Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Tạ Đình Đề và những chuyện như huyền thoại


 Tạ Đình Đề là người ngang tàng ngay thẳng, không ngại nguy hiểm và dám bảo vệ quan điểm khi sự việc anh cho là đúng. Chính vì tính ngang tàng, thẳng thắn đó, mà trên đường công danh, anh gặp biết bao điều trắc trở. Nhiều người đã được thấy lần anh to tiếng tranh luận với Khu trưởng Hoàng Sâm...
Ông Tạ Đình Đề
Có một người không có cấp bậc, chức vụ, không hề giữ trọng trách trong quân đội, trong chính quyền mà đã có nhiều huyền thoại. Trong kháng chiến chống Pháp từ Liên khu 3, Liên khu 4, Bình Trị Thiên, Việt Bắc... các chiến sĩ quân đội, nhân dân đều biết tên ông. Tên tuổi của ông vang mãi tới Nam Bộ xa xôi. Đặc biệt ở miệt Cống Thần, chợ Đại (Hà Nam), Hà Nội... Bà con nhắc đến ông với thái độ khâm phục, kính nể, trân trọng - người đó là ông Tạ Đình Đề.
Còn quân Pháp trong thời tạm chiếm Hà Nội nơm nớp tưởng chừng như lúc nào ông cũng có mặt giám sát hành động của chúng. Chính bọn chúng thêu dệt nên những huyền thoại “thần xuất, quỷ một” của ông trong nội thành Hà Nội thời tạm chiếm.
Người viết bài này là người cùng thời với ông, được gặp ông nhiều lần. Bạn bè, đồng đội cung cấp tư liệu và yêu cầu viết về ông. Song, khó quá, ông là người kín đáo ít muốn nói về mình. Người viết chỉ ghi lại những điều bè bạn đồng đội của ông kể lại, cùng những lần tiếp xúc ngắn ngủi với ông trong những ngày học Lục quân ở Trung Quốc (1951-1953), trong những lần họp cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Dưới đây chỉ là một vài câu chuyện trong nhiều huyền thoại mà bè bạn, đồng đội kể về ông khi ông còn sống, kể cả chục năm, sau khi ông giã từ cõi nhân thế này.      
Người chiến sĩ Tây Tiến
Sau ngày 23/9/1945 quân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, Chính phủ ta tổ chức lại các lực lượng quân sự thành lập các chiến khu. Chiến khu 2 gồm 8 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Cuối năm 1945, đầu 1946 quân Pháp từ Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) tràn xuống Bắc Lào chiếm Lai Châu, Điện Biên Phủ làm bàn đạp đánh Sơn La, Hòa Bình. Bộ Tư lệnh Khu 2 đã điều động bộ đội lên đối phó. Có bộ phận đã đặt chân sang đất Lào ngăn chặn quân địch. Bộ đội Tây Tiến 1 hình thành trong tình huống đó.
Tạ Đình Đề có mặt trong đội quân này và là Phó ban Tình báo Khu 2.
Sau tết Đinh Hợi 1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập.
Bộ Tư lệnh mặt trận phải đọ sức ngay với quân Pháp. Tháng 3/1947, quân Pháp đánh thông đường số 6, tiến công vùng Mai Châu. Từ hướng Suối Rút tràn lên, từ hướng Mộc Châu kéo xuống, phối hợp với quân nhảy dù, định xóa sổ cơ quan chỉ huy mặt trận. Tư lệnh mặt trận quyết định chuyển Sở chỉ huy về Mường Bi, chuyển quân y xá về Lạc Sơn và tổ chức chiến đấu ở khu vực Bãi Sang, dốc Đẹt.
Ngày đó, dốc Đẹt là con đường rừng dốc, độc đạo, hiểm trở. Có anh em nói đây là con đường “bách nhân khứ, nhất nhân hồi!” (trăm người tới, chỉ một người về!). Dốc Đẹt đã đi vào huyền thoại với cuộc chiến đấu của đoàn quân Tây Tiến với quân Pháp trên giải đất núi rừng Tây Bắc, chỉ với hai tay súng của Khu trưởng Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề. Sau đó, một mình Tạ Đình Đề như con sư tử trên đỉnh dốc chiến đấu, buộc quân địch co cụm về Chiềng Sại!
Sau trận dốc Đẹt, Trung đoàn 52 Tây Tiến được hình thành, đảm đương nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn Tây Bắc. Bộ chỉ huy mặt trận Tây Tiến được giải thể.
Tạ Đình Đề được Tư lệnh Liên khu 3 điều động về Liên khu, làm Phó ban Tình báo Liên khu (Kim Hùng làm trưởng ban), kiêm Đội trưởng Đội Biệt động Liên khu 3.
Tạ Đình Đề - Đội trưởng đội Biệt động Liên khu 3
Đội Biệt động Liên khu 3 lúc đó có người gọi tên là “Đội Biệt động thành Hoàng Diệu”, “Đội trừ gian, diệt ác thành Hoàng Diệu”. Đội được chia thành ba tiểu tổ: Tiểu tổ 1 do Nguyễn Phương chỉ huy (Nguyễn Phương bị địch bắt đày ra Côn Đảo rồi Phú Quốc và được trao trả năm 1954). Tiểu tổ 2 do Hồ Du Tử (Lê Phan) chỉ huy (anh mới mất cách đây không lâu). Tiểu tổ 3 do Trần Văn Đức chỉ huy (anh đã mất ở Sài Gòn năm 1982).
Đây là giai đoạn tên tuổi Tạ Đình Đề nổi danh trên các ngả đường kháng chiến, tiếng đồn từ Nam ra Bắc, từ Hà Nội đến các thành phố, từ đồng bằng đến khắp rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc...
Bản sao lý lịch của Tạ Đình Đề được lưu trữ ở Tổng cục Đường sắt:
Đồng chí: Tạ Đình Đề  (bí danh Lâm Giang)
Sinh ngày: 8/8/1917
Quê quán: Thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Tham gia cách mạng: 1935
Vào Đảng: Tháng 6/1946, chính thức tháng 9/1946.
Gia đình nghèo, nên 16 tuổi Tạ Đình Đề đã lang bạt sang làm công nhân Sở Hỏa xa Vân Nam tại ga Côn Minh (Trung Quốc). Trong những ngày đó, anh tham gia Hội Ái hữu cứu quốc sau đổi thành Việt Nam Giải phóng cứu quốc do Mặt trận Việt Minh tổ chức.
Năm 1941, anh được tổ chức cử đi học ở Liễu Châu, một phân hiệu chuyên ngành của Trường Quân sự Hoàng Phố. Phân hiệu Liễu Châu là nơi chuyên đào tạo những nhân viên hoạt động trong lòng địch. Ta thường gọi là trường đào tạo gián điệp.
Học viên học ở Liễu Châu bao gồm các khoa mục: sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái  các loại xe kể cả xe tăng, máy bay..., sử dụng các phương tiện thông tin, điện đài, phi ngựa, bắn súng, luyện khí công, luyện võ...
Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố với tấm bằng xuất sắc, anh tham gia các hoạt động vũ trang và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật. (Lý lịch trích ngang).
Đội Biệt động Liên khu 3 được  hình thành, hoạt động rất nhanh, rất hiệu quả.
Gọi là Đội Biệt động Liên khu 3, nhưng địa bàn chủ yếu của đội lúc này là nội thành Hà Nội. Hoạt động nội thành Hà Nội lúc ấy có nhiều lực lượng: điệp ngầm của lực lượng Công an, lực lượng Địch vận Trung đoàn 66 do đồng chí Hoàng Giáp và Phúc Đồng Mạc chỉ huy. Lực lượng Địch vận Trung đoàn 48 do Đinh Hùng, Trịnh Vũ chỉ huy.
Ngoài ra  lực lượng hoạt động nội thành của cơ quan Dân vận, Công đoàn... Các lực lượng vũ trang tuy hoạt động độc lập, nhưng vẫn có sự quan hệ chặt chẽ, yểm trợ cho nhau khi cần thiết.
Tạ Đình Đề là người ngang tàng ngay thẳng, không ngại nguy hiểm và dám bảo vệ quan điểm khi sự việc anh cho là đúng. Chính vì tính ngang tàng, thẳng thắn đó, mà trên đường công danh, anh gặp biết bao điều trắc trở. Nhiều người đã được thấy lần anh to tiếng tranh luận với Khu trưởng Hoàng Sâm.
Khu trưởng cũng là trang hảo hán, phi ngựa, bắn súng cả hai tay, múa đao thiện nghệ... Có lần trùm phỉ Lý Xíu kéo quân lên Pắc Bó đòi gặp ông Trần (bí danh của Hoàng Sâm) và Lê (Lê Quảng Ba). Hắn cho mời hai ông đến uống rượu, thi bắn súng, ném lựu đạn.
Ông Trần mới chỉ trổ tài bắn mục tiêu cố định, di động hai tay bằng hai khẩu Pạc Khoọc, Lý Xíu đã phục lăn. Đến lúc uống rượu, ông Trần biểu diễn tiết mục kỳ lạ có một không hai – uống rượu bằng mũi. Lý Xíu kinh ngạc, khi thấy ông Trần rót cốc rượu vào mũi không rớt ra ngoài một giọt.
Chính vì lần gặp mặt ngoạn mục đó, mà bọn phỉ Vòng A Sáng, Chín Thẩu mời ông Trần tới dự tiệc, nhậu với óc khỉ sống và đề nghị ông kết nghĩa huynh đệ.  Những hành động anh hùng, kiếm khách của ông Trần  đã góp phần ổn định vùng biên cương của Tổ quốc trong những ngày đầu cách mạng.
Khu trưởng là người điềm đạm, lịch lãm, thương yêu, quý trọng cấp dưới, ít khi nóng giận. Nhưng khi ông nóng lên thì "trời cũng bé". Là người cùng học ở Trường Hoàng Phố, nên Tạ Đình Đề cũng được Khu trưởng nể vì, yêu mến. Lần nóng giận, to tiếng của Tạ Đình Đề cùng Khu trưởng, làm mọi người chung quanh lắc đầu lè lưỡi. Nhưng, ngay chiều hôm đó, người ta thấy Khu trưởng ôm vai Tạ Đình Đề thủ thỉ:
- Cậu nói đúng, mình suy nghĩ chưa chín lắm!
Dọc  đường từ Cầu Dậm, Chợ Bến, Chi Nê, Nho Quan, Cống Thần, chợ Đại đến Cầu Bố, Rừng Thông..., những đồn công an nhũng nhiễu bà con, ăn chặn chị em buôn chuyến mang hàng từ vùng địch ra, Tạ Đình Đề đều có mặt. Anh vào đồn công an trao đổi với anh em bằng những lời lẽ chân tình, thuyết phục: Kháng chiến thiếu thốn, thuốc men, đường sữa, thực phẩm, hàng hóa, vải vóc... từ vùng địch đem ra hậu phương là có lợi cho kháng chiến.
Tiếng tăm của Tạ Đình Đề càng nổi trội trong hàng ngũ anh em công an dọc đường kháng chiến. Tạ Đình Đề đã góp công không nhỏ làm lành mạnh đội ngũ công an. Chính những chốt công an đó đã thành công trong công tác bảo mật, phòng gian, nhiều lần làm thất bại hành động phản quốc của những tên gián điệp, chỉ điểm, làm việc cho Pháp phá hoại hậu phương kháng chiến.
“Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”
Tuyến đường Diêm Điền, Nga Sơn, Rừng Thông, Cầu Bố có tên đại gia buôn lậu khét tiếng, hoành hành dữ dội. Hôm đó, ở một cửa hàng ăn gần Cầu Bố có một vị khách người nhỏ nhắn, mặc chiếc áo bông xanh bộ đội phát cho cấp đại đội trở lên bước vào.
Người khách kéo ghế ngồi trong góc. Ông gọi ly cà phê, rút điếu thuốc châm lửa hút, rồi ném bao Cô-táp lên mặt bàn. Trước mặt ông khách là một người khách cao to như con gấu ngựa, ôm một cô gái ngồi trên đùi, thức ăn ngồn ngộn trên bàn.
Đây là hình ảnh hiếm gặp trong những năm tháng chống Pháp. Điếu thuốc lá nhiều lần lóe sáng trên môi ông khách. Và, nhiều lần ông khách tỏ vẻ khó chịu, nhấp nhổm trên ghế. Cho đến lúc người khách kia gọi chủ quán quát mắng, hạch sách thì ông khách nhỏ nhắn không chịu nổi. Ông đứng bật dậy.
Người khách cũng vùng dậy, khẩu Walther lăm lăm trong tay.
Trước mặt hắn là một người nhỏ nhắn đôi mắt chứa đầy những ánh lửa, tấm áo bông phanh ra. Tay ông khách đặt lên hai khẩu Côn ngựa bay dắt cạp quần.
- Mày đã nghe tên Tạ Đình Đề chưa?
Khẩu Van-te rơi phịch xuống đất. Người khách quỳ xuống chân ông khách, lắp bắp:
- ...Xin anh tha tội cho em!...
- Trong khi bà con đang gian khổ kháng chiến, các chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận, mà mày nỡ ngồi đây đú đởn, ăn uống, trai gái. Tao có thể thay mặt nhân dân xử tử mày. Nhưng thôi, tao tha cho cái mạng của mày!
Người khách cao to định vồ lấy khẩu súng trước mặt thì bàn chân của ông khách đã chặn lấy. Ông khách thong thả nhặt khẩu súng, rút băng đạn lẳng vèo xuống ao cạnh đó. Ông quát rất to:
- Cút ngay!
Một cú đá, người khách cao to bật ra cửa.
Cả vùng Cầu Bố, Rừng Thông ầm ĩ chuyện Tạ Đình Đề đá một phát, tên buôn lậu bắn qua đường, nằm không nhúc nhích. Từ đó, người dân vùng Cầu Bố, Rừng Thông không còn thấy mặt tên buôn lậu khét tiếng.
Một lần, Tạ Đình Đề  họp khá lâu ở Việt Bắc trở về. Anh  mặc quần áo chỉnh tề vào trong thành như một chính khách, đàng hoàng ngồi ở hiệu Bô-đê-ga giữa thanh thiên bạch nhật.
Có tên cảnh sát nhiều lần giáp mặt Tạ Đình Đề. Hắn đứng như trời trồng, khi nhận ra Tạ Đình Đề. Tên cảnh sát  quay trở ra, chạy như ma đuổi. Tạ Đình Đề lâm vào thế bất lợi. Anh kiểm tra lại hai khẩu Côn ngựa bay dắt trong bụng. Tạ Đình Đề vẫn ung dung ngồi ăn nghe ngóng, thăm dò động tĩnh. Tiếng ồn ào đầu phố dội vào, một lúc rồi im ắng...
Hà Nội giải phóng, Tạ Đình Đề gặp  tên cảnh sát dã chiến ở ven hồ Hoàn Kiếm. Vừa lạ, vừa cảnh giác, anh tóm tay tên cảnh sát ấn xuống chiếc ghế đá ven hồ.
- Lạy anh Đề! Em biết anh rồi! Lần  trông thấy anh ở cửa hàng Bô-đê-ga, hoảng quá em chạy ra đầu phố thì thấy thằng Gioóc chỉ huy đồn cảnh sát  Hàng Trống đang huy động lực lượng để bắt nhân viên Đội Biệt động Hà Nội.  Em rỉ tai nó:  "Ông Đề đấy! Chúng mày động vào ông là toi mạng!".
Nghe tên ông Đề, bọn cảnh sát khiếp vía, quay lui có trật tự. Đứng núp bên hè  bên kia đường, em còn thấy anh thọc hai tay vào túi quần, huýt sáo vang đi về phía đường Paul - Bert. Em thấy các anh hoạt động trong nội thành Hà Nội mà như ở chỗ không người thế này thì nhất định các anh sẽ chiến thắng. Em tìm cơ sở nội thành, xin được tham gia hoạt động.
Gần đây, tôi lại được nghe anh Hoàng Giáp, người chỉ huy cơ quan địch vận Trung đoàn 66 hoạt động nội thành kể:
Năm 1980, anh vào TP HCM thăm bà con, tình cờ gặp Tạ Đình Đề. Hai anh gặp lại các chiến hữu cũ Nguyễn Trần Hồ, Anh Đệ... các anh tổ chức buổi gặp mặt ở quán phở trên đường Lý Chính Thắng. Tạ Đình Đề vào Sài Gòn lần này là tìm cơ sở tổ chức chi nhánh phía Nam cho Nhà máy Dụng  cụ  cao su Đường sắt.
Hai vị Tạ Đình Đề, Hoàng Giáp cùng ngồi trên một chiếc xích-lô từ chợ Tân Định đến nơi hẹn. Bước chân xuống xe thì anh đạp xích-lô khoanh hai tay đứng trước mặt Tạ Đình Đề.
- Thưa chú! Chú có phải chú Tạ Đình Đề ngày xưa hoạt động nội thành Hà Nội không ạ!
Tạ Đình Đề lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao cậu lại biết tên tôi?
- Cháu nghe hai chú ngồi trên xe nói chuyện dọc đường, nên  cháu biết chú là Tạ Đình Đề, người mà cháu ngưỡng mộ mấy chục năm nay. Hôm nay được gặp chú, quả là may mắn cho cháu. Thưa hai chú, cháu là người miền Bắc bị bắt đi lính. Hà Nội những năm 47, 48, 49, 50 tiếng tăm Tạ Đình Đề nổi như sấm. Bọn Pháp lúc đó vừa sợ, vừa kính phục, khi nghe thấy tên chú.
Năm 1973, cháu rời bỏ binh nghiệp, trở về đạp xích-lô kiếm sống. Nhà cháu ở hẻm 231 đường Võ Văn Tần, số nhà 5. Cần chi, xin các chú cứ gọi, cháu xin phục vụ tận tình.
Trước khi bước lên xe. Anh ta còn cúi đầu xá mấy xá.
Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi muốn biết sự thực về những chuyện người ta đồn thổi về anh. Anh cười đôn hậu. Chúng tôi hỏi anh về chuyện bắn súng hai tay như một. Nghe nói, anh có thể bắn cụt điếu thuốc lá trên môi người đang hút và bắn tan cái cốc đặt trên đầu người cách xa 50mét! Chuyện giết nhiều tên mật thám, Việt gian trong thành Hà Nội!...
Kỷ niệm tại Trường Lục Quân
Cuối năm 1950, đầu năm 1951, tôi và một số anh em được đơn vị cử đi học Lục quân. Một chặng đường hơn 1.000km từ Nghệ An, qua Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, vượt cầu Thanh Thủy sang Trung Quốc, băng qua Thập vạn đại sơn lên tận Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam học tập. Ngày nghỉ, đêm đi để giữ bí mật, đồng thời tránh máy bay địch. Ròng rã hơn 3 tháng chúng tôi mới tới địa điểm.
Trường Lục quân chia làm hai phân khoa. Phân khoa 1 đào tạo chỉ huy cấp trung đội, đại đội bộ binh, thông tin, pháo binh, công binh; Phân khoa 2 bổ túc cán bộ đại đội. Hiệu trưởng nhà trường là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Chính ủy là Thiếu tướng Trần Tử Bình.
Tạ Đình Đề học ở Phân khoa 2. Anh học khóa 6 và học thêm khóa 7. Không rõ vì sao trong khi anh đang làm tốt nhiệm vụ chỉ huy Đội Biệt động Liên khu 3 lại được cử đi học liền hai khóa bổ túc?
Tạ Đình Đề đối với những người lính Khu 3 chúng tôi là một thần tượng. Nghe tiếng anh, chúng tôi chỉ muốn được gặp anh, được trò chuyện cùng anh. Tôi hình dung anh là một hiệp khách trong tiểu thuyết Trung Quốc, cao to, đôi lông mày xếch, mặt hung dữ, tiếng nói như sấm vang, phi ngựa, múa đao, hai tay hai súng, bắn gục kẻ thù xa hàng trăm mét nhanh như chớp!
Huân chương Độc lập hạng 3 của Chủ tịch nước truy tặng ông Tạ Đình Đề
Nhưng không, gặp anh chúng tôi thấy anh nhỏ nhắn, với nước da màu đồng, trông hiền từ như người nông dân quê tôi sau một ngày cày sâu, cuốc bẫm. Chỉ có đôi mắt anh thật sắc và con người anh hoạt bát, nhanh nhẹn. Anh cũng như chúng tôi vác khẩu Trung chính thất cửu dài nghêu, cùng chiếc nón sơn vàng, có chữ Bát Nhất đỏ chói.
Chúng tôi chỉ được gặp nhau trong những ngày kỷ niệm hoặc họp toàn trường, trên sân vận động gần Hiệu bộ. Những ngày chủ nhật cũng không được gặp mặt nhau, vì phải tăng gia cho đủ chỉ tiêu nạp cho nhà bếp.
Mỗi khi gặp nhau, bọn lính trẻ chúng tôi ngồi quây lấy anh. Gặp chúng tôi anh rất vui. Hầu như những người lính Khu 3 chúng tôi có mặt ở đây, làm anh nhớ tới những chiến sĩ trong Đội Biệt động Liên khu 3 do anh chỉ huy, đang tung hoành ngang dọc trong nội thành Hà Nội.
Anh nói với chúng tôi - Các cậu là những chỉ huy các đơn vị Tổng phản công. Học nhanh lên anh em ta sẽ trở về giải phóng Hà Nội. Đây là nguyện ước của tất cả mọi người. Những bài hát "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao, “Ai về thủ đô tôi gửi vài lời..." của Huy Du, thường đọng trên môi mỗi người dân kháng chiến.
Chúng tôi mường tượng, giải phóng thủ đô là đuổi Tây ra khỏi đất nước, là hoàn thành thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.
Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi muốn biết sự thực về những chuyện người ta đồn thổi về anh. Anh cười đôn hậu. Các cậu đừng nghe người ta đồn! Chuyện bịa đấy! Chúng tôi hỏi anh về chuyện bắn súng hai tay như một. Nghe nói, anh có thể bắn cụt điếu thuốc lá trên môi người đang hút và bắn tan cái cốc đặt trên đầu người cách xa 50mét! Chuyện giết nhiều tên mật thám, Việt gian trong thành Hà Nội!...
Anh giải thích: Cách mạng là thuyết phục, là giáo dục, cải tạo con người. Ngoài những trận đánh cùng bộ đội, mình chưa hề bắn ai, giết ai trong nội thành Hà Nội. Các chiến sĩ biệt động giết địch thì có. Đôi khi lấy danh nghĩa Tạ Đình Đề viết thư cảnh cáo những tên ác ôn, tay sai của giặc làm thiệt hại cho kháng chiến.
Những lá thư cảnh cáo đó thường được gài vào khe cửa, dán lên tường nhà những tên ác ôn, với chữ ký: Ông Đề. Việc đó, có tác dụng làm chùn tay những tên ác ôn. Nhiều tên tự giác thú tội và tình nguyện làm việc cho kháng chiến.
Còn chuyện bắn súng. Hồi học ở Trường Quân sự Quế Lâm, Trung Quốc, sau nhà ở là bãi tập bắn. Nơi đó, có đủ các loại súng Pạc-khoọc, Brao-ninh, Mô-de... kể cả trung liên, đại liên... có thể bắn thoải mái bất kể lúc nào, ban ngày, ban đêm... với mọi tư thế nằm, ngồi, bắn sau lưng, bắn trong lúc hành tiến...
Ban đêm đốt nén hương bắn trúng điểm hồng. Nghe tiếng động, vẩy súng trúng mục tiêu sau lưng. Phi ngựa bắn trúng mục tiêu gần trăm mét... Vì vậy, mà bắn giỏi, thế thôi. Tôi cũng như các cậu, cũng là con người bằng xương bằng thịt, bố mẹ đẻ ra, có gì là ghê gớm lắm đâu!
Tôi nghỉ hưu năm 1991 sinh hoạt trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến. Lúc này, tôi mới được gặp anh trong những lần sinh hoạt cựu chiến binh hằng năm. Và, cũng lúc này, tôi mới được biết anh rời bộ đội trở về với nghề cũ làm việc tại Tổng cục Đường sắt từ tháng 10/1954. Có nghĩa là ngay sau những ngày giải phóng thủ đô, anh đã rời quân ngũ, nơi mà anh hằng gắn bó, yêu thương.
Về Tổng cục Đường sắt, anh trải qua các chức vụ: Chủ nhiệm Tổng kho Biên giới Lạng Sơn, Trưởng đoạn Đầu máy Hà Nội, Trưởng ban Thể dục - Thể thao, kiêm Giám đốc Nhà máy Dụng cụ cao su Đường sắt - nhiều người thường gọi là Xưởng sản xuất dụng cụ thể thao Tổng cục Đường sắt. Anh nghỉ hưu tháng 2/1991 với mức lương cán sự 3!!!
Tôi được nghe anh Hoàng Sinh, thư ký của Khu trưởng Hoàng Sâm kể:
- Hồi ở Liên khu 3, thấy chúng tôi lau mấy khẩu Brao-ninh, Van-te... mới được cấp phát khá thành thạo. Liên khu trưởng vui lắm. Ít lâu sau, chừng muốn thử súng mới, lại đúng dịp xạ thủ nổi tiếng Tạ Đình Đề có mặt ở Bộ tư lệnh Liên khu, báo cáo tình hình Biệt động đội thành phố Hà Nội, anh Sâm gọi xạ thủ Tạ Đình Đề ra thi bắn.
Chúng tôi được cử làm trọng tài chứng kiến cuộc thi bắn không hẹn trước này. Mục tiêu là chùm sung rừng cách xa 20m. Mỗi người bắn 3 viên. Kết quả xạ thủ Tạ Đình Đề thua điểm.
Tôi vẫn khâm phục Tạ Đình Đề về tài bắn súng. Hầu như trong tôi, anh là xạ thủ bắn súng ngắn duy nhất mà tôi tôn thờ. Tôi hỏi anh chuyện thi bắn với Khu trưởng Hoàng Sâm. Anh chỉ cười tủm tỉm.
Đồng đội, bạn bè vẫn nhớ về anh
Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi muốn biết sự thực về những chuyện người ta đồn thổi về anh. Anh cười đôn hậu. Chúng tôi hỏi anh về chuyện bắn súng hai tay như một. Nghe nói, anh có thể bắn cụt điếu thuốc lá trên môi người đang hút và bắn tan cái cốc đặt trên đầu người cách xa 50mét! Chuyện giết nhiều tên mật thám, Việt gian trong thành Hà Nội!...
Được trả tự do ngay tại tòa án
Tháng 8/1985, Tạ Đình Đề lại bị bắt lần thứ hai, ngày 3/9/1987, Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề với 34 tội danh. Mấy ngày tòa xử, là mấy cơn "địa chấn" dữ dội ở Tòa án Hà Nội. Người từ Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Hà kéo lên, người từ các công xưởng, phố xá ùn ùn kéo tới... đứng tràn cả ra đường Lý Thường Kiệt.
Ông Tạ Đình Đề (phải)
với Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo
Phiên tòa xử Tạ Đình Đề lần này cũng như lần trước. Tòa không luận được tội trạng của Tạ Đình Đề. Tội tập hợp những phần tử xấu lưu manh, trộm cắp thì hàng trăm công nhân con thương binh, liệt sĩ, những tù nhân đã được cải tạo mãn hạn tù, những chiến sĩ bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự bị thất nghiệp... được anh dung nạp, đều là những người tốt.
Nhiều anh em công nhân vừa làm, vừa học trở thành bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, trở thành nhạc sĩ, như Phan Lạc Hoa, Lưu Quang Vũ. Không hề tìm thấy dấu vết một người trong số đó thoái hóa, biến chất. Việc làm của Giám đốc đều vì công việc, vì nhà máy, vì mọi người. Tòa không đủ chứng cứ kết tội.
Các tội vi phạm khác, đều bị luật sư tình nguyện bảo vệ Tạ Đình Đề, dùng luật bác bỏ. Điều lạ, luật sư bảo vệ cho Tạ Đình Đề là luật sư không chuyên.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Dương Bạch Liên trong công văn gửi Tòa án cũng khẳng định: "...Có nhiều việc liên quan đến Bộ, đến Tổng cục Đường sắt chịu trách nhiệm, Giám đốc xưởng Dụng cụ cao su Tổng cục Đường sắt không tự ý làm...”.
Hội đồng xét xử tuyên bố Tạ Đình Đề không phạm tội. Tạ Đình Đề được trả tự do ngay tại tòa. Tòa kiến nghị Tổng cục Đường sắt phục hồi quyền lợi mọi mặt cho bị cáo!
Lời tuyên bố của tòa được truyền qua loa phóng thanh. Tiếng của Chánh án chưa dứt thì tiếng vỗ tay, hoan hô vỡ òa như sấm. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề lên vai, rồi tặng anh những bó hoa. Chính những chiến sĩ công an vừa khóa tay Tạ Đình Đề, lại là người dẫn đầu mở lối cho anh ra với bà con, bè bạn!
Anh được đồng đội ùa ra đón, Tạ Đình Đề không hiểu mình khóc hay cười.
Trong lúc Tạ Đình Đề vướng vòng tai ương thì vợ anh, chị Đặng Thị Thọ, người phụ nữ phúc hậu trằn lưng gánh vác việc gia đình, xã hội. Sống trong thời kỳ sổ gạo, tem phiếu... tiêu chuẩn của anh, của chị và con anh bị cắt hết, gia đình sống rất chật vật, thiếu thốn.
Chị cắn răng, bán căn nhà số 2 phố Hàng Ngang của cha ông để lại nuôi dạy con cái, tiếp tế cho chồng! Nhưng chị đã vượt qua tất cả khó khăn để đứng vững trong cuộc sống và luôn luôn tin tưởng vào sự vô tội của anh...
Khi hay tin, tôi được Ban Liên lạc Bộ đội Tây Tiến phân công viết về anh. Nhiều anh em gọi tôi tới cung cấp tài liệu về Tạ Đình Đề. Cũng có người hỏi: Chuyện Tạ Đình Đề đã rõ, đã được tổ chức minh chứng, công khai. Sao bây giờ mới viết?
Tôi nói, Tạ Đình Đề có nhiều điều bí ẩn về cuộc đời, về công việc anh làm. Ngày trước có thể tổ chức chưa hiểu hết về anh và còn một số điều "ràng buộc" khác viết khó được đăng lắm!
Lời kết
Một ngày đầu thu năm 1998, Tạ Đình Đề về cõi vĩnh hằng, đem đi biết bao chuyện như huyền thoại của cuộc đời anh. Thể theo nguyện vọng của bè bạn, đồng đội, anh em và của gia đình, thi hài anh được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Nơi đó, không gian rộng rãi hơn, trang trọng hơn.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (Thứ ba từ phải sang) cùng các bạn chiến đấu trong buổi lễ truy tặng Huân chương Độc lập hạng 3
cho đ/c Tạ Đình Đề.
Bạn bè, đồng đội, học trò, bà con Hà Nội đến đưa tiễn anh khá đông. Những chiến sĩ Biệt động Hà Nội râu tóc bạc phơ, chống gậy đến nhìn anh lần cuối. Các chiến sĩ Liên khu 3: Trung đoàn 52 Tây Tiến, Trung đoàn 66 Chủ lực của Liên khu, Trung đoàn 48 Thăng Long... đều cử đại diện đến đưa tiễn anh. Người ta còn thấy các vị tướng từng công tác, chiến đấu cùng anh: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Nguyễn Hòa..
Chỉ tiếc Lưu Quang Vũ, Phan Lạc Hoa, nhiều anh em được anh cưu mang trong lúc khó khăn, trong lúc bệnh tật hiểm nghèo không có mặt tiễn anh.
Ban tổ chức tang lễ tiễn đưa anh hôm đó là Tổng cục Đường sắt. Song, người đọc điếu văn lại là Thiếu tướng Văn Phác. Bài điếu văn của Thiếu tướng Văn Phác, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội tiễn Tạ Đình Đề về nơi an nghỉ cuối cùng khá dài, xúc động. Tôi chỉ nhớ đoạn cuối của bài điếu:
“...Anh Tạ Đình Đề ơi! Xin anh hãy yên nghỉ cùng với những chuyện như huyền thoại đẹp về anh...".
Có lẽ không có lời nào để bạn bè, đồng đội, bà con Liên khu 3 nhớ về anh hay hơn thế!
Và, sau 9 năm anh mất, căn cứ vào thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và xây dựng đất nước của anh, ngày 11/5/2007 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định truy tặng Tạ Đình Đề Huân chương Độc Lập hạng Ba

9 nhận xét:

  1. Từ lâu, Tạ Đình Đề đã là huyền thoại, nhưng cuộc đời lại nhiều gian nan. Còn những thêu dệt về chuyện của Ông với Bác Hồ như thế nào, chuyện Ông có phải làm việc cho tình báo TQ không...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. theo tớ biết là không ,nhưng có người đã nghi vấn ông từng làm việc cho phòng nhì

      Xóa
    2. câu chuyện của Ông với Cụ Hồ thì không biết thật hư thế nào . nhưng cứ để nó mãi mãi là một giai thoại đẹp -- nghe danh ông nhìu lính Pháp Mỹ lúc đó phải rung sợ ,nghe khoái cả tai

      Xóa
  2. Tôi là một trong những người may mắn được bác Tạ Đình Đề bế chơi khi còn bé.
    Thực tình tôi không nhớ gì về ông, nhưng bố mẹ tôi và chị gái tôi luôn nhớ về ông như một người anh nghĩa hiệp. Kí ức về ông, vẫn thỉnh thoảng được bố mẹ tôi đem ra kể mỗi khi tôi về quê.
    Có ai muốn tìm hiểu thêm về ông xin liên hệ: Trelangblogspotcom@gmail.com.
    Vũ Hoàng Sơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tôi rất muốn biết rất ham nghe về những câu chuyện như vậy .kí ức về ông Tạ Đình Đề san sẻ cho tôi nghe với !

      Xóa
    2. bạn có thể cho biết những người anh, chị, em của Ông được không, gia đình mình có quen một người tên là Tạ đình Nhân. ông không nói nhưng mọi người hàng xóm nói ông là anh trai Ông Đề. Ông mất ở Buôn Ma Thuột. Mail của mình: Ledothientai@yahoo.com. Cám ơn bạn

      Xóa
  3. Sao bài viết không ghi tên tác giả là ai vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã góp ý ,tớ sẽ tìm nguồn của văn bản .
      Nếu bạn biết ,bạn có thể cho tớ xin nguồn .

      Xóa
  4. hay và thật sự lý thú . một câu truyện không tưởng như thật về việc xuất quỷ nhập thần của Tạ Đình Đề .mình muốn và được biết nhiều hơn nữa về những câu truyện hay về ông . đi ra vào Hà Nội khi diễn biến đang gay gắt mà ba tháng về một lần cắt tóc lấy xe của Pháp rồi trả lại như cũ không ai biết .. có ai còn biết những câu chuyện đại loại về tài của ông nữa không ?

    Trả lờiXóa

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !