Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Ngày tàn của xe tăng đã điểm?



Tăng T-90S của Nga
Không chỉ một lần, những người hoài nghi và những người mượn danh chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí trang bị đã tiên đoán ngày tàn của kỷ nguyên xe tăng.

Và lần nào họ cũng nhầm. Quan điểm của họ dựa trên suy nghĩ cho rằng, cùng với sự xuất hiện trong kho vũ khí quân đội nhiều nước phát triển cao vũ khí “thông minh”, chính xác cao, tầm xâ, việc chuyển sang tiến hành cái gọi là (và là gọi sai) các cuộc chiến tranh phi tiếp xúc, sử dụng quy mô lớn các lực lượng triển khai hay phản ứng nhanh, xe tăng đã mất đi vai trò của mình.

Họ cũng nêu thêm vào các luận cứ này quan điểm nói rằng, cùng với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, xác suất xảy ra các cuộc xung đột quy mô lớn giữa các nước NATO và các nước thuộc khối Varsava trước đây, nhưng không kịp hay không muốn gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã giảm xuống mức tối thiểu, cùng với đó là sự phát triển bùng nổ của các phương tiện chống tăng hạng nhẹ và hiệu quả cao.

Xe tăng đã bị “mai táng” không chỉ một lần. Gần nửa thế kỷ trước, cùng sự xuất hiện của các loại tên lửa cực kỳ đa dạng, người ta cũng nghĩ rằng, thời của chiến tranh phi tiếp xúc đã bắt đầu. Một số nhà lãnh đạo thậm chí đã kịp đưa hàng ngàn xe tăng ra bãi sắt vụn để nấu lại, cũng như đình chỉ nhiều dự án nghiên cứu chế tạo các mẫu vũ khí trang bị tăng-thiết giáp tiên tiến vào thời đó. Năm tháng qua đi, nhưng xe tăng vẫn tiếp tục phục vụ và đã kịp viết vào lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự thế giới không ít những trang chói sáng.

Hiện nay, điều tương tự dường như cũng có thể quan sát thấy, khi mà trong quá trình nghiên cứu chế tạo các mẫu vũ khí trang bị mới các công nghệ máy tính hiện đại, trí tuệ nhân tạo, các hệ thống liên lạc vệ tinh và nhiều thứ khác đang được sử dụng một cách tích cực nhất.

Trên cơ sở ứng dụng những công nghệ mới nhất, trong mấy chục năm gần đây, đã chế tạo được không ít mẫu vũ khí trang bị mới mà nhờ có những tính năng chiến đấu của mình chúng đã tạo dấu ấn nhất định lên tính chất của hoạt động đấu tranh vũ trang, nhưng không thể nói rằng, tính chất đó hoàn toàn thay đổi. Hơn nữa, nhiều hệ thống vũ khí trang bị được phát triển với những siêu tính năng mà các nhà thiết kế tuyên bố trên thực tế hóa ra chỉ là trò lừa bịp thuần túy và là công cụ rút tiền từ ngân sách nhà nước.

Có thê nêu ví dụ các máy bay tàng hình F-117A do Mỹ chế tạo có ứng dụng công nghệ Stealth. Trên bầu trời Nam tư, mùa xuân năm 1999, máy bay này đã bị vũ khí phòng không Nam Tư vốn được chế tạo từ rất lâu trước khi bản thân cái tên của công nghệ đó xuất hiện bắn hạ. 
Xe tăng К2 của Hàn Quốc
Dĩ nhiên, những mẫu vũ khí trang bị mới và việc sử dụng khôn khéo chúng trong chiến đấu đang làm thay đổi tính chất đấu tranh vũ trang.

Chẳng hạn, đã xuất hiện khả năng thực hiện các đòn tấn công hỏa lực khá chính xác và hiệu quả khi ở cách xa mục tiêu nhiều trăm, thậm chí hàng ngàn kilomet. Nhưng gọi phương thức đấu tranh vũ trang đó là chiến tranh phi tiếp xúc là sai lầm.

Dù là việc tác động đến các mục tiêu đối phương thực hiện ở khoảng cách nào và bằng những phương tiện nào (kể cả các phương tiện điện từ), thì sự tiếp xúc dẫu sao vẫn tồn tại.

Hơn nữa, phương thức đấu tranh vũ trang đó có thể thực hiện với những mục đích khác nhau, ngoài mục đích chủ yếu khi tiến hành chiến tranh hay xung đột vũ trang là chiếm đóng lãnh thổ đối phương và thực hiện kiểm soát lãnh thổ đó. Mục đích này chỉ có thể thực hiện được một khi người lính bộ binh đặt chân lên lãnh thổ đó và trong khi đó vẫn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tất cả các vũ khí trang bị còn lại, trong đó có xe tăng, pháo tự hành, tàu sân bay, máy bay và nói chung là tất cả, từ chiếc lưỡi lê cho đến tên lửa đường đạn xuyên lục địa với hình thức bố trí bất kỳ, cũng chỉ phục vụ để cho người lính bộ binh làm được việc đó.

Phân tích các cuộc xung đột quân sự trong hai thập kỷ qua là sự khẳng định rõ ràng cho điều đó. Sau khi chế áp hệ thống phòng không và không kích các cụm lực lượng chủ lực của lục quân đối phương và tiêu diệt (chế áp) chúng, giai đoạn mặt đất của chiến dịch - đánh chiếm lãnh thổ đối phương - bắt đầu. Giai đoạn này đơn giản là không thể có được nếu không sử dụng tích cực các xe tăng và dĩ nhiên là cả nhiều phương tiện khác nữa. Như vậy, ở giai đoạn quyết định của cuộc đấu tranh vũ trang hiện đại, không hề có sự thay đổi cơ bản nào. Các phương tiện, phương thức, các khoảng thời gian và không gian đang thay đổi. Bộ binh vẫn ở lại trên chiến trường hiện đại, còn xe tăng, cùng với các phương tiện khác, thì yểm trợ cho bộ binh. Quả thực, điều đó chỉ xảy ra khi mà các nhà cầm quân quan tâm đến sinh mạng của binh sĩ dưới quyền mình.

Như vậy, hiện chưa thấy ngày tàn sắp đến của kỷ nguyên xe tăng, ngoại trừ ở một nước đơn lẻ nào đó khi mà do ý chí của một nhà lãnh đạo nào đó, các xe tăng bị loại bỏ rồi đưa vào lò luyện thép. Và vì tất cả còn đang diễn tiến, nên có thể nói về những thay đổi quan điểm đối với các vấn đề chế tạo vũ khí trang bị. Dưới đây phân tích các quá trình này trong ngành chế tạo xe tăng thế giới.

Để xem xét các xu hướng và triển vọng của ngành chế tạo xe tăng thế giới, chúng ta sẽ xem xét các ví dụ của các nước chủ chốt đang phát triển và sản xuất loại vũ khí trang bị này. Các nước từng phát triển xe tăng để sản xuất loạt nhỏ cho nhu cầu của bản thân và theo tài liệu kỹ thuật của các nước sản xuất tăng hàng đầu thế giới, ví dụ như Italia với sự giúp đỡ của các chuyên gia công ty KMW của Đức đã chế tạo xe tăng С1 Ariete theo các bản vẽ tăng Leopard, sẽ không được xem xét.

Ngoài ra, các xu hướng thế giới sẽ được phân tích theo các ví dụ phát triển xe tăng chủ lực (nên gọi là “xe tăng chủ lực” chứ không phải “xe tăng chiến đấu chủ lực” vì xe tăng đương nhiên là xe chiến đấu). Trong tiếng Anh, người ta dùng thuật ngữ “xe tăng chiến đấu chủ lực” (Main battle tank) là vì nghĩa chính của từ “tank” trong tiếng Anh là cái thùng hay cái bể chứa. Còn khái niệm “tank” với tư cách xe chiến đấu xuất hiện khá muộn sau này.  
Xe tăng Leclerc Tropic
Trước hết nói về các xu hướng. Nếu phân tích qua tình hình đang diễn ra trên thế giới trong lĩnh vực chế tạo xe tăng, có thể nói rằng, có 2 xu hướng: xu hướng chính là hiện đại hóa các mẫu tăng đã sản xuất trước đó và hiện có trong trang bị và đang được sản xuất, xu hướng thứ hai ít phổ biến hơn, là phát triển các mẫu tăng chủ lực mới.

Trong thập kỷ qua, các mẫu tăng mới chỉ được nghiên cứu chế tạo ở Nga với mẫu Objekt 195, nhưng do ý chí của một số nhà quân sự, câu chuyện không đến được giai đoạn nhận vào trang bị, và ở ba nước trước đó không có tên trong danh sách các quốc gia sản xuất xe tăng được trọng nể.

Một loại tăng được chế tạo và nhận vào trang bị Hàn Quốc - đó là tăng chủ lực K2 Black Panther (Báo đen). Nhật Bản thì nhận vào trang bị tăng chủ lực Type 10. Loại tăng nội địa đầu tiên xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ là tăng chủ lực Altay, nhưng hiện còn sớm để nói đến nó mặc dù đây là sự kiện quan trọng từ góc độ sự xuất hiện thêm một nước trong danh sách các quốc gia sản xuất xe tăng thế giới.
Tăng chủ lực Type 10 của Nhật Bản
Ở các nước dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo xe tăng, người ta tiến hành hiện đại hóa các mẫu tăng đã sản xuất trước đó. Ví dụ, Mỹ gần 10 năm nay hiện đại hóa tăng M1A1 Abrams lên chuẩn M1A2 SEP V2 (lần hiện đại hóa Abrams thứ 9), ở Đức đang tiếp tục hiện đại hóa tăng chủ lực Leopard 2, nay đã đến chuẩn Leopard 2A7+ và Leopard Revolution (hiện đại hóa các biến thể đời đầu của Leopard 2).

Riêng người Đức đã tiến hành hiện đại hóa Leopard 2 tổng cộng những 32 năm, ít hơn 6 năm so với Nga hiện đại hóa Т-72, còn nếu tính toàn bộ lịch sử hiện đại hóa tăng Leopard thì sẽ là gần nửa thế kỷ.

Bởi vậy, những phát biểu của một vài quan chức quân sự Nga với những ngôi sao to trên cầu vai rằng, người Đức đang chế tạo các xe tăng mới, còn Nga vẫn mê mải hiện đại hóa Т-72 chẳng qua chỉ là làm dáng trước các nhà báo và là bằng chứng cho thấy hiểu biết kém cỏi của họ.

Pháp đã nâng cấp tăng Leclerc lên chuẩn Leclerc S21, còn Ukraine đang hiện đại hóa T-80UD lên chuẩn Т-84 Oplot, Israel thì đã hiện đại hóa Merkava lên chuẩn Mk 4...

Có mấy nguyên nhân để giải thích cho tình hình đó. Với tất cả sự cám dỗ đi theo con đường chế tạo xe tăng mới, khi mà cuối cùng đạt được việc nâng cao đáng kể các tính năng chiến đấu của xe tăng, con đường nay không phải luôn được các khách hàng ưa chuộng, bởi lẽ điều đó đòi hỏi mất nhiều phí tổn, thời gian và tiền bạc. Cần lưu ý rằng, “khách hàng” ở đây đích thị là những người làm việc đặt hàng, chứ không phải lúc nào cũng là những người đang khai thác hay đang sử dụng chiến đấu vũ khí trang bị.

Việc nghiên cứu chế tạo các xe tăng mới có sự “phanh hãm” nào đó được giải thích là do chiến tranh lạnh kết thúc và tâm lý hòa bình chủ nghĩa do không có nguy cơ chiến tranh, hoặc sự không cần thiết của xe tăng nói chung. Việc không có những dự án phát triển mới và thông tin về chúng lại càng không khuyến khích các khách hàng tài trợ cho các dự án phát triển xe tăng tương lai. Có lẽ điều đó phần nào lý giải việc Nga dừng việc hoàn thiện tăng chủ lực mới Objekt 195, khi mà xe tăng này hầu như vượt qua mọi thử nghiệm.

Khi tiến hành nâng cấp xe tăng, người ta có cơ hội trong một thời gian tương đối ngắn và với chi phí không lớn nâng cao được hiệu quả chiến đấu của xe tăng và làm cho chúng phù hợp với những yêu cầu ngày càng nâng cao.

Con đường này thường được coi là tốt hơn với cả các khách hàng, và thậm chí đối với cả các hãng thiết kế, bởi lẽ hiện đại hóa, về bản chất, là một quá trình liên tục tiến hành các biện pháp thiết kế và công nghệ nhằm nâng cao các tính năng chiến đấu của xe tăng và kéo dài vòng đời của chúng.

Cũng có khi các hãng thiết kế cố tình “găm giữ lại” một phần các biện pháp đó khi bàn giao xe tăng mới cho khách hàng để sau đó trong thời gian rất ngắn họ lại tiến hành hiện đại hóa cho khách hàng để kiếm tiền.

Các nhà thiết kế tăng Mỹ M1 Abrams đã hành động đúng như thế, khi họ chuyển giao cho quân đội Mỹ xe tăng này trang bị pháo nòng rãnh 105 mm mà họ thừa biết là Đức có loại pháo nòng trơn 120 mm mới, và họ đã nghiên cứu thiết kế tăng Abrams với pháo này. Nhưng họ đã quyết định chờ 7 năm…

Hơn nữa, việc có tiềm năng hiện đại hóa, tức là có các điều kiện để sau đó hoàn thiện về chất các tính năng chiến đấu của xe tăng, là một trong những điều kiện chỉ yếu khi đưa xe tăng vào trang bị trên toàn thế giới.

Vậy, trong tương lai gần, xe tăng có thể được phát triển theo những hướng nào? Có thể chờ đợi điều gì từ loại vũ khí trang bị không thể thay thế trên bất kỳ chiến trường nào này? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phải hiểu xe tăng sẽ phải đảm nhiệm những nhiệm vụ nào và trong các điều kiện nào.
Xe tăng Merkava Mk4
Các nhiệm vụ dành cho xe tăng vẫn như vậy giống như 60, 30 hay 20 năm trước - đó là bảo đảm cho bộ binh hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm lãnh thổ do đối phương nắm giữ, hay ngược lại, không để đối phương chiếm lĩnh lãnh thổ mà bộ binh ta đang nắm giữ. Nếu không thì đó sẽ không phải là xe tăng mà có thể là cái gì cũng được - xe tiêm kích diệt tăng, “phương tiện chống bắn tỉa”, hệ thống tên lửa đa nhiệm...

Để xe tăng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xe tăng phải tác chiến hiệu quả với tất cả những gì cản trở bộ binh, mà cụ thể là với xe tăng và các xe chiến đấu và không chiến đấu bọc thép, cũng như không bọc thép của đối phương, tiêu diệt các phương tiện hỏa lực của đối phương, các công trình và hỏa điểm kiên cố, các khẩu đội súng máy, pháo cối, súng phóng lựu, súng phun lửa và cuối cùng là xạ thủ bắn tỉa.

Cần lưu ý là tác chiến tăng đấu tăng với xe tăng đối phương cần coi là ngoại lệ, khi mà trong tình huống chiến đấu không còn các phương tiện khác để vô hiệu hóa các xe thiết giáp của địch. Xe tăng trong mọi tình huống không được biến thành xe tiêm kích diệt tăng và trong suốt cả trận đánh chỉ làm việc phát hiện và tiêu diệt xe tăng địch. Đó là vì đã có các phân đội chống tăng chuyên biệt làm việc đó.

Tuy nhiên, nhiều người tự xưng là chuyên gia hay cố xem xét xe tăng trên chiến trường hiện đại như tự thân nó. Và họ bắt đầu đối lập xe tăng với vũ khí chính xác cao, lúc thì với trực thăng chiến đấu, lúc thì với các hệ thống rocket phóng loạt bắn đạn con tự dẫn, hoặc với cái gì đó nữa. Có lẽ họ chỉ không cho xe tăng đối chọi với tàu sân bay và tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa.

Cần hiểu rõ rằng, xe tăng trên chiến trường là một thành tố của hệ thống vũ khí, trong đó có cả vũ khí chính xác cao. Xe tăng là một phần tử của một trong các thành tố trong đội hình chiến đấu, bất kể trận chiến nào được tiến hành - dù đó là chiến dịch tiến công diện, hay đó là chiến dịch tiêu diệt một tay súng bắn tỉa khủng bố đang núp trên mái nhà.

Hiệu quả chiến đấu cao của xe tăng trên chiến trường được bảo đảm bởi những thông số của các tính năng chiến đấu chủ yếu của nó. Trên thực tế, trình độ chuyên nghiệp của kíp xe, việc đưa ra quyết định đúng đắn và tổ chức hiệp đồng tốt, mạch lạc của người chỉ huy giữ vai trò không kém, mà có thể là vai trò lớn hơn để bảo đảm hiệu quả chiến đấu cao. Nhưng khi xem xét tiếp tục, chúng ta sẽ tạm coi là mọi thứ đều ổn với việc đó.

Hiện nay, tất cả các xe tăng được dánh giá theo 4 tính năng chiến đấu chính: sức mạnh hỏa lực, khả năng bảo vệ, sức cơ động và khả năng chỉ huy-điều khiển. Đồng thời, cần hiểu rằng, chỉ có sự kết hợp tối ưu tất cả các tính năng này mới bảo đảm sức sống cho xe tăng. Lịch sử đã biết không ít trường hợp, khi mà các xe tăng với sức mạnh hỏa lực hùng hậu và khả năng bảo vệ cao, nhưng lại thiếu sức cơ động, đã thua kém các xe tăng cơ động hơn, có vũ khí và khả năng bảo vệ yếu hơn.

Chính việc hoàn thiện các tính năng chiến đấu chủ yếu và tạo ra sự kết hợp tối ưu các tính năng này là xu hướng phát triển tiếp theo của tăng chủ lực, dù là nghiên cứu chế tạo xe tăng mới hay hiện đại hóa các mẫu tăng đã sản xuất trước đó.
Hiện nay, trên phần lớn các mẫu tăng chủ lực hiện đại sử dụng pháo nòng trơn 120 và 125 mm. Ngoại lệ chỉ có các xe tăng Challenger I và II của Anh, Arjun của Ấn Độ là lắp pháo nòng rãnh 120 mm.
Xe tăng chủ lực Leclerc của Pháp

Việc chuyển sang dùng pháo nòng trơn diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XX diễn ra là do khi đó việc nâng khả năng xuyên giáp dưới cỡ cho đạn pháo tăng nòng rãnh đã đến đến giới hạn. Pháo tăng nòng trơn cho phép nâng cao đáng kể động năng của quả đạn, qua đó nâng cao khả năng xuyên giáp, trong khi nòng pháo có độ bền cao.

Song không có cái lợi nào không có cái hại - pháo nòng trơn thua kém pháo nòng rãnh về độ chính xác và từ đó là về tầm bắn ngắm. Điều đó cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện trên các xe tăng các hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân.
Xe tăng Leopard 2А7+
Việc nâng cao sức mạnh hỏa lực xe tăng trong tương lai gần có thể được thực hiện bằng cách hoàn thiện bản thân các loại pháo mà không tăng cỡ nòng của chúng, cũng như hoàn thiện uy lực xuyên phá của các loại đạn.

Việc hoàn thiện thiết kế pháo đi theo hướng cải thiện chất lượng thép chế tạo nòng pháo nhằm nâng cao áp suất khí thuốc trong buồng đạn và trong nòng khi bắn, cũng theo hướng giảm độ rơ, mômen, nung nóng không đều và các tác động khác đối với nòng pháo, tức là đối với độ chính xác bắn. Người ta đang tìm kiếm xác định chiều dài nòng tối ưu, bảo đảm độ chính xác bắn cao, và sơ tốc đạn cao nhất có thể cho đạn pháo.

Trong tương lai, sức mạnh hỏa lực xe tăng có thể được nâng cao bằng cách tăng cỡ nòng pháo. Các nhà chế tạo vũ khí của công ty RUAG (Thụy Sĩ) đã chế tạo được pháo tăng nòng trơn cỡ 140 mm. Tính năng của pháo mới không được tiết lộ, tuy nhiên chính RUAG đã nghiên cứu khả năng lắp pháo mới cho khoang chiến đấu xe tăng Leopard 2A4. Mỹ đang tiến hành phát triển pháo tăng nòng trơn mới 2 cỡ 120/140 mm XM291.

Ở Nga, đa số các chuyên gia nhất trí giữ pháo tăng ở cỡ 125 mm, nhưng với chiều dài nòng lớn hơn và khả năng sử dụng đạn xuyên giáp dưới cỡ với lõi xuyên giáp dài hơn. Nga cũng đã phát triển và thử nghiệm pháo tăng nòng trơn cỡ nòng lớn hơn. Nhưng việc tăng cỡ nòng pháo tăng lên 140 mm dẫn tới cơ số đạn pháo chở theo trên xe tăng giảm gần như 2 lần. Đây chính là yếu tố hiện cản trở việc sử dụng pháo tăng cỡ nòng lớn hơn.

Trong tương lai xa, người ta có thể sử dụng cho xe tăng các loại pháo điện từ mà nước ngoài đang tích cực phát triển. Việc sử dụng các pháo này sẽ cho phép nâng cao khả năng xuyên giáp của đạn xuyên giáp động năng nhờ có sơ tốc cao hơn, cũng như nâng cao đột biến khả năng sống còn của xe tăng do trong cơ số đạn của xe tăng không còn các liều phóng dùng cho các phát bắn vốn có nguy cơ cháy nổ cao. Các quả đạn được phóng đi từ các loại pháo đó có thể đạt sơ tốc đến 4.000-5.000 m/s, điều đó sẽ cho phép đạn giành thắng lợi thuyết phục trong cuộc đấu tranh muôn thuở giữa vỏ giáp và đạn pháo.

Vấn đề chủ yếu mà các nhà khoa học hiện phải giải quyết để lắp pháo điện từ lên xe tăng là vấn đề phát và duy trì trong không gian xe tăng một lượng điện năng cần thiết. Hiện nay, các hệ thống pháo điện từ đòi hỏi lắp bộ tích năng có trọng lượng hơn 10 tấn, còn trọng lượng các acquy có thể lớn hơn đáng kể trọng lượng của cả xe tăng.

Về đạn, có thể nói rằng, chúng được hoàn thiện liên tục để tăng uy lực. Ngoài ra, người ta cũng đang phát triển các loại đạn mới.

Để nâng cao tính năng của các loại đạn động năng (đạn xuyên giáp dưới cỡ chính là loại đạn này), người ta đang nghiên cứu tìm kiếm các vật liệu mới bằng hợp kim wolfram để sản xuất các lõi xuyên đồng nhất đơn khối không có vỏ thép. Việc sử dụng vật liệu như Uranium nghèo làm lõi xuyên không được phổ biến rộng rãi, trừ Mỹ và Nga.

Kinh nghiêm sử dụng các loại đạn này trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 cho thấy rằng, chúng không an toàn cho sức khỏe các kíp xe, nhất là sau khi xe tăng trúng đạn pháo địch, kể cả khi vỏ giáp không bị xuyên thủng, cũng như đối với môi trường xung quanh sau khi sử dụng đạn theo đúng chức năng. Hơn nữa, Việc tạo ra xung điện từ nhất định tại khu vực có xe tăng với các loại đạn này làm cho Uranium nghèo “phát quang”, và khi đó từ các vệ tinh, bằng cách khí tài đặc biệt sẽ có thể xác định được tọa độ không chỉ của từng xe tăng, mà cả từng quả đợn đơn lẻ. Những hiện tượng đó đã được ghi nhận sau thảm hỏa Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl và sau chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq.
Xe tăng Т-84 Oplot của Ukraine
Việc nâng cao khả năng xuyên giáp của đạn xuyên dưới cỡ cũng được tiến hành bằng cách tăng sơ tốc đạn (nhờ sử dụng các loại thuốc phóng mạnh mới, cải tiến cấu trúc nòng pháo), kéo dài lõi xuyên trong khi giảm nhỏ đường kính của nó.

Việc vũ khí chống tăng cận chiến, hạng nhẹ, hiệu quả cao xuất hiện dày đặc hơn trên chiến trường hiện đại đã buộc các nhà thiết kế phương Tây bắt tay nghiên cứu chế tạo các loại đạn pháo tăng hiệu quả cao để chống sinh lực đối phương. Trước đây, phương Tây dùng các loại đạn lõm-tạo mảnh cho mục đích này, song hiệu quả thực tế của chúng không cao. Vì thế, mới đây, người ta đã bổ sung vào thành phần cơ số đạn của các xe tăng Abrams, Merkava, Leclerc các phát bắn đạn bi (Shrapnel) 120 mm. Các loại đạn này cho phép tạo ra vùng sát thương sinh lực địch ở các cự ly đến 500 m và rộng đến 50 m.

Các loại đạn phá-mảnh và tạo mảnh kích nổ từ xa trên đường bay đang được tích cực đưa vào thành phần cơ số đạn của xe tăng và xu hướng này nhìn chung sẽ vẫn duy trì. Cách tiếp cận này bảo đảm hiệu quả sát thương cao đối với sinh lực địch ngoài công sự, kể cả ở sau sườn dốc điểm cao, sau những vật cản tự nhiên hay nhân tạo, sau các cánh rừng, tòa nhà..., cũng như khi cần thì cho phép tác chiến chống trực thăng địch bay treo.

Chỉ mới đây đã có tin nói rằng, Israel đang thử nghiệm loại đạn pháo tăng mới dùng để chống sinh lực địch cả ở ngoài công sự, lẫn trong công sự, sau các bức tường đá, trong các tòa nhà... Ngòi nổ của đạn có một số chế độ kích nổ tùy thuộc vào việc đối phương đang ở sau vật cản nào, hay sinh lực đang ở ngoài công sự.

Về nguyên lý hoạt động, đạn của Israel tương tự phát bắn của Nga với đạn phản lực MRG sử dụng một lần. Tức là khi va chạm, chẳng hạn, với bức tường, ngòi nổ kích nổ trước tiên lượng nổ lõm để xuyên thủng vật cản, sau đó phần còn lại của đạn xuyên qua bức tường và ở đó lượng nổ chính phá-mảnh được kích nổ. 
Đạn bi sát thương (Shrapnel) М1028 của Mỹ dành cho pháo tăng 120 mm
Việc hoàn thiện các phát bắn đạn lõm cũng vẫn tiếp tục. Ở phương Tây, những công việc này quả thực được tiến hành hành không với nhịp độ như với các loại đạn động năng. Ở Nga, việc tìm cách nâng cao uy lực đạn lõm cho pháo tăng được tiến hành theo hướng lựa chọn các vật liệu mới và hình dáng hình học làm phễu, lựa chọn các chất nổ tối ưu và thuật toán làm việc cho ngòi nổ. Tổ hợp lại, các biện pháp này có thể tăng đến 20% khả năng xuyên giáp của đạn lõm pháo tăng.

Phạm vi địa lý sử dụng vũ khí có điều khiển (sử dụng các phát bắn với tên lửa có điều khiển) trong thành phần vũ khí trên tăng đang mở rộng. Ngoài Nga và Ukraine vốn sử dụng các hệ thống vũ khí có điều khiển trên xe tăng tổng cộng đã 35 năm, nay có thêm Israel. Nhờ sự trợ giúp của các cựu công dân Liên Xô, Israel đã chế tạo được hệ thống vũ khí điều khiển cho các xe tăng Merkava Mk 3 và Mk 4. Một hệ thống tương tự đang được Ấn Độ nghiên cứu chế tạo dành cho tăng Arjun Mk 2, với sự trợ giúp của Israel.

Tuy nhiên, nếu như ban đầu, các hệ thống vũ khí điều khiển trên xe tăng chỉ sử dụng các tên lửa mang phần chiến đấu xuyên lõm, thì nay Nga đã phát triển và sản xuất ở thành phố Kovrov các phát bắn với tên lửa có điều khiển mang phần chiến đấu phá-mảnh, trong đó có loại chứa các mảnh sát thương tiền chế và uy lực mạnh.

Một tên lửa 9М119F1 kiểu này có uy lực mạnh hơn quả đạn pháo phá-mảnh 155 mm, tuy nhiên ở cự ly đến 2,5 km, tên lửa này ngay từ phát đạn đầu có thể dễ dàng bắn trúng vào lỗ châu mai.

Thành phần vũ khí bổ trợ của xe tăng cũng có thể thay đổi. Sắp tới, người ta dự định lắp cho một số loại xe tăng các pháo tự động điều khiển từ xa cỡ 20-30 mm làm vũ khí bổ trợ. Theo các nhà thiết kế, vũ khí này sẽ nâng cao khả năng tác chiến chống xe bọc thép nhẹ, sinh lực ở trên các tầng thượng, hay trên các điểm cao khống chế, cũng như khi cần là chống trực thăng, máy bay và máy bay không người lái (UAV) bay thấp.

Xe tăng chủ lực cũng sẽ được lắp các ụ súng máy 7,62 hay 12,7 mm điều khiển từ xa. Liên Xô đã bắt đầu sử dụng các ụ súng máy như vậy trên xe tăng vào năm 1973. Nay phương Tây cũng làm như vậy. Một trong những khác biệt cơ bản của tăng Đức Leopard 2A7+ so với các mẫu trước đó chính là có ụ súng máy 12,7 mm như thế. Việc điều khiển ụ súng máy được thực hiện từ vị trí pháo thủ nạp đạn.
Ụ súng máy điều khiển từ xa trên tăng Leopard 2А7+.
Việc tăng cường sức mạnh hỏa lực của xe tăng được thực hiện với nhịp độ cao nhất theo hướng hoàn thiện hệ thống điều khiển hỏa lực của xe, bởi vì hệ thống này ngày nay có ảnh hưởng lớn nhất đến việc nâng cao hiệu quả bắn của xe tăng. 

Xe tăng hiện đại được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa, bao gồm các tổ hợp quan sát-ngắm bắn hỗn hợp, quang-điện tử với trường nhìn các máy ngắm được ổn định, thiết bị ổn định vũ khí hai mặt phẳng, máy đo xa laser, thiết bị tự động bám mục tiêu, máy tính đường đạn kỹ thuật số và các loại sensor đo các điều kiện bắn, cho phép tính toán khá khách quan và nhanh chóng sự khác biệt các điều kiện bắn so với các điều kiện chuẩn trong bảng bắn.

Xu hướng chính phát triển các hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa của xe tăng là áp dụng những cải tiến cho phép giảm thời gian thực hiện nhiệm vụ bắn, nhất là trong điều kiện tầm nhìn hạn chế và ban đêm. Thời gian thực hiện nhiệm vụ bắn được hiểu là thời gian cần cho phát hiện, nhận dạng, chuẩn bị các phần tử ban đầu để thực hiện phát bắn, ngắm, thực hiện phát bắn, đánh giá kết quả bắn cho đến khi tiêu diệt mục tiêu. 

Một trong nhiệm vụ quan trọng nhất ở giai đoạn hiện nay mà các công trình sư đang cố giải quyết là trang bị hệ thống nhận dạng địch-ta cho hệ thống điều khiển hỏa lực. Theo thông tin của quân đội Mỹ, trong quá trình chiến dịch Bão táp sa mạc, 90% số xe tăng-thiết giáp bị tổn thất là do “hỏa lực quân nhà”. 
Tên lửa có điều khiển 9М119F1 với đầu đạn phá-mảnh
Nhằm nâng cao khả năng trinh sát, sắp tới, các xe tăng sẽ được trang bị không đơn thuần là các tổ hợp quan sát-ngắm bắn hỗn hợp toàn cảnh mà là các tổ hợp gắn trên giá thò thụt. Hoàn toàn có thể là các trạm radar và khí tài ảnh nhiệt sẽ được bổ sung vào tổ hợp các khí tài quan sát quang-điện tử (khí tài quang, máy đo xa laser, khí tài ảnh nhiệt và thiết bị truyền hình).

Thị kính của các máy ngắm quang trên nhiều xe tăng hiện đại được thay bằng màn hình sensor màu, tinh thể lỏng, trên đó sẽ hiển thị không chỉ hình ảnh trường nhìn của máy ngắm và nhiều thông tin cần thiết khác, mà cả hình ảnh toàn cảnh vòng tròn rộng lớn. Khái niệm này được áp dụng ở tăng Leopard 2A4 cải tiến là MBT Revolution. Trên màn hình của pháo thủ có thể nhìn thấy đầy đủ toàn bộ bức tranh tình huống quanh xe tăng. Chỉ gí ngón tay vào vị trí cần thiết trên bức tranh tình huống là tháp pháo tự động quay về hướng đó và có thể xem xét chi tiết đáng quan tâm thông qua máy ngắm, còn khi cần thì có thể thực hiện nhanh phát bắn ngắm bằng pháo hay vũ khí bổ trợ.
Bảng điều khiển ụ súng máy phòng không của tăng Leopard Revolution
Trong tương lai, người ta dự định trang bị trí tuệ nhân tạo cho các hệ thống điều khiển hỏa lực xe tăng, cho phép tự động phát hiện và lọc mục tiêu, xác định các mục tiêu nguy hiểm nhất trong số đó. 

Hiện nay, trên nhiều mẫu tăng hiện đại hiện nay, hệ thống điều khiển hỏa lực đã được tích hợp với hệ thống thông tin-điều khiển trên xe và hệ thống điều khiển tự động hóa, được liên kết với hệ thống điều khiển tự động hóa cấp chiến thuật. Điều tương tự đã được Pháp áp dụng ở xe tăng Leclerc Tropic chế tạo theo đơn đặt hàng của quân đội Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, và Leclerc S21.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của các xe tăng tương lai sẽ được trang bị hệ thống thu-phát thông tin chỉ thị mục tiêu, cũng như nhận thông tin trinh sát từ các phương tiện trinh sát khác nhau, kể cả từ UAV và các robot mặt đất.
Nhằm nâng cao khả năng hoạt  động nhanh của các hệ thống vũ khí trên tăng, chúng sẽ được trang bị hệ thống nạp đạn tự động. 

Hiện nay, được trang bị máy nạp đạn tự động là tất cả các xe tăng Nga và Ukraine sản xuất sau năm 1973, tăng Leclerc của Pháp, Type-96, Type-98 và Type-99 (sao chép tăng Liên Xô Т-72) của Trung Quốc, K-2 Black Panther của Hàn Quốc, cũng như tăng Falcon (mẫu hiện đại hóa sâu của xe tăng Anh Challenger I do công ty KADDB của Jordanie phát triển) và Al Hussein (Challenger I cải tiến) của Jordanie. 
Khả năng bảo vệ
T-90MS của Nga
Nếu như vài chục năm trước về mặt bảo đảm khả năng bảo vệ cao cho xe tăng, người ta đã xem xét các phương án bảo vệ chống vũ khí hủy diệt lớn, pháo tăng và pháo chống tăng, tên lửa chống tăng có điều khiển và súng phóng lựu chống tăng cá nhân mang đầu đạn xuyên lõm đơn giản, thì hiện nay và trong tương lai, cần bổ sung vào các mối đe dọa này nhiều nguy cơ khác xuất hiện do sự ra đời của các vũ khí chống tăng hiện đại. Tuy nhiên, cần nhắc lại là không thể chế tạo được một loại xe tăng được bảo vệ tuyệt đối. Tất cả các nỗ lực như thế đều đã kết thúc thất bại.

Các quan điểm hiện đại đối với việc nâng cao khả năng bảo vệ của xe tăng được vận dụng theo những hướng sau đây: giảm xác suất phát hiện xe tăng, giảm xác suất xe tăng bị bắn trúng và nâng cao độ vững chắc của nó trước tác động của đạn pháo và các vũ khí khác bắn vào.

Các hướng này này đang và sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng kết cấu hợp lý, tạo dáng thấp, vỏ giáp khác biệt hợp lý có sử dụng các kết cấu giáp nhiều lớp dùng gốm và các vật liệu mới, giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ tích cực, các hệ thống và phương tiện giảm độ bộc lộ ở tất cả các dải tần, các hệ thống phòng vệ tập thể hiệu quả cao, tác động nhanh và các hệ thống dập lửa.

Do xu hướng giảm xác suất sử dụng vũ khí hủy diệt lớn trong các cuộc xung đột vũ trang, trong những năm gần đây, người ta rất chú ý nâng cao khả năng bảo vệ cho xe tăng chủ lực về mặt đối phó với các vũ khí thông thường.

Nếu như xem xét các hướng nâng cao khả năng bảo vệ xe tăng kể trên, thì trong những năm gần đây, người ta không làm được gì nhiều về giảm khả năng phát hiện xe tăng trên chiến trường. Nguyên là là do sự phát triển và ra đời của các khí tài phát hiện xe tăng mới. Về mặt này, đóng vai trò quan trọng là việc ứng dụng tổ hợp các phương tiện ngụy trang, bởi lẽ cần làm giảm độ bộc lộ ở toàn bộ dải bức xạ (quang học, nhiệt, âm thanh, radar…).

Để làm việc đó, người ta sử dụng các loại sơn ngụy trang đặc biệt, các lớp phủ hấp thụ radar, các lớp phủ cách nhiệt… Các công trình sư Nga đạt được những tựu lớn nhất trên hướng này khi phát triển được bộ ngụy trang đặc chủng Nakidka, cho phép giảm hàng chục lần xác suất phát hiện xe tăng ở dải sóng radar. Xác suất phát hiện xe tăng ở các dải hồng ngoại và quang học cũng giảm đi nhiều lần. Có lẽ, ở nước ngoài, người ta cũng đang nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu tương tự. Từ Mỹ đã có những đề xuất với Nga bán công nghệ sản xuất loại vật liệu này và tất cả quyền sản xuất vật liệu.

Việc giảm xác suất đạn bắn trúng xe tăng sẽ được bảo đảm bằng cách hoàn thiện kết cấu xe tăng với việc hạ thấp dáng xe, sử dụng các hệ thống hay tổ hợp phòng vệ tích cực, các hệ thống phát hiện bức xạ laser và tạo màn xon khí, sơn ngụy trang làm biến dạng xe.

Để nâng cao độ vững chắc của xe tăng trước tác động của đạn pháo và vũ khí chống tăng khác bắn trúng, người ta sẽ hoàn thiện vỏ giáp và giáp phản ứng nổ của xe tăng, lựa chọn kết cấu tối ưu cho xe, hoàn thiện các hệ thống phòng vệ tập thể và các hệ thống dập lửa.

Vỏ giáp bảo vệ trước hết được hoàn thiện theo hướng tăng cường phần hình chiếu đầu xe của xe tăng. Trong tương lai sắp tới, phần hình chiếu đầu xe tăng có thể có khả năng bảo vệ tin cậy chống sự xuyên phá đạn xuyên giáp dưới của pháo tăng và pháo chống tăng cỡ 140 mm hay lớn hơn một chút, cũng như của các tên lửa chống tăng có điều khiển uy lực mạnh tối tân nhất. Điều đó sẽ đạt được bằng cách tăng góc nghiêng của các phần tử giáp, tăng đôi chút độ dày của chúng, sử dụng các loại thép vỏ giáp mới và các vật liệu độn mới kết hợp với sử dụng giáp phản ứng nổ thế hệ mới hoạt động theo các nguyên lý khác.

Các hình chiếu bên sườn sẽ có khả năng chịu được tên lửa chống tăng mang vác hạng nhẹ, đạn rocket của súng phóng lựu chống tăng các nhân bắn vào. Điều đó đang và sẽ được thực hiện trong tương lai bằng cách sử dụng giáp phản ứng nổ, các tấm chắn sườn xe chống đạn lõm dạng vải cao su, dạng lưới và các loại tấm chắn khác.

Ví dụ, trên các xe tăng T-72BА và Т-90А đang sử dụng các tấm chắn sườn xe bằng vải cao su với các phần tử giáp phản ứng nổ treo bên trên.

Trên xe tăng M1A2 SEP của Mỹ và Leclerc của Pháp cũng đang sử dụng các tấm giáp chắn ở sườn xe. Ngoài ra, trên các xe tăng Leclerc, các bộ phận phía trước của các tấm chắn có 2 lớp giáp dày gần 20 mm lắp cách nhau khoảng 100 mm. Trên các xe tăng Mỹ, độ dày các tấm chắn sườn xe như vậy cũng trong khoảng 20 mm, nhưng kinh nghiệm chiến tranh ở Iraq cho thấy, các tấm chắn do Mỹ sản xuất không có khả năng bảo vệ xe chống đạn RPG-7 (B-41) sản xuất cách đây 30-40 năm bắn vào.

Nóc tháp xe và mặt trên thân các xe tăng tiên tiến phải chống được các đạn xuyên lõm và đạn con có lõi tạo hình của các hệ thống vũ khí chính xác cao, đạn xuyên giáp của pháo hàng không tự động cỡ đến 30 mm. Hiện nay, trên tất cả các xe tăng Nga và Ukraine (cũng như trên tăng của Trung Quốc và Pakistan), nóc tháp pháo có khả năng bảo vệ đó. Khác với các xe tăng vốn có vỏ giáp quá nặng của phương Tây nên không còn khả năng tăng độ dày vỏ giáp nóc tháp xe quá 30 mm, trên các xe tăng Nga (T-72B, Т-90А, T-80U) và Ukraine (T-80UD, Т-84), độ dày vỏ giáp tháp xe là 65 mm, ngoài ra trên đó còn được lắp các phần tử giáp phản ứng nổ có khả năng đối phó rất hiệu quả với tác động của lõi xuyên tạo hình.

Một trong các hướng nâng cao khả năng bảo vệ xe tăng là trang bị cho chúng các hệ thống hay tổ hợp phòng vệ tích cực. Các hệ thống đó cho phép tiêu diệt đạn chống tăng đang trên đường bay tiếp cận xe tăng. Hiện nay, các hệ thống phòng vệ tích cực có ở Nga (Drozd và Arena) và Israel (Trophy và Bright Arrows). Trong tương lai, các hệ thống này sẽ được hoàn thiện theo hướng tăng chủng loại đạn có thể đánh chặn, giảm “vùng chết” (hệ thống Trophy có khả năng đánh chặn đạn rocket chống tăng bắn từ cự ly không dưới 200 m), tăng khả năng tác động nhanh và giảm các tham số kích thước/trọng lượng.

Để nâng cao khả năng bảo vệ của các mẫu tăng đã sản xuất trước đây, trong quá trình hiện đại hóa chúng, người ta lắp thêm các tấm giáp bổ sung. Trong một số trường hợp, giữa vỏ giáp chính và vỏ giáp bổ sung, người ta để một khoảng cách đáng kể hoặc bố trí chất độn đặc biệt. Sơ đồ này được áp dụng trên các xe tăng Leopard 2A5, 2A6, 2A7+, trên xe tăng M60 do công ty Teledyne tự đầu tư hiện đại hóa. Thực ra, giải pháp này làm cho phần mũi xe tăng nặng thêm, dẫn tới trọng tâm của xe tăng bị dịch chuyển về phía mũi và hậu quả là làm giảm tốc độ trung bình trên địa hình chia hắt và làm hư hỏng các bộ phận treo phía trước.

Hoàn thiện kết cấu xe tăng cũng được coi là một hướng có triển vọng nhằm nâng cao khả năng bảo vệ của xe tăng. Người ta đang có những nỗ lực bố trí những hệ thống và tổng thành quan trọng sống còn của xe tăng sao cho giảm được xác suất cả xe bị loại khỏi vòng chiến thậm chí khi chỉ bị đạn xuyên thủng vỏ giáp xe. Chẳng hạn, một phần cơ số đạn được cách ly bằng các vách giáp ngăn, còn nhiên liệu được chứa trong các thùng được bảo vệ, ở bên rìa không gian bên trong. Đôi khi trái lại, như trên tăng Merkava của Israel, nhiên liệu được bố trí giữa các tấm giáp đầu xe nhằm giảm hiệu quả của luồng xuyên lõm. Trong tương lai, có thể có các phương án chế tạo xe tăng với động cơ bố trí ở phía đầu xe, kíp xe bố trí trong cáp-xun bọc giáp, sử dụng tháp biên dạng thấp, không có người ngồi… Người ta cũng rất chú ý làm hạ thấp dáng xe tăng.
Hiện nay, đa số xe tăng hiện đại được trang bị các hệ thống phát hiện bức xạ laser và tự động tạo màn xon khí. Ở Nga và Ukraine, ngoài các hệ thống này, các xe tăng (Т-90, Т-90А, Т-84, T-80UК) còn được trang bị hệ thống chế áp quang-điện tử Shtora-1 để đối phó tích cực với các vũ khí chống tăng hiện đại nhất.

Hệ thống chế áp quang-điện tử cho phép bảo vệ xe tăng khỏi bị tiêu diệt bởi tên lửa chống tăng có điều khiển và gây nhiễu đối với các vũ khí chống tăng có trang bị máy đo xa laser và hệ dẫn đạn bằng laser.

Trong tương lai, các hệ thống này sẽ được hoàn thiện theo hướng mở rộng chủng loại các hệ thống điều khiển đạn chống tăng có thể đối phó, thời gian đối phó và khả năng tác động nhanh của hệ thống.
Các hệ thống phòng vệ tập thể và dập lửa sẽ được hoàn thiện theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng tác động nhanh và giảm thể tích chiếm dụng trong không gian bọc giáp của xe tăng.

Đồng thời, các biện pháp nâng cao khả năng bảo vệ của xe tăng mà không thay đổi lớn kết cấu xe thường tất yếu làm tăng trọng lượng chiến đấu của xe. Bởi vậy, các vấn đề nâng cao khả năng bảo vệ thường liên quan không thể tách rời với việc thực hiện các yêu cầu về khả năng cơ động của xe tăng.

Khả năng cơ động
Trong ngành chế tạo xe tăng hiện đại, có thể thấy xu hướng vững chắc nâng cao tốc độ trung bình của xe tăng trong các điều kiện đường sá khác nhau, cải thiện các phẩm chất động học và cơ động của chúng. Đó là hệ quả của việc tăng công suất riêng bằng cách sử dụng các động cơ hoàn thiện hơn. Nếu phân tích tình hình, có thể nói rằng, công suất động cơ của các xe tăng hiện đại hiện trong khoảng từ 1.000-1.500 mã lực. Đa số các xe tăng hiện đại sử dụng động cơ diesel 4 kỳ có bộ tăng áp kiểu turbine, ở mức độ ít hơn là động cơ turbine khí (Abrams của Mỹ và Т-80 của Nga) và động cơ diesel tăng áp 2 kỳ (T-80UD và Т-84 của Ukraine).

Trong tương lai gần, các xe tăng vẫn sử dụng động cơ diesel và turbine khí. Việc hoàn thiện các bộ phận động lực sẽ đi theo hướng nâng cao công suất và moment quay của chúng. Điều đó trước hết là vì cần bù đắp cho trọng lượng chiến đấu tăng lên của xe và nhu cầu điện năng lớn hơn để bảo đảm hoạt động của tất cả các hệ thống.

Trọng lượng của đa số các mẫu tăng chủ lực phương Tây là trên 60 tấn, ví dụ Abrams M1A2 SEP có trọng lượng chiến đấu 69,4 tấn, Leopard 2A6 - 62,4 tấn. Nhu cầu điện năng của xe tăng hiện đại hiện đã là 35 kW, trong tương lai gần, con số này sẽ lên đến 50 kW. Lối thoái khỏi tình trạng này là sử dụng các động cơ bổ trợ.

Trong tương lai, người ta có thể sử dụng các loại động cơ lai (hybrid) cho xe tăng. Những nghiên cứu về loại động cơ này cho khung gầm xích hiện đang được tiến hành ở Anh trong khuôn khổ chương trình FRES.

Việc nâng cao khả năng cơ động sẽ còn được thực hiện bằng cách lắp bộ truyền lực tự động và hoàn thiện chúng. Trên các xe tăng của nhiều nước như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc đã lắp các bộ truyền động thủy lực tự động. Ở Nga, Ukraine và Trung Quốc, xe tăng vẫn dùng bộ truyền động cơ khí bánh răng hành tinh điều khiển bằng thủy lực.

Trong tương lai gần, các bộ truyền động thủy lực tự động có thể cũng sẽ xuất hiện trên các xe tăng Nga và Ukraine. Chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều khiển xe, giảm mệt nhọc cho lái xe khi thực hiện các hành quân xa, tăng tốc độ trung bình của các đoàn xe, nhưng chi phí sản xuất và khai thác cao, giảm các đặc tính động học của xe, nhất là trên địa hình chia cắt.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất để nâng cao sức cơ động của xe tăng là hoàn thiện hệ thống treo. Đa số các xe tăng chủ lực hiện đại có hệ thống treo xoắn độc lập, nhưng ở một số mẫu đã sử dụng hệ thống treo thủy khí (tăng Arjun của Ấn Độ) hoặc thủy khí có thể điều khiển (K2 Black Panther của Hàn Quốc và Type 10 của Nhật). Chắc chắn, trong tương lai, đa số các nước sẽ sử dụng hệ treo thủy khí có thể điều khiển trong kết cấu tăng chủ lực của mình. Chúng nhỏ gọn hơn, cho phép kết hợp trong một cụm bộ phận đàn hồi và bộ phận giảm chấn, bảo đảm sự tiện lợi về kết cấu và độ êm thuận hành trình cao trên mọi loại địa hình.

Khả năng chỉ huy-điều khiểnKhả năng chỉ huy-điều khiển được đưa vào số những đặc tính chiến đấu chính của xe tăng chỉ mới đây. Nó được đặc trưng bởi khả năng của kíp xe tăng nhận hoặc phát đi thông tin cần thiết cho hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này. Việc nâng cao khả năng chỉ huy-điều khiển chiến đấu của xe tăng được bảo đảm nhờ có các khí tài thông tin được bảo vệ hiện đại, các phương tiện định vị, còn trong những năm gần đây là nhờ cả các hệ thống thông tin-điều khiển chiến đấu và chỉ huy bộ đội tự động hóa ở cấp chỉ huy của mình.

Rõ ràng là trong những năm tới, đa số các xe tăng hiện đại hóa và tất cả các xe tăng mới sẽ được trang bị thông tin-điều khiển chiến đấu được liên kết hay tích hợp vào hệ thống chỉ huy bộ đội tự động hóa. Hiện nay, các hệ thống như vậy đã được lắp cho các tăng chủ lực Abrams M1A2, Leclerc Tropic và Leclerc S21, đang thử nghiệm trên các xe tăng Leopard Revolution và Leopard 2A7+.
Vị trí làm việc của pháo thủ và trưởng xe trên xe tăng hiện đại
Các hệ thống đạo hàng sẽ sử dụng cả hệ định vị vệ tinh GPS hay GLONASS, cũng như vẫn duy trì hệ đạo hàng dự phòng kiểu quán tính, sử dụng con quay phòng khi các vệ tinh bị ngắt.

Các khí tài thông tin liên lạc sẽ là loại số hóa, có khả năng hoạt động ở chế độ bảo mật và chế độ truyền dữ liệu.

Các phương tiện bảo đảm khả năng chỉ huy-điều khiển của xe tăng sẽ được phát triển theo hướng bảo đảm thông tin hiệu quả, hiển thị thông tin tình huống chiến dịch, vị trí, tình trạng của xe tăng (tình trạng cơ số đạn, nhiên liệu, những hỏng hóc phát sinnh và cách thức khắc phục…), các thông tin chỉ thị mục tiêu một cách dễ hiểu, thuận lợi. Các nghiên cứu do các cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nga tiến hành cho thấy, chỉ cần giảm 10-15% chu trình chỉ huy huy là có thể giảm 20-25% tổn thất trong trận đánh tiến công và 10-15% trong tác chiến phòng ngự.
* * *
Đó là các triển vọng phát triển có thể trông đợi trong lĩnh vực chế tạo xe tăng thế giới. Xe tăng sẽ vẫn trụ vững trên chiến trường một thời gian dài nữa bởi lẽ trong tương lai gần ta không thấy cái gì có thể thay thế cho chúng. Một điều nữa cũng không còn phải nghi ngờ là dù các công trình sư có chế tạo xe tăng hoàn thiện đến mấy thì thành công của nó trên chiến trường sẽ phụ thuộc vào những hành động đúng đắn của người chỉ huy, vào sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng và trình độ chuyên nghiệp của kíp xe. Không có cái đó thì bất kỳ xe tăng hoàn thiện nhất nào cũng chỉ là đống sắt vụn.
  • Nguồn: Ngày tàn của xe tăng còn chưa thấy. Các xu hướng và triển vọng của ngành chế tạo xe tăng thế giới // Sergei Viktorovich Suvorov, đại tá dự bị, PTS KHQS // National Defense, N.8.2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !