Ðầu tháng 9 này, theo dõi báo chí, người đọc có thể tiếp xúc với nhiều thông tin liên quan tới việc thanh niên ở mọi miền Tổ quốc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ðiều đó cho thấy ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước tiếp tục hun đúc tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam và đó cũng là một cơ sở để khẳng định niềm tin về tương lai tươi sáng của đất nước.
Thật ấm lòng khi đọc các tin - bài như: "Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban chỉ huy quân sự TP Huế phối hợp tổ chức chương trình giao lưu Tổ quốc gọi thanh niên Huế sẵn sàng", "2.300 thanh niên thuộc 13 quận, huyện, thị xã của Hà Nội lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt 2 năm 2013. Trong số thanh niên nhập ngũ đợt này có 466 công dân có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; 713 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ", "Ðà Nẵng: gần 700 thanh niên lên đường nhập ngũ", "Ðỗ hai đại học vẫn lên đường nhập ngũ", "1.000 thanh niên Phú Yên hăng hái lên đường nhập ngũ"... Các tin tức đó đã trực tiếp chứng minh kẻ khởi xướng topic "những cách trốn nghĩa vụ quân sự" trên diễn đàn Game, TNXM và cả một số kẻ ủng hộ, bàn luận, "mách nước" không chỉ là các đối tượng đáng phê phán, mà còn là sự thật để nếu là con dân nước Việt, họ cần biết tự vấn lương tri để ân hận về việc làm của mình. Và họ cũng nên đọc những dòng mà một thanh niên đã viết trong Thư ngỏ gửi những thanh niên Việt Nam hèn nhát như sau: "nhìn sang những hành động bày mưu mẹo nhằm trốn, tránh nghĩa vụ quân sự của các anh, những thanh niên Việt Nam hèn nhát, thực sự tôi thấy rất phẫn nộ, rất đáng buồn và xấu hổ. Sự hèn nhát của một bộ phận thanh niên còn là một sự phi đạo lý, đi ngược lại những giá trị cha ông ta đã tranh đấu, đã hy sinh để giành lại. Chúng ta đang trong thời bình nhưng thực tế, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta trong thời gian qua vẫn đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng thì lẽ ra thanh niên phải có ý thức phát huy tinh thần, sức trẻ, sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghĩa vụ quân sự với đất nước. Nhưng các anh, những thanh niên Việt Nam hèn nhát lại tìm mọi cách làm ngược lại, để trốn tránh. Ðó là điều không thể chấp nhận được".
Trong những năm tháng chiến tranh, ra chiến trường đánh giặc, cứu nước không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự của mọi thanh niên Việt Nam. Dù chiến tranh kết thúc đã gần 40 năm, nhưng chúng ta vẫn còn nhớ những câu chuyện cảm động về những thanh niên "khai tăng tuổi" để đi bộ đội, có người tìm cách mang thêm đá, gạch cho đủ trọng lượng để được vào quân đội. Và sau khi chiến tranh kết thúc, đã có hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc không trở về. Ðất nước bước vào thời kỳ mới, hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang trở thành nhiệm vụ chiến lược của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi thanh niên với xã hội, với đất nước và được cụ thể hóa trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Hiện tượng một số cá nhân lập diễn đàn trên internet để bàn "cách trốn nghĩa vụ quân sự" không chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", mà còn là hiện tượng cho thấy sự xuống cấp về ý thức đạo đức, lối sống, trách nhiệm của một bộ phận trong giới trẻ. Trả lời phỏng vấn về hiện tượng này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: "Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và ai không được tham gia vào đó là một sự bất hạnh. Những người trong diện được tuyển chọn đi nghĩa vụ quân sự mà tìm cách né tránh thì đó là một sự bất hạnh với cá nhân đó hay chính là họ đã tự nhận lấy sự bất hạnh cho mình. Con người mà đã không có ý chí, tìm mọi phương sách để thực hiện được mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự thì thật đáng lên án".
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng, là điều kiện để mỗi thanh niên góp phần giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước, là một trong những biểu hiện thiết thực của tinh thần yêu nước trong thời bình. Ðược sống trong hòa bình là hạnh phúc của mỗi người. Vì thế, trách nhiệm gìn giữ hòa bình, bảo vệ đất nước cần phải được nuôi dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể đưa ra nhiều lý giải khác nhau về lòng yêu nước, nhưng lý giải như thế nào thì cũng phải dựa trên mẫu số chung là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ, thậm chí cả tính mạng của mình để phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Tất nhiên, trong bối cảnh mới, lòng yêu nước của thanh niên không chỉ thể hiện ở việc phục vụ trong quân đội hay không, mà còn được biểu hiện qua những việc làm cụ thể khác, như học hành chuyên cần, rèn luyện sức khỏe, đạt thành tích tốt trong nghề nghiệp, có tinh thần tương thân tương ái, có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng, tích cực lao động góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,...
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế trước một số hiện tượng rất cần phê phán, chúng ta không thể không đặt câu hỏi rằng: dường như một bộ phận trong thế hệ trẻ hiện nay đang lảng tránh trách nhiệm với gia đình, đất nước và với chính bản thân. Hàng loạt hiện tượng tiêu cực liên quan đến giới trẻ xảy ra trong thời gian gần đây phần nào cho thấy sự sa sút nghiêm trọng về ý thức đạo đức, lối sống của một số người. Từ việc ngang nhiên đánh nhau trong lớp học, ngoài đường phố, rồi chuyện nữ học sinh phổ thông chơi bài và cởi áo giữa lớp học không chút ngượng ngùng, đến chuyện "clip sex" của một số học sinh đang học THCS, THPT. Ðặc biệt là tình trạng đáng báo động về những hành vi phạm pháp của giới trẻ. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, trong năm 2012, có đến 75% vụ án do lứa tuổi từ 14 đến dưới 30 gây ra. Khi mà độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng thì các bậc cha mẹ, nhà trường, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan và đoàn thể xã hội phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, cần có biện pháp phối hợp để kịp thời giúp đỡ, chấn chỉnh,
Nguyên nhân của những tình trạng kể trên thì có nhiều, trong đó phải kể tới các nguyên nhân như: sự giáo dục của gia đình, nhà trường chưa đúng mức, thiếu sự liên kết trong giáo dục giữa gia đình - nhà trường và xã hội, ảnh hưởng xấu từ việc tiếp thu không chọn lọc nhiều luồng thông tin trên mạng internet, sự du nhập tràn lan của lối sống hưởng thụ, ích kỷ, vô trách nhiệm trong khi nhiều thanh niên thiếu niên chưa trưởng thành về ý thức, chưa được trang bị tri thức cần thiết để chọn lựa... Thiết nghĩ, một trong những giải pháp hàng đầu nhằm hạn chế những suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ cần bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình. Gia đình là "cái nôi" nuôi dưỡng thể chất, nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn của trẻ em. Môi trường gia đình cũng chính là nơi đưa tới những tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của mỗi người từ khi còn nhỏ. Sự mưu sinh dù bận bịu, các bậc cha mẹ vẫn cần dành thời gian ân cần hướng dẫn, chỉ bảo, giáo dục con em để có những bước đầu tiên trong ý thức về mọi vấn đề của cuộc sống, nhất là đạo đức, hướng con em đến với những điều tốt đẹp, lành mạnh, nhân ái... Cha mẹ cũng cần lựa chọn cách giáo dục con em đúng đắn, phù hợp tâm lý qua từng giai đoạn phát triển. Ðồng thời xây dựng mối quan hệ gia đình gắn bó, yêu thương, kính trên nhường dưới. Quan trọng hơn, cha mẹ phải thật sự là tấm gương cho con em noi theo. Quá trình giáo dục của gia đình là một quá trình lâu dài, vì thế đòi hỏi sự kiên nhẫn và có văn hóa của các bậc cha mẹ.
Tiếp đó, là môi trường sư phạm. Ðành rằng, nhà trường không thể quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp nhưng trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc truyền dạy tri thức, thầy cô cần trở thành tấm gương cho học sinh, bằng các hành động cụ thể của chính mình, cùng bàn luận về những điều tốt đẹp, thảo luận để chỉ ra tính tiêu cực, thiếu lành mạnh mà các em đã biết tới hoặc thậm chí được chứng kiến. Qua đó, giúp các em biết đúng - sai và hướng các em làm theo những điều đúng đắn. Sự quan tâm đúng mức của thầy cô sẽ là động lực giúp các em suy nghĩ và hành động tích cực hơn trong mọi vấn đề. Bên cạnh đó, cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa ba yếu tố cơ bản tạo dựng nên môi trường sống của trẻ em là gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, xã hội là môi trường khiến các em dễ bị "nhiễm độc" nhất. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt việc giáo dục của gia đình và nhà trường thì nguy cơ "nhiễm độc" cũng sẽ suy giảm. Ðặc biệt, với thế hệ trẻ, internet hiện đang là một "kênh thông tin" ẩn chứa vô số cạm bẫy, cần giúp thế hệ trẻ không chỉ sử dụng internet để phát triển tri thức, trí tuệ mà cần có bản lĩnh vững vàng, biết tiếp thu điều tốt đẹp, nhưng cũng phải biết chọn lọc, loại trừ. Trí tuệ và bản lĩnh ấy không ai có thể cầm tay chỉ dạy mà chính các bạn trẻ cần tự hun đúc và rèn luyện cho mình.
Xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Trong khi đó, tương lai của sự nghiệp "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phụ thuộc phần lớn vào thế hệ trẻ hôm nay. Chính vì thế, cần có một chiến lược lâu dài, cụ thể để kết hợp và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc xây dựng trong giới trẻ lối sống lành mạnh, có tư duy tích cực, có tri thức phong phú và sâu sắc, hành xử có đạo đức, có văn hóa. Từ đó góp phần giúp giới trẻ rèn luyện tự hoàn thiện mình, tự giác cống hiến sức lực và trí tuệ, đồng thời luôn luôn có sức đề kháng mạnh mẽ trước các tác động tiêu cực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.
TIẾN MẠNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !