Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

TÔI CHƯA CHẾT THÌ ĐỒNG ĐỘI TÔI PHẢI SỐNG



Khi người thương binh cuối cùng của trận đánh Lộc Ninh (1970) được phẫu thuật xong thì cũng là lúc Đại đội trưởng, bác sĩ Nguyễn Viễn gục xuống sau 7 ngày liên tiếp bên bàn mổ. “Tôi chưa chết thì đồng đội tôi phải được sống”-câu nói đó của ông đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho các đồng đội không may bị thương giữa chiến trường lửa đạn… Hơn 40 năm sau những ngày tháng “sống để dâng hiến” đó, chúng tôi gặp lại Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Viễn tại một căn phòng nhỏ ở Khu tập thể M1 (Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội)…

Người bác sĩ quả cảm

Nguyễn Viễn sinh ra trên miền quê nghèo (Phù Ninh, Phú Thọ). Năm 1940, khi mới 3 tuổi, ông đã chịu cảnh mồ côi cha. Mẹ ông ở vậy, lần hồi rau cháo nuôi 4 con ăn học. Cách mạng Tháng Tám 1945 rồi kháng chiến toàn quốc 1946 bùng nổ, vùng quê Phù Ninh của ông trở thành căn cứ địa của cách mạng. Các anh, chị của Nguyễn Viễn đều sớm tham gia bộ đội, du kích để đánh Pháp. Năm 1954, tiếp nối anh chị, Nguyễn Viễn đi bộ đội đến năm 1960 thì xuất ngũ. Với bản tính thông minh, mặc dù xa sách vở đã 6, 7 năm, nhưng ông vẫn thi đỗ và tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1965.

Đúng thời gian này, giặc Mỹ leo thang chiến tranh, đưa hàng chục vạn quân Mỹ vào trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam. Và một lần nữa, Nguyễn Viễn lại xung phong vào quân đội, được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội Quân y 23 thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Chính ở cương vị này, ông đã tham gia cứu chữa thương binh trong tất cả các trận đánh của Trung đoàn 101, từ những ngày quần thảo với quân thù trên đất lửa Quảng Trị (1967-1968), cho đến đất thép Lộc Ninh (1969) rồi khu vực Bảy Núi, Tây Nam Cam-pu-chia (1970-1973).

Là bác sĩ ngoại khoa duy nhất của trung đoàn, Đại đội trưởng Nguyễn Viễn ý thức được trách nhiệm và ý nghĩa nhiệm vụ của mình trong việc giữ gìn sức khỏe, sự sống cho đồng đội. Năm 1967, đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị trong điều kiện đội ngũ quân y vừa thiếu người, thiếu trang bị, lại yếu về chuyên môn; Nguyễn Viễn đã đề nghị cấp trên cho phép tuyển chọn một số chiến sĩ có năng khiếu, mở lớp đào tạo y tá cấp tốc cho trung đoàn; đồng thời "phát động" phong trào chế tác, gia công thành băng, cáng, nẹp từ những nguyên vật liệu sẵn có để… làm dụng cụ y tế. Cũng trong những ngày đêm chiến đấu liên tục đó, tấm gương bác sĩ Nguyễn Viễn hết mình cấp cứu đồng đội trở thành chỗ dựa, niềm tin cho toàn đơn vị. Nhiều thương binh đến nay vẫn còn nhớ rõ trận đánh Cồn Tiên-Dốc Miếu ở Quảng Trị năm 1967, cả địch và ta đều chịu thương vong lớn. Mỗi ngày, trạm phẫu trung đoàn tiếp nhận 60, 100 thương binh. Công tác cứu chữa, chăm sóc thương binh giữa bốn bên là địch thật vô cùng gian nan, nguy hiểm. Nhiều y sĩ, y tá phục vụ bác sĩ Nguyễn Viễn mổ nhiều đêm liền đã kiệt sức, phải cấp cứu. Bản thân Đại đội trưởng Nguyễn Viễn vừa chỉ huy, điều hành toàn trạm xá, vừa mổ liên tục nhiều ngày đêm để cứu sống 100% thương binh.


Vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Viễn.

Nhiều trường hợp, sự quyết đoán của bác sĩ Nguyễn Viễn đã cứu sống thương binh. Như trận đánh ngày 12-9-1967, thương binh Luận bị một vết thương thấu bụng, gây vũ phúc mạc do đưa về trạm chậm. Nếu ở tuyến sau phẫu thuật cũng khó tránh khỏi tử vong, vậy mà bác sĩ Nguyễn Viễn đã quyết định giữ anh lại để phẫu thuật tại trạm. Sau 2 giờ phẫu thuật, phải cắt 60cm ruột non, khâu nhiều lỗ thủng trong gan, ổ bụng, Luận đã qua giai đoạn nguy kịch. Hai ngày sau, Luận tạm bình phục và được chuyển về tuyến sau. Bác sĩ Nguyễn Viễn kể rằng: “Kinh nghiệm sau hàng trăm ca mổ ở chiến trường đã giúp tôi có những quyết định rất đúng đắn và kịp thời. Sư đoàn cho tôi đi báo cáo điển hình, tôi đã khẳng định rằng, trong điều kiện chiến trường, người bác sĩ phẫu thuật phải từ trách nhiệm, lương tâm thầy thuốc mà đưa ra quyết định, dù có mạo hiểm”.

Người bác sĩ anh hùng

9 năm liên tục làm đại đội trưởng quân y trong chiến trường, bác sĩ Nguyễn Viễn không nhớ nổi đã phẫu thuật, cứu sống bao nhiêu thương binh. Các chiến trường trọng điểm trên khắp miền Nam, từ Khe Sanh (Quảng Trị) đến Lộc Ninh, biên giới phía Tây Nam, ông đều có mặt. Ông kể, trận Trung đoàn 101 tiến công căn cứ Chi Lăng của địch năm 1970 có lẽ là lần ông làm nhiệm vụ dài ngày, phức tạp nhất. Có ngày, trạm của ông thu dung 150 thương binh, trong khi cả trạm chỉ mình ông là bác sĩ ngoại khoa. Đợt đó, ông đã đứng để phẫu thuật liên tục 7 ngày liền, cho đến khi chân bị phù tê, phải kê ghế ngồi mà phẫu thuật. Anh em thương binh nhẹ phải ngồi bên cạnh vuốt máu tụ ở chân cho ông.

Bên cạnh nhiệm vụ cứu chữa thương binh, Trạm phẫu 23 của Đại đội trưởng Nguyễn Viễn còn nhiều lần trực tiếp chiến đấu, bảo vệ thương binh. Ở trận tiến công Trảng Dài thuộc Mặt trận B2, trong thế cài răng lược, một lực lượng địch đã tiến vào khu vực trạm phẫu. Lúc đó, trạm còn 50 thương binh chưa sơ tán được, lực lượng bảo vệ trạm lại bị pháo địch công kích nên thương vong nhiều, không đủ sức chiến đấu. Trạm bị vây ráp, mất liên lạc với đơn vị 5 ngày, nguồn nước bị chặn. Trong những ngày đó, Đại đội trưởng Nguyễn Viễn thực sự là chỗ dựa của thương binh và toàn đơn vị. Ông động viên các y sĩ, y tá nhường khẩu phần cho thương binh, tổ chức đội hình chiến đấu. Khi trên có lệnh rút, Trạm phẫu 23 đã thực hiện đánh tiêu hao, loại khỏi đội hình chiến đấu nhiều tên địch, đưa thương binh ra khu vực an toàn. Thành tích đặc biệt xuất sắc của tập thể đơn vị đã được cấp trên ghi nhận, ngày 20-12-1973, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng danh hiệu Anh hùng LLVT giải phóng cho đơn vị.

“Được biết đơn vị đã có ý định đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho bác từ hồi còn ở chiến trường, vậy sao mãi năm 2010, bác mới được phong tặng?”-chúng tôi hỏi ông. Ông cười: “Chuyện dài lắm, khi ở chiến trường, đúng lúc đơn vị làm hồ sơ đề nghị khen thưởng cho tôi thì tôi đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị khác. Sau chiến tranh, đơn vị tôi giải tán, về sau lại tái lập nên hồ sơ cũng không còn giữ được gì. Mãi sau này, nhờ nhiều đồng đội trong Ban liên lạc cựu chiến binh nhắc lại vấn đề này, đơn vị mới đi gặp nhân chứng, khôi phục hồ sơ đề nghị khen thưởng cho tôi và một đồng chí liệt sĩ nữa. Tôi rất cảm động là năm 2007, khi đến Báo Quân đội nhân dân tìm lại các bài báo đã viết về đơn vị thời kỳ chống Mỹ, chúng tôi được đồng chí Lê Phúc Nguyên, lúc đó là Phó tổng biên tập, giúp đỡ rất nhiệt tình. Đồng chí ấy bảo, nếu Báo Quân đội nhân dân có thể giúp gì được trong việc khẳng định lại những sự kiện của đơn vị thì anh ấy sẽ hết lòng. Nhiều người bảo tôi lúc trẻ đã hết lòng vì đồng đội, nên khi về già, đi đâu, làm gì cũng được các đồng đội trẻ hết lòng giúp lại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !