Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Chuẩn tướng Lý Tòng Bá và những trang "thu hoạch" trong Trại Cải huấn




 
 
QĐND - Thứ Tư, 12/06/2013, 13:38 (GMT+7)
 
QĐND - Ngày 29-4-1975, trước sức mạnh tiến công của Quân giải phóng, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn 25 của Quân đội Sài Gòn đã bị bắt tại Đồng Dù, Củ Chi. Ít tháng sau, ngày 21-10-1975, với hơn 10 trang viết tay trong “bài thu hoạch” ở Trại cải huấn, Lý Tòng Bá đã có dịp “trải lòng” về quãng đời binh nghiệp của mình…

Lý Tòng Bá sinh năm 1931, từng đi lính cho Quân đội Pháp và được chính quyền thực dân cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Võ bị Đà Lạt. Tốt nghiệp khóa 3 Trường Võ bị, cũng là thời điểm Mỹ thế chân quân Pháp, Lý Tòng Bá tiếp tục được quan thầy Mỹ sử dụng và lần lượt tiến thân tới các chức vụ: Chỉ huy trưởng Chi đoàn thiết giáp M113, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương, Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 23. Trước khi bị Quân giải phóng bắt tại Sài Gòn, Lý Tòng Bá đang là Tư lệnh Sư đoàn 25 bộ binh..
Lý Tòng Bá khi là Tư lệnh Sư đoàn 25 của Quân đội Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Lý Tòng Bá từng “tự hào” là người chỉ huy đầu tiên một Chi đoàn thiết giáp của Quân đội Sài Gòn. Niềm “tự hào” ấy cũng gắn với thất bại của ông ta khi cùng Quân đội Sài Gòn giao chiến với Quân giải phóng trong trận Ấp Bắc ngày 2-1-1963. Đó là trận đánh mà Chi đoàn thiết giáp gồm 13 xe M113 do Bá chỉ huy đã phối hợp với bộ binh Sư đoàn 7 của Quân đội Sài Gòn tiến đánh Quân giải phóng, kết cục là hơn 100 binh lính Quân đội Sài Gòn đã bị thương vong. Thất bại trong trận Ấp Bắc tại thời điểm ấy đã làm rung chuyển báo giới và làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Đại tá Đinh Tiến, nguyên cán bộ Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị, kể lại: Khi tiếp xúc với Lý Tòng Bá trong thời gian học tập ở Trại cải huấn miền Nam, ông ta đã giãi bày khá nhiều nỗi niềm của mình, trong đó có những mối hận mà cho tới khi nằm trong trại, Bá vẫn cảm thấy rất khó nguôi ngoai. Bá thường hay ta thán về các viên thượng cấp của mình, những kẻ từng “ngồi chơi xơi nước” và chú tâm vào chuyện ăn chơi nhảy múa, mặc cho những viên chỉ huy như ông ta phải “xông pha” nơi hòn tên mũi đạn. Lý Tòng Bá kể rằng, khi đang là Tư lệnh Sư đoàn 23 thuộc Quân đoàn 3, Bá được Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Văn Toàn (cùng là sĩ quan gốc binh chủng thiết giáp) mời đến nhà riêng để bàn việc sử dụng xe thiết giáp ở những vùng nghi là có Quân giải phóng. Biết tướng Toàn vốn nổi tiếng ăn chơi và có tính hay quên, nhưng Lý Tòng Bá vẫn quyết định đến gặp viên thượng cấp của mình. Quả nhiên, Bá đến vào lúc Toàn đang ăn chơi nhậu nhẹt tại tư dinh cùng các cô gái trẻ. Một tên lính đã ra ngăn Bá lại. Sau khi nghe Bá trình bày lý do bàn chuyện công vụ, tên lính liền vào gọi chủ tướng của mình. Lúc ấy, Toàn bước ra với một dáng vẻ mệt mỏi, mặt thì đỏ gay vì rượu. Chìa tay ra chào, “ậm ừ” những gì thuộc cấp thưa bẩm rồi Toàn thản nhiên gieo mình xuống ghế, làm một giấc ngon lành ngay trước mặt khách. Hôm đó, Lý Tòng Bá đành lủi thủi ra về mà chẳng dám hé răng điều tiếng về cách cư xử của viên “tể tướng Cao nguyên”…
Những trang viết trong “bài thu hoạch” của Lý Tòng Bá tại Trại cải huấn (tháng 10-1975). Ảnh: Vũ Minh.

Lý Tòng Bá còn “ấn tượng” với cấp trên của mình ở một dịp khác, khi một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 23 của Bá bị Quân giải phóng đánh thiệt hại nặng và phải bỏ chạy. Biết tính viên Tư lệnh “chúa tể”, Bá đã vội xuống chỉ đạo đám đàn em đưa ngay một tiểu đoàn khác thay thế. Quả nhiên, vài chục phút sau, Nguyễn Văn Toàn đã đáp trực thăng xuống và xẵng giọng với Bá: “Phải bắn bỏ bọn chỉ huy đã để lính đào nhiệm và đưa ngay đám lính bỏ chạy lên máy bay, ném chúng xuống địa điểm cũ, nếu cần thì dùng pháo bắn chặn phía sau”. Nói rồi Toàn bật dậy, đích thân ra lệnh cho các khẩu “vua chiến trường” gầm lên, bắn chặn phía sau cái tiểu đoàn vừa mới được Bá ra lệnh thay thế…
Trong quá trình học tập ở Trại cải huấn, khi yêu cầu phân tích nguyên nhân vì sao Quân đội Sài Gòn có thể duy trì được một lực lượng đông đảo để chống lại Quân giải phóng, Lý Tòng Bá đã lý giải trong bài viết: “Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không ngại tung mọi phương tiện, kể cả những khoản ngân sách khổng lồ để tuyên truyền, đả phá cách mạng, gây hiểu lầm, mâu thuẫn, đồng thời khuyến dụ, lôi kéo người dân dưới mọi hình thức. Thực tế người dân miền Nam đã có những sự hiểu lầm nhiều hơn là những hiểu biết cụ thể về cách mạng, về Quân giải phóng”.

Từ con đường binh nghiệp khá hanh thông của bản thân, Bá hiểu khá rõ những cách mà chính quyền Sài Gòn từng lôi kéo, cưỡng bức thanh niên đi lính. Trong khi phần lớn thanh niên miền Nam còn đang phân vân chưa biết lựa chọn con đường lập thân là đi theo cách mạng hay đi lính quân dịch thì chính quyền Sài Gòn đã sớm “giúp” họ nuôi “mộng” tiến thân trên con đường binh nghiệp và coi việc phục vụ trong Quân đội Sài Gòn như một nghề. Bá cũng không lạ lẫm gì những cách kiếm tiền của các nhóm sĩ quan vai vế, trong số đó có những viên tướng từng được mệnh danh “vua quế”, “vua gỗ” hoặc “vua gái”, “vua tiền”… Lý Tòng Bá cho biết, hằng tháng các tư lệnh sư đoàn như ông ta vẫn thường được Bộ Tổng tham mưu cấp cho một khoản tiền kha khá gọi là “chi phí hành quân”. Số tiền ấy thực chất là cho không để các chỉ huy sư đoàn tùy ý sử dụng. Nhưng rồi các viên chỉ huy quân đoàn lại tìm cách móc hầu bao các viên tư lệnh sư đoàn bằng cách đốc thúc, dồn ép số này phải “đánh thật hăng”, nếu không muốn bị thu hồi cái khoản gọi là “chi phí hành quân” kia… Với kiểu kiếm tiền dựa trên quyền lực ấy, khi còn đương chức Tỉnh trưởng Bình Dương, Bá cũng thường được thăm hỏi theo cách tương tự. Lâu lâu, Bá (cũng như các viên tỉnh trưởng khác) lại phải làm một tờ trình xin thuyên chuyển hoặc cách chức một số quận trưởng đương nhiệm, kèm theo đó là một danh sách quận trưởng mới do trên đưa xuống… “Ngay cả khi đang đảm nhiệm chức Tư lệnh Sư đoàn dù 25, Tư lệnh Quân đoàn Phạm Quốc Thuần thấy sư đoàn tôi không được “hung hăng” như các sư đoàn khác, ông ta đã cho gọi tôi tới bản doanh nhắc nhở. Sau một thời gian, tôi đã hiểu ra và tìm đến phòng riêng của tư lệnh, không quên mang theo khoản tiền 100 nghìn gọi là “sung quỹ quân đoàn” cùng lời hứa sẽ chỉ huy quân sĩ làm “vừa lòng” cấp trên”, Lý Tòng Bá kể.

Không chỉ số sĩ quan chóp bu có vấn đề mâu thuẫn nội bộ mà chính binh sĩ các đơn vị cũng thường xuyên xảy ra những hoạt động binh biến, chống đối, thậm chí tự hủy hoại thân thể để bị loại ngũ… Theo Bá kể, bình quân hằng tháng mỗi sư đoàn xảy ra khoảng 10 trường hợp chống đối như vậy. Từ thời điểm năm 1968 trở đi, các đơn vị chủ lực xảy ra nhiều hiện tượng chống đối tiêu cực hơn, trong đó có tình trạng: Hành quân không đi đến mục tiêu ấn định; né tránh các vùng nghi ngờ có Quân giải phóng; báo cáo sai, bịa đặt những kết quả, những tin tức giả mạo để đánh lạc hướng cấp chỉ huy trực tiếp. Càng về sau, hiện tượng báo cáo khống thành tích càng xảy ra nhiều, trở thành một tệ nạn lan tràn, trong khi hoạt động binh vận và địch vận của cách mạng như những đợt sóng ngầm len lỏi vào các đơn vị. Cảnh mất đồn hoặc bị móc nối bỏ đơn vị theo cách mạng đã diễn ra thường xuyên. Chính Lý Tòng Bá đã từng chứng kiến hoạt động binh vận của Quân giải phóng tác động vào Bộ chỉ huy của một trung đoàn thiết giáp ở Gò Dầu (Bình Dương) vào cuối năm 1965. Tại đây, Quân giải phóng đã làm vô hiệu hóa Bộ chỉ huy trung đoàn trong gần 3 tháng và gây hoang mang không ít cho tinh thần quân sĩ các cấp.

Cũng giống như số đông các viên sĩ quan gốc binh chủng, Lý Tòng Bá không có nhiều cảm tình với chủ trương đào tạo sĩ quan chiến tranh chính trị của Quân đội Sài Gòn. Lý Tòng Bá đã viết trong “bài thu hoạch” ở Trại cải huấn: “Mục đích đặt ra của tổ chức chiến tranh chính trị của Quân đội Sài Gòn là theo dõi, kiểm soát, phác họa đường lối và lý luận căn bản để chống lại Quân giải phóng. Nhìn thoáng qua có vẻ rất đồ sộ với đầy đủ phương tiện và cơ sở vật chất, nhưng đó chỉ là cái vẻ hào nhoáng bề ngoài theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” mà thôi”. Theo lý giải của viên tướng vốn xuất thân từ lính xe tăng, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chiến tranh chính trị của Quân đội Sài Gòn rất rườm rà, nào cán bộ chiến tranh tâm lý, nào dân sự vụ, văn nghệ… nhưng các phòng ban chỉ giẫm chân lên nhau chứ không thực sự mang lại hiệu quả. “Thường hễ cứ nghe nói đến bộ máy chiến tranh chính trị, tới cán bộ chiến tranh chính trị là chỉ nghe nói đến nhậu nhẹt, ca hát chứ không có gì khác”. Theo Bá, cho dù bộ máy ấy cũng có những điểm nổi bật với khá đông cán bộ, nhân viên cùng đầy đủ phương tiện tối tân, nhất là việc sử dụng phát thanh và truyền hình để tuyên truyền, bôi nhọ đối phương, song tình trạng trì trệ của bộ máy chiến tranh chính trị vẫn là phổ biến.

Nếu những gì Lý Tòng Bá viết là thực lòng, thì rõ ràng nội tình đội ngũ sĩ quan Quân đội Sài Gòn đã chứa đựng khá nhiều mâu thuẫn và chực chờ bùng phát. Đó cũng là nguyên nhân để sau này, khi đã trở thành viên tướng tù binh trong trại cải huấn, Lý Tòng Bá vẫn tỏ ra căm ghét những viên thượng cấp từng ngồi mát hưởng lợi rồi nhanh chân cao chạy xa bay, để cho những kẻ chậm chân như Bá phải ở lại xót xa ngồi ôm hận cũ.

QUANG HUY

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Sư 25 bb bản doanh ở căn cứ Đồng Dù ( Củ Chi) chứ làm gì có cái gọi là sư 25 dù và Bình Dương chỉ có địa danh Gò Đậu chứ làm gì có Gò Dầu như Tây Nibh nhỉ ???

    Trả lờiXóa

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !