Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Nước Mỹ: Từ Cairo - Honolulu đến Damascus


Tin tức tình báo về Syria khiến Tổng thống Obama rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” (ảnh: internet)
NDĐT- Giống như khi Tổng thống Obama ký “Dự luật ủy quyền quốc phòng” ngày 3-1-2013, trong đó lần đầu tiên có nội dung: “Bảo vệ Senkaku phù hợp với điều 5, Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ” và ghi rõ: “Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận hành động đơn phương của một nước thứ 3”, ngày 29-8-2013, ngay sau khi ông Obama tuyên bố chuẩn bị chiến dịnh “tấn công răn đe hạn chế” với chính quyền Bashar al-Assad do đã vượt “lằn ranh giới đỏ”, một bầu không khí căng thẳng đang phủ bóng đen chiến tranh lên cộng đồng quốc tế.
Nhưng rồi cũng với thái độ thận trọng giống như những lần trước đó, ngay ngày hôm sau, 30-8, Tổng thống Obama lại đưa ra tuyên bố sẽ phải “chờ” quyết định phê duyệt của Quốc hội (sẽ chỉ bắt đầu phiên họp vào ngày 9-9 tới) cho dù theo Hiến pháp, ông là người có quyền phát động chiến tranh không cần có ý kiến của Quốc hội, chí ít là trong vòng 60 ngày. Đương nhiên, với quyết định bị cho là “yếu đuối”, “không nhất quán” này, Tổng thống Obama thừa hiểu sẽ phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích từ nhiều phía, trước hết là từ những người của đảng Cộng hòa.
Thái độ sẵn sàng “chịu trận” trước búa rìu dư luận của chính quyền Obama khiến chính người viết phải đặt ra một số nghi vấn:
- Thứ nhất, có đúng ê kíp Obama e ngại va chạm, đặc biệt là va chạm quân sự, đến mức sẵn sàng từ bỏ “thể diện” của một siêu cường đang nắm vai trò chủ đạo trong đời sống quốc tế trong suốt hai thập kỷ qua?
- Thứ hai, liệu có phải do những khó khăn về kinh tế mà ê kíp này phải lựa chọn một chính sách thực dụng tới mức luôn tìm cách thoái thác trong những tình huống đòi hỏi sự quyết liệt?
- Thứ ba, theo truyền thống của nước Mỹ, phải chăng vị Tổng thống thứ 44 này đang muốn lưu danh, nhất là khi ông lại là vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ?
Cho dù vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải như tình hình kinh tế bi đát, sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, những vấn đề quốc tế phức tạp ngoài khả năng giải quyết của nước Mỹ v.v. nhưng chính quyền Obama vẫn tích cực can dự vào hầu hết các điểm nóng trên thế giới. Điều này cho thấy họ vẫn muốn duy trì vị thế siêu cường duy nhất – mục tiêu gần như bất biến kể từ sau Thế chiến II.
Vậy thì đằng sau cách ứng xử không như thường lệ của người Mỹ, chính xác là rất dích dắc, chính quyền Obama đang muốn che dấu điều gì khi vẫn phải thực hiện mục tiêu rõ ràng này?
Hành trình đối ngoại, kể từ khi ông Obama bước chân vào Nhà Trắng năm 2009 đến nay, đang hé lộ dần cho chúng ta câu trả lời.
Hãy bắt đầu từ diễn văn của Tổng thống Obama đọc tại Cairo ngày 4-6-2009, thời khắc được coi là điểm khởi đầu của chính sách đối ngoại Mỹ dưới triều đại B. Obama. Trong bài diễn văn của mình, với tuyên bố: “Công việc của tôi với thế giới Hồi giáo là thuyết phục các bạn rằng người Mỹ không phải là kẻ thù của các bạn”, Tổng thống Obama đã khiến người ta kinh ngạc bởi sự thay đổi hoàn toàn trong cách tiếp cận đối với thế giới Hồi giáo, chí ít là trong so sánh với người tiền nhiệm G. Bush. Việc phải bắt đầu từ Trung Đông cũng là điều dễ hiểu, bởi ông Obama phải thực hiện cam kết rút quân khỏi Iraq và quan trọng hơn, là phải thay đổi hình ảnh nước Mỹ trong con mắt người Hồi giáo.
Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, tuyên bố Cairo đã không còn giá trị trước làn sóng chính biến tại Bắc Phi – Trung Đông. Trước các cuộc cách mạng nhung lụa ở Đông Âu, sự kiện 11-9-2001 hay các cuộc cách mạng màu tại không gian hậu Xô viết, cha con Tổng thống Bush đã không tiếc tiền của và sẵn sàng tiến hành các cuộc chiến tranh tại Vùng Vịnh, Afghanistan và Iraq nhằm thực hiện mục tiêu bất biến. Ngược lại, có thể do cách nhìn nhận Mùa Xuân Ả rập là một tất yếu của khu vực, chính quyền Obama tỏ ra khá thận trọng.
Việc chấp nhận loại bỏ “người của mình” – Hosni Mubarack, có thể coi là ví dụ điển hình của chủ trương “té nước theo mưa” mà chính quyền Obama theo đuổi, và vì thế có lẽ những cuộc không kích vào Lybia có thể coi là một ngoại lệ. Trước cơ hội từ Mùa Xuân Ả rập, chính quyền Obama đã lựa chọn cách thức của các nhà kinh tế – “chi phí ít nhất để đạt được mục tiêu”. Tất nhiên, chính sách thực dụng này cũng phải trả giá đó là tình hình hỗn loạn tại đây vẫn tiếp tục kéo dài.
Trước việc Trung Quốc trỗi dậy ngày một mạnh mẽ, đặc biệt là khi nước này vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một mặt “yên tâm” tiếp tục thực hiện chính sách thực dụng tại Trung Đông, mặt khác chính quyền Obama đã mau chóng đưa ra chính sách “xoay trục về châu Á”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2011 (Honululu, ngày 12-11-2011), sau khi công khai sự ưu tiên cho châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Obama còn nhấn mạnh, ông sẽ là Tổng thống châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên của nước Mỹ. Một loạt những hoạt động của ê kíp Obama, điển hình như việc ký “Dự luật ủy quyền quốc phòng” nêu trên, khiến cho nhiều người nghĩ rằng, nước Mỹ đang nỗ lực trở thành “một bộ phận không thể tách rời khỏi châu Á – Thái Bình Dương”. Nhưng cũng chỉ hơn một năm sau, trong cuộc gặp với các Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN (ngày 28-9-2013), Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel nhấn mạnh chiến lược xoay trục không nhằm mục tiêu phong tỏa Trung Quốc và sự có mặt quân đội Mỹ không nhằm mục đích đồn trú mà chỉ nhằm hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của các đồng minh.
Thực chất, từ sau tuyên bố tại Honululu 2011, Chính quyền Obama có vẻ như đang muốn làm sống lại học thuyết Guam “chia sẻ trách nhiệm” của R. Nixon năm 1969, nhưng ở cấp độ còn cao hơn bởi nước Mỹ muốn trong chia sẻ không chỉ với đồng minh mà với mọi đối tác. Minh chứng rõ nhất cho sự tái hiện chủ trương “không mất lòng ai” trong chính sách xoay trục thể hiện qua tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 1-9-2013: “Chính sách của Mỹ đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư từ trước đến nay không thay đổi, đó là Mỹ sẽ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản”. Cũng giống như ở Trung Đông, các hợp đồng bán vũ khí có vẻ thu hút được sự quan tâm của người Mỹ nhiều hơn.
Như một lẽ đương nhiên, đi đêm lắm có ngày gặp ma. Dù rất cẩn trọng, nhưng Tổng thống Obama giờ đây đang phải đối mặt với chính cái bẫy thực dụng của mình.
Trước những tin đồn về việc chính phủ Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học, chính Tổng thống Obama đã đưa ra lời cảnh báo về “lằn ranh giới đỏ” với Damas. Và giờ khi mà tin tức tình báo của chính nước Mỹ khẳng định sự thật về vấn đề vũ khí hóa học của Syria đã khiến Tổng thống Obama rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”: Tấn công Syria đồng nghĩa với việc phá vỡ nguyên tắc thực dụng đang đeo đuổi; không tấn công có nghĩa thể diện của nước Mỹ sẽ bị hoen ố trước cộng đồng quốc tế.
Quyết định đá quả bóng “trừng phạt quân sự” sang cho Quốc hội cũng như các đồng minh lại cho thấy thêm một khía cạnh đặc biệt khác của chính quyền Obama – không ngại mất thể diện.
Cách đây mấy tháng, trước một số động thái của chính quyền Obama, người viết mới chỉ có cảm nhận về cách hành xử theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” của nước Mỹ, điều thật khó tin đối với “siêu cường đơn độc” (cách dùng từ của cố giáo sư S. Huntington). Nhưng giờ thì có lẽ đây chắc chắn là định hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thắng cử nhờ khẩu hiệu “Nước Mỹ cần thay đổi”, ông Obama thì hầu như không thay đổi, nhưng những việc ông đang làm thì thực sự đang làm nước Mỹ thay đổi.

TS ĐỖ SƠN HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !