyến” với bao hàng đè trĩu trên lưng vẫn đang đu người bám vách lần xuống. Tôi chỉ là một kẻ phiêu lưu tìm cảm giác. Còn họ, đó là cuộc vật lộn mưu sinh, là hành trình tìm đến miền đất hứa đầy những bụi vàng. Hóa ra, đường đến thiên đàng gập ghềnh, cheo leo và bất trắc muôn vạn lần hơn so với trí tưởng tượng. Vậy nhưng, con đường đó vẫn chật cứng những người... Thậm chí, vì vàng người ta còn cõng cả những khối thiết bị máy móc nặng những 70 - 80kg và theo đúng những con đường bất trắc ấy để đặt chúng vào giữa bãi vàng.

Kể cũng đúng thôi, để đến được thiên đàng, làm gì có con đường nào rộng rãi và bằng phẳng!

Vì đường sá cơ cực và nguy hiểm cho nên giá cả ở các bãi đắt khủng khiếp,- vậy nhưng vẫn có người mua. Trong bãi hầu như không thiếu thứ gì, từ bia rượu, nước ngọt cho đến lọ dầu gội, mỹ phẩm. Dân bãi vàng tiêu tiền như rác, xài trước trả sau. Dù vậy, dân buôn bán, người cõng chuyển vào bãi vẫn chẳng ai trở nên giàu có. Dự, một người cõng chuyến ở bãi Muối đã tính cho tôi nghe. Cõng được 40 kg từ thị trấn Khâm Đức vào bãi mất những ba ngày đường. Vừa đi vừa về, ăn uống tiết kiệm lắm cũng mất 150.000đồng. Trong khi đó nhiều lắm cũng chỉ lãi được 400.000 đồng, lại phải tốn hơn 100.000 đồng nữa để vượt qua được các “trạm gác nhân dân” dựng lên nhan nhản dọc các thôn, bản trên đường. Tính ra, mỗi ngày chỉ lãi được 50.000 đồng. Một cái giá quá bọt bèo so với giá cả vùng vàng để đánh đu giữa sự sống và cái chết. Mà chưa chắc đã thu được tiền: dân bãi vàng có người trúng quả, người thua lỗ, mua thiếu là chuyện bình thường. Đó là chưa kể gặp kẻ cướp - trong bãi vàng Phước Sơn, loại người này nhan nhản - tay chân lành lặn kể đã là may mắn lắm.

Ngay cả dân chạy xe ôm, không phải khi nào cũng thu được tiền! Một lần vào khoảng giữa năm 1998, anh lái xe tên H. được gọi chở hai “thợ mỏ” từ Phước Thành ra Khâm Đức. Dù được xốc nách, một người trong số họ cũng khó khăn lắm mới ngồi được lên xe. “Bệnh!”, người ngồi sau thông báo gọn lỏn và ôm chặt lấy bác tài, trong khi suốt đoạn đường đầy đèo dốc, người ngồi giữa cứ liên tục gật, lắc, vẹo qua vẹo lại bất chấp như vậy sẽ rất nguy hiểm, và không hề nói nửa câu. Đến thị trấn, H. hỏi tiền xe. Chỉ con bệnh đã được đặt ngồi bệt giữa lòng đường, người kia bảo “nó trả”. H. tiến lại, nắm tay “chủ chi” lắc lắc. Bàn tay lạnh ngắt. Mũ trên đầu anh ta rớt xuống, để lộ khuôn mặt trắng bợt, mắt trợn trừng. Rú lên một tiếng, H. lao lên xe vọt thẳng không dám ngoái đầu, quên luôn cả đòi tiền. Hóa ra, người ngồi giữa chỉ là một... xác chết, ít ra cũng hồn lìa khỏi xác đã hai ngày.

Giá cả leo thang đã đẩy cuộc sống của đồng bào dân tộc Mơ Nông các xã có bãi vàng vào chỗ khốn cùng. Nghề “gia truyền” phát núi trỉa hạt không đủ thu nhập để duy trì cuộc sống, họ tự đứng ra lập barie ở mỗi thôn, chia nhau canh gác thu tiền khách qua lại. Đi bộ cõng chuyến: 5 ngàn/người; xe ôm có khách: 10 ngàn/chuyến. Mỗi tháng cứ bốn, năm nóc nhà được cắt gác một ngày, coi như lấy đó làm nguồn thu nhập chính để mưu sinh. Để dễ đòi tiền, các bô và mâm (bố, mẹ) cứ ngồi trạm gác với chai rượu và bộ mặt say khướt. Không móc tiền, barie không được nhấc lên. Xe ôm cứ liều vượt qua, các bô, mâm sẵn sàng lăn ngay ra đất, lấy thân chặn trước bánh xe, kêu khóc ầm ĩ. Chỉ khi nào lấy được tiền, họ mới chịu đứng dậy.

Ngoài mãi lộ, người Mơ Nông còn tìm thu nhập bằng cách bán đất, bán nguồn nước. Các bãi vàng vừa lập, khi bắt đầu đến vỉa, lập tức sẽ có một bố người Mơ Nông vác chà gạc tìm đến bảo:

- Đất của ông nội tao để lại!

Vậy là chủ hầm đành xì tiền ra: ba triệu, năm triệu hoặc bao nhiêu tùy thỏa thuận. Kỷ lục về số tiền đất trả cho các “ông nội”, thuộc về Bùi Vinh (bãi Vinh tóc dài), khai vỉa đầu năm 1997. Để có thể khai thác, anh ta đã phải trả cho các “ông nội” một lúc 200 triệu đồng.

Xay đá, đãi vàng, các chủ hầm phải tìm các nguồn nước chảy ra từ các sườn núi có độ cao tương đối, bắt ống cao su dẫn về bãi của mình. Thường những đường ống này dài từ một đến ba km. ông bắt xong, đột nhiên ngưng chảy. Một thanh niên người dân tộc nào đó đã chặt nó làm hai khúc, lý do vẫn là “suối của ông nội tao để lại”. Lại phải tự giác chi ra từ hai đến năm triệu cho mỗi ống dẫn nước. Nguồn thu này, có thể nói là khổng lồ, vì chỉ riêng bãi thôn 2, xã Phước Thành, số máy đang hoạt động cũng đã khoảng gần một trăm, mỗi máy nhất thiết phải có một ống nước. Của thiên trả địa, không một chủ hầm nào nghĩ tới chuyện từ chối trả “lệ phí” khai thác đất và nước của các “ông nội tao” để lại cả.

Ngày tôi đến, đồng bào dân tộc ở các xã Phước Đức, Phước Chánh, Phước Hiệp, Phước Kim, Phước Thành đã gần như bỏ hẳn nương rẫy, chỉ suốt ngày ngồi nhà tu rượu, chờ đến dịp thu tiền “chết” của dân vào bãi. Để hợp thức hóa việc thu tiền, thỉnh thoảng họ cũng hè nhau phát thêm một vài đoạn đường vào bãi, hoặc chặt cây lót một số đoạn đường lầy cho người xe ra vào. Thời gian còn lại, cả làng say khướt. Người già say, thanh niên say, cả trẻ con cũng say nốt... Bởi không say, họ không đủ dũng khí để hoạnh họe đòi tiền. Xem ra, cái lọc lõi con buôn đem lên từ miền xuôi đang được đáp lễ cẩn thận bằng chất hoang dã rừng rú của dân miền ngược. Vàng vẫn ẩn sâu lòng đất, nhưng văn hóa, phong tục tập quán và những gì tốt đẹp của con người thì đang bị tàn phá và tận diệt dữ dội. Tất cả đang bày ra trước mắt tại Phước Sơn. Đó là một hệ lụy tất yếu và đau lòng đi ngay sau sự xuất hiện và tồn tại của những bãi vàng.

4. Bóc vỏ trái đất

Không thể đóng khung số lượng hầm, bãi ở Phước Sơn trong một “trị tuyệt đối”, bởi lẽ việc bỏ bãi cũ, lập bãi mới liên tục diễn ra mỗi ngày. Toàn huyện có khoảng một trăm bãi vàng, trong đó bãi thôn 2 và bãi thôn 8, xã Phước Thành là lớn nhất, mỗi bãi có từ 100-150 hầm với khoảng từ một đến hai ngàn/người tham gia đào đãi và buôn bán.

Công nghệ đào, đãi vàng ở Phước Sơn đã được chính quy hóa đến cao độ. Đầu tiên là khâu “tăm vỉa”. Hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, những gã đào vàng tìm đến các mạch đá ngầm trồi lên mặt đất, sau đó bắt đầu đục đá đem xay thử. Nếu có vàng, việc dựng lán, khui hầm sẽ diễn ra cấp kỳ. Gặp được các vỉa đá “tầng ong” - xốp và lỗ chỗ như tổ ong dân “xúc, lắc” coi như trúng mánh. Loại này xốp, nhẹ, dễ đào, dễ xay, hàm lượng quặng vàng rất cao, dễ khai thác. Ngược lại, gặp phải vỉa đá Bê-rít (?) coi như công toi, vì vừa cứng, vừa ăn quá sâu, rất khó đào.

Để lấy được quặng, người ta phải đào hầm từ trên đỉnh hoặc lưng chừng núi ăn thông xuống. Hầm cạn nhất cũng phải sâu tới 25 m, còn sâu thì 50, 60 hay 70m vô chừng. Vỉa đá ăn đến đâu, địa đạo được đào đến đấy, có những hầm hệ thống địa đạo chồng lên nhau thành bốn tầng, mỗi tầng thông nhau bởi một miệng giếng sâu chừng 10m.

Để khui hầm, toàn bộ cây cỏ trên miệng, trên lối đi dẫn vào đều bị bóc sạch, đất đá bị lật tung lên, biến cả quả đồi rậm rạp thành vùng đất chết! Hàng trăm địa đạo chằng chịt ăn vào khiến cả ngọn núi bị rỗng chân, có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Đêm 20.7.1997, sau một cơn mưa lớn, bãi thôn 8 xã Phước Thành do Nguyễn Văn Ngọc làm chủ đã ụp xuống bất ngờ, chôn sống một lúc 21 người. Tỉnh, huyện, đã huy động nhân lực đào xới cật lực nhưng cũng phải mất bảy ngày, xác các nạn nhân mới được đưa lên. Ngày 14.5.1999, tại bãi Vàng Nhẹ (xã Phước Đức), một khối đá khoảng 50 m2 bị hổng chân đã ầm ầm lao từ trên đỉnh đồi xuống, đè chết một người và làm bị thương bốn người khác. Thịnh, một thợ đánh mìn quê ở Giao Thủy (Nam Định) thoát chết nhờ kịp lao vào hầm, nhưng cánh tay phải bị khối đá “lướt” qua bóc toàn bộ da thịt, lòi xương trắng hếu...

Tai nạn như cơm bữa, nhưng vì vàng, những người thợ vẫn liều mình đánh đu với số phận. Để giải quyết những vỉa đá cứng, phương pháp thông dụng nhất là đánh mìn. Gọi là nhanh, nhưng giỏi lắm một ngày đánh mìn, thợ vàng cũng chỉ đào sâu xuống được thêm một, hai mét đá. Để tiết kiệm, họ thường không ngần ngại cắt ngắn... dây cháy chậm đến mức tối thiểu. Bị thách thức, thần chết đã nổi giận thường xuyên. Đêm 26.5.1999, sau một tiếng nổ “ục” trong lòng núi, bốn thợ mỏ người Phú Thọ ở bãi thôn 2, Phước Thành đã phải đi bệnh viện. Không bị thương, họ chỉ bị ngạt vì khói mìn. Trên đường đi, một người đã chết.

Với các ngọn đồi đã bị đào bới, không một thứ cây cỏ nào có thể tái sinh, bởi tất cả bề mặt đồi núi đều bị hàng vạn m2 đá vụn hất lên phủ kín. Sau khi khai thác, không một ai nghĩ đến việc lấp lại hầm hố. Thợ đào vàng không lấp vì việc của họ là tìm vàng chứ không phải là cải tạo môi sinh; dân không lấp vì không có trách nhiệm; nhà nước cũng không lấp - vì không có tiền. Vậy là những ngọn núi trở thành một cái “bẫy người” khổng lồ với hàng trăm miệng hố (nhiều miệng đã bị cỏ dại phủ kín) chỉ cần sẩy chân là sẽ rơi đứng xuống hàng chục mét.

Quặng khai thác xong sẽ được cho vào máy nghiền nát, sau đó, được đem xay nhỏ thành cám và cho theo nước chảy vào máng đãi. Những lá nhôm tráng thủy ngân sẽ giữ vụn vàng lại, còn nước và xái cứ vậy trôi đi.

Khi máng thủy đã “khê”, lớp vàng lấm tấm bám trên thủy ngân đã dày, người ta sẽ dùng một lá cao su dày, một mảnh đế dép “tông” chẳng hạn, gom chúng lại. Dùng “con khò” đốt lên, thủy ngân sẽ bốc hơi, để lại vàng nguyên chất (vàng 9999). Vì công việc quá tốn kém, trung bình cứ xuống sâu một mét tốn một triệu đồng cho nên nếu mỗi ngày một hầm đào được một lượng vàng, coi như hầm đó mới chỉ hòa vốn. Nhưng, một trăm hầm thì may lắm chỉ dăm ba hầm đạt được mức ấy, số còn lại thường chỉ thu được dăm ba chỉ - đủ lo gạo muối hằng ngày. Dù vậy, dân “xúc lắc” vẫn không từ bỏ “giấc mộng vàng” của họ. Thần tượng cho những giấc mơ kia có nơi bấu víu là Bùi Vinh, bãi Vinh Tóc Dài, thôn 5, xã Phước Thành. Năm 1997, Vinh trúng lớn. Mỗi ngày, hầm của anh ta lôi lên mặt đất được trên dưới 1 kg vàng ngân (khoảng 700 gam vàng ròng)!

Nhưng, lượng vàng lớn nhất vẫn còn nằm trong xái. Vì vậy, sau máng thủy sẽ là công đoạn đánh bể thoòng. Xái được gom lại, dồn vào một bể lớn quây bằng nilông, bơm nước vào và khoắng lên. Cyanur, nitơ lỏng, và một số phụ gia khác được thả vào sẽ khiến cả vàng lẫn xái tan thành nước. Nước trong tiếp tục được chắt sang bể nhỏ, thạp, sau đó thả các thanh nhôm, thiếc vào cho vàng nguyên chất kết tủa. Sau khi lọc lấy vàng, lượng nước chứa đầy độc chất này đều tự do tuôn xuống các dòng suối, đổ ra sông Vu Gia, sau đó hợp lưu với sông Thu Bồn tuôn xuống đồng bằng. Xem ra, hiện tượng hàng loạt trâu bò ở Quế Sơn, một huyện nằm ngay bên thượng nguồn sông Thu Bồn bỗng dưng lăn ra chết hàng loạt đã tìm ra được nguyên nhân. Đó mới chỉ là trâu bò, vậy còn người? Không ai trả lời, việc “đánh hóa” vẫn cứ diễn ra mỗi ngày. Điều đáng nói là, toàn bộ việc khử quặng này đều được thực hiện bởi những tay thợ vốn có văn hóa vừa đủ... dốt, thậm chí có người không biết chữ. Công thức hóa học của các loại hóa chất, họ mù tịt. Chỉ cần biết gọi tắt “xi” là Cyanur, vậy là đủ. Liều mạng hơn, để đề phòng “bể thoòng” bị cướp, thợ “đánh hóa” còn làm lán bắt ngang trên mặt bể để ngủ canh, liên tục 72 giờ cho mỗi mẻ lọc, sàn ngủ chỉ cách mặt bể đúng một mét. Hỏi, họ đáp tỉnh queo:

- ối dào, vẽ! Cho muối ăn vào rửa tay chân là nó... trung hòa hết.

Trong khi chỉ 14 mg Cyanur cũng đủ giết chết một mạng người thì ở Phước Sơn, loại hóa chất cực độc này được mua bán công khai mỗi lúc hàng chục kg. Ngày 25.5.1998, tại bãi thôn 2, xã Phước Thành, tôi đã chứng kiến cảnh bắt giữ tên Võ Văn Sơn, quê ở Quế Sơn đang cõng vào bãi một bao 50 kg Cyanur. Cõng bằng lưng trần, dưới trời mưa như trút. Anh ta khai:

- Không biết của ai, không biết là chất độc, người ta thuê thì cõng.

Có thể là Sơn không biết thật, bởi ở bãi vàng, chỉ có tiền công mới là điều đáng quan tâm. Tôi chợt rùng mình: rừng núi cheo leo, đường sá cách trở, nếu gã “thợ cõng” sơ ý đánh rơi khối chất độc kia xuống đầu nguồn nước, ắt hẳn 18.000 dân của toàn huyện Phước Sơn sẽ không một ai sống sót. Nhưng, đó cũng chưa phải là vụ ghê gớm nhất. Trong đợt truy quét cuối năm 1997 loại hóa chất cực độc này, công an huyện thu được những hơn... một tấn!

5. Trật tự ở chốn vô trật tự

Quyền lực lớn nhất ở các bãi vàng, tất nhiên là các chủ bãi, chủ hầm. Có lúc, chủ bãi và chủ hầm là một, nhưng cũng có lúc nhiều chủ hầm được đặt dưới tay một chủ bãi. Nổi tiếng nhất ở Phước Sơn, có lẽ là chủ bãi thôn 8, xã Phước Thành Nguyễn Văn Ngọc. Ngọc từng là một đại úy, Đội trưởng Đội hình sự Công an huyện Phước Sơn. Trước khi có chỉ thị 20 của ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc cấm đào, đãi vàng, Ngọc đã xin ra khỏi ngành công an và bỏ ra 400 triệu một lúc để mua 350 mét bề rộng của một quả núi ở thôn 8 để đào vàng. Tất cả dân làm vàng đều cho rằng Ngọc phát rồ. Thôn 8 quá heo hút, núi quá dốc, đi bộ từ ủy ban nhân dân xã đến đó phải mất những ba ngày đường, chi phí đào đãi chắc sẽ tăng chóng mặt trong khi chưa chắc đã có vàng.

Chỉ sau đó ít lâu, những “cao thủ” nghề vàng đã phải lác mắt, bái phục Nguyễn Văn Ngọc là kẻ nhìn xa trông rộng. Vùng đất thuộc quyền của anh ta trúng đậm, thiên hạ ùn ùn kéo tới xin sang nhượng. Ngọc cắt ngang 280 mét đất bán lại cho các chủ hầm khác, thu về một lúc đúng... một tỉ đồng. 70 mét còn lại, Ngọc tiếp tục thuê người tự khai thác, có ngày thu được cả ký vàng ngân (vàng trộn lẫn thủy ngân, lượng vàng nguyên chất chiếm khoảng 70%). Vậy là cái tên của anh ta đã được dùng để đặt luôn làm tên bãi của thôn 8, Phước Thành.

Đang lên như diều gặp gió nên khi đã có lệnh cấm, Ngọc vẫn tiếp tục khai thác. Và vụ sập hầm giết chết 21 người một lúc đã xảy ra, không những đe dọa phá sản, mà còn khiến Nguyễn Văn Ngọc đứng trước nguy cơ phải đối diện với luật pháp.

Khác với Ngọc, Dũng lai, Quốc con, Lập Đại liên, các chủ hầm, chủ đất ở bãi thôn 4, xã Phước Kim đều xuất thân là dân anh chị có máu mặt ở Đà Nẵng. Đào vàng với họ chỉ là một cuộc chơi. “Máu” nhất là Dũng lai. Mỗi lần khai vỉa được dăm ba chục triệu, anh ta lại xách tiền, vàng ra Đà Nẵng, bao nguyên một tầng lầu của nhà hàng khách sạn Phương Đông cùng đàn em ăn nhậu phá phách thả dàn, hết tiền mới chịu quay vào bãi. Bãi thôn 4 được Dũng, Lập, Quốc biến thành một vương quốc riêng bất khả xâm phạm với đội bảo vệ hơn mười người, trang bị đồng phục quần áo rằn ri và đầy đủ “đồ chơi”. Bất cứ ai lên bãi vào ban ngày, họ đều bị đội bảo vệ chặn lại xét hỏi. Đầy đủ giấy tờ, lý do thì cho đi, nếu không thì... biến. Ban đêm, bãi thôn 4 “đóng cửa”, tuyệt đối cấm qua lại. Mỗi lúc cần hàng hóa hay vật dụng gì, Dũng, Lập, Quốc chỉ cần xé vỏ bao thuốc viết mấy chữ cho người mang đi, ngay lập tức yêu cầu của họ sẽ được các chủ máy, chủ quán trong khu vực đáp ứng ngay, không một lần từ chối. Được cái cả ba đều là “dân chơi” khá đúng nghĩa, không bao giờ ăn quịt hay o ép ai nên các chủ bãi, chủ lán khác đều vừa sợ vừa nể.

Đầu tháng 5.1999, một đoàn chuyên gia Hàn Quốc đã vượt núi vào Phước Thành khảo sát trữ lượng vàng để lập luận chứng liên doanh, có ghé vào khu vực bãi thôn 4. Dẫn đoàn đi, ngoài phiên dịch người Việt còn có thêm một anh công an huyện đi theo bảo vệ. Đến bữa ăn trưa, đám chuyên gia Hàn Quốc tỏ ra kẻ cả, trịch thượng, đối xử với anh công an trẻ không mấy tế nhị, còn tỏ ra phân biệt. Dù rất giận, nhưng vì nhiệm vụ, anh công an cố nhịn. Biết chuyện, “tự ái dân tộc” nổi lên, Dũng, Lập, Quốc quyết định “chơi” cho các tỉ phú Hàn Quốc “biết lễ độ”. Theo kế hoạch, đoàn Hàn Quốc sẽ được Dũng, Lập, Quốc mời vào lán và đãi một bữa cơm với cá khô, chủ khách cùng ăn. Sau đó, ba thùng “333” sẽ được bưng ra, ba tay giang hồ sẽ lần lượt bật nắp bia và... rửa chân cho anh công an để cho những gã tỉ phú hợm mình chiêm ngưỡng... Nhưng, Dũng lai vì quá nóng nảy nên đã làm hỏng kế hoạch. Đám chuyên gia vừa tự ý chui vào hầm lôi ra một ít quặng mẫu, Dũng đã “nổi giận”, hét đàn em bắt trói họ vì tội “xâm nhập lãnh địa không xin phép”. Hãi quá, đám chuyên gia phải trả ngay toàn bộ số quặng mẫu, xin lỗi rối rít và hô nhau... bò (vì xung quanh toàn núi, không thể chạy). Khi bị công an mời lên hỏi vụ này, Dũng “lai” chối biến việc có mã tấu và súng AK tham dự vào vụ uy hiếp, chỉ nhận là “đùa hơi quá trớn”.

Để “lấy le”, hầu hết các chủ bãi loại “play-boy” đều kiếm cho mình một cô bồ. ở trong bãi, phụ nữ không phải là hiếm, gồm đủ mọi thành phần. Một số có nhan sắc, có vốn vào bãi mở quán bán đủ thứ trên trời dưới biển và buôn vàng. Nương nhờ bóng vía một chủ hầm chủ bãi có máu mặt, đó là cách tốt nhất để tránh bị cướp phá hoặc ăn quịt. Tất nhiên, đã có qua ắt phải có lại... Các cô chủ quán loại này được dân bãi gọi là xe biển số trắng, nghĩa là xe tư nhân, có chủ quyền. Nhìn xe biển trắng có thể đoán được ngay hiện trạng của người “giữ giấy chủ quyền”. Khi hầm hố “vào cầu”, xe được gắn đầy vàng lắc, nhẫn, xuyến, tiền tiêu như nước. Ngược lại, chủ bãi thua lỗ, phải bỏ hầm bỏ bãi, xe cũng bị “sang tên”, bị “gán nợ”. ở bãi Một Khô (Phước Thành), có một chủ bãi tên là Kỷ “niệm”, nổi danh vì từng “sang tên” và “xiết nợ” xe “biển trắng” không dưới chục lần. Kỷ khoe: riêng tiền “đổ xăng”, mỗi tháng cũng tốn không dưới năm triệu đồng. Đó là lúc bình thường, còn khi trúng mánh, chạy “xe” bạt mạng, số “tiền xăng” coi như không tính nổi.

Xe biển xanh - tức gái làm tiền - cuộc sống phập phù hơn. Cái “nghề” dưới đáy xã hội này, vào bãi càng khốn khổ. Họ thường dựng lán ở rìa các bãi, biệt lập nhưng không quá xa để hành nghề. Bất cứ kẻ nào trong bãi đều có thể hành hạ hoặc đe dọa họ, nhưng khi có chuyện họ hoàn toàn không được ai bênh vực. Tại bãi Muối, chúng tôi ghé vào “gara” của một “xe biển xanh” tên là Đ.T.H.T, sinh năm 1969, tại Hương Điền, Huế. T. bắt đầu lăn lóc ở bãi vàng từ năm 1992. Ban đầu, cô dựng “gara” ở Trà My, sau đó chuyển qua huyện Hiên và cuối cùng dừng lại ở bãi Muối - Phước Thành.

Lý do đơn giản: các khách “thuê xe” chuyển bãi, “xe” cũng phải chuyển theo vì chưa thu hết... nợ. Sau nhiều năm hành nghề, nhan sắc đã trở nên tàn tạ. Trước, cô được đánh giá là một “dream”, năm tháng cứ giảm dần “giá trị mẫu mã”, tụt xuống “win” ,”81”, “én”, giờ T. đã bị hạ đến mức chỉ còn là một... mobillet. Để mưu sinh, cô phải kiêm thêm nghề bán bún nước lèo cho cả hai bãi Muối và Một Nước. Ngày ngày gánh trĩu trên lưng, chịu bao điều miệt khinh tủi nhục. Đêm T. quây kín nilông chắn lều, ngồi thu lu trong góc lán tối om với một cây chùy - một khúc chày gỗ, 1 đầu cắm đầy đinh - nơm nớp lo một kẻ bất lương nào đó đột ngột xô lán nhảy xổ vào... Dưới áp lực của vàng, cả cái tên người chưa chắc gì giữ được. ở bãi giá cả mọi thứ đều ngày mỗi tăng, chỉ có giá trị của nhân phẩm là ngày càng giảm.

Ngoài chủ và “xe”, ở bãi vàng còn rất nhiều hạng người khác. Những người không vốn, không đủ sức khỏe làm công thì xin đến các hầm đã khai thác xong, bòn mót chút quặng thừa đem gửi máy xay đãi ăn chia 6:4 với chủ. Họ được gọi là dân “tọ mọ”. Bần cùng già yếu hơn hoặc nghiện ngập, “tọ mọ” cũng không đủ sức thì làm “dặt dẹo” đi xin. Những chủ hầm đang trúng không nỡ để dân “dặt dẹo” chết đói, song nhìn họ bằng nửa con mắt, bởi với các “dặt dẹo” nghiện ngập, xin chỉ đủ no bao tử chứ không đủ để no “óc”, họ thường “nhanh tay lẹ mắt” với những hớ hênh của các máy, hầm và tích cực “cầm nhầm”.

Đổi ngôi là chuyện liên tục xảy ra ở bãi vàng. Trước năm 1996, Vinh tóc dài (Bùi Vinh) chỉ là một “tọ mọ” không tên tuổi. Sau lệnh cấm khai thác năm 1997, một số chủ hầm dỡ lán, bỏ hầm, Vinh mò vào “tọ mọ” và... trúng đậm. Có tiền, anh ta sắm máy, mua nguyên cả một quả đồi với giá 200 triệu và trúng luôn 35 kg vàng ngân (khoảng hơn 20 kg vàng ròng). Cú “vào cầu” của Vinh tóc dài đã kéo các chủ hầm rầm rập quay trở lạ. “Chiến tranh” nổ ra, và máu người đã đổ trên bãi Vinh tóc dài khiến anh ta vừa khánh tận vừa phải vào tù...

Dù sao, cái tên Vinh tóc dài cũng trở nên một mơ ước cho cả vạn người khác, đọng lại trong họ như một niềm khao khát đổi đời dữ dội để tiếp tục lao theo những hy vọng hão huyền, bất chấp tận thế có xảy ra ngay tức khắc, bất chấp thiên đàng và địa ngục chỉ cách nhau vừa đúng một gang tay.

6. Sống chung với cướp

Người bình thường chắc hẳn không ai mơ chuyện tự ném mình vào bãi vàng. Lọt thỏm giữa núi rừng Phước Sơn, những số phận mà tôi gặp hầu như đều giống nhau ở điểm bi đát trong hoàn cảnh sống. Đến vùng vàng, cuộc đời họ càng khốn khổ hơn bởi mưa gió, bệnh tật, những thất vọng triền miên cùng số nợ cứ dày lên. Và, một con đường khác lại mở ra trước mắt họ: nghiện ngập và phạm tội. Rừng núi điệp trùng cũng là nơi lý tưởng để bọn tội phạm, trong đó có không ít tên mang hai, ba lệnh truy nã, lấy làm chốn náu thân và tiếp tục gây tội ác. Khi tôi có mặt, bãi 5A xã Phước Thành tịnh không bóng người, dù ở góc lán này vẫn còn chén nước bốc khói và góc lán kia, mấy thanh củi vẫn còn cháy dở. Trước mắt tôi, chiếc chiếu giữa lán lỗ chỗ hàng ngàn vết cháy - một lời tố giác không thể chối cãi về sự có mặt của thuốc phiện. Đúng vậy, một trăm phần trăm cư dân của bãi này đều nghiện nặng. Nhác thấy bóng người lạ dưới chân núi, họ vơ vội bàn đèn, ống tiêm đồng loạt lao xuống hầm. Khoảng 15 phút sau, thấy không thành vấn đề, họ lại lục tục trồi lên, nhe răng cười với chúng tôi, nụ cười bệnh hoạn, vừa cầu thân lại vừa đầy nghi kị nở vội trên những cặp mắt vàng võ bủng beo.

Khi trèo lên đỉnh đồi, tôi biết các cư dân trên đó không hiền lành như vậy. Đỉnh đồi 5A được mệnh danh là đỉnh Mafia, bởi hoàn toàn do các ổ trộm cướp chiếm cứ. Ban ngày chúng trốn vào rừng hút chích, ban đêm tụ nhau lại đi trộm cướp, sau đó mò về các lán chia nhau. Nhưng bãi mafia vẫn chưa sợ bằng bãi Vinh Tóc dài, nơi có mặt nhiều tên cướp lì lợm và hung hãn nhất. Riêng các tên Nguyễn Hữu Cường (Cường con), Nguyễn Văn Hùng (Tây điên), Phan Văn Tư (Tư heo) mỗi tên cũng đã gây ra hàng chục vụ cướp của giết người. Khi dân “xúc, lắc” hoảng sợ bỏ đi, chúng quay sang bắn giết lẫn nhau để đoạt hầm, hố, cướp tài sản ăn cướp và giành quyền hùng cứ khu vực.

Vũ khí trong các trận thư hùng xem như không thiếu thứ gì, từ dao gậy, súng, trái nổ. Đáng sợ nhất là các trái canonbi. Loại trái nổ này được lấy ra từ những quả bom bi chưa nổ do Mỹ thả xuống còn nằm rải rác trong rừng núi. Mỗi quả bom chứa hàng ngàn quả canonbi to như quả ổi, một đầu có hạt nổ, khi ném tim hạt nổ luôn hướng về phía trước và nổ khi chạm bất cứ vật gì, dù đó là lá cây hay mặt nước. Từ trong ruột quả canonbi, hàng ngàn viên bi con sẽ bung ra.

Theo đánh giá của Công an huyện Phước Sơn, có ít nhất một phần mười cư dân của bãi vàng từng là kẻ cướp giật. Trong vòng 2 tháng 4 và 5.1999, chị Nguyễn Thị Hồng, một dân buôn vàng, quê ở Hòa Định, Tuy Hòa, Phú Yên đã bị băng Thanh sứt, Hiển bụi cướp những ba lần, lấy đi hơn 100 triệu đồng. Trần Bút, một chủ quán khác ở bãi 45 (xã Phước Sơn) cũng hai lần bị cùng một băng cướp che mặt tấn công chỉ trong nửa tháng 5.1999. Là con nghiện một trăm phần trăm nên khi ra tay, bọn cướp vơ tất không chừa thứ gì, từ tiền, vàng cho đến lon nước, bao thuốc. Oái ăm thay, có lúc người bị hại biết rất rõ ai là kẻ cướp, nhưng đành... ngậm tăm, sợ bị tái cướp, bị trả thù. Sau ba lần bị cướp, để tránh thêm lần thứ tư bị chúng viếng thăm đột xuất trong đêm, chị Hồng đành bỏ ra năm triệu đồng, nhờ một tay “có máu mặt” gầy một độ nhậu mời các tay “lục lâm” nghi vấn đến. Khi rượu đã ngà ngà, tay anh chị mới chỉ chị Hồng và bảo:

- Cô em tao đấy, để cho nó sống!

Những thằng cướp tỉnh queo:

- Sao không nói sớm? Ai biết!

Sau đó, thay vì bị cướp, thỉnh thoảng chị Hồng phải rút ra một triệu dúi cho một tên “cô hồn”, còn những vụ cướp vẫn xảy ra trong khu vực, chị đành coi như không nghe, không thấy. Trước khi đút tiền vào túi, thằng “cô hồn” còn khoanh tay lễ phép:

- Em xin chị.

Cướp của không đáng sợ bằng cướp bãi chiếm hầm. Đào mãi vẫn chẳng thấy có vàng, hai anh em Phạm Hữu Cường, Phạm Hữu Cảnh bắt đầu tính kế đoạt bãi của hai anh em Phan Văn Tư, Phan Văn Phong (thôn 3, Phước Thành) đang ăn nên làm ra. Vốn là những tên cướp sừng sỏ, anh em Tư, Phong phát hiện ngay ý đồ của địch, ngay lập tức chỉ đạo thợ tăng cường phòng thủ. Ngày 21.4.1998, Cường và Cảnh bất ngờ ném hàng chục trái canonbi vào lán của Tư, Phong. Ngay tức khắc, hàng loạt AK từ trong lán được Tư, Phong tuôn ra đáp lễ. Hoảng quá, Cường, Cảnh vội tháo lui. Cường bị sa luôn vào bãi chông của anh em Tư, Phong cắm sẵn. Vất vả lắm Cảnh mới vừa chống đỡ với đạn AK, vừa cõng được Cường thoát hiểm. Thoát chết nhưng máu hung hãn vẫn không mất, khi vết thương lành lại, Cường lại bày binh bố trận. Lần này, chúng tấn công một bãi khác. Chờ khi đám thợ đã chui hết xuống hầm, những tên cướp lập tức xuất hiện và đổ xuống miệng hầm một... can xăng, sau đó ném lựu đạn xuống! ở bãi vàng, quả thật người với người đã thành dã thú, mà không chỉ vì nơi họ đang có mặt là giữa núi rừng.

Tuy bị tấn công liên tục nhưng hầu như không một nạn nhân nào chịu đi trình báo với chính quyền. Đào vàng là phạm pháp, họ rất sợ sự can thiệp của luật pháp nên thường tìm cách tự giải quyết lấy. Sau nhiều lần bị các tên Đỗ Duy Lệ, Lưu Văn Thanh chỉ huy cả chục đàn em đánh chém cướp quặng xái, hàng chục chủ lán trại ở bãi 65, thôn 4, Trà Bui đã họp nhau lại bàn nhau đánh trả. 3 giờ sáng ngày 3.10.1997, theo hiệu lệnh của một chủ hầm là Lê Xuân Thu quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam, cả trăm chủ hầm, lán và thợ của bãi 65 đã đồng loạt chia ba cánh tấn công vào lán của đám kẻ cướp. Cuộc chiến diễn ra khá bài bản: đầu tiên là trái nổ, lựu đạn khói ném tới tấp, sau đó là cả trăm dao, gậy ồ ạt xông lên. Cả chục tên trong nhóm cướp bị đánh tơi tả, số còn lại bỏ chạy tán loạn vào rừng, bỏ lại một xác chết và một số tên bị thương quằn quại. Lê Xuân Thu, Phan Văn Vinh, Trần Phong Trắc, Phạm Văn Lợi đã cướp toàn bộ tài sản trong lán của Đỗ Duy Lệ và đồng bọn, sau đó châm lửa đốt rụi. Họ còn bắt tên Chiến, một đàn em của Lệ, đổ nước sôi lên đầu, cạo trọc lóc và bắt viết giấy gọi Đỗ Duy Lệ mang tiền đến chuộc...

Không thể trách lực lượng Công an huyện Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam, bởi họ đã dồn hết công sức, song mọi cố gắng vẫn không đem lại kết quả mong muốn. Các bãi đều nằm rải rác trong vùng rừng núi, lại quá nhiều, quá rộng, khó lòng ngăn chặn được dòng người tắt rừng băng núi để tìm đến bãi vàng. Hơn 10 đợt truy quét, trục xuất dân đào vàng trái phép ra khỏi bãi đã được tỉnh, huyện tổ chức, song kết quả không mấy khả quan, dù rất tốn kém. Công an, du kích xuất hiện dưới chân núi, những kẻ đào vàng vẫn đủ thời gian tháo máy, dỡ trại đưa xuống địa đạo cất giấu, còn người trốn vào rừng. Lực lượng truy quét rút, họ lại quay trở lại.

Khi có tai nạn hoặc bị trộm cướp, không một người bị nạn, bị hại nào chịu khai báo, rất khó phát hiện. Trong khi đó, cả thủ phạm lẫn nạn nhân đều là dân tứ xứ, phải tốn rất nhiều công sức để điều tra, truy bắt. Bọn tội phạm lại là những tên rất liều lĩnh. Tháng 5.1999, chuyên án CA 889 của Công an Quảng Nam đã phá băng cướp do Thanh sứt, Hiển bụi cầm đầu. Các tên Thanh sứt, Bắc phò, Tiên nghiện, Lanh... bỏ trốn lên Đăk Nông, Đăk Lăk. Đúng một tuần lễ thức trắng rúc trong rừng le đầy muỗi, vắt, Công an Quảng Nam mới tóm được chúng. Còn lại một mình, Hiển bụi trốn từ Phước Thành sang bãi vàng nhẹ Phước Đức và lập ngay băng mới chỉ sau đúng ba ngày, tiếp tục thêm bốn vụ cướp. Bị một nạn nhân che mặt chém trọng thương,  Hiển vẫn không đi bệnh viện mà nhờ đồng bọn dùng chỉ may đồ khâu giúp, nằm lại bãi dưỡng thương chuẩn bị cướp tiếp. Rất may, Hiển và cả băng mới lập đã bị Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh bắt ngay tại bãi chỉ một tuần sau đó. Khi bị bắt, bọn tội phạm vẫn ngoan cố bởi hy vọng rằng rừng núi mênh mông, luật pháp khó tìm ra chứng cứ để buộc tội chúng. Phải mất hàng tháng trời, Phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam mới tìm đủ chứng cứ để kết tội tên Nguyễn Hữu Cường. Tên Tư heo (Phan Văn Tư) thậm chí còn cố tình chơi khăm cả công an. Đích thân trung tá Huỳnh Đức Cường và ba cán bộ chiến sĩ của Phòng PC 16 Công an tỉnh đã phải lặn ngụp trọn một buổi sáng mùa đông dưới dòng nước lạnh buốt để tìm vớt khẩu súng gây án mà Tư khai đã quẳng xuống suối. Kết quả chỉ công cốc, khẩu súng này đồng bọn của y vẫn đang giấu và sử dụng để tiếp tục đi cướp.

Dẫn giải tội phạm cũng là điều không đơn giản. Đường núi dốc và trơn, đi một người đã khó, huống hồ phải kèm ba, bốn tên tội phạm. Ngày 21.5.1999, lúc dẫn giải những tên trong băng Hiển bụi về ngang bãi 45, ba trinh sát của chuyên án CA 889 đã đành bất lực để cho một tên chạy thoát. Dù hai tay bị còng, tên cướp vẫn liều lĩnh ôm đầu và lăn từ đỉnh đồi xuống, theo một lối mòn đầy rễ cây, cọc nhọn, trốn thoát mang theo cả còng. Mùa mưa năm 1997, trong khi bị áp giải qua một đoạn vực, cách mặt nước chừng 20 mét, một tên cướp đã để nguyên cả còng lao thẳng xuống dòng suối đang chảy xiết. Không để phạm chạy thoát, càng không thể để hắn chết, thượng úy Nguyễn Văn Thanh của Phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đành phải lao theo, vừa bơi vừa dìu được tên cướp lên một tảng đá giữa suối, chờ đồng đội quăng dây ra cứu.

Khổ nhất, bọn tội phạm nghiện ngập thường lên cơn vã, nằm giãy đành đạch trên đường bị dẫn giải. Để đề phòng, mỗi lần vào bãi truy bắt tội phạm, các chiến sĩ công an đều phải thủ theo một gói đường. Khi đối tượng lên cơn, anh em lại phải cấp tốc tìm nước pha cho chúng uống vừa để giúp chống vã thuốc, vừa tăng lực để có thể tiếp tục hành trình. Trong chuyến bắt băng Hiển bụi tại bãi Vàng Nhẹ, trời mưa dữ dội, các chiến sĩ Nhậm, Tám, Dũng, Cảnh sát Điều tra tỉnh đã phải cố nhịn thuốc lá để dành cho bọn tội phạm, bởi khi lên cơn, không có thuốc hút liên tục, rất có thể chúng sẽ ngất xỉu và nằm lại giữa đường.

Để phục vụ cho những chuyến công tác gian khổ ấy, chế độ và điều kiện làm việc của lực lượng công an vẫn hết sức thiếu thốn. Trong khi một cuốc xe ôm vào bãi là 500 ngàn đồng thì công tác phí cho một chiến sĩ vẫn chỉ là 20 ngàn đồng một ngày, không hề có một ngoại lệ nào cả...

Chỉ một vài ví dụ, đủ thấy lực lượng công an ở vùng vàng đã cố gắng hết mình. Nhưng để giải quyết triệt để tệ nạn và tình hình phạm tội ở nơi này, không thể chỉ trông chờ vào mỗi sự tận tụy, hy sinh của lực lượng công an. Cái thiếu vẫn là một chính sách toàn diện và kịp thời, nếu không mọi biện pháp dù tích cực cũng chỉ là giật gấu vá vai. Cấm khai thác, địa phương mất nguồn thu lớn, nhưng dân tứ xứ vẫn không ngừng đổ về, thiên nhiên vẫn bị tàn phá, những mối nguy vẫn đầy ắp mà không thể ngăn chặn nổi. Đại đa số chủ bãi, chủ hầm đều mong muốn nhà nước có một qui chế cụ thể, cho phép họ đăng ký, đóng góp nghĩa vụ và khai thác. Như vậy, người khai thác sẽ yên tâm hơn, nhà nước cũng tăng được nguồn thu cho ngân sách và dễ quản lý hơn. Nhưng theo đúng luật thì việc cấm là tất nhiên, mà luật thì khó lòng thay đổi. Giải pháp cho bãi vàng, vì thế, vẫn đang luẩn quẩn trong một mớ bùng nhùng không lối thoát. Và số phận của những con thiêu thân lao vào bãi vàng vẫn bị treo lơ lửng.

7. Vàng đổi người

Tự coi mình là một thợ mỏ, ngày 25.5.1999, tôi đã thử lần xuống một miệng giếng ở bãi thôn 5A, xã Phước Thành của ông bà Hoàng Xuân Điền - Lê Thị Gấm, quê ở Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định. Mầu, người dẫn đường, chui vào trước. Theo chỉ dẫn của anh ta, tôi đeo máy ảnh ra trước ngực và khom người ngồi bệt mông xuống nền đất. Một cú trượt đã đẩy tôi chuồi sâu khoảng 15 mét vào lòng địa đạo tối như hũ nút, nghiêng chừng 150 và cao không hơn 0,8 mét. Xỏ chân vào miệng gàu - một can nhựa 40 lít cưa bỏ phần trên và chắp thêm một cầu ngang bằng gỗ - tôi đu người bám chặt dây tời cho Mẫu thả xuống hầm. Dây tời nhả khá nhanh khiến chiếc gàu đung đưa, liên tục va đập vào hai thành giếng. Tụt khoảng 30 mét, chiếc gàu chạm đất. Tối như địa ngục và nóng hầm hập, hơi ẩm bốc ngùn ngụt khiến tôi ngộp thở. Nhìn lên trên miệng giếng, bóng đèn điện tròn vo và bé tí như hạt đỗ. Có vẻ như tôi sắp rờ phải bờ vai xương xẩu của thần chết. Mà có thể tôi sắp chết thật, vì một tỉ lý do. Sụp hầm: chết, đá lở, một viên rớt trúng đầu: chết, máy thổi khí (máy hút bụi được chắp ống tizo) ngưng hoạt động: chết, leo lên đứt dây hoặc tuột gàu: cũng chết. Đó là chưa kể một cái chết khác, nếu người trên miệng giếng có âm mưu... Sợ vãi cả linh hồn, tôi giương máy ảnh bấm lia lịa, cái được cái mất để còn rút. Dưới ánh chớp đèn flast, tôi nhìn thấy một đôi ủng, vài chiếc cuốc chim và một chiếc găng tay nằm lăn lóc.

Vội và vì... sợ, chưa kịp xỏ chân vào gàu, tôi đã giật giật dây tời. Tưởng đúng ám hiệu, chiếc gàu cứ thế được tời cao dần lên, để lại một mình tôi giữa đất đen sâu hun hút với trống ngực nện như búa máy. Rất may, chỉ 3 phút sau - mà tôi ngỡ là 3 thế kỷ - gàu lại được thả xuống. Khi trồi lên khỏi mặt đất, bị lóa mắt bởi ánh sáng mặt trời, tôi mới thở phào tin chắc là mình còn sống. Cái màu chàm nhợt nhạt trên mặt Mầu lúc đó mới loãng ra. Anh bảo:

- Thấy lên gàu không, tôi tưởng anh rớt rồi. Anh mà tiêu thì tôi bỏ mẹ!

Ông Điền cười khà khà, chỉ ông Địa trước miệng hầm:

- Chết sao được, lúc cậu xuống, tôi có thắp hương cúng!

Trời ạ, té ra nãy giờ sinh mạng tôi đã được những người đào vàng gửi tạm vào tay thần thánh. Sau chuyến tham quan địa ngục này, tôi nghĩ đã có thể xem ông Địa như một người bạn có trách nhiệm. Tốt, dù hơi bị... hồi hộp. Nỗi hồi hộp của tôi chỉ kéo dài 5, 10 phút. Còn họ, những người thợ, đó là cuộc sống, là nỗi thắc thỏm triền miên hun hút theo năm rộng tháng dài.

Ông Điền - bà Gấm có 8 người con. Hoàng Xuân Lương là con trai thứ ba, sinh năm 1972. “Nhâm Tý vi vương”, Lương không chịu nổi cuộc sống eo hẹp ở quê, 2 sào ruộng với 26 khoản đóng góp, khoản thu nhập nhỏ nhoi cho 8 miệng ăn không đủ để chắp cánh cho những mơ ước. Vậy là Lương tìm đến bãi vàng. Hơn một năm trời bặt tin con, lại chứng kiến không ít bạn bè cùng lứa với Lương từ bãi vàng mò về với bộ dạng tiều tụy, có đứa chết vì ốm đau tai nạn, có đứa bị đánh chém thành thương, hai ông bà đâm hoảng, vội sai hai người anh của Lương là Biên và Cương vào bãi gọi em về. Những ước vọng đã biến thành cay cú ăn thua, Lương dứt khoát không quay lui khi hai tay còn trắng. Chờ mãi đến hết tiền vẫn không thuyết phục được em, Biên và Cương đành ở lại luôn, trở thành thợ mỏ của vùng vàng. Sốt ruột, bà Gấm lần đường tìm vào. Sau nhiều ngày vất vả, bà tìm được con. Lương đã tàn tạ vì thuốc phiện, hai chân khẳng khiu xỏ trong hai ống quần người anh mới đem vào cho. Lúc này, nó đã muốn về, nhưng đào mãi vẫn chưa thấy vàng, tiền đâu mà về. Bà Gấm cũng nhẵn túi, đành phải nán chờ con... Một tháng rồi hai tháng... Đầu tháng 5.1999, ông Điền chờ mãi không thấy vợ con, lại tiếp tục lần vào.

Bây giờ, cả gia đình năm người đã “mắc cạn” trên đỉnh núi. Ngày ngày, khi ba đứa con trai đã mất hút trong bụng hầm vàng, hai ông bà lại bó gối ngồi trước miệng hầm, ngay ngáy lo những đứa con sẽ chẳng còn cơ hội để trồi lên. Để tự trấn an, ông Điền lại chắp tay vái trước bàn thờ ông Địa lập trước cửa hầm. Bà Gấm cũng chỉ biết xách hương lên đỉnh đồi, quì lạy rất lâu trước mộ phần vô danh của những đứa trẻ cùng tuổi với con bà được bạn bè đào vàng chôn lại ngay tại bãi. Khi giấc mơ đã khánh kiệt, những cuộc đời khốn khổ ấy chỉ còn biết đặt hy vọng vào thần thánh.

Không lớn hơn Hoàng Xuân Lương là mấy, nhưng thâm niên đào vàng của Nguyễn Văn Tân thì dày hơn nhiều. Tân sinh năm 1970, quê ở Ca Đình, Đoan Hùng, Phú Thọ đi đào vàng từ năm 1988. Ban đầu, anh đãi  vàng cám ở Bắc Kạn, năm 1998 mới theo một ông bạn là Nguyễn Ngọc Thanh vào bãi Phước Sơn. Thanh quê ở Thái Nguyên, sinh năm 1967, bắt đầu đào vàng từ năm 1991. Đào mãi chẳng thấy vàng đâu, chỉ tuổi trẻ trai là cứ chôn mãi vào lòng đất. Thậm chí khi Thái Nguyên tách tỉnh, Thanh cũng chịu, không hiểu nổi quê nó thuộc về Bắc Kạn hay Bắc Thái. Mùa mưa năm 1998, thấy bảy, tám người bị núi đè chết cùng lúc, Tân và Thanh mới thấm hết nỗi khổ phong trần. Gom được 2 triệu, hai anh em quyết định quay về, không bao giờ lên bãi nữa. Nhưng chưa xuống hết dốc núi, họ lại gặp Nguyễn Văn Lượng và một đám trẻ con cùng quê với Tân lặn lội mò vào. Thương đám con nít 16, 17 tuổi không biết sống chết là gì, Thanh và Tân đành thở dài quay trở lại để chỉ bảo, đỡ đần cho đám trẻ con. Hai triệu đồng kia lại phải chia ra để lo cơm nước, dụng cụ cho đám trẻ, chẳng biết bao giờ mới kiếm đủ để có thể quay về. Được ít hôm, trời lại mưa, lại gió, người chết lại được mang đi, đám trẻ sợ hãi khóc thét lên. Có đứa sợ quá, đêm không ngủ được, lại bị sốt rét quật ngã gục, cứ la hét và chạy bắn ra giữa mưa khuya. Sợ chúng lọt hầm, lạc rừng thì chết, Tân, Thanh lại đốt đuốc đội mưa đi tìm suốt đêm. Gặp được đứa em, hai thằng anh cũng chỉ biết đội mưa ngó nhau và khóc.

Đêm cuối cùng ở bãi vàng, tôi đã ở lại làm khách tại lán của Tân, Thanh và những cậu bé gốc Phú Thọ, Thái Nguyên. Suốt đêm đó và cả năm, sáu hôm trước, trời vẫn mưa như trút. Cũng may, cám cảnh phận người, trời cũng thương tình chỉ đổ xuống rú rừng những cơn mưa ấm. Suốt đêm, tôi cứ nằm trằn trọc đếm mưa rơi, không tài nào ngủ được. Thỉnh thoảng, cơn mơ màng của tôi lại bị bắn tung lên trời vì một tiếng mìn. Bãi thôn 2 quá lớn. Gần hai ngàn con người chen chúc nhau giữa ầm ĩ tiếng máy phát điện, máy nghiền đá nổ như đại liên suốt ngày đêm. Cả hốc núi hoang vu sáng rực ánh điện và mù mịt khói xăng, dầu. Cứ khoảng 15 phút, tiếng mìn phá đá lại dội ngược lên, hất những cơn mơ chập chờn bắn lên trời. 2 giờ sáng, ngay dưới lưng tôi, sau tiếng nổ ầm là những bước chân rậm rịch và tiếng người í ới. Đang chờ thay ca, Tân vội xỏ dép và lật đật trượt theo dốc núi bò xuống. Lát sau, anh ta bò lên và bảo tôi bằng giọng khô khốc:

- Tưởng gì, mìn nổ, bốn thằng bị ngạt, đưa đi viện rồi. Ngủ đi, ở đây ngày nào không có thằng đi viện.

Nghe lời Tân, tôi cố cuộn mình trong chăn thật kỹ nhưng vẫn không thể nào ngủ được. Lúc đó, tôi mới thấy cảm hết nỗi khốn khổ của những người giàu. Nằm trên đống vàng, người ta sẽ chẳng bao giờ tìm được một giấc an lành. Đêm chỉ là những cơn mê phập phù và bất trắc. Dưới kia, ánh điện tham vọng vẫn sáng rực núi rừng, nhưng ánh sáng vẫn không đủ để xua đi phần tăm tối trong số phận của những kẻ liều.

Thợ khổ, người làm công cũng khổ. Rồi thì cả chủ hầm, chủ bãi cũng chưa chắc đã sung sướng gì hơn. Để trở thành một ông chủ ở bãi thôn 4, xã Phước Kim, Nguyễn Văn Xuân đã phải vay mượn và thế chấp toàn bộ nhà cửa, tài sản, được gần 200 triệu đồng để khui một hầm vàng. Ròng rã ba tháng vỉa đá mơ ước vẫn chưa chịu lộ ra. Hết tiền, Xuân phải nhường bớt một miệng hầm cho người khác. Một tuần sau, ngày 7.5.1999, tai nạn đất rơi đã khiến một người thợ của hầm mới này chết ngay tại chỗ, trong khi ông chủ hầm kia đã ra Đà Nẵng cách đó mấy hôm. Là chủ đất, Xuân đành phải vay mượn, gom góp được 10 triệu đồng để người bị nạn được bạn bè anh ta đưa về quê an táng. Dù chịu bỏ tiền ra, song cho đến lúc bị công an mời lên, Xuân vẫn ngớ ra, không hề biết nạn nhân tên gì cả. Bãi vàng là thế, cái đáng quan tâm là vàng, đâu phải là số phận một con người (?!).

Rải rác quanh các lối mòn vào bãi, tôi đã gặp cơ man những phần mộ vô danh như thế. Số lượng mồ mả có tên và không tên được đắp sơ sài cứ ngày một dày lên, nhiều lên, lẫn vào các lùm cây búi cỏ, lẫn vào mưa nắng và sự khốn khổ của một kiếp tìm vàng. Vượt qua những chân dốc đầy mồ hoang tham vọng ấy, hàng ngàn hàng vạn con người lại tiếp tục bạt núi, xuyên rừng lần đến bãi vàng, không thèm đếm xỉa đến một ngày chính họ cũng sẽ góp thêm cho núi hoang rừng trọc một nấm mồ hoang không hương khói. Đào vàng là phạm pháp, nhưng chưa có sự trừng phạt của luật pháp, những phận người tôi gặp cũng đã đủ cơ cực, khốn khổ lắm rồi. Chia tay, tôi cứ bị ám ảnh bởi tiếng anh thợ Nguyễn Văn Tân nói gần như khóc:

- Anh thông cảm, đừng chê bọn tôi lỗ mãng. Đã mò vào đây, có đứa nào dám nghĩ mình là một con người nữa đâu(!).

Theo yêu cầu của công an huyện, chủ bãi Nguyễn Văn Xuân dành tạm gác công việc đào đãi để về tường trình vụ tai nạn tại hầm của anh. Theo chân Xuân và những người công an, tôi cũng hạ sơn trở lại đồng bằng. Đến trước ủy ban nhân dân xã Phước Thành, chúng tôi ghé lại quán nước của Diễm, cô gái 25 tuổi có đôi mắt buồn và đẹp - người mà tôi đã có dịp làm quen trước đó gần chục hôm. Tôi hỏi em, vì lẽ gì mà lại bỏ đồng bằng tìm đến tận đây, miền sơn cước hoang dã, có tìm đỏ mắt cũng không kiếm được một tâm hồn biết trân trọng một đôi mắt đẹp. Em đáp gọn lỏn:

- Mưu sinh!

Chao ôi, đồng tiền ma lực quá. Xin cam đoan, ở Phước Sơn, chính tiền và vàng mới là sức mạnh vô địch để con người bạt núi xẻ rừng chứ hoàn toàn không phải tình yêu. Nhưng khi biết chúng tôi sắp rời bãi vàng, vẻ bất cần của Diễm hầu như biến mất. Rất yếu đuối, em hỏi tôi một câu tối nghĩa:

- Tại sao các anh lại về?

Không đợi tôi trả lời, mà thực ra hỏi chỉ để mà hỏi chứ em đâu cần tôi phải trả lời, giọng Diễm chùng đi trong một câu trách móc:

- Ai cũng rứa, lên rồi lại về, có ai chịu ở lại với ai đâu?

Nhoi nhói trong lòng, tôi đi cúi mặt. Được một quãng xa, ngoái lại tôi vẫn thấy Diễm tần ngần ôm cột quán trông theo. Mắt em hun hút, tiếc rằng đôi mắt ấy không dành cho tôi, không dành cho Xuân, không dành cho bất cứ ai trong đoàn người đang sắp rời khỏi vùng vàng. Ráo hoảnh và xa vắng, tôi biết đôi mắt ấy đang đau đáu dõi theo lầm lũi một kiếp người.

Tự nhiên tôi lại nghĩ đến con số gần một vạn người hiện đang đứng nghiêng ngả giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, của lương thiện và tội lỗi, của sự tàn phá và nghiện ngập. Con số một vạn ấy, tôi nghĩ đã quá đủ để lương tâm buốt nhức, đủ để nghĩ đến việc thay đổi hoặc đề ra một chính sách phù hợp với thực tế vùng vàng.

Trên đường trở lại đồng bằng, tôi bắt gặp một nhóm năm, sáu người ngoại quốc, cả đàn ông lẫn đàn bà đang đi ngược về phía núi. Hỏi ra mới biết, họ là những người Mỹ thuộc tổ chức POW/MIA đang ngược đường lên Trường Sơn tìm kiếm hài cốt những binh sĩ Mỹ chết và mất tích trong chiến tranh. Họ đi mà không nói năng gì, chỉ lầm lũi bước, trên lưng là ba lô hàng to như... quả núi, nặng trĩu. Hiển nhiên thôi, mang cả một quá khứ trên lưng thì nặng phải biết. Rồi 10 năm, 20 năm và lâu hơn thế nữa, sẽ có bao nhiêu người mẹ, người vợ, người con trên đất Việt Nam thân yêu của tôi sẽ phải quay lại chốn này để tìm người thân của họ, cũng đã bỏ mình nhưng là vì một cuộc chiến khác, cuộc chiến vì vàng, cuộc chiến chống lại chính bản thân mình! Tôi không biết, không trả lời được, chỉ nghe trong lồng ngực trái tim nặng trĩu đập nhoi nhói.
Người ta bảo:
Trường Sơn Đông nắng Tây mưa.
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình
Lần theo một câu thơ, một khúc hát, tôi đã đến được đầu nguồn Đăk Mỹ, đã đặt chân đến bãi vàng, đã đến được với Trường Sơn; mà sao suốt dọc đường về, lòng vẫn tấu vô hồi những khúc ca không quen biết. Đầy hoang mang tôi cứ tự hỏi: không biết mình có hiểu nổi mình không?

HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !