Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Xu hướng phát triển tên lửa chống hạm chiến thuật hiện đại


 Lần đầu tiên, vũ khí tên lửa xuất hiện với tư cách vũ khí tấn công chủ yếu trên các tàu chiến Liên Xô vào cuối thập niên 1950-đầu thập niên 1960.
Tàu khu trục của Hải quân Nga phóng tên lửa Moskit
Ban đầu, tên lửa chống hạm không được các quốc gia khác đánh giá đúng mức. Tình thế đã thay đổi hẳn sau tháng 10.1967 khi một tàu tên lửa lớp Komar của Ai Cập được trang bị các tên lửa chống hạm Liên Xô, trong cuộc chiến tranh 6 ngày giữa các nước Arab và Israel, ngay trong cuộc tấn công đầu tiên đã tiêu diệt tàu khu trục Eilat của Israel.

Sự kiện này có thể xem như điểm xuất phát cho trào lưu do các quốc gia hàng hải hàng đầu mở một mặt trận rộng lớn phát triển loại vũ khí chiến thuật hải quân này. Chính hồi đó, các hệ thống tên lửa chống hạm nổi tiếng nhất thế giới đã được chế tạo: đó là tên lửa Exocet (bắt đầu phát triển vào năm 1968) của Pháp và Harpoon (bắt đầu phát triển vào năm 1969-1972) của Mỹ. Có thể liệt vào thời kỳ này những thiết kế tên lửa chống hạm tương tự đầu tiên của Nga là 3M-24E (loại tương tự trang bị cho máy bay là Kh-35E). Điều thú vị là xét về ý tướng kỹ thuật quân sự, cả 3 mẫu tên lửa này hầu như giống nhau. Khi thiết kế các tên lửa này, chiếm ưu thế là cách tiếp cận hợp lý đối với việc xác định các tính năng kỹ-chiến thuật của tên lửa chống hạm được quy định bởi nguyên tắc bảo đảm sự dung hòa hợp lý giữa khả năng chiến đấu của tên lửa và giá cả.

Tên lửa chống hạm loại này dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên biển đông đảo nhất - đó là các tàu vận tải, tàu chiến trọng tải nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các thông số kích thước-trọng lượng và mức độ tự hoạt của các hệ thống tên lửa hạm tàu sử dụng các tên lửa chống hạm này phải cho phép sử dụng chúng trên các tàu nhỏ (dạng xuồng tên lửa cho đến tàu corvette (tàu hộ tống). Ngoài ra, người ta cũng đã bắt đầu chế tạo các tên lửa chống hạm chuẩn hóa cho các loại phương tiện mang, không chỉ cho tàu chiến mà cho cả các hệ thống trên bờ và trên máy bay.
Bệ phóng tên lửa chống hạm Uran-E trên tàu tuần tiễu
Các tên lửa này cũng giống nhau về nguyên lý dẫn tới mục tiêu. Chúng đều dùng hệ dẫn quán tính kết hợp với thiết bị đo cao vô tuyến chính xác cao và đầu tự dẫn radar chủ động (sau này còn sử dụng hệ dẫn vệ tinh, nhiều mẫu sử dụng các phương pháp dẫn thụ động). Các thuật toán làm việc của đầu tự dẫn radar chủ động bảo đảm độ bí mật tối đa cho bức xạ vô tuyến của đầu tự dẫn. Đối phương gặp khó khăn trong việc phát hiện tên lửa chống hạm chủ yếu do tên lửa bay ở tốc độ dưới âm cao (0,85-0,93M) và ở độ cao cực nhỏ (5-3 m).

Tàu khu trục Mumbai của Hải quân Ấn Độ tấn công mục tiêu bằng tên lửa chống hạm 3M-24E của hệ thống Uran-E.
Trong khi, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác phát triển và sản xuất các tên lửa chống hạm dưới âm đầu tiên, từ giữa thập kỷ 1970, Liên Xô đã phát triển thành công các tên lửa có điều khiển có tính năng bay-kỹ thuật cao hơn. Đó là hệ thống tên lửa chống hạm trang bị cho hạm tàu Moskit-E (tên lửa 3М-80Е có tốc độ bay gần 800 m/s), cũng như tên lửa không-đối hạm cao tốc Kh-31A (có tốc độ bay 1.000 m/s). Nhờ có tốc độ cao, thời gian tên lửa nằm trong phạm vi sát thương của các hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương giảm đi nên bảo đảm khả năng sống còn cao cho tên lửa. Các chuyên gia đánh giá các công trình sư của các tên lửa này đã thực hiện được cú đột phá công nghệ thực sự và điều đó có được chủ yếu là nhờ áp dụng hệ thống động cơ hỗn hợp mới vốn bao gồm động cơ phản lực-không khí dòng thẳng và tầng khởi tốc nhiên liệu rắn. Cho đến nay, chưa có hãng nước ngoài nào làm chủ được công nghệ này của Nga. Pháp hiện nay mới chỉ nghiên cứu để áp dụng nó cho các mẫu tên lửa tương lai. Bên cạnh đó, việc thay thế động cơ tên lửa nhiên liệu rắn bằng động cơ phản lực-không khí dòng thẳng cũng có thể làm tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa.

Ngày nay, Nga đang xúc tiến thành công cả hai hướng phát triển tên lửa chống hạm là các tên lửa dưới âm cỡ nhỏ và các tên lửa siêu âm.

Gần đây, dòng tên lửa chống hạm siêu âm đã được bổ sung một số mẫu của Nga. Đó là các hệ thống tên lửa chống hạm Club với các tên lửa 3M-54E (TE), 3M-14E (TE) của Viện OKB Novator và Yakhont với tên lửa chống hạm 3M-55E (của Liên hiệp NPO Mashinstroenia). Xét về khả năng chiến đấu, các hệ thống này là lớp vũ khí chống hạm chiến dịch-chiến thuật. Cần lưu ý là khi nghiên cứu chế tạo các tên lửa chống hạm mới nhất, Nga đã áp dụng hàng loạt các giải pháp kỹ thuật độc đáo, cho phép coi trường phái thiết kế tên lửa chống hạm Nga vẫn là mạnh nhất thế giới. 
Hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật cơ động Bal-E tấn công mục tiêu
Liên quan đến tên lửa chống hạm 3M-24E (Kh-35E), thì sau khi vượt qua chặng đường bay thử và hoàn thiện bị kéo dài do cuộc khủng hoảng thập niên 1990, tên lửa này đã xuất hiện trên nhiều phương tiện mang và cho thấy nó là một vũ khí hiệu quả và vạn năng. Hiện nay, hệ thống tên lửa hạm tàu Uran-E với tên lửa chống hạm 3M-24E trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự được cung cấp cho nhiều quốc gia. Các chiến hạm Nga cũng đang được trang bị hệ thống này. Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bal-E với tên lửa này sau những kết quả thử nghiệm quocos gia tuyệt với đã bắt đầu được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga. Một trong những hệ thống đầu tiên được đưa đến làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển Caspie. Theo đánh giá của các chuyên gia, Bal-E có triển vọng xuất khẩu tốt. Một số nước đã bắt đầu đặt hàng hệ thống này.

Biến thể trang bị cho máy bay là Kh-35E cũng đã được thử nghiệm trên nhiều loại máy bay. Tên lửa này nằm trong thành phấn vũ khí của các tiêm kích trên hạm MiG-29K và MiG-29KUB sẽ được trang bị cho tàu sân bay Vikramaditya (tàu Đô đốc Gorshkov hiện đại hóa) của Ấn Độ.

Hiệu quả của các hệ thống tên lửa chống hạm đã được thể hiện trong nhiều chiến dịch quân sự nửa cuối thế kỷ XX. Những trận đánh nổi bật nhất của tên lửa chống hạm diễn ra trong cuộc xung đột quân sự Anh-Argentina tranh giành quần đảo Falklands (Malvinas) năm 1982, khi Không quân Argentina dùng các tên lửa АМ-39 Exocet đánh đắm tàu khu trục Sheffield và tàu chở container Atlantic Conveyor của Anh.

Trong chiến tranh Iran-Iraq, từ tháng 2.1983 đến tháng 7.1984 đã ghi nhận 112 trường hợp tên lửa chống hạm Iraq bắn trúng các tàu mặt nước. Trong đó, gần 60% trường hợp các tàu bị tấn công bị đắm hoặc hỏng nặng.
Bệ phóng hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Bastion-P
Trong những thập niên gần đây, tên lửa chống hạm không lập công xuất sắc ở đâu nữa. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng không còn là loại vũ khí khủng khiếp. Vậy triển vọng phát của triển tên lửa chống hạm là như thế nào?

Từ khi Liên Xô sụp đổ và kết thúc chiến tranh lạnh, học thuyết hải quân của các quốc gia hàng đầu bị xem xét lại. Đáng chú ý là những khía cạnh mới của chiến lược hải quân Mỹ Sea Power 21, theo đó, thay cho “chiến tranh trên biển”. Nói một cách khác, ngày nay, các tàu xuồng đối phương ở vùng biển ven bờ, các mục tiêu trên bờ biển và các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương cần tấn công từ biển được xem là những mục tiêu hàng đầu của các chiến dịch trên biển có thể xảy ra. Hiện nay, Mỹ đã đóng các chiến hạm gọi là tàu chiến vùng nước nông dùng để tiến hành các chiến dịch ở vùng ven bờ.

Những thực tiễn chính trị-quân sự mới không thể không tác động đến sự phát riển vũ khí, trong đó có tên lửa chống hạm. Trước hết, sự phát triển các hệ thống vũ khí chống hạm bắt đầu đi theo hướng mở rộng các chủng loại mục tiêu. Từ một phương tiện tác chiến trên biển, tên lửa chống hạm đang biến thành phương tiện tác chiến ở các khu vực ven bờ và bờ biển. Những thiết kế tên lửa chống hạm mới nhất của Nga và nước ngoài có khả năng tác chiến tốt không chỉ chống hạm tàu ở ngoài khơi mà cả các hạm tàu đang nằm trong cảng, cũng như nhiều loại mục tiêu bờ, kể cả các mục tiêu ở cách xa bờ biển và bị che khuất bởi bề mặt gấp địa hình. Các tên lửa đó thường được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh.
Bệ phóng của hệ thống tên lửa chống hạm chiến dịch-chiến thuật Club-М
Họ tên lửa Exocet cũng đang được phát triển theo hướng này, trong đó biến thể cải tiến mới Block III được nâng cấp chuyên để tấn công mục tiêu bờ.

Trong những mẫu mới nhất của Harpoon Block II Plus có sử dụng phần mềm hỗ trợ để bảo đảm quỹ đạo bay và biên dạng bay ở độ cao cực nhỏ, bay bám địa hình. Tên lửa Harpoon 21 (Harpoon Block III) thì được trang bị đầu tự dẫn 3 chế độ và các phương tiện nhận dạng mục tiêu.

Ngày nay, có thể nói đến sự xuất hiện của một lớp tên lửa hải quân mới với điểm khác với các tên lửa chống hạm thông thường là chúng có thể được xem là vũ khí tiêu chuẩn hóa theo mục tiêu. Một trong những mẫu tên lửa đầu tiên của Nga thuộc lớp này là 3M-14E (TE). Ở cấu hình dùng để tiêu diệt mục tiêu bờ, tên lửa được trang bị phần chiến đấu thiết kế riêng cho mục tiêu này. Đầu tự dẫn của tên lửa có thể phân biệt trên phông địa hình bên dưới không chỉ các mục tiêu có tương phản vô tuyến mà cả các mục tiêu nhỏ, khó phát hiện.

Các thiết kế tên lửa chống hạm Nga không những không thua kém các mẫu tốt nhất của phương Tây và còn vượt trội so với chúng về tính độc đáo và chiều sâu các giải pháp kỹ thuật.

Những chi tiết mới của các chiến lược hải quân hiện đại nâng cao đáng kể vai trò của các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động vạn năng, có khả năng tiêu diệt hạm tàu đối phương đang ở các giai đoạn khác nhau của một chiến dịch tiến công, cũng như tấn công các lực lượng đổ bộ và các mục tiêu bờ biển và khu vực lãnh thổ do đối phương chiếm giữ. Các hệ thống tên lửa bờ biển có các phẩm chất như khả năng cơ động, khả năng ẩn giấu trong các nếp gấp địa hình và có cơ số đạn lớn, có khả năng bảo vệ hiệu quả các vùng lãnh thổ ven bờ mà không tốn phí quá lớn. Hệ thống tên lửa bờ biển Bal-E được thiết kế để đảm nhiệm chính các chức năng đó. Nhóm các công trình sự của Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật” (KTRV) tham gia phát triển Bal-E đã được tặng thưởng các phần thưởng nhà nước theo sắc lệnh của Tổng thống Nga.

Liên quân đến việc tiếp tục phát triển tên lửa chống hạm Kh-35E (3M-24E) của Nga thì hiện nay, hãng thiết kế là KTRV tuyên bố sẵn sàng sản xuất tên lửa mới là Kh-35UE. Về các tính năng kỹ-chiến thuật cơ bản, tên lửa này vượt trội 2-2,5 lần so với mẫu cơ sở. Hiển nhiên là biến thể tên lửa chống hạm mới này có sử dụng những thành tựu mới nhất của ngành chế tạo tên lửa Nga và có tính đến các xu hướng phát riển vũ khí đối hạm đặc trưng cho những mẫu vũ khí mới nhất của các công ty hàng đầu thế giới. 
Tên lửa chống hạm Kh-35UE có tính năng cao gấp 2-2,5 lần
so với mẫu cơ sở Kh-35E
Việc phân tích các xu hướng phát triển tên lửa chống hạm thế giới cho thấy rằng, loại vũ khí này không hề mất đi tầm quan trọng của mình. Việc hoàn thiện vũ khí này trong thời gian sắp tới sẽ đi theo hướng mở rộng chủng loại mục tiêu có thể tiêu diệt, cũng như tiêu chuẩn hóa tối đa theo các phương tiện mang.

Liên quan đến việc lựa chọn các chế độ bay tính toán thì hiện nay, đều đang thực hiện thành công như nhau các chế độ bay:

- tốc độ bay dưới âm cao kết hợp độ cao bay tối thiểu;
- tốc độ siêu âm kết hợp độ cao bay tối thiểu có thể;
- bay tới mục tiêu theo biên dạng hỗn hợp sử dụng các tốc độ dưới âm và siêu âm.

Dường như để hoàn thành tốt nhiệm vụ liên quan đến các chiến dịch ở vùng ven bờ, các tên lửa dưới âm có thể có ưu thế nhất định nhờ có độ bộc lộ nhỏ hơn (kích thước), khả năng cơ động cao hơn và cơ số đạn trên phương tiện mang lớn hơn.

Liên quan đến việc phát triển các hệ thống phòng thủ bờ biển, hướng nghiên cứu này vẫn là cấp thiết đối với Nga. Hiện nay, hệ thống tên lửa bờ biển Bal-E mới được đưa vào trang bị kết hợp với các hệ thống tên lửa bờ chiến dịch-chiến thuật Bastion (sử dụng tên lửa 3M-55E) hay Club-М (sử dụng tên lửa 3M-54KE và 3M-14KE) có khả năng giải quyết nhiệm vụ này với điều kiện mua sắm số lượng đủ lớn có xét đến các khu vực bờ biển nguy hiểm tiềm tàng.
  • Nguồn: Valery Stounov / National Defense, N.6.2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !