Đã hai năm qua kể từ khi sự kiện Mùa xuân Ả Rập diễn ra ở khu vực Bắc Phi, cho đến nay dường như chỉ có Libya đã có phần lắng xuống sau cái chết của tổng thống Gaddafi, tuy nhiên cũng không thực sự lắng xuống khi vẫn còn những cuộc đấu súng, nổ bom giữa những người trung thành với Gaddafi và những người ủng hộ chính quyền NTC thân NATO. Trong khi đó ở Ai Cập, dù tổng thống Honsi Mubarak đã ra đi nhưng đất nước này vẫn còn đang đầy rẫy những cuộc biểu tình phản đối chính quyền mới sau khi phế truất tổng thống Morsi, và chính quyền Mỹ – đứng đầu NATO dường như quá im lặng với sự kiện này. Có lẽ đơn giản vì họ đang dành sự chú ý vào Syria, nơi mà cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ hai, nơi mà tất cả các nước NATO đang khao khát hơn bao giờ hết để biến nó thành Libya thứ hai.
Có thể nói năm 2011 khi chính quyền của tổng thống Gaddafi bị lật đổ và vị “vua của châu Phi” này bị giết hại dã man, cuộc nội chiến ở Syria đã lên đỉnh điểm, những người biểu tình ở Syria bắt đầu có những khẩu hiệu như: “Bashar al-Assad, ngươi sẽ chết như Gaddafi”. Ở Mỹ và các nước đồng minh NATO, Obama và Cameron có thể nói đã bắt đầu mừng như đào được vàng khi Osama BinLaden và nay Gaddafi đều đã chết dưới tay họ, hi vọng về việc tiêu diệt thêm một kẻ chống đối nữa mà họ gọi là “độc tài” bắt đầu lên cao khi quân đội tự do Syria (Free Syrian Army) đang dần chiếm được thêm nhiều thành phố và lãnh thổ trong Syria. Nhiều chuyên gia quốc tế đã bắt đầu lo ngại về một kiểu học thuyết can thiệp vào nội bộ các nước trên thế giới bằng những khẩu hiệu như “dân chủ, nhân quyền, chống độc tài” mà NATO do Mỹ đứng đầu khởi xướng. Thế nhưng chỉ trong hai năm đó, mọi thứ đã đảo lộn, quân FSA đang ngày càng bị đẩy lui về những căn cứ quan trọng và mất chúng qua từng trận đánh, quân đội Syria của Assad đang dần thắng thế nhờ sự giúp đỡ của Hezbolla và Iran, những người coi Israel là kẻ thù không đội trời chung. Chính lúc này đây, NATO bắt đầu tung ra những câu nói hài kịch để đời, tổng thống Obama không một lần nào nhắc đến Syria mà không nhắc đến những câu như: “quan ngại về Syria, lo lắng cho thường dân Syria, nội chiến Syria cần chấm dứt”. Và ông ta đã bày tỏ quan ngại cũng như mong muốn của mình bằng cách kêu gọi các nước NATO hỗ trợ thêm vũ khí cho quân nổi dậy FSA, một điều mà lúc họ còn đang thắng thế không nhận được quá nhiều. Thật buồn cười khi đó là cách mà NATO can thiệp để chấm dứt nội chiến bằng cách đổ thêm dầu vào lửa cho nó. Không những thế, thời điểm hai năm trước khi quân FSA còn thắng thế, cả Obama và Cameron đã kêu gọi tổng thống Nga khi đó là Medvedev không hỗ trợ vũ khí cho quân đội chính phủ Assad vì như vậy sẽ làm kéo dài thêm cuộc chiến, còn bây giờ thì họ lại hỗ trợ vũ khí cho FSA và nói đó là cách tốt nhất để chấm dứt cuộc chiến. Phải chăng đó là kiểu logic của NATO khi nói mình có quyền làm gì đó còn người khác thì không có quyền làm điều tương tự?
Trò hề của NATO chưa dừng lại ở đó. Nhà Trắng trong suốt hai năm qua không ngày nào không tố cáo chính quyền của tổng thống Assad phạm tội ác chiến tranh với thường dân, thế nhưng khi có những hình ảnh về việc lính FSA moi và ăn tim một lính quân chính phủ Syria thì chả thấy họ nói một câu gì về điều đó. Dĩ nhiên họ cũng chẳng nói gì khi có cảnh lính FSA bắt một thường dân nghi ngờ trung thành với Assad, dựa anh ta vào tường và bắn liên tục cho đến khi anh ta nằm bất động dưới đường, hay cảnh xử tử hàng loạt tù binh quân chính phủ Syria. “Nước mắt cá sấu” về nhân quyền đã cạn, thế là Obama lại “viện cớ” khác để can thiệp vào Syria là vì lo ngại chính quyền của tổng thống Assad có sở hữu vũ khí hóa học và đã sử dụng chúng trong một vài trận đánh, thế nhưng đến lúc tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tố quân nổi dậy FSA dùng vũ khí hóa học thì Mỹ lại một lần nữa im lặng, còn các thanh tra của Liên Hợp Quốc khi vào Syria thì tìm được gì? Họ tìm được dấu hiệu của vũ khí hóa học, nhưng họ chẳng thể nói được là ai đã sử dụng cả. Thật là bế tắc! Quá bế tắc khi không thể tìm ra được một giải pháp hòa bình nào cho Syria, làm sao có thể tìm ra khi vũ khí càng ngày được đổ vào Syria càng nhiều, và giờ khi Al-Qaeda, sau Libya, đã tiếp tục mò đến Syria với cơ hội thu được càng nhiều vũ khí mà NATO đã cung cấp cho phe nổi dậy càng tốt, điều đó không ngạc nhiên khi các thủ lĩnh Al-Qaeda cũng ủng hộ quân FSA, mà thế thì càng oái oăm cho NATO khi Al-Qaeda và Mỹ là kẻ tử thù của nhau. Chính quyền của tổng thống Obama nhận ra điều này và trở nên dè dặt trong việc hỗ trợ cho quân FSA, kết quả là quân FSA bản thân vẫn chưa có được sự ủng hộ của đa số người dân Syria, lại nảy sinh mẫu thuẫn trong nội bộ, cộng với khả năng chiến đấu và trang bị thua xa quân chính phủ và bắt đầu bị đẩy lui tới thất bại ngày một rõ rệt. Đó thực sự là một kết quả mà Washington không hề mong chờ đến khi hai năm trước còn đang chuẩn bị cho kế hoạch hậu Assad.
Nhìn lại từ hai năm trước cho đến bây giờ, chúng ta có thể thấy NATO thực ra không có quyền hay tư cách gì để can thiệp vào sự kiện Mùa xuân Ả Rập. Vì sao? Vì như vậy là trái với công ước của Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, Obama và những cộng sự NATO của mình luôn cho rằng vì Libya, Syria vi phạm nhân quyền trong các vụ đàn áp người biểu tình nên họ cảm thấy quan ngại và phải can thiệp, và họ gọi những người như Gaddài và Assad là những kẻ độc tài. Thế nhưng họ có chịu lại bản thân mình khi cuộc nội chiến Libya trở nên quyết liệt vào năm 2011 thì phong trào chiếm phố Wall ở Mỹ cũng quyết liệt không kém, người nghèo ở Mỹ đứng lên cái họ nhận được từ chính quyền Mỹ là sự đàn áp không khoan nhượng bởi dùi cui, vòi rồng, hơi cay của cảnh sát. Đến thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nổi lên không kém bởi những cuộc biểu tình của người dân bất mãn chống lại chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, và những cuộc biểu tình đó cũng kết thúc trong dùi cui của cảnh sát và máu của người biểu tình, và một lần nữa tổng thống Obama lại im lặng trước điều đó. Có lẽ điều dễ hiểu vì Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên lâu đời của NATO từ hồi chiến tranh Lạnh, lại là cái nôi ra đời cho chính quyền lưu vong của FSA chống lại chính phủ của tổng thống Assad. Điều đó đã khiến chính quyền Mỹ trở thành tên trùm băng đảng biết bảo kê cho những tên đệ tử trung thành để chúng thoải mái tự do làm loạn, thế giới có phản đối thì cũng chả làm gì được những tên lưu manh được “đại gia” bảo kê đó. Chung quy lại thì vì những lợi ích mà chiến tranh đem lại thì NATO do Mỹ đứng đầu sẽ tiếp tục kéo dài nó theo chiều hướng có lợi cho mình.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, những trận đánh nảy lửa ở các thành phố vẫn diễn ra với những cuộc đấu súng dữ dội, máy bay và trực thăng oanh tạc, pháo binh và tên lửa khai hỏa không thua kém gì những bộ phim kỹ xảo hoành tráng của Hollywood, chỉ có điều khác là đây là chiến tranh thật, người chết thật. NATO lúc này khao khát hơn bao giờ hết cơ hội để can thiệp vào Syria như họ đã làm ở Libya, nhưng Syria nào phải là Libya vì giờ cơ hội để FSA chiến thắng đã quá xa vời. Và chừng nào tổng thống Assad còn vững vàng trên chiếc ghế tổng thống, thì những trò hề mới của NATO do Mỹ đứng đầu sẽ còn tiếp tục được biểu diễn trên sân khấu chính trị, chỉ có điều số lượng khán giả muốn xem đã bắt đầu vơi dần đi rồi.
Victor Charlie – CT03
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !