Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Trung Quốc muốn trở thành cường quốc số 1


 Vai trò của giới quân sự trong nền chính trị Trung Quốc đang gia tăng.
Các sĩ quan Trung Quốc hô hào
xây dựng quân đội mạnh nhất thế giới
Một đại diện của họ đã đòi Mỹ hành động thận trọng tại eo biển Đài Loan. Trong khi đó, theo các nhà phân tích quân sự Bắc Kinh, để trở thành cường quốc số 1 thế giới, Trung Quốc cần phải xây dựng một quân đội hùng mạnh. 
Liệu những hy vọng này có trở thành sự thật thì ngân sách quốc phòng mới sẽ được công bố trong tháng 3.2010 sẽ cho thấy.

Trung Quốc phải xây dựng quân đội mạnh nhất và đẩy Mỹ khỏi vị thế cường quốc thế giới hàng đầu. Viên đại tá quân đội Trung Quốc, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Lưu Minh Phúc đã phát biểu với khẩu hiệu đó.

Trong cuốn sách “Trung Quốc mộng” vừa mới xuất bản của mình, ông ta chứng minh rằng, nếu Trung Quốc trong thế kỷ ХХI không trở thành cường quốc số 1 thì nước này sẽ mất định hướng và tụt hậu so với các nước khác.

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters, Lưu nói rằng, Trung Quốc cần phải vươn lên không chỉ về kinh tế mà cả về quân sự. Bởi vì Mỹ quyết tâm kiềm chế Trung Quốc và bởi vì cuộc đấu tranh giữa 2 nước này nhằm tranh giành vị thế thống trị thế giới sẽ quyết định sự phát triển quan hệ quốc tế trong tương lai.

Quân đội Trung Quốc cần phải mạnh đến mức Mỹ không dám can thiệp vào cuộc xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan.

Lưu nói ông ta thể hiện quan điểm cá nhân trong cuốn sách, song một là ông ta không đơn độc mà có nhiều chuyên gia quân sự khác cũng có quan điểm tương tự.
Trong số đó có đại tá Dai Suei, người khẳng định rằng, trong 10-20 năm tới Trung Quốc không tránh khỏi chiến tranh. Bởi vì, Trung Quốc bị bao vây chủ yếu bởi các quốc gia thù địch, có liên hệ với Mỹ, Washington có thể đốt lửa trên sân sau của Trung Quốc. “Nhưng trong tình huống đó, chúng ta cũng có thể đốt lửa trên sân sau của họ”, - viên đại tá cảnh báo.

Hai là, bằng phát ngôn chính thức của mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nói chuyện khá cứng rắn với Mỹ. Bình luận quyết định của Washington bán cho Đài Loan vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD, đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc yêu cầu Mỹ “hành động thận trọng”, không gây thêm căng thẳng giữa 2 cường quốc. Ông ta cũng xác nhận quyết định của Bắc Kinh tạm ngừng các quan hệ quân sự với Mỹ.

Theo các nhà bình luận phương Tây, ngân sách quốc phòng mới của Trung Quốc sẽ cho thấy rõ ban lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng thỏa mãn các tham vọng của giới tướng lĩnh chưa. Năm 2009, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 14,9% so với năm trước đó. Người ta trông đợi chi phí quốc phòng năm 2010 của nước này sẽ được công bố trong khóa họp quốc hội khai mạc trong tuần này.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn dùng tới những từ ngữ hung hăng. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố mới đây rằng, ông muốn làm dịu những rạn nứt với Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Mỹ cũng thể hiện mong muốn dàn xếp các bất đồng với Trung Quốc. Hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Mỹ James Steinberg và cố vấn cao cấp Nhà Trắng Jeffrey Bader có kế hoạch đến Bắc Kinh. Họ sẽ gặp ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và các quan chức khác.

Các vị khách Mỹ sẽ cố thuyết phục phía Trung Quốc rằng, Washington không có ý định thù địch. Theo AP, họ sẽ thảo luận những bất đồng về Đài Loan, các vấn đề kinh tế, kể cả việc tỷ giá đồng nhân dân tệ mà theo Mỹ là bị hạ thấp nhân tạo. Nghị trình cũng có việc nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran.

Cần đánh giá như thế nào những phát ngôn chống Mỹ gay gắt của đại diện giới quân sự Trung Quốc? Chẳng lẽ họ đang xa rời đường lối của ĐCS Trung ương Trung Quốc? Với những câu hỏi đó, chúng tôi đã gặp Phó Giám đốc Viện Các nước Á-Phi, Đại học tổng hợp Moskva MGU Andrei Karneyev. Ông nói rằng, Trung Quốc không phải là một xã hội chuyên chế, đằng sau mặt tiền của sự thống nhất là sự đa dạng các ý kiến phản ứng lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau, trong đó có giai cấp trung lưu đang phát triển.

Trong các giới thượng lưu tồn tại nhóm ủng hộ TBT Hồ Cẩm Đào, nhóm mệnh danh là các thái tử truyền ngôi tức con cháu các lãnh tụ cách mạng, các nhóm khu vực. Họ đấu tranh giành phần quyền lực. Đồng thời cũng tồn tại các trào lưu tư tưởng khác nhau, từ thân phương Tây đến dân tộc chủ nghĩa.

Không thể khẳng định, các nhà lý luận quân sự có liên hệ trực tiếp với TBT hay Bộ chính trị, nhưng đồng thời cũng không loại trừ khả năng họ đã có những người đỡ đầu thế lực trong giới lãnh đạo đảng. Cho phép đăng tải những ấn phẩm có tính dân tộc chủ nghĩa, họ muốn gây áp lực đối với dường lối của Bắc Kinh, ông Andrei Karneyev nhận định.

Nguồn: NG, 3.3.2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !