Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Về chất lượng phim truyền hình nhập từ nước ngoài

Phim Tây Du Ký năm 1986. (Ảnh: Internet)
Phim Tây Du Ký năm 1986. (Ảnh: Internet)
Phim truyền hình dài tập là thể loại nghệ thuật nghe - nhìn có khả năng cuốn hút công chúng rộng rãi. Ở Việt Nam, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, một số bộ phim truyền hình đến từ nhiều nền điện ảnh khác nhau được phát trên sóng truyền hình quốc gia (VTV) đã trở thành ký ức khó quên với một thế hệ khán giả.

Hiện nay, sự phát triển của các dịch vụ truyền hình kéo theo việc khai thác tự phát ồ ạt nguồn phim dài tập nước ngoài để lấp sóng đã khiến khán giả... "bội thực", và nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh.
Mặc dù đã có quy định về khung giờ, thời lượng phát sóng phim sản xuất ở trong nước, nhưng có lẽ do năng lực đội ngũ làm nghề và kỹ năng làm phim truyền hình ở nước ta còn thiếu chuyên nghiệp, nên mặc dù trước khi công chiếu được quảng bá khá rầm rộ thì một số bộ phim vẫn cứ nhàm chán, thiếu hấp dẫn. Chưa kể một số phim "học theo" phim truyền hình nước ngoài, với câu chuyện dài dằng dặc về lập nghiệp bằng nghề người mẫu, thiết kế thời trang, cảnh quay thường là có ô-tô "xịn", nhà cao cửa rộng, cuộc sống xa hoa, diễn viên váy áo lượt là,... xa lạ với số đông công chúng. Trong khi có một số lượng lớn kênh truyền hình đang hoạt động và đang có dấu hiệu tăng thêm, thì năng lực sản xuất chương trình phim truyền hình, chất lượng các bộ phim này còn có sự bất cập. Nếu trước đây thường chỉ có một số hãng phim truyền hình lớn như VFC, TFS... có thể đầu tư sản xuất phim, thì ngày nay sự tham gia của nhiều hãng phim tư nhân đã góp phần làm cho phim truyền hình Việt Nam tăng khả năng "lấp sóng" 30% theo Nghị định 54/2010/NÐ-CP. Với thời lượng còn lại, việc khai thác phim nước ngoài, là giải pháp đương nhiên. Việc nhập phim nước ngoài, chi phí mua bản quyền luôn là vấn đề đặt ra, và có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng phim. Việc phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Phi-li-pin, Thái-lan, dòng phim tiểu thuyết Nam Mỹ được chiếu dày đặc trên các kênh truyền hình trong nước trong thời gian qua có lý do là nguồn phim này có chi phí bản quyền rẻ hơn hẳn so với nguồn phim tới từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,...
Trong bối cảnh chung của điện ảnh truyền hình ở Việt Nam hiện nay, vấn đề khai thác phim nước ngoài chưa có sự quan tâm đúng mức. Căn cứ vào thực trạng của vấn đề, có thể đặt câu hỏi: Dường như một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tư vấn, đề xuất, thực hiện chọn phim, nhất là ở các đài truyền hình địa phương, kênh truyền hình trả tiền,  vẫn chưa thật sự tâm huyết và phải chăng còn có người bị lợi nhuận trước mắt chi phối? Có quan niệm cho rằng, trong đời sống hiện đại, phim truyền hình dài tập là thể loại dành cho người nội trợ, phù hợp với thị hiếu của một bộ phận giới trẻ, bởi họ là đối tượng có nhiều thời gian rỗi, có điều kiện theo dõi phim truyền hình dài tập. Phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan, Phi-li-pin, dòng phim tiểu thuyết Nam Mỹ thường ưu tiên hướng đến các đối tượng này. Còn ở Việt Nam, phân khúc khán giả hiện tại vẫn chưa có tính ổn định, đối tượng xem truyền hình nói chung rất đa dạng, điều kiện sống và thời gian biểu hằng ngày chưa cho phép họ có nhiều sự chọn lựa hình thức giải trí khác. Ðến nay, với phần lớn công chúng Việt Nam, thời gian rỗi chưa được xác định một cách rõ ràng. Ngay cả người nội trợ, họ chỉ có thời gian "nửa rỗi" chứ chưa có thời gian rỗi đúng nghĩa như tại các nước phát triển. Ở hầu hết gia đình ở Việt Nam, vô tuyến truyền hình đang là phương tiện giải trí chủ yếu. Do vậy, người nội trợ không phải là đối tượng chính theo dõi phim truyền hình dài tập, mà bao gồm cả trẻ nhỏ, người cao tuổi, người trung niên, trong đó không ít người là trí thức. Từ lớp tuổi, kinh nghiệm sống,... mỗi một đối tượng lại có sự khác nhau về nhu cầu và thị hiếu thưởng thức. Thế nhưng việc khai thác các bộ phim vốn được sản xuất nhằm phục vụ đối tượng nội trợ hay giới trẻ, nay lại được sử dụng để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau, dễ gây nên sự phản cảm đối với người xem.
Trong khi phim Việt chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng, thị hiếu ngày càng sinh động, phong phú của khán giả, thì phim nước ngoài cũng còn rất nhiều điều đáng bàn. Chất lượng các bộ phim truyền hình đến từ những nền điện ảnh dù phát triển thì không phải khi nào cũng "chỉ có hay", đặc biệt là nguồn phim giá rẻ. Phim truyền hình Trung Quốc khá quen thuộc khán giả Việt Nam, nhưng cũng vì lạm dụng khai thác dòng phim này, nhất là phim cổ trang, đã nảy sinh nỗi lo rằng khán giả sẽ vì thế mà tường tận "sử Tàu" hơn "sử ta". Các bộ phim của điện ảnh Hoa ngữ đến từ Ðài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), Xin-ga-po thường mang tính giải trí và bình dân hơn, thậm chí nhiều bộ phim cổ trang được thực hiện theo lối "mỳ ăn liền" với cách thức dàn dựng bắt chước nhau từ phong cách hóa trang, bối cảnh, diễn xuất, đến kịch bản,... gây nên sự nhàm chán. Như trào lưu sản xuất phiên bản mới bằng cách phục dựng các phim nổi tiếng như Tiếu ngạo giang hồ, Bao Thanh Thiên, Tây Du ký... hoặc phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học trên internet như Bộ bộ kinh tâm, Cung tỏa tâm ngọc, Chân Hoàn truyện... Sự lặp lại nhàm chán về kiểu câu chuyện và lối diễn xuất ở phim Hàn Quốc là điển hình nhất. Một thời gian dài điện ảnh Hàn Quốc khai thác quá nhiều chuyện tình yêu tay ba, các mẫu nhân vật quá giống nhau, chi tiết phim gần như đều xuất hiện ung thư, bệnh viện, điện thoại di động, ô-tô, mì kim chi... Trào lưu đó qua đi, lại xuất hiện trào lưu phim chuyển thể từ truyện tranh dành cho tuổi teen; tiếp theo đó là phim cổ trang xoay quanh các nhân vật lịch sử. Dòng phim tiểu thuyết Nam Mỹ với những bộ phim dài hàng trăm tập, nổi tiếng một thời như Ðơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc, Nô tì Isaura, Quyền được yêu... vốn chiếm được nhiều cảm tình của khán giả Việt, song càng về sau, nhiều bộ phim cùng loại cũng bắt đầu sút kém chất lượng bởi sự lặp lại các mô típ câu chuyện tình yêu tay ba, cuộc sống trắc trở của những người đẹp, những tình tiết ly kỳ bí ẩn, mất tích, âm mưu trả thù... Phần âm nhạc, phần dựng, góc quay trong phim tiểu thuyết hiện nay so với các giai đoạn trước không có gì đột phá và thường còn khá giống nhau. Gần đây, một số bộ phim của điện ảnh Phi-li-pin đã được nhiều kênh truyền hình ưu ái trình chiếu. Ban đầu, so với nhiều bộ phim truyền hình của Trung Quốc, Hàn Quốc đã quá nhàm chán, thì phim Phi-li-pin được đánh giá là mới lạ, hấp dẫn vì diễn viên là người Phi-li-pin có nhan sắc lai giữa nhiều chủng tộc nên xinh đẹp, diễn xuất tốt, phim đề cao kịch tính, câu chuyện phim khá mới so với các mô típ khán giả thường tiếp xúc. Nhưng qua hơn 30 bộ phim Phi-li-pin đã được trình chiếu, thậm chí được phát đi phát lại để "lấp sóng" thì khán giả, đặc biệt là những khán giả tuổi trung niên cũng đã không thể tiếp tục theo dõi các bộ phim quá giống nhau về cuộc sống gia đình, con riêng con chung, mưu đồ tranh giành quyền lực, chuyện tình nghiệt ngã, thừa kế,... như trong các phim: Mãi yêu, Người vợ mạo danh, Trò đùa của số phận, Biển tình ngang trái...
Trong một số phim truyền hình nhiều tập được nhập từ nước ngoài, bên các chuyện tình ái, lập nghiệp được hư cấu mặc dù rất phi logic chưa thuyết phục được người xem, lại có quá nhiều bạo lực như cảnh đánh đấm, đâm chém tàn bạo, cảnh "xã hội đen" hoành hành trong sinh hoạt xã hội như chỗ không người. Và có câu hỏi được đặt ra là: Nếu ngồi trước vô tuyến truyền hình trong gia đình là khán giả trẻ em thì sẽ tác động đến nhận thức của các em như thế nào? Lại nữa, phim truyền hình dành cho thiếu nhi gần như bị bỏ ngỏ, nhất là trong những ngày hè. Dù đã có những kênh truyền hình chuyên biệt, nhưng thực tế cho thấy, phim truyền hình dài tập dành cho thiếu nhi vẫn là "được chăng hay chớ". Hơn chục năm trước, một số bộ phim thiếu nhi nhập từ Ô-xtrây-li-a vừa có yếu tố giải trí, lại vừa có tính giáo dục được chiếu vào những giờ nhất định đã lôi cuốn được trẻ em, những cái tên như Chuyện nhà Twist, Khinh khí cầu của giáo sư Poopsnaggle, Cô gái đại dương, Nhiệm vụ tối mật... trở thành một phần ký ức của khán giả trẻ thời bấy giờ. Các bộ phim truyền hình như vậy nay hầu như rất hiếm, và dường như các cơ quan hữu quan vẫn chưa có biện pháp kiểm soát việc trẻ em xem chương trình phim dành cho người lớn. Khi phim dành cho trẻ em bị cắt giảm, thì các em không còn lựa chọn nào khác, phải xem các bộ phim không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Ðáng tiếc là hiện nay đang có tình trạng cơ quan chức năng thụ động, đi sau "tuýt còi", và các chế tài đưa ra thường chỉ mang tính răn đe tạm thời. Chúng ta vẫn chưa có một quy hoạch cụ thể cho vấn đề khai thác, quản lý việc chiếu phim nước ngoài trên màn ảnh nhỏ. Tình trạng một số đài truyền hình địa phương, phần vì cần "lấp sóng", phần vì thiếu kinh phí nên đã chiếu phim không có bản quyền, khai thác từ các nguồn trôi nổi trên mạng hay băng đĩa,... vẫn chưa được chú ý quản lý. Thiết nghĩ các quy định về vấn đề này cần chặt chẽ và mang tính lâu dài để hạn chế việc "lách luật" mà vẫn không ảnh hưởng đến lợi ích của nơi cung cấp dịch vụ truyền hình, và tránh được những hệ lụy từ ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài. Các cơ quan chức năng và những đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình nên quan tâm đến vấn đề khai thác phim nước ngoài một cách hợp lý, có quy hoạch, chọn lựa kỹ lưỡng, chất lượng hơn. Quy hoạch đó cần phải dựa vào thực trạng khán giả và bối cảnh văn hóa xã hội trong nước, không chạy theo lợi nhuận trước mắt, chạy theo trào lưu của một bộ phận thị hiếu. Tình hình có trở nên khả quan hay không, trước hết phụ thuộc vào "phông" văn hóa, tâm huyết và năng lực của tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trực tiếp tham gia vào việc chọn phim.
VIỆT HÀ

1 nhận xét:

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !