Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Nguyễn Văn Thiệu: "Cờ thí" trong ván cờ chính trị Mỹ



Cờ bí dí tốt
 
Nguyễn Văn Thiệu được dựng lên nhờ Mỹ. Người ta đánh giá chính quyền Thiệu lệ thuộc Mỹ nhiều hơn thời Ngô Đình Diệm. Sự lệ thuộc ngày càng nhiều khiến Nguyễn Văn Thiệu mất dần thế đứng để trở thành một quân bài trong ván bài chính trị cả đối nội lẫn đối ngoại của Mỹ.
 
Sự kiện đầu tiên chứng tỏ điều đó là vụ bầu cử năm 1968 ở nước Mỹ. Thời điểm đó vừa trải qua cú sốc Tết Mậu Thân. Tương lai hòa bình còn rất tăm tối. Áp lực dư luận đòi kết thúc chiến tranh đè nặng lên Johnson. Trước tình thế đó, Johnson tuyên bố không ra ứng cử nhiệm kỳ 2 và đề cử Phó Tổng thống Hubert Humphrey. Để giúp Humphrey, Johnson quyết định xuống thang chiến tranh. Một mặt tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Mặt khác gây sức ép với Nguyễn Văn Thiệu để Sài Gòn cử đoàn đàm phán đến Paris. Mục tiêu của Johnson trong việc ép Thiệu là để xoa dịu dư luận về viễn cảnh đàm phán hòa bình.
 
 Nguyễn Văn Thiệu (phải) và Nguyễn Cao Kỳ. Ảnh: Pháp luật TP.HCM. 
Qua đại sứ Bunker tại Sài Gòn, Johnson ra sức thúc ép Thiệu cử phái đoàn đến Paris đàm phán. Cùng lúc này, người phụ trách vận động tranh cử của Nixon lại thông qua bà Chennault (quen biết với ông Thiệu) liên tục gửi thông điệp vận động Thiệu trì hoãn việc đến Paris, chờ Nixon lên làm Tổng thống thì mọi việc sẽ tốt đẹp.
Nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2013), Kiến Thức xin giới thiệu tới độc giả loạt bài "Lật lại hồ sơ chiến tranh Việt Nam" với những thông tin đầy đủ, sinh động và giàu giá trị tham khảo. Loạt bài sẽ được đăng tải liên tục từ 26/4 - 1/5/2013. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc. 
Kết quả là ông Thiệu ngả về phía Nixon, ông ta luôn nói: “Với cộng sản không bao giờ có thương lượng”. Ngày 1/11/1968, Thiệu đọc diễn văn trong lễ mừng ngày quốc khánh đệ nhị Cộng hòa, tuyên bố không cử đoàn đàm phán đến Hội nghị Paris. Quyết định này đưa ra trước cuộc bầu cử ở Mỹ 5 ngày đã biến các cố gắng xuống thang chiến tranh của Johnson trở thành vô nghĩa. Nixon đã thắng cử nhờ vào hành động trợ giúp của Thiệu. Trong hồi ký của Johnson, ông ta viết “Tôi tin chắc rằng sự việc đó (hành động của Thiệu) đã khiến ông Humphrey thất cử”.
 
Đây là lần đầu tiên Nguyễn Văn Thiệu bị lôi kéo và trở thành một quân bài trong ván bài chính trị nội bộ của nước Mỹ. Oái oăm thay, hành động của Thiệu lại khiến Thiệu lún sâu vào vai trò một quân bài. Vài ngày sau cuộc bầu cử, người vận động tranh cử của Nixon lại thông qua bà Chennault gửi thông điệp cho Thiệu nhưng giờ đây là “Nên tham dự ngay các cuộc hòa đàm ở Paris”. Chính Nixon trong lần thăm Nhà Trắng ngày 11/11/1968 cũng công khai phát biểu: “Chính phủ Johnson không những có thể hành động nhân danh chính quyền hiện nay mà còn nhân danh cả toàn quốc và như thế có nghĩa là nhân danh cả chính quyền sắp tới nữa”. Lời phát biểu của Nixon được Sài Gòn hiểu rằng tân tổng thống đã bắt đầu gây áp lực đối với mình. 
 
Nước cờ tàn của Nixon
 
Kể từ năm 1968, Mỹ đã bắt đầu muốn rút ra khỏi cuộc chiến. Nhưng rút như thế nào là vấn đề rất quan trọng. Không thể lặng lẽ cuốn cờ ra đi. Làm như vậy tức là thừa nhận thất bại đồng thời sẽ bị chỉ trích là bỏ rơi đồng minh. Nhưng lúc này, người Mỹ đã quá mệt mỏi cả về kinh tế lẫn chính trị. Họ không còn cho sứ mệnh ngăn chặn cộng sản là trách nhiệm của mình như hồi thập niên 1950 nữa. Vấn đề bây giờ của họ là làm sao thoát khỏi cuộc chiến tranh này trong danh dự, mang được tù binh về mà vẫn không bị coi là bỏ rơi đồng minh. 
 
 Chân dung Nguyễn Văn Thiệu. Ảnh: Phunutoday. 
Trong thực tế, từ năm 1968, Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đàm phán công khai và bí mật ở Paris nhiều lần. Cho đến năm 1972, cơ bản các điều khoản đã hoàn thành. Người Mỹ đã có được những điều họ muốn: rút trong danh dự, lấy được tù binh. Nhưng chỉ còn điều cuối là tránh mang tiếng bỏ rơi đồng minh thì họ còn đang vướng mắc.
 
Thiệu cực lực phản đối Hiệp định vì ông ta biết với điều khoản Mỹ rút mà “Cộng sản” không phải rút thì sớm muộn ông ta sẽ thua. Nhưng bây giờ mối quan tâm hàng đầu của Mỹ không phải thua hay thắng mà là làm sao để rút đi cho sớm. Muốn vậy, Mỹ phải ép Thiệu ký sớm.
 
Trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy, dựa trên tập hồ sơ về bang giao Mỹ Việt trong giai đoạn trước 1973, ông Nguyễn Tiến Hưng đã dẫn ra nhiều bức thư của Nixon thúc giục Nguyễn Văn Thiệu ký Hiệp định. 
 
Để đạt mục đích, Nixon giơ ra một “củ cà rốt” để thuyết phục Thiệu. Bức thư đề ngày 16/10/1972, Nixon viết: “Riêng đối với tôi thì điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định, ngoài những khía cạnh quân sự của nó, là Chính phủ ngài, quân lực và những định chế chính trị của VNCH sẽ còn nguyên vẹn sau khi cuộc ngưng bắn được tôn trọng. Trong thời kỳ tiếp theo sau đình chiến, Ngài có thể hoàn toàn an tâm là chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Chính phủ của Ngài sự yểm trợ đầy đủ nhất, kể cả viện trợ kinh tế và bất cứ viện trợ quân sự nào phù hợp với những điều khoản đình chiến của Hiệp định này… Tôi xin cam kết với Ngài rằng, bất cứ một sự bội tín nào về phía họ cũng sẽ bị chúng tôi lên án khắt khe nhất và nó sẽ có những hậu quả trầm trọng nhất”.
 
Việc Thiệu ký hay không, vào thời điểm này còn ảnh hưởng cả đến việc Nixon có trúng cử nhiệm kỳ 2 hay không vì cuối năm 1972 sẽ diễn ra bầu cử. Trong khi đó, dù biết áp lực Mỹ gia tăng nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn cố gắng trì hoãn với lý do sự có mặt các lực lượng “cộng sản” còn lại là mối nguy hiểm. Hai bên tiếp tục thư từ nhiều lần nữa. Trong khi Thiệu còn chưa quyết định thì ở Washington, Kissinger rầm rộ tuyên bố: Hòa bình đã ở trong tầm tay. Nixon nhờ đó đắc cử lần hai. 
 
Nhưng ngày đăng quang đã gần tới mà chưa thuyết phục được Thiệu, Nixon bắt đầu sốt ruột. Thư đề ngày 14/1/1973, Nixon dọa dẫm: “Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23 tháng 1 và sẽ ký vào ngày 27 tháng 1, 1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình, trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trở cho công cuộc vãn hồi hoà bình tại Việt Nam… Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong Chính phủ của Ngài cũng không thể cứu vãn được”. 
 
Theo Nguyễn Tiến Hưng, trong “từ điển chính trị” về mối quan hệ Việt Nam – Mỹ thì “thay đổi nhân sự” là một cách nói giảm nhẹ của đảo chính. Tuy nhiên, Nixon cũng không quên ngọt nhạt sẽ bảo đảm viện trợ quân sự, kinh tế và trợ giúp quân sự cho Sài Gòn khi cần. Đến đây Thiệu buộc phải “đầu hàng”. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về vấn đề Việt Nam đã được ký kết. Mỹ đã đạt được mọi toan tính của họ. 
 
Ngay từ đầu, việc ông Thiệu “lên ngôi” đã là một nước cờ của Mỹ. Không phải vì Thiệu có tài năng xuất chúng mà vì: “Nếu bỏ Thiệu, như Washington hiểu một cách đúng đắn, thì sẽ là một mớ hỗn tạp của những tập đoàn gây chiến, những phe phái và những người tham lam đã nổi lên sau khi Diệm chết và vì thế mà sản sinh ra một sự mất ổn định triền miên chỉ có lợi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng” (Gabriel Kolko - Giải phẫu một cuộc chiến tranh).
 
Do vậy, khi chiến lược của Mỹ thay đổi, Mỹ muốn rút khỏi Việt Nam thì Mỹ sẽ bỏ Thiệu hoặc dùng Thiệu để làm con cờ thí cho ván cờ tàn của họ. Thực tế trong việc ép Thiệu ký Hiệp định, Mỹ đã bỏ rơi Thiệu, vấn đề chỉ là họ cố gắng cho sự bỏ rơi đó có lý do chính đáng mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !