Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Hàng nghìn người dự Đại lễ cầu hòa bình cho Biển Đông

Sáng nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Đại lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông tại chùa Pháp Lâm với sự tham gia của hàng nghìn Phật tử.
Dù 8h buổi lễ mới bắt đầu, nhưng trước đó nhiều tiếng, các Phật tử đã tìm về chùa Pháp Lâm chờ đợi.
 
Cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo được treo trên mái chùa trong lễ cầu nguyện, thể hiện tinh thần Phật giáo đồng hành cùng quyền lợi của dân tộc, vì hạnh phúc của chúng sinh.
 
Đúng 8h, đoàn rước tiến lên tầng 2 để bắt đầu lễ cầu nguyện. Ngoài các vị sư sãi, buổi lễ còn có sự tham dự của chính quyền địa phương. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật tử có bổn phận cùng Nhà nước gìn giữ biên cương, hải đảo, lãnh thổ quốc gia.
 
Đại đức Thích Thông Đạo, Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, nêu lý do của buổi lễ cầu nguyện: "Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết".
 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng khẳng định hành động hạ đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đe dọa đến an ninh, hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải trên Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
 
Sau nghi thức niệm hương, các nhà sư cùng Phật tử nguyện cầu bình an. Buổi lễ diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
 
Trong tiếng mõ, tiếng chuông âm vang, những người tham dự thể hiện lòng thành kính, tỏ ước nguyện cầu bình an lên đức Phật.
 
Ngoài phần niệm hương, nguyện đem lòng thành kính dâng lên đức Phật, còn có các phần nguyện ngày an lành, tụng sám cầu an... 
 
Số lượng người tham dự lễ cầu nguyện cho biển Đông ước tính hơn 1.000 người.
 
"Dùng vũ lực để mưu lợi cho mình là hành động đáng chê trách, đáng lên án. Hậu quả chắc chắn sẽ không tốt đẹp. Vượt lên những lợi ích hẹp hòi, suy nghĩ và hành động trong ý niệm duyên sinh, tôn trọng nhau là con đường để xây dựng hòa bình lâu dài", Đại đức Thích Thông Đạo nói.
 
Giáo Hội phật giáo thành phố Đà Nẵng cũng chia sẻ, với chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm qua, đã có nhiều vị tu hành sẵn sàng "cởi áo cà sa khoác chiến bào" khi đất nước lâm nguy. Trách nhiệm của người dân Việt Nam lúc này là vừa thể hiện lòng yêu nước ôn hòa, trí tuệ, cương quyết bảo vệ giang sơn Tổ quốc nhưng cũng cần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
 
"Tổ quốc có an bình thì các tôn giáo nói chung và người tu hành nói riêng mới có cơ hội được hoằng pháp một cách thuận lợi nhất, mang những giá trị đạo đức cao quý của đạo để xây dựng xã hội tốt đẹp; nhân bản, chúng sinh mới được an lạc, hòa bình nhân loại mới được thiết lập".
 
Nguyễn Đông/VNexpress

1 nhận xét:

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !