Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Bá chủ: Đích tới của hải quân Trung Quốc


Tác giả bài báo là Trung tá hải quân James Kraska, làm việc tại Học viện Hải quân Mỹ và chuyên viên chính thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại. Đây là quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho chính sách hay quan điểm chính thức của một nước nào. Để có cách nhìn nhiều chiều về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài báo.
Hải quân Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện lớn mạnh của họ xung quanh Đông Á. Một chỉ huy hải quân Mỹ từng đưa ra câu hỏi liệu Mỹ có thể làm được những gì trước thực tế này.
 
Vào đêm 26.3.10, Cheonan, một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ tuần tra Hoàng Hải, đã bị vỡ làm hai mảnh trong một vụ nổ bí ẩn và chìm xuống đáy biển. Chiếc tàu chỉ vừa mới rời đảo Baengnyeong, gần Đường giới hạn phía Bắc - là đường phân cách thỏa thuận giữa hai miền Triều Tiên. Trong số 104 thủy thủ trên tàu, chỉ còn 58 người sống sót. Các thông tin cho rằng, tàu đã vướng vào ngư lôi sức công phá mạnh mang đầu nổ 200kg của Triều Tiên.

Trao đổi và so sánh các đặc điểm từ hai miền Triều Tiên, rồi từ Trung Quốc và Mỹ, cũng như vụ tàu Cheonan gặp thảm họa thực sự là cơn ác mộng trong hình dung của nhà phân tích mà tôi đã viết trên tờ Orbis (Tạp chí hàng đầu về quan hệ đối ngoại của Mỹ) với tiêu đề “Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến hải quân năm 2015 như thế nào”.

Bài báo đưa ra giả thuyết về một cuộc tấn công bất ngờ của Trung Quốc khi họ sử dụng tên lửa đường đạn chống hạm mới chống lại hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington. Ở đây, có một sự tương đương, một mối quan hệ kỳ lạ giữa giả tưởng năm 2015 đăng trên Orbis với thảm họa tàu Cheonan.

Trong kịch bản giả định, Trung Quốc phóng tên lửa đường đạn tiên tiến DF-21 vào tàu sân bay của Mỹ, sau đó phủ nhận khiến Mỹ rơi vào tình trạng lúng túng khó xử giống như Hàn Quốc hiện tại. Bất cứ một phản ứng phòng thủ nào cũng là nguy cơ dẫn tới cuộc chiến tranh lớn.

Viễn cảnh Trung Quốc thực hiện vụ tấn công bất ngờ, dĩ nhiên là có thể có nhiều tranh cãi. Nhưng dù sao, vấn đề lớn hơn là ở chỗ, Trung Quốc đã đầu tư thế nào trong nhiều thập niên nay qua một chiến dịch đầy kiên nhẫn và gây hấn nhằm dần dần đẩy các quốc gia khác ra khỏi Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hải quân Mỹ là mục tiêu chính khi chính nó là trở ngại lớn nhất với chiến lược của Bắc Kinh. Kết quả: một chiến dịch phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn đến hoàn hảo của áp lực luật pháp, chính trị và quân sự - đôi khi gây hấn - cuối cùng đã đặt những vùng duyên hải vào sự chi phối của Trung Quốc.

Ví dụ, bắt đầu từ năm 2000, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận của máy bay và tàu chiến, thậm chí còn bắt đầu sử dụng các tàu hải dương học và tàu kiểm ngư để cố gắng cản trở, làm gián đoạn lộ trình thực hiện sức mệnh giám sát, thăm dò của quân đội Mỹ tại biển Hoa Đông.

Và nó khiến người ta nhớ đến vụ việc năm 2001 khi một máy bay do thám của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam vì va chạm với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Trung Quốc sau đó đã thả 24 người thuộc phi hành đoàn của Mỹ khi Mỹ lên tiếng xin lỗi.

Năm 2001, máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ đã va chạm mạnh với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Kết quả là chiếc EP-3 hư hỏng nặng phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Năm 2003, một vụ việc tương tự mang tính chất “ngăn chặn” lại xảy ra.

Cách đây không lâu, báo chí Mỹ đã bàn luận nhiều tới một số vụ mà họ cho rằng Trung Quốc “quấy nhiễu” lực lượng không quân, hải quân nước này. Ngày 7.3.2009, lực lượng hàng hải Trung Quốc bắt đầu “theo đuổi” tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ. Một tàu tình báo, một tàu nghiên cứu hải dương học, một tàu kiểm ngư và 2 tàu hàng thương mại đã vượt qua mũi tàu Impeccable, và lập tức dừng ở phía trước con tàu.

TT Mỹ Obama đã điều động tàu chiến USS Chung-Hoon để hỗ trợ vũ trang cho tàu thăm dò. Đáp trả lại, Trung Quốc nhanh chóng triển khai tàu tuần tra ngư trường thuộc loại lớn nhất, hiện đại nhất của mình là Ngư chính 311, tới Biển Đông nhằm xác định “quyền và lợi ích” của Trung Quốc.

Ba trường hợp kể ra trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mùa hè năm 2001 và trở lại lần nữa năm 2002, các tàu và máy bay Trung Quốc đã khiêu khích và đe dọa USNS Bowditch và USNS Sumner, đang hoạt động ở biển Hoa Đông. Không lâu sau Impeccable, tới lượt USNS Victorious bị quấy nhiễu. Trong từng trường hợp, Trung Quốc đã không tuân thủ bổn phận của mình theo quy định của luật pháp quốc tế là thể hiện sự tôn trọng quyền các tàu, máy bay của các quốc gia khác hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cùng thời điểm đó, Trung Quốc không ngừng đưa ra tuyên bố “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông.

Đáng chú ý là, khu vực Hoàng Sa và Trường Sa nằm cách xa Trung Quốc, nhưng lại trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Công ước LHQ về Luật Biển quy định mỗi quốc gia có vùng lãnh hải 12 hải lý và các vùng đặc quyền kinh tế - là các khu vực biển mở rộng 200 hải lý (370km) từ bờ biển của một quốc gia - để cho họ đặc quyền khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Vùng đặc quyền kinh tế cho phép một nước quyền khai thác dầu khí, cá và các tài nguyên khác cùng quyền kiểm soát nghiên cứu hàng hải.

Tuy vậy, trong tháng 3.2010, tờ New York Times đưa tin, quan chức Trung Quốc đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James B. Steinberg rằng, Trung Quốc sẽ không chấp thuận “sự can thiệp của nước ngoài” vào “lãnh thổ” của họ ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên, Bắc Kinh coi “vùng lưỡi bò” như một lợi ích sống còn của quốc gia.

Steinberg nổi tiếng với cụm từ “chiến lược tái khẳng định” cho rằng, Mỹ nên tái đảm bảo với Trung Quốc rằng, việc gia tăng ảnh hưởng của họ được hoan nghênh, nhưng đổi lại, Trung Quốc cần tái đảm bảo với các nước láng giềng rằng, sự gia tăng này là hòa bình.

Song, bằng tuyên bố Biển Đông là “lãnh thổ”, Trung Quốc đã vươn tay quá xa khỏi vùng bờ biển của họ...

Năm ngoái, Trung Quốc giữ 33 tàu cá của Việt Nam cùng 433 thuỷ thủ gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam). Vào ngày 10.4.2010, xa hơn ở phía bắc, một đội tàu 10 chiếc của Trung Quốc bao gồm 2 tàu ngầm đã đi qua khu vực giữa đảo Okinawa và Miyakojima. Vụ việc này diễn ra chỉ sau 2 ngày khi một trực thăng Trung Quốc lượn ngay trên đầu một tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF).

Sau đó, ngày 13.4.2010, một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã trình diễn khả năng triển khai hoả lực, “doạ” một máy bay P-3C của Hải quân Phòng vệ Nhật khi ấy đang thực hiện sứ mệnh tuần tra thông thường trong không phận quốc tế.

Những tranh cãi, đụng độ hàng hải trên đã trở thành nền tảng, hay đúng hơn là minh chứng cho những thập niên gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc, cho những tuyên bố chủ quyền không khoan nhượng, không mệt mỏi của Bắc Kinh.

Nỗ lực to lớn của Trung Quốc trong việc chia các đại dương thành những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của họ là một trò chơi nguy hiểm, thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến hải quân. Và Mỹ không thể đứng bên ngoài.

Điều này không còn gì là mới mẻ. Cuộc chiến đầu tiên được tiến hành bởi một nước Mỹ độc lập liên quan tới vấn đề tự do hàng hải - cuộc chiến 1798-1800 Quasi với Pháp. Tiếp đến là Cuộc chiến Barbary thứ nhất năm 1804; rồi Chiến cuộc 1812 và Cuộc chiến Barbary lần thứ hai. Trong mỗi cuộc xung đột, vấn đề chính của Mỹ là đảm bảo quyền tự do hàng hải. Cũng như vậy, chính vấn đề tự do hàng hải đã phần nào khiến Mỹ hấp tấp lao vào hai cuộc chiến tranh thế giới…

Trung Quốc đã trải qua một tiến trình thần kỳ, bền bỉ và kiên trì để chuyển từ mô hình lực lượng phòng vệ bờ biển lỗi thời của những năm 1950 đến một hạm đội biển xanh ngang sức ngang tài. Trung Quốc đã không ngại ngần trình diễn các hệ thống mới nổi và hiện đại. Đầu tiên, nước này đang thúc đẩy việc phát triển loại vũ khí mới - tên lửa đường đạn chống hạm DF-21, được thiết kế đặc biệt để gây nguy hiểm cho các tàu trên vùng biển lớn. DF-21 sẽ được trang bị hệ thống do thám hàng hải, có thể được sử dụng để tấn công tàu chiến di động trên biển.

Điều này khác hẳn với mọi nguy cơ mà Hải quân Mỹ từng phải đối mặt.

Thứ hai, là quyết tâm của Trung Quốc sau khi trải qua những phút “lúng túng” vào năm 1996, thời điểm Trung Quốc thực hiện nhiều vụ thử tên lửa gần Đài Loan, TT Mỹ Bill Clinton đã “thị uy” bằng việc điều động 2 cụm tàu sân bay Nimitz và Independence triển khai trong khu vực. Kể từ đó, Trung Quốc theo đuổi một chương trình xây dựng hạm đội tàu mạnh, hướng tới phát triển tàu sân bay.

Trong lúc Mỹ chỉ dành 26% ngân sách quốc phòng cho hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ thì hải quân Trung Quốc chiếm hơn 33% chi tiêu quốc phòng nói chung.

Đội tàu của Trung Quốc hiện có khoảng 260 tàu với 75 tàu chiến lớn và hơn 60 tàu ngầm, toàn bộ lực lượng này lại được tăng cường bởi hàng trăm tên lửa trên các tàu tuần tra xa bờ và máy bay triển khai trên bờ.
 
Hãy làm phép so sánh. Khi Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh hải quân thì lực lượng chiến đấu của Hải quân Mỹ đã giảm 20% kể từ năm 2001. Hải quân Mỹ với 11 tàu sân bay, 31 tàu chiến đổ bộ, 48 tàu ngầm, 88 tàu chiến trên mặt nước… và lực lượng này bị dàn mỏng ở khắp thế giới.

Mỹ tin rằng, họ có thể “gần như hiện diện” ở khắp mọi nơi, và sau đó tập trung dồn lực lượng trong điều kiện xảy ra một cuộc khủng hoảng. Nhưng niềm tin ấy là thiếu thực tế, và Mỹ dường như phải ngầm công nhận rằng, Hải quân với gần 600 tàu những năm 1980 đã không thể duy trì số lượng dù chỉ là một nửa.

Trong tháng 2, Trung tâm Phân tích hải quân đưa ra một báo cáo nhấn mạnh: Hải quân Mỹ đang dần từ bỏ vị trí siêu cường hàng hải và Mỹ đang “ảo tưởng” khi nghĩ có thể duy trì quyền kiểm soát biển ở châu Á.

Thứ ba, Trung Quốc đã lặng lẽ phát triển công nghệ động cơ không cần không khí (AIP) - một hệ thống giúp tàu ngầm lặn sâu hơn và không bị phát hiện trong một thời gian dài - cho loại tàu ngầm lớp Nguyên 041. AIP làm tăng khả năng lặn của tàu ngầm từ vài ngày lên tới một tháng, đảm bảo cho tàu ngầm chạy hết tốc lực dưới nước, gia tăng đáng kể bán kính tấn công. Trong một vụ việc vào tháng 10/2006, một tàu ngầm lớp Tống trang bị AIP đã nổi lên ngay trong khu vực bảo vệ của tàu sân bay USS Kitty Hawk.

Thứ tư là vị trí địa lý của Trung Quốc với hệ thống kênh liên lạc nội địa ngắn và chắc chắn, một phương tiện nhân bội sức mạnh. Tất cả các chiến hạm của và máy bay trên mặt đất của Bắc Kinh đã hiện diện sẵn trên chiến trường. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Trung Được được kết nối bằng các đường cáp mặt đất an toàn.

Cách hành xử của Trung Quốc giống như một nhóm thiếu niên bước vào tuổi dậy thì hừng hực sức mạnh và năng lượng. Trong khi đó, Mỹ lại oằn mình với gánh nặng thâm hụt ngân sách, và một mình lực lượng hải quân khó có thể đạt mục tiêu “điều chỉnh’’ lại cán cân sức mạnh biển.

Đánh giá trên dẫn tới hai kết quả. Một là, Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu trở thành cường quốc bá chủ châu Á, không chỉ đất liền mà còn ở Tây Thái Bình Dương. Hai là, khả năng các quốc gia khác, trước hết là Nhật Bản và Ấn Độ cùng nhiều nước trong khu vực sẽ bắt đầu nghĩ tới việc tập hợp các biện pháp để có thể cân bằng sức mạnh đang ngày một gia tăng từ Bắc Kinh.
  • Nguồn: China Set for Naval Hegemony / James Kraska // The Diplomat, 6.5.2010. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !