Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về thời kỳ quá độ và một số vấn đề đặt ra với nước ta hiện nay


17:5' 30/7/2013
TCCS - Tìm hiểu quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một việc không chỉ đáp ứng những yêu cầu về lý luận, mà hơn thế, còn thiết thực góp phần gợi mở những suy nghĩ, những giải pháp nhằm giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề quan trọng mà thực tiễn đổi mới đất nước đang đặt ra.


Quan niệm về thời kỳ quá độ
Tìm hiểu quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về thời kỳ quá độ (TKQĐ), ta thấy, trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gô-ta”, C. Mác cho rằng “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(1).
Các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đều thống nhất cho rằng định nghĩa này đã thể hiện một cách cô đọng và sâu sắc nhất quan điểm của các ông về TKQĐ. Thật vậy, định nghĩa đã chỉ rõ, TKQĐ “là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội này sang xã hội kia” về mặt kinh tế, xã hội và “thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị”. Rõ ràng, TKQĐ là thời kỳ cải biến cách mạng toàn diện và triệt để ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chung quanh định nghĩa này cũng đã có các cách hiểu khác nhau. Một số người cho rằng như thế, có thể hiểu là có hai TKQĐ: một là, TKQĐ giữa xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN) và xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN); hai là, TKQĐ giữa xã hội TBCN và xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN). Một số người khác lại cho rằng, theo C. Mác chỉ có TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội CSCN, không có TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội XHCN.
Về điểm này, ý kiến mà Ph. Ăng-ghen nêu ra trong “Thư gửi K. Xmit” là rất rõ ràng. Ông nói với K. Xmit rằng: Các giai đoạn quá độ lên xã hội CSCN - là đáng suy nghĩ, nhưng tôi khuyên ngài: không vội vã, không có những kết luận vội vã, đó là vấn đề khó khăn nhất trong tất cả các vấn đề, vì các điều kiện biến đổi không ngừng. Như thế, với Ph. Ăng-ghen, TKQĐ bao gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, liên tục và biến đổi không ngừng. Xã hội XHCN, theo các ông, chỉ là giai đoạn đầu của xã hội CSCN, do đó, nó được xem là một giai đoạn của TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội CSCN. Ý kiến của Ph. Ăng-ghen mang ý nghĩa phương pháp luận quan trọng, rằng không nên phân chia một cách máy móc, siêu hình TKQĐ thành những giai đoạn khu biệt khác nhau bởi trên thực tế “các điều kiện biến đổi không ngừng”.
Như vậy, theo các ông, TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội CSCN là thời kỳ cải biến cách mạng một cách toàn diện và triệt để về kinh tế - xã hội; tương ứng với nó là TKQĐ chính trị; nhà nước của thời kỳ này là nhà nước chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản; và, TKQĐ bao gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, liên tục và biến đổi không ngừng.  
Đặc điểm và nội dung của thời kỳ quá độ
Đặc điểm bao trùm của TKQĐ chính là xã hội quá độ bao gồm trong đó sự hiện diện những dấu vết, những bộ phận của xã hội cũ TBCN ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời, là sự xuất hiện và hình thành những nhân tố của xã hội mới CSCN.
Về kinh tế, mặc dù giai cấp tư sản đã bị lật đổ nhưng chế độ tư hữu (CĐTH) vẫn tồn tại và việc cải tạo, đi đến xóa bỏ CĐTH là một quá trình dần dần và lâu dài, có thể là rất lâu dài. Trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, Ph. Ăng-ghen chỉ rõ, chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo ra được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu(2). Về phân phối, trong “Phê phán Cương lĩnh Gô-ta”, C. Mác chỉ rõ, quan hệ phân phối trong TKQĐ còn chứa đầy mâu thuẫn, còn tồn tại nhiều bất bình đẳng. Đó là do, những quan hệ sản xuất TBCN chưa được xóa bỏ hoàn toàn ngay lập tức nên quy luật giá trị vẫn điều tiết lao động và chi phối phân phối sản phẩm lao động xã hội.
Về chính trị, trong các tác phẩm: “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, “Tóm tắt cuốn sách của Ba-cu-nin “Nhà nước và tình trạng vô chính phủ””, “Phê phán Cương lĩnh Gô-ta”... C. Mác nhất quán khẳng định, TKQĐ từ CNTB lên CNCS là TKQĐ chính trị và nhà nước của thời kỳ ấy là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản (GCVS). Rõ ràng, với C. Mác, về mặt lý thuyết, trong xã hội CSCN, giai cấp, CĐTH và nhà nước sẽ không còn cơ sở kinh tế - xã hội tồn tại nên sẽ bị xóa bỏ, nhưng trong TKQĐ tất cả các nhân tố đó vẫn tồn tại bởi những cơ sở tồn tại khách quan của nó vẫn còn. Như thế, để thực hiện thành công bước quá độ lên CNCS thì GCVS sau khi đánh đổ giai cấp tư sản (GCTS) và trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội phải triệt để thấm nhuần quan điểm “cách mạng không ngừng” sử dụng nền chuyên chính cách mạng của GCVS để không chỉ thực hiện cải biến xã hội một cách toàn diện mà còn phải chuyên chính đối với những thế lực thù địch không ngừng trỗi dậy chống lại chính quyền của GCVS để khôi phục lại chế độ TBCN. Nghĩa là, trong suốt TKQĐ, GCVS để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình thì không có cách nào khác là phải tiếp tục trấn áp bằng bạo lực, vẫn phải thống trị bằng chính quyền. Điều này có nghĩa, nếu buông lỏng quyền lực nhà nước thì GCVS cách mạng sẽ mất vai trò lãnh đạo xã hội của mình và do đó, sẽ không thể thực hiện được bước quá độ từ CNTB lên CNCS.
Chính trong định nghĩa trên, C. Mác đã chỉ rõ nội dung cơ bản của TKQĐ là cải biến xã hội TBCN từng bước, trên cơ sở đó hình thành xã hội CSCN. Sau khi giành được chính quyền, GCVS dùng chế độ dân chủ nhân dân của mình làm phương tiện để cải biến kinh tế, xã hội. Trước hết là sử dụng các biện pháp kinh tế, xã hội để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX) và hình thành quan hệ sản xuất (QHSX) mới CSCN, củng cố vai trò lãnh đạo của GCVS. Về điểm này, Ph. Ăng-ghen đã nêu ra 12 biện pháp kinh tế, xã hội quan trọng mà GCVS phải thực hiện trong TKQĐ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, các biện pháp này phải được thực hiện một cách từng bước, dần dần, không được nóng vội, không mang tính phong trào và việc thực hiện tốt biện pháp này là tiền đề để thực hiện biện pháp khác. Các biện pháp đó là: hạn chế quyền tư hữu; tịch thu tài sản của những kẻ chạy trốn ra nước ngoài; tổ chức hệ thống ngân hàng mới của nhà nước; tổ chức lao động mang tính tập thể cho GCVS; nhà nước nắm các phương tiện vận tải lớn; thực hiện giáo dục không mất tiền; xây dựng nhà ở xã hội; thực hiện vệ sinh môi trường đô thị; thực hiện chế độ kế thừa tài sản bình đẳng;...
Trong TKQĐ, sau khi nắm được chính quyền, cùng với cải tạo và thủ tiêu các quan hệ bóc lột của chế độ cũ, nhiệm vụ quan trọng của GCVS là từng bước thiết lập QHSX mới CSCN. Đó là thiết lập quan hệ sở hữu (QHSH) công cộng với nền sản xuất theo kế hoạch dưới sự điều tiết của nhà nước chuyên chính vô sản. Ph. Ăng-ghen khẳng định, trong TKQĐ nền kinh tế CSCN chưa hoàn thiện, chúng ta phải áp dụng nền sản xuất hợp tác xã coi như một giai đoạn trung gian trên quy mô lớn. Nhưng công việc phải được tổ chức như thế nào để cho xã hội, tức trước hết là nhà nước, vẫn duy trì được quyền sở hữu các tư liệu sản xuất và do đó, lợi ích riêng của hợp tác xã không thể đứng trên lợi ích của toàn xã hội.
Xem xét sự phát triển của nhân loại như một tiến trình lịch sử - tự nhiên bởi sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ rõ, mâu thuẫn giữa LLSX và QHSX là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến các cuộc cách mạng xã hội. Trong tác phẩm “Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học”, Ph. Ăng-ghen khẳng định, mục đích của cách mạng vô sản là nhằm giải phóng LLSX đã xã hội hóa cao khỏi sự giam cầm của QHSH TBCN dựa trên CĐTH, là giải thoát những tư liệu sản xuất xã hội khỏi tính chất TBCN, từ đó thiết lập QHSX mới CSCN dựa trên chế độ công hữu (CĐCH). Chính điều này, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của LLSX. Vì lẽ đó, các ông nhắc nhở, GCVS không được thỏa mãn với trình độ phát triển hiện có của LLSX của xã hội TBCN, với toàn bộ tư bản và công cụ sản xuất mà mình đã tước đoạt được của GCTS và phải trên cơ sở hiện có ấy mà phát triển mạnh mẽ số lượng những LLSX. Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, hai ông chỉ rõ: GCVS sử dụng sự thống trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản của GCTS, để tập trung toàn bộ công cụ sản xuất xã hội vào tay nhà nước của GCVS, qua đó có những giải pháp thúc đẩy tăng thật nhanh số lượng LLSX xã hội. Mặc dù vậy, các ông cũng chỉ rõ, việc cải tạo những QHSX TBCN, xác lập QHSX CSCN phải có lộ trình và được thực hiện một cách từng bước, dần dần và lâu dài.
Với những đặc điểm và nội dung nêu trên, cuộc cách mạng vô sản do GCVS thực hiện, sau khi giành chính quyền trực tiếp lãnh đạo nhân dân lao động thực hiện bước quá độ từ xã hội TBCN lên xã hội CSCN thì vấn đề trọng yếu là quyền lãnh đạo của GCVS. Muốn củng cố chính quyền của mình trong thời kỳ cải biến cách mạng toàn diện, phức tạp trước sự phản kháng và trỗi dậy quyết liệt giành lại chính quyền của GCTS, GCVS đồng thời với việc xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền của GCTS, phải không ngừng xây dựng và hoàn thiện chính quyền của mình thật sự trong sạch, vững mạnh. Về điều này, trong Lời nói đầu viết cho lần xuất bản thứ ba bằng tiếng Đức tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, Ph. Ăng-ghen chỉ rõ: Muốn không để mất một lần nữa quyền thống trị mà mình vừa giành được, GCVS, một mặt, phải xóa bỏ toàn bộ bộ máy áp bức cũ từ trước đến nay vẫn dùng để áp bức  mình; mặt khác, lại phải đề phòng những đại biểu, viên chức của chính mình bằng cách tuyên bố tất cả những người này không trừ một ai, đều có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào.
Trong các tác phẩm của mình, C. Mác và Ph. Ăng-ghen luôn nhắc nhở những người cộng sản, trong suốt TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội CSCN, khi đã nắm chính quyền họ cần phải biết sử dụng quyền lực chính trị của mình một cách triệt để để cưỡng bức, tước đoạt toàn bộ tư bản, công cụ sản xuất của GCTS bóc lột và kiên quyết trấn áp sự phản kháng, chống lại của GCTS. Trong TKQĐ do sự tồn tại đặc thù của mâu thuẫn giai cấp và điều kiện kinh tế - xã hội nên GCVS cần phải thực hiện một nền chuyên chính triệt để, phải thực thi bạo lực chính trị kiên quyết chống lại những thế lực thù địch, để cải tạo xã hội cũ và từng bước xây dựng xã hội mới CSCN. Nếu buông lỏng quyền lực chính trị, GCVS sẽ nhanh chóng mất vị thế cầm quyền của mình.              
Một số vấn đề đang đặt ra với nước ta hiện nay
Trên cơ sở nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta khẳng định Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. 
Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”(3).
Với sự khái quát trên, Đảng ta đã chỉ rõ mục đích của mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, cũng nêu rõ các phương tiện, lực lượng và động lực để thực hiện mục đích đó. Dĩ nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ, để đạt được mục đích đó chúng ta “nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, cần lưu ý một số vấn đề cốt yếu trong TKQĐ mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen, từng chỉ rõ.
Thứ nhất, đó là vấn đề vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Để tiến lên CNXH thì trong suốt TKQĐ, Đảng Cộng sản Việt Nam phải giữ vững vai trò lãnh đạo của mình để lãnh đạo nhân dân vừa xóa bỏ những tàn dư của quan hệ phong kiến, TBCN, xây dựng chế độ XHCN, vừa trấn áp những thế lực thù địch luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để thiết lập một chế độ đi theo con đường TBCN ở nước ta. Nếu Đảng Cộng sản không giữ được vị thế cầm quyền của mình trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì xã hội ta sẽ không thể thực hiện được bước quá độ lên CNXH. Những tư tưởng đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và Nhà nước thực chất là muốn xa rời định hướng XHCN, muốn phá bỏ chế độ hiện nay, đưa đất nước ta đi theo con đường TBCN. Sự mơ hồ về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong thời kỳ quá độ sẽ là một sai lầm có thể đưa đất nước vào thời kỳ bất ổn và rối loạn. Về thực chất, cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch luôn diễn ra trong suốt TKQĐ.
Thứ hai, vấn đề quyền lực nhà nước. Để hoàn thành vai trò và nhiệm vụ của mình, nhà nước trong thời kỳ quá độ phải thực sự là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do vừa phải từng bước xóa bỏ những tàn dư của chế độ cũ, xây dựng chế độ mới; vừa trấn áp những thế lực chống đối nhằm bảo vệ chính quyền nhân dân, nên quyền lực của nhà nước trong TKQĐ phải thống nhất. Có thống nhất, quyền lực nhà nước mới là sức mạnh và trên cơ sở quyền lực thống nhất mà phân công cho các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thực thi quyền lực nhà nước. Trong quá trình thực thi ấy, cần có cơ chế phối hợp và giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan một cách hiệu quả. Do đặc điểm, tính chất của TKQĐ và Nhà nước của TKQĐ ở nước ta nên việc áp dụng, vay mượn mô hình tam quyền phân lập của nhà nước TBCN là không phù hợp. Vấn đề phân công, thực thi quyền lực nhà nước như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào đặc thù của điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa và chế độ xã hội cụ thể của mỗi quốc gia, không theo ý muốn chủ quan của các cá nhân.
Thứ ba, vấn đề sở hữu. Trong TKQĐ những cơ sở kinh tế, xã hội cũ vẫn tồn tại đan xen cùng những nhân tố kinh tế, xã hội mới. Sự cùng tồn tại của chúng cũng khẳng định sự cùng tồn tại của nhiều hình thức sở hữu khác nhau như một tất yếu khách quan. Mặc dù, mục đích của cuộc cách mạng XHCN là xóa bỏ CĐTH xây dựng CĐCH, nhưng trong TKQĐ, chỉ có thể từng bước xóa bỏ CĐTH và dần dần xây dựng CĐCH và đó là một quá trình diễn ra lâu dài với nhiều bước đi, nhiều giai đoạn khác nhau. Cụ thể, đối với nước ta, trong TKQĐ lên CNXH, cùng với sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức sở hữu khác nhau thì sở hữu nhà nước - còn được gọi là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện là quan trọng nhất, đặc biệt là sở hữu toàn dân về đất đai. Để thực hiện được kinh tế thị trường định hướng XHCN thì “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo và kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Muốn thế, thì chỉ có thực hiện chế độ sở nhà nước, sở hữu toàn dân mới bảo đảm cho sự phát triển chủ đạo của kinh tế nhà nước, sự lớn mạnh của kinh tế tập thể. Đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc của TKQĐ ở nước ta hiện nay. Xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân cũng đồng nghĩa xóa bỏ định hướng XHCN đối với nền kinh tế thị trường ở nước ta; nói cách khác, là thực hiện kinh tế thị trường tự do.  
Thứ tư, vấn đề phòng, chống tham nhũng. C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng lưu ý,  là cùng với sự xóa bỏ toàn bộ chính quyền của chế độ cũ, kiên quyết dùng bạo lực trấn áp những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động nhằm lật đổ chính quyền của GCVS, “lại phải đề phòng những đại biểu, viên chức của chính mình bằng cách tuyên bố tất cả những người này không trừ một ai, đều có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào”. Điều này có nghĩa là phải xây dựng một bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, một đội ngũ cán bộ, viên chức của chính quyền mới trong TKQĐ phải thật sự giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, cúc cung tận tụy phụng sự chế độ, phục vụ  nhân dân. Khi các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác nói “lại phải đề phòng những đại biểu, viên chức của chính mình...” thì có nghĩa là các ông khuyến cáo cần làm sao để các đại biểu, viên chức của chính quyền mới không lợi dụng chức quyền, địa vị của mình để trục lợi cá nhân. Rõ ràng, phòng, chống tham nhũng là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với chính quyền trong TKQĐ. Bởi lẽ, bản thân các “đại biểu”, “viên chức” nhà nước ấy là những con người mới bước ra từ xã hội cũ. Họ, về cơ bản vốn là “sản phẩm” của chế cũ và vẫn mang trong mình nhiều tàn dư từ chế độ cũ khi thực hiện công vụ. Vì lẽ đó, có “đề phòng” họ cũng chính là cách tốt nhất để giúp họ không mắc sai lầm và vì thế mới làm cho chính quyền trở nên vững mạnh.
Thứ năm, theo các nhà kinh điển, sau khi giành chính quyền, GCVS tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ để cải tiến toàn diện kinh tế, xã hội. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện trong suốt TKQĐ để xây dựng xã hội mới XHCN. Thực thi dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ tạo ra những động lực to lớn trong TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội XHCN. Những thành tựu to lớn của nước ta thời kỳ đổi mới đã minh chứng điều đó. Thực thi dân chủ XHCN là một đòi hỏi khách quan của cả thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta./.

----------------------------------------------------
(1) C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 19, tr. 47
(2) Xem: C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Sđd, t. 4, tr. 469
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70
Nguyễn Linh KhiếuPGS, TS, Tạp chí Cộng sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !