Việc Quân đội Nhật Bản ỉm bức mật điện từ Stockholm đã gây ra tổn thất nặng nề cho nước này, nhất là các trận ném bom nguyên tử hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Một trong những bí ẩn trong lịch sử ngoại giao Nhật Bản là liệu Tokyo có biết Stalin đã hứa với Roosevelt và Churchill tại Hội nghị Yalta rằng, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản hay không.
Theo tờ báo Sankei Shimbun của Nhật Bản, người ta đã tìm thấy trong kho lưu trữ của Anh những thông tin khẳng định, tình báo quân sự Nhật vào mùa xuân năm 1945 đã thu được thông tin về việc tại Hội nghị Yalta Stalin hứa với các nước đồng minh sẽ tham chiến chống Nhật Bản 2-3 tháng sau khi đánh bại nước Đức Hitler.
Quan điểm chính thức của Chính phủ Nhật trong một thời gian dài là “Liên Xô đã tấn công Nhật Bản một cách bất ngờ, các thỏa thuận Yalta Tokyo chỉ biết vào năm 1946”. Đa số các nhà sử học Nhật Bản cho rằng, Tokyo đã không biết quyết định của Stalin cho đến sau khi chiến tranh kết thúc và do đó, Nhật đã hy vọng đến tận giây phút cuối cùng là Moskva sẽ đóng vai trò một bên trung gian và mở cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tình báo Nhật đã biết thỏa thuận đã đạt được tại Yalta.
Quan điểm chính thức đó của Nhật đã bị những tiết lộ của bà Yuriko Onodera, vợ của nhà tình báo nổi tiếng của Nhật, Trung tá (các nguồn khác nói là Thiếu tướng) Makoto Onodera, Tùy viên quân sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Nhật Bản ở Stockholm trong những năm chiến tranh, phủ nhận.
Trong hồi ký xuất bản vào năm 1985 của mình, bà Yuriko vốn làm nhiệm vụ nhân viên cơ yếu tại cơ quan đại diện ngoại giao Nhật, khẳng định, chính bà đã mã hóa báo cáo tình báo về nội dung những thỏa thuận mật về Nhật Bản đạt được ở Yalta, trong đó có việc Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật.
Bà Yuriko xác nhận rằng, bức điện mã có nội dung đó vào giữa tháng 2/1945 đã được gửi về Trung ương tình báo Nhật cho Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhật Hoàng, Trung tướng Hikosaburo Hata. Bà Yuriko nhớ lại: “Tôi đã mã hóa bức điện này với tâm trạng phiền muộn và sau đó gửi nó về Tokyo”. Người cung cấp tin cho Tùy viên quân sự Nhật là điệp viên người Ba Lan có bí danh Ivanov hoạt động ở London, Anh, nơi điệp viên này được ông Makoto Onodera phái đến để thu thập các tin tức cần thiết.
Makato Onodera, Tùy viên quân sự Nhật Bản tại Stockholm, cùng các sĩ quan Đức
thăm cứ điểm Fjell Festning ở Nauy, ngày 26/12/1942 (ww2db.com) |
Trong bài báo của Sankei Shimbun có nêu rằng, theo các tài liệu được tìm thấy, tình báo Nhật đã nhận được tin tức về các thỏa thuận ở Yalta từ những nhân vật nằm trong “chính phủ Ba Lan lưu vong”. Đồng thời, cũng có những thông tin chỉ ra rằng, tình báo Nhật đã hợp tác với tình báo Đức để thu thập tin tức về Hội nghị Tam cường ở Yalta.
Việc “bức điện mã của Onodera” quả thực đã về đến Tokyo đã được sĩ quan Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Nhật Eijo Hori và Trưởng Phòng Liên Xô của Cục Tình báo này Hayashi Saburo xác nhận. Họ cho rằng, thông tin có tầm quan trọng sống còn này đã bị Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nhật cố tình ỉm đi. Ngoài ra, người ta cũng nêu giả thiết Bộ Tư lệnh quân đội Nhật vốn khăng khăng đòi chiến đấu bảo vệ nước Nhật “cho đến người Nhật cuối cùng” không muốn báo cáo tin Liên Xô sẽ tham chiến với giới chính trị gia cấp cao vì lo ngại điều đó sẽ củng cố quan điểm của những chính trị gia ủng hộ tìm kiếm hiệp định hòa bình với Mỹ và Anh.
Nếu bức mật điện Stockholm không bị ỉm đi, chiến tranh có thể đã kết thúc sớm hơn... Trong ảnh: Phái đoàn Nhật Bản tại lễ ký văn bản đầu hàng đồng minh
trên chủ lực hạm USS Missouri ngày 2/9/1945 (battleshipoperations.bravehost.com) |
Tuy nhiên, với những bằng chứng hiện có, có cơ sở để cho rằng, ban lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản mặc dù vậy vẫn đã biết cam kết tham chiến chống Nhật của Stalin sớm hơn, thậm chí ngay sau khi Hội nghị Yalta kết thúc. Một chuyện khó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên là vào ngày 14/2/1945, chỉ hai ngày sau khi Hội nghị Yalta kết thúc, Hoàng thân Fumimaro Konoye, chính trị gia đầy thế lực của Nhật Bản, người từng ba lần đứng đầu Chính phủ Nhật, đã vội vã đệ trình Nhật Hoàng Hirohito một bản báo cáo mật hối thúc Nhật Hoàng “kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt”. Nguy cơ “Liên Xô can thiệp” đã được nêu như lý do chính để Nhật Hoàng nên đưa ra quyết định đó.
Ông Konoye viết: “Thần cảm thấy thất bại của chúng ta trong cuộc chiến, đáng tiếc là không thể tránh khỏi… Mặc dù thất bại hiển nhiên sẽ gây tổn hại cho hệ thống chính trị quốc gia của chúng ta…, nhưng chỉ riêng thất bại quân sự không thôi không gây ra nguyu cơ đặc biệt đối với bản thân sự tồn tại của hệ thống nhà nước của chúng ta. Từ góc độ duy trì thể chế quốc gia, đáng lo sợ nhất không hẳn là bản thân sự thất bại trong cuộc chiến mà là cuộc cách mạng cộng sản có thể xảy ra sau thất bại.
Sau khi suy xét kỹ càng, thần đi đến kết luận rằng, tình hình trong nước và ngoài nước ở thời điểm hiện tại đang nhanh chóng đưa đất nước ta đi đến một cuộc cách mạng cộng sản… Bề ngoài, điều này thể hiện ở hoạt động bất thường của Liên Xô... Mặc dù về mặt chính thức, Liên Xô chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Âu, nhưng trong thực tế họ là can thiệp tích cực nhất trong công việc nội bộ của các nước này và đang cố gắng giành được sử ủng hộ chính trị của quần chúng cho mô hình Xô-viết. Các ý định của Liên Xô ở Đông Á cũng giống hệt như thế... Những suy nghĩ về những tình huống đó dẫn tới kết luận rằng, đang tồn tại một nguy cơ nghiêm trọng về sự can thiệp của Liên Xô vào tình hình nội bộ của Nhật Bản trong tương lai gần”.
Báo cáo này cho thấy, Konoye đã biết ý định của Liên Xô can thiệp chống Nhật Bản. Ý chính của báo cáo là Nhật bản nên đầu hàng Mỹ và Anh trước khi Liên Xô tham chiến bởi vì “công chúng ở các nước này chưa bắt dầu đòi thay đổi hệ thống chính trị của chúng ta (Nhật Bản)”.
... và Nhật Bản lẽ ra đã có thể tránh được trận ném bom nguyên tử (Daily Mail)
|
Ngày 15/2/1845, các nhà lãnh đạo tình báo Nhật đã báo cáo với Hội đồng Chiến tranh tối cao rằng, “Liên Xô có ý định giành cho mình quyền bỏ phiếu quyết định các vấn đề về tương lai Đông Á”. Họ cảnh báo rằng, vào mùa xuân năm 1945, Liên Xô có thể xé bỏ hiệp định trung lập Xô-Nhật và tham gia cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống Nhật Bản. Hôm sau, ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu đã tấu trình với Nhật Hoàng Hirohito về việc này: “Sự tồn tại của nước Đức quốc xã chỉ còn tính bằng ngày. Hội nghị Yalta đã tái xác nhận sự đoàn kết của Anh, Mỹ và Liên Xô”. Vị ngoại trưởng đã khuyến nghị Hirohito đừng trông cậy vào hiệp định trung lập với Liên Xô. Cựu Thủ tướng Nhật, Tướng Hideki Tojo, người cầm đầu nội các đã phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, cũng cảnh báo Nhật Hoàng về khả năng Liên Xô tham chiến chống Nhật khi đánh giá khả năng đó là 50/50”.
Hoàn toàn có thể giả thiết rằng, tình báo Nhật đã biết được các điều kiện để Liên Xô tham chiến chống Nhật, trong đó có mong muốn của Moskva giành lại các vùng lãnh thổ ở Viễn Đông từng thuộc về nước Nga. Bằng chứng cho giả thiết đó là danh sách những nhượng bộ do Chính phủ Nhật soạn thảo mà Tokyo định đề xuất với Chính phủ Liên Xô để đổi lấy việc Liên Xô tuân thủ sự trung lập. Những nhượng bộ chính trong danh sách này là chuyển giao cho Liên Xô Nam Sakhalin và quần đảo Kuril.
Có bằng chứng cho thấy, thông tin họ có được về ý định của Stalin hỗ trợ đồng minh ở Đông Á làm cho Nhật Bản cực kỳ lo sợ. Ngày 15/2/1945, ngoại trưởng Nhật đã cử Tổng lãnh sự Nhật ở Cáp Nhĩ Tân, Miyakawa đến Đại sứ quán Liên Xô ở Tokyo với một sứ mệnh khẩn cấp có mục đích rõ ràng là moi thêm thông tin về Hội nghị Yalta. Mặc dù Đại sứ Liên Xô Yakov Malik nói rằng, Hội nghị Yalta đã tập trung vào các vấn đề châu Âu, điều này chẳng làm giảm bớt mấy sự lo sợ của Nhật bản.
Tôn trọng các cam kết của mình ở Yalta, Liên Xô đã nhanh chóng bắt đầu chuyển quân đến Viễn Đông. Việc đó không thoát khỏi sự chú ý của ban lãnh đạo Nhật vì họ thường xuyên nhận được tin tình báo về sự tái bố trí của Hồng quân Liên Xô. Ví dụ, vào giữa tháng 4/1945, các sĩ quan Nhật làm việc tại sứ quán Nhật ở Moskva đã báo cáo về Tokyo: “Trong những ngày 12-15, các đoàn tàu hỏa chạy theo tuyến đường sắt xuyên Siberia hàng ngày... Việc Liên Xô tham chiến chống Nhật bản là không thể tránh khỏi. Họ sẽ mất khoảng 2 tháng để vận chuyển cỡ 20 sư đoàn gì đó”. Bộ tư lệnh Đội quân Quan Đông cũng báo cáo thông tin tương tự.
Vào đầu mùa hè, tình hình cho thấy Chính phủ Nhật ngày càng khó có khả năng ngăn chặn Liên Xô tham chiến. Ngày 6/1/1945, Hội đồng Chiến tranh tối cao Nhật đã nghe một báo cáo phân tích tình hình cực kỳ bi quan: “Liên Xô đang áp dụng các biện pháp chuẩn bị cơ sở ngoại giao cho cuộc can thiệp quân sự có thể xảy ra chống Đế quốc (Nhật). Đồng thời, họ đang đẩy mạnh các công tác chuẩn bị chiến tranh ở Viễn Đông. Rất nhiều khả năng là Liên Xô sẽ khai chiến chống Nhật Bản... Liên Xô có thể tham chiến chống Nhật vào mùa hè hay mùa thu”.
Với những bằng chứng nêu trên, ý kiến cho rằng, Chính phủ Nhật không biết chi tiết của các thỏa thuận Yalta tận cho đến sau khi chiến tranh kết thúc là không thuyết phục và không được chấp nhận như một sự thật lịch sử. Những tuyên bố đó được Nhật đưa ra khi họ phát động chiến dịch đòi lại “các vùng lãnh thổ phía bắc”, tức là quần đảo Nam Kurils vốn được trao cho Liên Xô sau khi chiến tranh kết thúc.
Sẽ không phải là nói ngoa khi coi việc che giấu và đúng hơn là hủy “bức điện mã Onodera” đã định đoạt số phận của nước Nhật và dân tộc Nhật. Tờ Sankei Shimbun đã nêu ý kiến về vấn đề này của ông Ryujo Tajima, giáo sư Đại học tổng hợp Keio của Nhật Bản. Ông Ryujo Tajima cho rằng, thông tin về việc Liên Xô chuẩn bị tham chiến lẽ ra đã có thể đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh. Ông nói: “Quyết định muộn màng chấm dứt chiến tranh đã dẫn đến trận ném bom nguyên tử, Liên Xô tham chiến và chiếm giữ “các vùng lãnh thổ phía bắc”. Điều đó một lần nữa đặt ra vấn đề về trách nhiệm của ban lãnh đạo tối cao của Nhật Bản lúc đó”.
Nguồn: TS sử học, GS, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Nga, Anatoly Arkadievich Koshkin // RIA Novosti, 23.8.2005; NVO, 20.7.2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !