Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương


(1): Kinh nghiệm Ấn-Nhật

 Có một thực tế không chối cãi trong phát biểu của tướng La Viện: Trung Quốc đang lẹt đẹt sau Ấn Độ và Nhật Bản trong lĩnh vực tàu sân bay và khoảng cách này là từ xa đến... rất xa.

Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương
Ngày 10-8, Tân Hoa xã đưa tin tàu sân bay Thi Lang mà Trung Quốc mua lại của Ukraine đã chính thức đưa vào chạy thử.

Nhưng trước đó, AFP đã trích phát biểu của tướng La Viện trên Beijing News: “Cả Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có ba tàu sân bay vào năm 2014, nên Trung Quốc cũng không thể có ít hơn ba tàu sân bay”. Tàu sân bay “quý báu” như thế nào mà thiên hạ phải tranh nhau để có?
Hải quân Ấn: 50 năm chiến đấu với tàu sân bay
Hải quân Ấn đã sử dụng tàu sân bay từ 50 năm trước (tháng 3-1961) với chiếc INS Vikrant (INS: India Navy Ship, tàu hải quân Ấn) mua lại của hải quân Anh! Đây là một tàu sân bay hạng nhẹ (19.500 tấn), chuyên trị tàu ngầm, có tầm hoạt động 12.000 hải lý với vận tốc 14 hải lý/giờ.

Mười năm sau ngày gia nhập hải quân Ấn, chiếc INS Vikrant tham gia cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971, từng được xem là đã đánh đắm chiếc tàu ngầm PNS Ghazi (PNS: Pakistan Navy Ship, tàu hải quân Pakistan) vốn có nhiệm vụ theo dõi và đánh chìm chiếc Vikrant. Sau 36 năm chinh chiến, chiếc Vikrant được cho “giải ngũ” từ năm 1997, cách đây 14 năm, nay trở thành một bảo tàng nổi ở cảng Mumbai.

Sau chiếc INS Vikrant là chiếc INS Viraat, mua lại của hải quân Anh, được biến cải thành tàu sân bay chuyên chở loại máy bay chiến đấu lên thẳng (VSTOL) và tham gia hải quân Ấn từ năm 1987. Với 21 chiếc phản lực lên thẳng, chiếc INS Viraat, tuy cũng là một tàu sân bay hạng nhẹ (chỉ 28.700 tấn), song đã trở thành một quả đấm thép trên biển. Sau chiếc Viraat duy nhất đang sử dụng, hải quân Ấn Độ nghĩ đến một thế hệ tàu sân bay mới, cũng hạng nhẹ, song được trang bị chiến đấu cơ Mig-29.

Có thể nói, hải quân Ấn Độ đã có đến 50 năm sử dụng tàu sân bay, tức phi công của hải quân Ấn Độ ít nhất cũng đã có 50 năm kinh nghiệm hải hành và hải chiến với tàu sân bay, trong khi phi công hải quân Trung Quốc nay vẫn đang tập hạ/cất cánh trên tàu sân bay, bắt đầu là từ sân thượng một tòa nhà giả làm boong tàu... Ít nhất, hải quân Ấn cũng đã có được một số kinh nghiệm chiến trường, đặc biệt có khoảng thời gian mười năm cùng lúc có trong tay hai tàu sân bay để thao dượt tác chiến theo đội hình tấn công của một hải đội gồm hai tàu sân bay làm nòng cốt với đầy đủ tàu tùy tùng trên mặt nước và dưới nước.

Điều động hai tàu sân bay cùng mấy mươi chiếc máy bay trên đó cất/hạ cánh sao cho đừng giây phút nào rơi vào thế bị động, máy bay cạn xăng phải bỏ cuộc bay về tàu hạ cánh hoặc còn kẹt lấy nhiên liệu phải nằm chết gí trong khoang tàu chịu trận mưa bom và thủy lôi của quân địch, chính là bài học tan xương nát thịt của hải quân Nhật Bản năm 1942 ở trận Midway.

Điều lớn nhất mà Trung Quốc có thể rút ra được từ kinh nghiệm của Ấn Độ là: có thể sử dụng tàu sân bay trong chiến tranh với lân quốc như là một lực lượng tham gia tấn công hoặc săn tàu ngầm đối phương như đã từng thấy trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971. Đó là nỗi thèm khát thứ nhất!
Ngày tàn của tàu sân bay Hosho (Ảnh tư liệu)
Nhật Bản: 100 năm tàu sân bay
Tháng 9-1914, chiếc tàu vận tải Wakamiya được hải quân Nhật biến cải thành tàu sân bay đầu tiên trên thế giới, đã tung bốn chiếc máy bay chong chóng Maurice Farman từ vịnh Kiaochow (Trung Quốc) bay vào tấn công một số mục tiêu của quân Đức tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, cùng các tàu của Đức ở vịnh Qiaozhou.

Suốt từ ngày 5-9 đến 6-11 năm ấy, bốn chiếc máy bay này đã “làm mưa làm gió” trên vịnh này. Thật ra chiếc Wakamiya chưa phải là tàu sân bay đúng nghĩa mà chỉ làm nhiệm vụ chở máy bay, hai chiếc trong hầm tàu, hai chiếc trên boong. Khi cần cho máy bay xuất kích thì dùng cần cẩu trên tàu đưa máy bay xuống biển, thủy phi cơ cứ thế mà cất cánh; chuyến về thì ngược lại.

Hải quân Nhật sớm đóng và hạ thủy chiếc tàu sân bay thật sự đầu tiên là chiếc Hosho chỉ bảy năm sau đó (ngày 13-11-1921). Nếu Trung Quốc giải thích chiếc Thi Lang đầu tiên của họ là tàu huấn luyện và thử nghiệm, thì chiếc Hosho chính là để thử nghiệm và huấn luyện cất/hạ cánh mở đường cho mọi trường phái hải quân dựa trên tàu sân bay.

Sau ba năm trời ngày ngày chứng kiến bao vụ cất/hạ cánh và được các phi công góp ý, boong tàu Hosho và đường băng được sửa đổi để việc cất/hạ cánh trở nên hoàn hảo. Thành ra, nói rằng chính người Nhật đã khai sinh tàu sân bay cả trong khái niệm (chiến tranh) và vật thể (tàu sân bay) là không ngoa.

Chiếc Lexus mà ngày nay khối người trầm trồ chẳng là “cái đinh” gì so với những con quái vật trên biển nặng đến 20.000 tấn hoặc hơn như chiếc Hosho cùng những chiếc máy bay cất cánh từ cái boong tàu dài không đầy 200m! Nội những cái thang máy khổng lồ, từ hai hầm chở máy bay của chiếc Hosho lên đến boong, khối nền kỹ nghệ cơ khí trên thế giới này nằm mơ cũng chưa sản xuất nổi!

Nỗi hận Thượng Hải
Thật ra người Anh, đế quốc trên biển của thế kỷ 19, đã nghĩ ra việc đóng tàu sân bay, song chiếc Hermes của hải quân Anh ra đời sau chiếc Hosho. Sau mười năm thử nghiệm, chỉnh sửa, rèn luyện, đến tháng 2-1932 chiếc Hosho được phái đến Thượng Hải với nhiệm vụ là bảo vệ 7.000 quân Nhật đang bị lộ quân 19 của Tưởng thống chế bao vây, trong khi chờ đợi lữ đoàn 24 và sư đoàn 9 bộ binh đến tiếp cứu vào giữa tháng 2.

Cùng tham gia trận Thượng Hải này còn có một chiếc tàu sân bay khác, chiếc Kaga. Sự kiện hai chiếc tàu sân bay Kaga và Hosho đánh vào Thượng Hải sẽ hằn sâu vào trong bộ nhớ phục thù của người Trung Quốc.

Chi tiết hai chiếc tàu sân bay Hosho và Kaga tham gia trận Thượng Hải (còn gọi là chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất) rất đáng lưu ý. Vào năm 1932 đó, thậm chí trước đó, hải quân Nhật đã hình thành được sư đoàn tàu sân bay số 1 của mình, với đầy đủ chức năng được xác định rõ ràng và được thao dượt các kỹ thuật tác chiến bảo vệ hạm đội, tham gia tấn công trên biển và trên bộ.
Vào đầu thập niên 1920, hải quân Nhật Bản đã được xếp thứ ba thế giới, sau hải quân hoàng gia Anh và hải quân Mỹ.
Lịch sử đã ghi lại rằng ngày 5-2-1932 ba chiếc máy bay chiến đấu phóng đi từ tàu Hosho đã hộ tống cho hai máy bay phóng pháo (ném bom) lao xuống Thượng Hải, bất chấp nỗ lực cản trở của chín chiếc máy bay của không quân Tưởng Giới Thạch. Bất chấp ưu thế số đông, không quân Tưởng Giới Thạch đã chịu mất một máy bay trong cuộc không chiến này. Hai hôm sau, cả chiếc Hosho và chiếc Kaga cùng tung máy bay tấn công sân bay Kunda để hỗ trợ bộ binh Nhật tấn công vào đây. Trong những ngày từ 23 đến 26-2, máy bay của hai chiếc này còn tấn công các sân bay Hàng Châu và Tô Châu, phá hủy một số máy bay đối phương. Ngày 26-2, sáu máy bay chiến đấu của tàu Hosho hộ tống chín máy bay phóng pháo của tàu Kaga bị năm chiếc máy bay của không quân Tưởng Giới Thạch chặn đánh, đã bắn hạ hai chiếc. 

Sự cố Thượng Hải kết thúc chín ngày sau đó bằng một cuộc ngưng bắn mà phần thiệt hại nghiêng về phía người Trung Quốc. Và 80 năm sau, nay người Trung Quốc mới chỉ bắt đầu “nghịch” tàu sân bay với chiếc Thi Lang mua lại “ve chai”!
 Cũng giống như người Anh, người Nhật sống trên những hòn đảo nên bản chất đã luôn khát khao vượt biển, tìm đường vào đất liền, vươn thật xa càng tốt.
Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh rồi ở Nhật càng thúc hối các “dân đảo” này đi xa hơn nữa để tìm kiếm nguyên liệu cho các nhà máy của mình.
Tàu chiến Nhật trên cảng Marseille (Pháp) năm 1917- Ảnh tư liệu
Tuy bước vào cuộc cách mạng công nghiệp sau, chỉ từ trào Minh Trị thiên hoàng, song người Nhật đã nhanh chóng bắt kịp làn sóng công nghiệp do họ có đầu óc tìm tòi sáng chế hơn là bắt chước sao chép. Chính điều đó đã tạo thành truyền thống của hải quân Nhật.
Mở cửa, mở mắt...
Phát minh đáng kể đầu tiên của người Nhật trong lĩnh vực hải quân là bọc sắt vỏ tàu. Ngay từ năm 1576, tướng quân Oda Nobunaga đã lần đầu tiên trên thế giới bọc sắt các con tàu của mình. Từ đó sinh ra khái niệm thiết giáp hạm (cuirassé). Chiếc Date Maru là chiến hạm xuyên đại dương đầu tiên của Nhật đóng năm 1613 để sau đó lên đường sang châu Mỹ rồi sang châu Âu vào năm 1614. Tiếc thay sau đó nước Nhật bế quan tỏa cảng trong hơn 200 năm, sợ “làn gió độc“ phương Tây và Thiên Chúa giáo tràn vào, thậm chí cấm cả đóng tàu vượt đại dương.
Đến năm 1853-1854, người Nhật khi mở cửa giao thương trở lại, hốt hoảng thấy tàu của mình chạy bằng buồm, còn tàu của phương Tây chạy bằng hơi nước sao mà nhanh quá, tự chủ quá... Ngay lập tức người Nhật cho đóng chiếc tàu hơi nước của mình, chiếc Kanrin Maru, với sự trợ giúp của các kỹ sư Hà Lan, đóng xong năm 1857. Năm 1860, chiếc tàu này vượt Thái Bình Dương sang đến San Francisco (Mỹ) và được dùng làm trụ sở Đại sứ quán Nhật tại Mỹ. Kinh nghiệm đóng tàu hơi nước của Nhật bắt đầu từ đó.
Chiếc tàu hơi nước đầu tiên do Nhật tự đóng là chiếc Chiyoda, hoàn tất năm 1863. Năm 1865, Nhật thuê kỹ sư đóng tàu người Pháp Léonce Verny thành lập các hải quân công xưởng hiện đại đầu tiên của mình tại Yokosuka và Nagasaki. Năm 1869, người Nhật cho hạ thủy chiếc Kotetsu - đây là chiến hạm bọc sắt chạy bằng hơi nước đầu tiên do Nhật tự đóng.
Không chỉ học kỹ thuật đóng tàu hơi nước, người Nhật còn đôn đáo khắp nơi tìm học kỹ thuật hải hành và tác chiến trên biển. Năm 1867, một phái bộ hải quân Anh do đại úy Tracey dẫn đầu hỗ trợ mở trường hải quân ở Tsukiji. Bên cạnh đó, một số sĩ quan được cử sang Hà Lan theo học trong các học viện hải quân. Đô đốc Takeaki Enomoto, từng theo học ở Hà Lan những năm từ 1862-1867; nhiều đô đốc hải quân khác như Heihachiro Togo, Yamamoto Isoroku... cũng từng xuất dương du học.
“Nhật Bản biển khơi”
Tháng 7-1869, hải quân Hoàng gia Nhật chính thức ra đời dưới trào Minh Trị thiên hoàng, nhiệm vụ ban đầu chủ yếu là phòng vệ duyên hải. Năm 1882, vua Minh Trị ra sắc lệnh phát triển hải quân, cho đóng mới 48 chiến hạm, trong đó có 22 ngư lôi hạm xuất phát từ trung tâm đào tạo phóng lôi ở Yokosuka năm 1886. Năm 1885, hải quân Nhật tung ra khẩu hiệu Kaikoku Nippon (Nhật Bản biển khơi) cùng lúc đóng mới một lúc hơn 20 khu trục hạm trang bị đại pháo 320 li, sau đó là một loạt tuần dương hạm.
Với một lực lượng hải quân được chuẩn bị về con người và về tàu bè hiện đại như thế, Nhật Bản đã giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát Triều Tiên năm 1894 với Trung Quốc. Trận đánh ở cửa sông Yalu ngày
17-9-1894 đã đốt cháy 8/12 tàu chiến của hải quân nhà Thanh, sau đó nhà Thanh dâng các đảo Đài Loan và Pescadores cho Nhật mà mãi sau khi bại trận Thế chiến thứ nhì người Nhật mới từ bỏ.
Sau trận này, hải quân Nhật tăng cường lực lượng để 10 năm sau lao vào chiến tranh với Nga (1904-1905) và kết liễu bằng trận Tsushima, qua đó 21/38 tàu chiến của Nga bị đánh chìm, bảy chiếc bị “bắt sống”, sáu chiếc bị tước vũ khí, 4.545 thủy thủ Nga tử trận, 6.106 người bị bắt làm tù binh, trong khi phía Nhật chỉ mất 116 người và ba ngư lôi đỉnh. Điểm độc đáo trong trận này là tàu hải quân Nhật đã lần đầu tiên sử dụng vô tuyến điện để liên lạc với nhau. Sau trận này Nga mất hẳn chỗ đứng ở Đông Á.
Trong cùng thời gian đó, Nhật ráo riết phát triển lực lượng tàu ngầm từ năm 1905, sau hải quân Mỹ bốn năm. Trong tính toán của nhà chiến lược hải quân Sato Tetsutaro, cuộc đụng độ tới đây của hải quân Nhật sẽ là với hải quân Mỹ, nên hải quân Nhật ít nhất phải mạnh bằng 70% hải quân Mỹ. Trong khi chờ đợi, hãy cứ gia nhập liên quân đồng minh trong Thế chiến thứ nhất trước đã.
Tham chiến tận Địa Trung Hải
Tháng 9-1914, tàu chở máy bay Wakamiya phóng đi phi vụ tấn công đầu tiên trong lịch sử hải quân thế giới trong trận đánh căn cứ hải quân Đức tại Tsingtao. Các máy bay của tàu này đã oanh kích trung tâm truyền tin và chỉ huy, đánh hỏng một tàu quét mìn của Đức.
Cùng lúc đó, một chiến đoàn hải quân Nhật được phái xuống trung bộ Thái Bình Dương đuổi theo hải đội Đông Á của Đức, buộc tàu Đức phải quẹo xuống nam Đại Tây Dương nơi đó bị hải quân Anh đợi sẵn và đánh tan ở quần đảo Falkland (từ đó thuộc về Anh luôn). Hải quân Nhật cũng chiếm được nhóm đảo Mariana, Carolina và Marshall trên Thái Bình Dương.
Các chiến thắng đó mới chỉ là món “khai vị” đối với hải quân Nhật. Khi Thế chiến thứ nhất bước vào năm thứ nhì, hải quân Anh phải căng lực lượng ra chống trả hải quân Đức trên khắp chiến trường châu Âu, đặc biệt mệt mỏi vì chiến thuật tấn công bằng tàu ngầm của hải quân Đức, bèn yêu cầu Nhật cho mượn bốn khu trục hạm mới đóng xong là các chiếc Kongo, Hiei, Haruna và Kirishima với hi vọng các khẩu đại pháo 356 li của các tàu này, lớn nhất thế giới vào lúc đó, sẽ tạo ưu thế tác xạ cho hải quân Anh. Nhật từ chối cho mượn tàu, song đồng ý phái một hải đội gồm tám tuần dương hạm mới đóng xong (các chiếc Ume, Kusunoki, Kaede, Katsura, Kashiwa, Matsu, Sugi và Sakaki) cùng một khu trục hạm, chiếc Akashi, sang tham gia chiến đấu trên Địa Trung Hải. Đây là một quyết định đầy ý đồ và tham vọng.
Bằng việc chuẩn bị kỹ càng như vậy, hải quân Nhật đã liên tục giành chiến thắng trong những cuộc hải chiến lẫy lừng trên biển...
Tháng 3-1917, một hải đội gồm chín tàu chiến Nhật lần đầu tiên ngang dọc Địa Trung Hải, hộ tống tàu vận tải đồng minh. Ba tháng sau, bốn tuần dương hạm khác sang bổ sung (các chiếc Kashi, Hinoki, Momo và Yanagi), khu trục hạm Akashi về nước thay thế bởi khu trục hạm Izumo. Trong suốt chiến dịch hộ tống chống tàu ngầm này, hạm đội Nhật đã hộ tống 788 lượt tàu vận tải đồng minh, không phải không đổ máu: tuần dương hạm Sakaki trúng ngư lôi của một tàu ngầm Áo (cùng phe với Đức), 59 thủy thủ thiệt mạng.
Sau thế chiến, Nhật được chia bảy tàu ngầm Đức, mang về “banh ra” xem xét từng chi tiết cho công nghiệp đóng tàu ngầm của mình. Chiến dịch Địa Trung Hải cho thấy quy mô và đẳng cấp của hải quân Nhật trong Thế chiến thứ nhất. Tại sao Nhật không cho Anh mượn tàu mà lại phái cả hạm đội sang tham chiến? Vì nghĩa đồng minh hay vì đó là cơ hội bằng vàng để vừa học chống tàu ngầm vừa “nắm tẩy” hải quân đồng minh, nhất là hải quân Anh? Chừng đó con tàu cùng hạm trưởng, hạm phó, sĩ quan, thủy thủ trở về sẽ là kho tàng kinh nghiệm chiến đấu cho hải quân Nhật trong một tham vọng lớn hơn: đánh bại hải quân Mỹ, như dự kiến của nhà chiến lược hải quân Sato Tetsutaro, trở thành bá chủ Thái Bình Dương, thôn tính cả Đông Á.
Ngân sách dành cho hải quân Nhật năm 1921 đã chiếm đến 32% ngân sách quốc gia Nhật.
Khi khởi sự cuộc chiến Thái Bình Dương, hải quân Nhật đã có trong tay đến mười tàu sân bay để phục vụ cho thế trận Kantai kessen mà đô đốc Satō Tetsutarō đã vạch ra là cứ để cho hạm đội Mỹ thong dong trên Thái Bình Dương, sau đó lấy tàu ngầm đánh tỉa (kinh nghiệm hải quân Đức), rồi đánh một trận sinh tử.
Hai chiến hạm Mỹ USS West Virginia, USS Tennessee trúng bom bốc cháy tại Trân Châu cảng (Ảnh tư liệu)
Cùng lúc với đóng hàng loạt tàu sân bay, hải quân Nhật cho sản xuất hàng loạt máy bay tiêm kích A6M Zero chuyên sử dụng trên các tàu sân bay, máy bay phóng pháo (oanh tạc) Misubishi G3M. Phi công hải quân Nhật đã được rèn luyện trong các cuộc chiến tranh Trung - Nhật trong thập niên 1930 và ngay cả vào tháng 12-1940 khi tấn công vào quân Pháp ở Hải Phòng.
Trân Châu cảng
Trận đánh sinh tử đó chính là trận đột kích Trân Châu cảng của Mỹ sáng 7-12-1941 nhằm triệt hạ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, không cho Mỹ can thiệp vào công việc của Nhật tại Đông Nam Á. Nước cờ “tiên hạ thủ vi cường” này của hải quân Nhật là phản ứng của Nhật trước việc Mỹ di chuyển hạm đội Thái Bình Dương từ cảng San Diego (bờ tây California) sang đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương, tức đến gần Nhật Bản và Đông Nam Á hơn.
Thật ra lúc đó hai nước chưa giao chiến, vẫn còn quan hệ ngoại giao, tuy tình thế đã chuyển sang giai đoạn “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tình hình càng sôi sục hơn sau khi Mỹ ngừng xuất khẩu dầu hỏa cho Nhật vào tháng 7-1941. Bị cắt dầu hỏa từ Mỹ, Nhật càng thêm quay quắt, nhất định chiếm cho được thuộc địa Đông Ấn của Hà Lan (Indonesia) theo kế hoạch bảo vệ “khu vực tài nguyên phía nam”. Đô đốc Isoroku Yamamoto được giao nhiệm vụ chỉ huy hạm đội.
Thật ra kế hoạch đột kích Trân Châu cảng này mượn ý từ trận đột kích hạm đội Ý trên cảng Taranto của hải quân Anh đêm 11-11-1940, mà mũi nhọn chính là tàu sân bay HMS Illustrious cùng các máy bay phóng pháo Swordfish từ khoảng cách 200 hải lý.
Trong đợt tấn công đầu tiên các máy bay này thả ngư lôi, qua đợt tấn công thứ nhì mới thả bom. Hải quân Ý thiệt hại phân nửa trong trận mưa thủy lôi và bom này. Hải quân Nhật giao cho đại úy Minoru Genda điều nghiên để chuẩn bị cho một trận đột kích không thể tránh khỏi vào hạm đội Mỹ.
Nếu ở trận Taranto hải quân Anh chỉ có vỏn vẹn một tàu sân bay làm vốn lận lưng, thì ở trận Trân Châu cảng hải quân Nhật huy động đến sáu chiếc để đánh một trận “xả láng”, nhất định tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Các phi công hải quân Nhật đã được lệnh ráo riết luyện tập từ đầu năm 1941, cho dù mãi đến ngày 5-11 Nhật hoàng Hirohito mới thuận tình sau bốn cuộc họp cơ mật.
Lệnh hành quân đến 1-12 mới được Nhật hoàng ban bố, song từ ngày 26-11 một lực lượng gồm sáu tàu sân bay Akagi, Kaga, Sōryū, Hiryū, Shōkaku và Zuikaku rời các cảng ở miền bắc nước Nhật trực chỉ hướng tây bắc Hawaii.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng chuẩn bị phòng thủ, báo động, song lại nghĩ rằng Nhật sẽ tấn công vào Philippines, thuộc địa lúc đó của Mỹ, với các căn cứ hải quân và không quân có sẵn sẽ biến thành “chướng ngại vật” cản trở lưu thông trên Thái Bình Dương.
Trở lại với lực lượng đặc nhiệm hải quân Nhật vượt khoảng cách gần 4.000 dặm với sáu tàu sân bay chở theo 408 máy bay sẵn sàng ra tay (360 máy bay ném bom, 48 máy bay hộ tống) rõ ràng đây là một nỗ lực lớn lao mà chỉ có hải quân Mỹ mới đủ lực để sánh ngang (chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ huy động sáu tàu sân bay trong vịnh Ba Tư và biển Đỏ).
So với bốn chiếc của vụ xuất kích đầu tiên năm 1914 từ tàu vận tải Wakamiya, thì con số 408 chiếc cho trận Trân Châu cảng cho thấy hải quân Nhật đã phát triển tàu sân bay vũ bão như thế nào chỉ trong vòng 27 năm!
Từ Trân Châu cảng đến trận biển san hô và trận Midway
Không may cho Nhật là tình báo đã không phát giác cả ba tàu sân bay của hạm đội Thái Bình Dương lúc đó là các chiếc Enterprise, Lexington và Saratoga, mục tiêu hàng đầu nhắm đến, không có mặt ở Trân Châu cảng vào lúc Nhật tấn công. Cho dù máy bay Nhật đã đánh chìm cả chục tàu chiến Mỹ, hủy trên phi đạo trên trăm máy bay Mỹ, song để sổng mất các tàu sân bay Mỹ, chính là mối hậu họa mà hải quân Nhật sẽ phải gánh chịu sáu tháng sau đó trong trận Midway: chỉ trong đầu giờ chiều, bốn tàu sân bay Nhật Bản bị đánh chìm, đổi lấy chỉ được một tàu sân bay Mỹ!
Một sai lầm lớn của hải quân Nhật trong trận Trân Châu cảng là các máy bay Nhật chỉ nhắm vào tàu chiến và máy bay Mỹ mà hủy diệt, song lại “chê” các mục tiêu khác là kho xăng dầu, căn cứ tàu ngầm, xưởng đóng tàu...
Song, trước khi đến “trận cuối là trận này” ngoài khơi đảo Midway, hai bên đụng độ một trận thật sự “cách không đả tử” bằng tàu sân bay trong hai ngày 7 và 8-5-1942. Trong trận đó, Nhật tung ra ba tàu sân bay để hỗ trợ cuộc đổ bộ chiếm cảng Moresby ở New Guinea và đảo Tulagi. Mỹ tung hai tàu sân bay Yorktown và Lexington vào cuộc. Ngày 7-5, máy bay Mỹ đánh chìm chiếc Shoho, chiếc tàu sân bay thật sự đầu tiên của Nhật đã từng “gây nợ máu” ở Thượng Hải năm 1932. Qua hôm sau, 8-5, máy bay Mỹ đánh bị thương nặng chiếc Shōkaku, chiếc Lexington của Mỹ cũng thế, còn chiếc Yorktown bị thương nhẹ. Do không còn tàu sân bay nữa, hai bên đành “chia tay”.
Trận này mang ý nghĩa then chốt đối với hải quân Mỹ: có thể chặn đứng được hải quân Nhật, nhất là đã loại hai chiếc tàu sân bay cộm cán của Nhật ra khỏi vòng chiến, “nhẹ gánh” hơn trong trận đánh Midway một tháng sau đó. Một trận “cách không đả tử” nữa với quy mô lớn hơn khi mỗi bên hầu như tung hết lực lượng tàu sân bay hiện có vào trận, rình rập, tìm kiếm nhau suốt ba ngày trước khi bên này (Mỹ) phát giác tàu sân bay bên kia và ra đòn chí tử.
Mất thêm bốn chiếc tàu sân bay nữa trong trận Midway, hải quân Nhật mất ưu thế không lực. Cuộc chiến Thái Bình Dương sang ngã rẽ khác từ đấy.
Trang web của người Nhật về lực lượng tàu sân bay của hải quân Nhật (WWII Imperial Japanese Naval Aviation Page) ngày nay vẫn còn đầy tự hào: ”Hải quân Thiên hoàng đã sáng tạo không lực hải quân đầu tiên trên thế giới. Máy bay Nhật ít nhất cũng sánh ngang với bất cứ máy bay nào của phương Tây, thậm chí còn tốt hơn hẳn như trường hợp máy bay Zero. Phi công Nhật được đào tạo tuyệt vời, được thử lửa trong xung đột ở Trung Quốc vào cuối những năm 1930.
Khi chiến tranh nổ ra ở Thái Bình Dương năm 1941, không lực hải quân Nhật không có đối thủ. Thành ra không bất ngờ gì khi các phi công Nhật chiến thắng vang dội trong sáu tháng đầu của cuộc chiến. Chỉ sau khi bại trận biển san hô và thảm họa Midway, lực lượng này mới có thể thật sự bị thách đố một cách bằng vai phải lứa”.
Lực lượng tàu sân bay Nhật vừa là nỗi hận xưa, vừa là nỗi thèm khát phấn đấu của ai đó ngày nay.
DANH ĐỨC
_____________
“Trung Quốc đang phát triển một loại vũ khí tên lửa chống tàu sân bay đầu tiên của thế giới có tên gọi Đông Phong 21D”... “Trung Quốc cần có thêm ba tàu sân bay nữa”. Hai thái độ mâu thuẫn này phản ánh sự thù ghét và cả sự thèm khát tàu sân bay nơi cùng một chủ thể. Tại sao?
Sau chiến thắng Thái Bình Dương trước Nhật, tàu sân bay trở thành biểu tượng của vị trí siêu cường của Mỹ đồng thời đảm trách vai trò tiên phong trong quân đội Mỹ, kiểu “đâu cần, có ngay tàu sân bay”.

“Tàu sân bay gần nhất đang ở đâu?“
Mỗi khi hải quân Mỹ điều động hai tàu sân bay trở lên đến một nơi nào đó, cầm chắc chỗ ấy đang biến động. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: “Khi từ ngữ “khủng hoảng” nổ ra ở Washington, câu hỏi đầu tiên đặt ra là “Tàu sân bay gần nhất đang ở đâu?”.
Tàu sân bay USS Philippines Sea (CV-47) tại Gibraltar năm 1948 - Ảnh tư liệu
Năm 1946, tàu sân bay USS Franklin D. Roosevelt được điều động đến Địa Trung Hải, ghé cảng Athens, nhằm bày tỏ sự hậu thuẫn của Chính phủ Mỹ với Chính phủ Hi Lạp lúc đó đang trong một cuộc nội chiến. Tháng 5 năm nay, khi Tổng thống Obama loan báo cuộc hành quân đặc biệt tiêu diệt Bin Laden, tên của tàu sân bay USS Carl Vinson được nêu. Tháng 3 trước đó, khi một chiếc tàu sân bay Mỹ băng qua kênh đào Suez trực chỉ Libya, báo chí đã vội hô hoán” Mỹ sắp đánh Libya”.
Quả thật tàu sân bay là biểu tượng của nước Mỹ, được chờ đón hay căm ghét tùy người đối diện. Tháng 6 năm nay, khi tàu sân bay George Washington “luẩn quẩn” gần Trường Sa như một con “kỳ đà”, Tân Hoa xã đăng phát biểu sau của Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (biển Đông) của Trung Quốc (TQ): “Chính sách biển Đông hiện nay của Mỹ trước hết là nhằm kiểm soát TQ”, phản ánh tại sao TQ hiện đang căm ghét tàu sân bay Mỹ vào bậc nhất và quyết tâm chế tạo cho bằng được tên lửa Đông Phong 21D với hi vọng biết đâu có ngày trị được tàu sân bay Mỹ, vốn đã “sinh sự” với TQ từ 60 năm qua chứ không phải bây giờ.
Tàu sân bay trong chiến tranh Triều Tiên
60 năm sau chiến tranh Triều Tiên, ít ai nhớ trong trận chiến đó tàu sân bay của hải quân Mỹ, Anh, Úc đã tham gia cuộc chiến này trong lực lượng LHQ, sau khi người Triều Tiên phía bắc bất ngờ tràn xuống tấn công người Triều Tiên phía nam hôm 25-6-1950.
Cuộc tấn công đó đã gây bối rối cho quân đội Mỹ lúc đó đang “giảm tải” sau Thế chiến thứ hai, thậm chí còn cho thực dân Pháp mượn tàu sân bay Langley (Pháp đổi tên thành La Fayette) để Pháp quay trở lại xâm lược VN. Phản ứng đầu tiên của Mỹ là điều động ngay tàu sân bay USS Valley Forge của Mỹ và tàu sân bay HMS Triumph của hải quân Anh đến biển Hoàng Hải, lập thành lực lượng đặc nhiệm TF 77, nhằm hỗ trợ quân đội Nam Hàn chống trả cuộc tổng tấn công bằng xe tăng của miền bắc.
Chính vì thế mà, trái với Thế chiến thứ hai tàu sân bay vốn được sử dụng như là cánh tay vươn xa của hạm đội Mỹ hay Nhật, thì ở chiến tranh Triều Tiên tàu sân bay được sử dụng như những căn cứ không quân di động trên biển, ngoài tầm bắn phá của đối phương. Cũng thế, máy bay phóng đi từ các tàu sân bay không nhằm tìm diệt tàu sân bay đối phương như trước kia, mà để không kích yểm trợ bộ binh. Ngày 3-7-1950, chiếc Valley Forge của Mỹ lần đầu tiên tung ra 36 máy bay, trong đó có tám chiếc phản lực cơ F9F, còn chiếc Triumph của Anh cũng tung ra 21 chiếc.
Ngày 22-7, hai tàu sân bay này lúc đó, đã ra khỏi Hoàng Hải dời sang biển Nhật Bản, về phía bờ đông của bán đảo Triều Tiên, đóng vai trò yểm trợ phi pháo cho cuộc đổ bộ quân LHQ lên Pohang. Tháng 8 sau đó, một tàu sân bay khác, chiếc USS Philippines Sea của Mỹ đến tăng cường, chiếc Triumph rút ra để gia nhập lực lượng dặc nhiệm TF91 của Anh. Một lực lượng đặc nhiệm khác được thành lập, TF 96.8, gồm các tàu sân bay hộ tống USS Sicily và USS Badoeng Strait... Các phi công hải quân và của thủy quân lục chiến tối ngày bay thả bom yểm trợ bộ binh, chỉ riêng trận Pusan trong tháng 8 đó đã có đến 8.800 phi vụ yểm trợ bộ binh đang cố thủ ở Pusan.
Tất nhiên, phía miền bắc lúc này đã được TQ trực tiếp tham chiến hậu thuẫn, không để yên cho máy bay LHQ chặn đường tiến của mình, nhất là khi máy bay đồng minh vượt qua vĩ tuyến 38 tấn công cầu đường và đường sắt. Không chiến ngày ngày xảy ra, sẽ trở thành một nhiệm vụ khác sinh tử đối với các phi công. Không quân Mỹ sẽ càng mở rộng phạm vi oanh kích nhắm đến các cơ sở hạ tầng của miền bắc, tỉ như vụ ném bom ngày 23-6-1952, máy bay của lực lượng đặc nhiệm TF77 cùng lúc tấn công bốn nhà máy điện ở Suiho, Chosin, Fusen và Kyocen, khiến miền bắc mất đến 90% sản lượng điện!
Vai trò mới mẻ này của tàu sân bay, tấn công trên bộ, yểm trợ chiến trường, hủy diệt hạ tầng..., sẽ được tận dụng trong chiến tranh sau này.
Thiệt hại vì sự vắng mặt trong ngoại giao
Sau khi Bắc Hàn tấn công Nam Hàn ngày 25-6-1950, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ họp ra ngay nghị quyết số 82 “yêu cầu chính quyền Bắc Triều Tiên rút ngay quân về vĩ tuyến 38”. Hai ngày sau, 27-6, HĐBA ra tiếp nghị quyết 83 kêu gọi “các thành viên LHQ đem đến cho Nam Hàn những giúp đỡ cần thiết để đẩy lùi quân tấn kích”. Từ lời kêu gọi này, hàng loạt nước gửi quân tham chiến giúp Hàn Quốc.
Trong khi đó Liên Xô, vì đang tẩy chay các phiên họp của HĐBA LHQ từ tháng 1-1950 để phản đối việc Đài Loan vẫn còn giữ ghế thường trực HĐBA ở LHQ thay vì Trung Quốc, nên mất cơ hội phủ quyết. Đây là một bài học sinh động về sự vắng mặt trong ngoại giao. “Tại hội nghị San Francisco 1951, cả CHND Trung Hoa lẫn Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đều không được mời do chưa xác định chính phủ nào là hợp pháp, thì Việt Nam lúc đó do chính phủ Bảo Đại làm đại diện đã có mặt và thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên cáo: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Thù oán sâu xa
Cho đến lệnh ngừng bắn ngày 27-6-1953, tổng cộng đã có đến 36 lượt tàu sân bay của các nước thay nhau tham gia trận chiến. Anh có bốn tàu sân bay lần lượt thay thế nhau. Úc có chiếc HMS Sydney.
Thật ra, vào lúc cao điểm Mỹ chỉ có bốn tàu sân bay cùng lúc được triển khai. Tổng cộng đã có 275.000 phi vụ được tung ra từ các tàu sân bay.

Chiến tranh Triều Tiên khác với Thế chiến thứ hai ở một điểm mới lạ hoàn toàn: đây là cuộc chiến tranh đầu tiên bằng máy bay phản lực, một bên là F-86, một bên là MiG-15.

Không chiến giữa phi công Mỹ (chủ yếu) với phi công TQ đã sinh ra thù oán sâu sắc. Càng sâu sắc khi phần thắng cứ nghiêng về phía Mỹ!
Ở cao điểm chiến tranh tháng 6-1953 chẳng hạn, phi công Mỹ lái F-86, trong 7.696 phi vụ, đã bắn hạ 77 chiếc MiG-15 mà không thiệt mất chiếc nào về phía Mỹ. Phía Mỹ sau này giải thích sở dĩ MiG-15 của TQ bị hạ nhiều là do phi công TQ còn non kinh nghiệm so với phi công Mỹ đã kinh qua chiến tranh với Nhật. Tuy nhiên, pháo cao xạ miền bắc quả là lợi hại: trong tổng số 564 máy bay của Mỹ bị hạ trong chiến đấu, chỉ có tám chiếc là do bị MiG-15 bắn rơi, còn lại là do pháo cao xạ...
Ghét song mê tàu sân bay là vì lẽ đó.
80 năm sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất (1932), hải quân Trung Quốc trong những ngày này đang loay hoay khởi động chiếc tàu sân bay đầu tiên sau khi đã phái một vài hải đội lò dò sang Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải... gọi là tập tuần tiễu chống cướp biển Somalia trên Ấn Độ Dương, thăm viếng hữu nghị... để tích lũy kinh nghiệm viễn dương.
Hình ảnh tàu sân bay tương lai lớp Gerald R. Ford (CVN-78)
Trong bối cảnh đó, người ta thấy rõ ý đồ Trung Quốc muốn tiếp nối giấc mơ bá chủ Thái Bình Dương của người Nhật trăm năm trước...
Tàu Thi Lang của Trung Quốc...
... và tàu USS George Washington (đang tập trận với các tàu chiến của Nhật Bản) (Ảnh tư liệu)


Này là ao nhà của ta!
Một ngày sau khi chiếc Thi Lang chính thức được hạ thủy, một bài bình luận trên trang quốc phòng Trung Quốc, web jz.chinamil.com.cn, Guo Jianyue của nhật báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã không kiềm chế được lòng mình: “Đóng tàu sân bay để làm gì nếu chúng ta không có đủ dũng cảm và quyết tâm sử dụng nó để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ? Việc sử dụng tàu sân bay hay bất cứ loại tàu chiến nào để giải quyết tranh chấp là hợp lý. Đóng tàu sân bay là để bảo vệ quyền lợi hàng hải và các lợi ích khác của Trung Quốc một cách hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ tự tin và quyết tâm hơn trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sau khi có được tàu sân bay”.
Khẩu khí của Guo Jianyue thật là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” khi khẳng định Thi Lang là để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, kể cả lãnh thổ tự “vẽ”, tự phong, tự cấp là đường “lưỡi bò”. Ngay vào lúc mà dư luận quốc tế đang yêu cầu Trung Quốc giải thích “tàu sân bay để làm gì?” thì tiến sĩ Jassim Taqui của “Pakistan Observer”, môt đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã trả lời thay trong một bài phụ họa mang tựa đề “Tàu sân bay để bảo vệ biển Nam Hải” (tức biển Đông) kể lể rằng: “Đây là bước đầu tiên hướng đến chương trình tham vọng đóng một hải đội tàu sân bay.
Trung Quốc đang trong vị thế mạnh mẽ để làm chủ trọn vẹn lãnh hải của mình. Bắc Kinh đang mạnh mẽ nổi lên để bảo vệ lợi ích đã được khẳng định của mình và ngăn chặn các lực lượng hải quân nước ngoài nào định kiểm soát Nam Hải vốn dồi dào dầu khí...”.
“Thi Lang hỡi, Thi Lang”
Thế nhưng, nếu ngắm kỹ chiếc Thi Lang sẽ thấy chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2011 này sao “già” cả, thậm chí là quá đát! Cái boong tàu chếch mũi lên như thể là dấu “căn cước” của thế hệ tàu sân bay được đóng từ sau chiến tranh Triều Tiên.
Thật vậy, trong chiến tranh Triều Tiên, do bắt đầu sử dụng máy bay phản lực trên các tàu sân bay, một loạt sự cố đã xuất hiện. Cho đến trước đó, máy bay chong chóng khi hạ cánh, cái móc ở đuôi máy bay sẽ bắt dính các sợi cáp thắng giăng trên boong tàu, nhờ đó mà thắng đứng cái cụp. Thế nhưng, với máy bay phản lực, do tốc độ nhanh hơn máy bay chong chóng nên cái móc ở đuôi máy bay phản lực thường không bắt dính, hậu quả là máy bay cứ rơi tõm xuống biển!
Để sửa sai phải thiết kế lại boong tàu, sao cho cái mũi chếch lên để lỡ khi máy bay không thắng kịp thì phi công cứ thế mà rú ga vọt lại lên trời. Chiếc USS Forrestal hạ thủy ngày 11-12-1954 là tàu sân bay Mỹ đầu tiên có cái mũi chếch như thế. Chiếc Thi Lang, nguyên là chiếc Varyag, cũng có cái “mũi két ngược”đó! Trong khi các thế hệ tàu sân bay sau này, như chiếc USS George Washington, do đã giải quyết xong bài toán tốc độ hạ cánh và dây cáp thắng máy bay nên boong tàu chỉ hơi nghiêng tí thôi (so sánh hai ảnh).
Thật ra chiếc Varyag khi được thiết kế bởi Hãng Nevskoye Planning and Design Bureau là để sử dụng như một tàu sân bay hộ tống chứ không phải một tàu sân bay tấn công với máy bay theo tàu là năm chiếc Su-33 mua lại của Hãng Rosoboronexport của Nga với giá 2,5 tỉ USD (hợp đồng ngày 24-10-2006), song sau đó người Nga xét lại và ngưng bán máy bay do sợ rằng phía Trung Quốc sẽ giở trò “sao chép” các chiếc Su-33 này đem đi bán kiếm lời như từng làm với chiếc Su-27 (mà Trung Quốc đặt tên lại là J-11B)!
Thành ra, nay chiếc Thi Lang được trang bị hoàn toàn máy bay J-15, một bản sao “không có bản quyền” của chiếc Su-33 mà Trung Quốc khoe là tương đương với F-18 hay Rafale của Pháp!
Tàu sân bay của thiên hạ
Trên thế giới hiện có 23 chiếc tàu sân bay đang hoạt động. Brazil đang có chiếc NAe São Paul mua lại của Pháp năm 2000, vốn là chiếc FS Foch hạ thủy từ năm 1960. Pháp đang sử dụng chiếc Charles de Gaulle chạy bằng năng lượng hạt nhân, hạ thủy năm 2001.
Ấn Độ có chiếc INS Viraat sẽ cho “giải ngũ” năm 2019. Ý có hai chiếc Giuseppe Garibaldi (hạ thủy năm 1985) và Cavour (mới hạ thủy năm 2008). Nga có chiếc Kuznetsov (“nhập ngũ” năm 1995).
Tây Ban Nha có hai chiếc Principe de Asturias (1988) và Juan Carlos (2010). Thái Lan có chiếc HTMS Chakri Naruebet (11.400 tấn, chở máy bay trực thăng) từ năm 1997, nhỏ đến nỗi được gọi là “chiếc tàu du lịch” của hoàng gia.
Anh có chiếc HMS Illustrious (22.000 tấn). Mỹ với 11 chiếc nên vẫn xưng hùng xưng bá. Nhật có hai chiếc tàu sân bay chở trực thăng lớp Hyuga và đang đóng chiếc thứ ba cũng thuộc lớp tàu chở trực thăng.
Trừ Mỹ, Pháp, Anh là những nước sử dụng tàu sân bay tấn công, các nước khác hầu như sử dụng tàu sân bay hạng nhẹ với chức năng phòng thủ. Tàu sân bay Nhật lớp Hyuga mà tướng La Viện đề cập đến là tàu sân bay hạng nhẹ phòng thủ, tương tự các chiếc Giuseppe Garibaldi của Ý hay Principe de Asturias của Tây Ban Nha.
Vũ khí của các chiếc tàu sân bay Nhật gồm trực thăng chống tàu ngầm SH-60K và tên lửa phòng không Sparrow. Thành ra khi tướng La Viện so bì “Nhật có ba chiếc tàu sân bay, Trung Quốc cũng cần có thêm ba chiếc nữa”, là một so sánh số lượng thay vì so sánh tính năng.
Cả ba tàu sân bay Nhật này bất quá chỉ là những “tiền đồn” phòng thủ từ xa chống tàu ngầm (vốn lúc nhúc dưới biển Nhật Bản) và phòng không chống nguy cơ bị tấn công bằng máy bay, tàu sân bay phòng thủ chỉ tự vệ giống như aikido hoặc judo thủ thân thì được chứ đâu đánh đấm gì được ai! Khác với chiếc Thi Lang với 26 chiếc J-11 (tức Su-27 sao chép) hiện nguyên hình là một tàu sân bay tấn công.
Hạm trưởng David Lausman bình thản trả lời: “Biển cả là của chung cho mọi người. Chúng tôi muốn cộng tác với họ. Có thiếu gì chuyện để làm chung: hải tặc, sóng thần, thiên tai... Càng cộng tác, đối thoại, càng có cơ hội hiểu nhau hơn, càng bớt hiểu lầm...”.
Nhà báo Danh Đức trên tàu sân bay USS George Washington
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Một nước mới có một tàu sân bay, phải mất bao lâu để rèn luyện?”, hạm trưởng David Lausman bật cười: “Chúng tôi đã mất cả một thế kỷ với tàu sân bay, còn máy bay trên tàu chúng tôi thì mỗi ngày bay lên hạ xuống cả trăm lần!”.
Câu trả lời này khiến tôi nhớ tới tình huống khi chiếc Thi Lang hạ thủy, đề đốc hải quân Trung Quốc Zhang Zhaozhong trả lời Tân Hoa xã: “Thi Lang sẽ không có sứ mạng chiến đấu, mà chỉ được dùng để huấn luyện và thử nghiệm”. Ông tỏ ra biết người, biết ta khi nhắc lại rằng Mỹ từng đóng và làm chủ đến hơn 200 tàu sân bay, Nhật chí ít cũng được 25 tàu và trải qua bao chiến tranh, trong khi Trung Quốc mới chỉ có chút ít kinh nghiệm chiến đấu với vài con tàu mặt nước, chưa hề có kinh nghiệm hạ cánh tàu sân bay nào, lịch sử tàu sân bay của Trung Quốc mới chỉ là một trang giấy trắng”.
Lời tự nhận xét này của đề đốc Zhang Zhaozhong đặt trong cái nhìn lịch sử trăm năm tàu sân bay, càng thấy “chiếc áo không làm nên thầy tu”!
Có nhìn thấy nhân viên tàu sân bay hì hục mỗi người một việc trên boong, dưới hầm tàu, mới hiểu tại sao hạm trưởng David Lausman lại phát biểu: “Có thể quý vị đã nhìn thấy sự to tát của con tàu, song to lớn hơn cả là 5.200 nhân viên trên con tàu này sống, làm việc như một”.
Chỉ sơ sót của một ai đó sẽ là tai nạn cho một chiếc máy bay, thậm chí một thảm họa cho cả con tàu. Có đứng ở tháp sau con tàu hàng giờ xem từng chiếc máy bay hạ cánh, chiếc nào cũng bay qua đầu con tàu một lượt, sau đó đánh một vòng lượn cuối rồi mới hạ cánh, theo đúng giác độ đó, không suy xuyển một “giây” (hình học), rồi chạm boong tàu, cái móc ở đuôi bám chặt vào bốn sợi dây cáp để thắng đứng trong tích tắc..., mới hiểu được tính vĩ đại của một tàu sân bay không do nó chở theo được bao nhiêu máy bay, mà là do độ chuẩn xác trong từng động tác của từng nhân viên, đúng như lời hạm trưởng David Lausman:
“Năm ngàn người như một!”. Đem ý đó đi hỏi một thủy thủ người gốc Việt: “Tôi từng thấy một buồng giam trên tàu sân bay USS Midway rồi, thế ở tàu này có không?”, anh ta trả lời: “Cũng có và vô đó thì chỉ có bánh mì không và nước lã. Nhưng chẳng ai vô”.
Có nhìn thấy cô thủy thủ trẻ đẹp, trắng trẻo ngồi dán mắt vào cặp kính quan sát to đùng ở cuối mạn tàu bất kể nắng trưa, mới hiểu thế nào là rèn luyện trên một tàu sân bay sao cho con tàu đó luôn khả dụng: các tháp tàu giăng đầy các giàn rađa đủ loại, đủ tầm đã đành, song vẫn không thể thiếu những cặp mắt tỏ tường của những thủy thủ dán mắt vào thiên lý kính như trong lịch sử hàng hải bao ngàn năm.
Nói cho ngay, làm việc trên tàu sân bay USS George Washington lớp Nimitz này cũng sướng hơn là làm việc trên một chiếc tàu sân bay đời cũ như chiếc USS Midway mà tôi từng có dịp lên thăm. Chỉ riêng hệ thống máy lạnh nội thất của chiếc USS George Washington cũng giúp cuộc sống thủy thủ đỡ vất vả biết bao rồi!
Đáng nể nữa là hai bên hông tàu, chính xác là khu vực các hangar (khoang chứa máy bay), đều mở toang ra ngoài trời để tránh mùi xăng, dầu, nhớt, khói động cơ... biến nó thành địa ngục trần gian.
Mối đe dọa cho ai?
Thông cáo cấm tàu bay, tàu bè héo lánh đến khu vực rộng 13,25, dài 22 hải lý dọc từ phía bắc Hoàng Hải đến vịnh Liêu Đông từ ngày 10 đến 14-8 để cho chiếc Thi Lang hạ thủy càng gây tò mò, bình phẩm.
Có tác giả như Craig Guthrie chế giễu trong bài báo mang tựa đề “Tự hào và thành kiến về chiếc tàu sân bay của Trung Quốc” (Pride & prejudice over China’s aircraft carrier): ”Một số người, trông mặt bắt hình dong, ngờ rằng con tàu này chính là một mối đe dọa cho thủy thủ của nó hơn là với các nước khác”.
Thật ra không ít người cũng e ngại chiếc Thi Lang sẽ gây nguy hiểm cho thủy thủ của nó. Trefor Moss trong “Giải mã tàu sân bay Trung Quốc” giải thích chi tiết: Đây là chiếc tàu huấn luyện cho một lực lượng hải quân chưa từng sử dụng tàu sân bay bao giờ. Nhất là khi quả quyết sẽ trang bị cho tàu sân bay này chiến đấu cơ hải quân J-15, là những chiếc máy bay còn chưa được kiểm chứng trong thực tế và vẫn trong giai đoạn phát triển (của quá trình nghiên cứu và phát triển).
Sở dĩ Trefor Moss hoài nghi chiếc J-15 là do tương truyền đây là bản sao của một chiếc Su-33 nguyên mẫu chưa hoàn tất mua lại từ Ukraine năm 2001, đem về banh ra, “mổ xẻ” rồi “phát huy sáng kiến làm lợi cho nhà nước hàng tỉ đồng”. Sau vụ “tham khảo” này, Trung Quốc có đòi mua trở lại chiếc Su-33 song Nga từ chối. Nên sau này chiếc J-15 quay trở lại với hình mẫu là chiếc J-11, vốn là một bản sao “chôm” tác quyền chiếc Su-27 của Nga khiến Nga tức giận “cấm cửa”. Thành ra không chỉ Trefor Moss e dè trước chiếc J-15 này, mà cả Dean Cheng, một nhà nghiên cứu của Heritage Foundation, cũng ớn lạnh tương tự: ”Huấn luyện phi công cất cánh từ tàu sân bay là một công việc tốn thời gian và tốn kém. Sẽ có cả thất bại và mất phi công”.
Có ngồi trên chiếc máy bay cất cánh từ boong tàu bằng lực tống của một dàn phóng, mà sức mạnh có thể ném một chiếc xe hơi bay xa đến 2 dặm, trong tích tắc bay lên độ cao 200m rồi từ đó máy bay vọt lên bằng chính sức máy của nó, sẽ hiểu tại sao hạm trưởng chiếc USS George Washington bảo rằng phi công của ông mỗi ngày cất, hạ cánh cả trăm lượt! Tất nhiên, làm phi công tàu sân bay đâu chỉ có cất, hạ cánh!
Nguồn: Danh Đức // Tuổi trẻ, 17.8.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !