Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Yếu tố Trung Quốc và ASEAN


 Đông Nam Á là một trong những hướng bành trướng chính của Trung Quốc.

Bài viết phản ánh quan điểm của một chuyên gia Nga nổi tiếng là bài Trung Quốc, không nhất thiết phản ánh quan điểm của VietnamDefence, xin giới thiệu để quý vị tham khảo.
Hiện đang tồn tại hai khái niệm đồng nhất: khái niệm địa lý “Đông Nam Á” và khái niệm chính trị “ASEAN”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Bắc Kinh bắt đầu từng bước, còn trong những năm gần đây là ngày càng ráo riết hơn tranh giành ảnh hưởng khu vực mà Moskva đã đánh mất. Tầm quan trọng của Trung Quốc ở đây hầu như ở tất cả các lĩnh vực đang trở nên ngày một quan trọng hơn và đôi khi vượt trội vai trò của Mỹ và đồng minh chiến lược Nhật Bản của họ.

Một trong những lĩnh vực mà Nga có thể cạnh tranh trong khu vực với Trung Quốc và Mỹ là hợp tác kỹ thuật quân sự.
Toàn bộ 10 quốc gia khu vực này nằm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN (Association of South East Asian Nations). Từ góc độ quân sự, có thể chia các nước này thành ba nhóm.

Nằm trong Nhóm 1 là 5 nước có quân đội rất mạnh (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam).

Nhóm 2 gồm hai nước có quân đội kiểu như của Mexico, tức là quân số đông, nhưng hầu như chỉ hướng vào chiến tranh choogs du kích (Philippines và Myanmar).

Thuộc Nhóm 3 là hai nước hậu cộng sản nghèo khó (Lào và Campuchia) và vương quốc dầu mỏ, nhỏ bé nhưng rất giàu có Brunei có quân đội rất yếu. Chúng ta hãy xem xét khả năng nhập khẩu vũ khí và hợp tác kỹ thuật quân sự của khu vực này.

Indonesia
“Lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á rộng lớn hơn nhiều việc kiểm soát tài nguyên dầu mỏ dưới đáy biển”
Indonesia có dân số đông và lãnh thổ rộng lớn bao trùm hàng ngàn hòn đảo, có quân đội rất lớn, nhưng khá cổ lỗ. Sở dĩ có tình trạng đó một phần là do không có những mối đe dọa lớn từ bên ngoài.

Các lực lượng mặt đất của quân đội (Lục quân và Thủy quân lục chiến) định hướng vào nhiệm vụ tác chiến chống các nhóm ly khai. Ngoài ra, hạn chế về ngân sách cũng ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng quân đội của Indonesia.
Trong số các vũ khí hiện đại của không quân, Indonesia đã mua 5 Su-27 và 5 Su-30, dự kiến mua sắm thêm 6 Su-30. Để bổ sung cho 10 F-16А/В hiện có, họ sẽ mua thêm từ Mỹ 24 F-16C/D đã qua sử dụng.

Hải quân Indonesia khá lớn, nhưng không có các tàu chiến và tàu ngầm hiện đại, ngoại trừ 4 tàu corvette lớp Diponegoro  (lớp SIGMA) do Hà Lan đóng). Ngoài ra, một frigate cũ vốn cũng do Hà Lan đóng có lắp bệ phóng thẳng đứng để phóng tên lửa chống hạm Yakhont của Nga.

Indonesia đang mua cho Thủy quân lục chiến 51 BMP-3F. Để trang bị lại cho Lục quân, họ mua 37 pháo tự hành bánh lốp Caesar của Pháp, 36 hệ thống rocket phóng loạt Astros II của Brazil, trong hai năm tới sẽ nhận từ Đức 103 xe tăng Leopard-2А4 và 50 xe chiến đấu bộ binh Marder. Leopard-2A4 sẽ là những xe tăng chủ lực đầu tiên trong biên chế quân đội Indonesia trong suốt lịch sử của nó.

Indonesia có nền công nghiệp quốc phòng khá phát triển, có khả năng sản xuất xe thiết giáp hạng nhẹ, máy bay vận tải và tuần tiễu, các loại trực thăng. Họ đang tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu cùng với Hàn Quốc.

Malaysia

Quân đội Malaysia nhỏ hơn quân đội Indonesia, nhưng hiện đại và cân đối hơn. Quân đội Malaysia trong hai thập niên gần đây đã nhận vào biên chế 48 xe tăng PT-91 của Ba Lan, 111 xe chiến đấu bộ bin KIFV (К-200) của Hàn Quốc, gần 400 hệ thống tên lửa phòng không mang vác Igla của Nga, 18 tiêm kích MiG-29 (2 chiếc trong số đó đã mất vì tai nạn) và 18 Su-30 của Nga, 8 F/A-18D của Mỹ, 2 tàu ngầm tối tân lớp Scorpène của Pháp.

Nguồn nhập khẩu vũ khí của Malaysia rất đa dạng khi họ mua sắm vũ khí trang bị từ Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Nga, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Thụy Sĩ.

Giống như một số nước ASEAN khác, Malaysia đang ở tình trạng xung đột với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa. Do đó, Malaysia đang củng cố liên minh quân sự và quan hệ kỹ thuật quân sự với Ấn Độ.

Singapore

Singapore là nước cộng hòa nhỏ bé về lãnh thổ, nhưng nhờ vào các thành tựu kinh tế, họ đang xây dựng một quân đội rất mạnh và cân đối. Trong những năm gần đây, quân đội Singapore được đổi mới về chất nhanh chóng bằng cách nhập khẩu, cũng như tự sản xuất vũ khí trang bị hiện đại. Họ đã mua sắm 132 xe tăng Leopard-2А4 của Đức, 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không SPYDER của Israel, 24 tiêm kích bom F-15SG (biến thể F-15I) để bổ sung cho 60 F-16 (20 F-16C, 40 F-16D), 20 trực thăng tiến công АН-64D của Mỹ, 2 tàu ngầm lớp Västergötland (lớp Archer) của Thụy Điển để bổ sung cho 4 tàu ngầm lớp Sjöormen (lớp Challenger) cũng của Thụy Điển, 6 frigate lớp La Fayette của Pháp.

Nếu xét về quy mô lãnh thổ, quân đội Singapore có thể đứng thứ hai thế giới về sức mạnh, sau quân đội Israel. Đó là điều rất thú vị khi mà khác với Israel, Singapore về thực chất không có địch thủ bên ngoài.

Ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với Singapore hiện còn rất hạn chế, còn ảnh hưởng quân sự thì hoàn toàn không có, mặc dù 75% dân số Singapore là người gốc Hoa.

Thái Lan

Thái Lan có quân đội quy mô lớn và mạnh, định hướng vào nhiệm vụ tiến hành chiến tranh truyền thống, cũng như chiến tranh chống du kích. Vương quốc này sở hữu lực lượng xe tăng đông đảo thứ hai (sau Việt Nam) trong ASEAN, nhưng cũng gồm các xe tăng lạc hậu như thế. Để đổi mới lực lượng này, Thái Lan đang tính mua 200 tăng chủ lực Oplot (Т-84) của Ukraine. Họ cũng đã mua từ Ukraine 38 xe bọc thép chở quân BTR-3Е, 6 pháo tự hành Caesar của Pháp.

Trong không quân Thái, cùng với các tiêm kích cổ lỗ sĩ F-5 còn có 65 F-16 của Mỹ và 12 JAS-39 Gripen của Thụy Điển.

Hải quân Thái Lan là hải quân lớn nhất ở Đông Nam Á. Trong biên chế hải quân Thái, có 1 tàu sân bay do Tây Ban Nha đóng, trên tàu triển khai các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier (mua từ Tây Ban Nha), 8 frigate đóng ở Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, hạm đội Thái Lan không có lấy một tàu ngầm nào.

Cùng với Pakistan, Thái Lan là một trong hai nước đồng thời là đồng minh chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc. Hiện thời, trong lĩnh vực quân sự, Mỹ có ảnh hưởng mạnh hơn, nhưng lãnh đạo Thái Lan đang dần dần tăng cường đa dạng hóa nguồn mua sắm vũ khí và hợp đồng quân sự.

Thái Lan có quan hệ khá phức tạp với các nước láng giềng phía đông của họ là các thành viên ASEAN Lào và Campuchia, cũng như với quốc gia ủng hộ hai nước này là Việt Nam. So với nửa cuối thế kỷ ХХ, tình hình căng thẳng giữa các nước này đã giảm đi một chút, nhưng vẫn thường xuyên bộc lộ ra. Mặc dù, quân đội Thái mạnh hơn nhiều quân đội Lào và Campuchia, nhưng trong các cuộc xung đột với các nước này, binh sĩ Thái tỏ ra rất thường.

 Việc xây dựng tam giác địa-chính trị Moskva - Delhi - Hà Nội (thậm chí thành lập liên minh quân sự với các cam kết hỗ tương) thay cho quái vật hoang đường cực kỳ độc hại có tên Moskva - Delhi - Bắc Kinh cần phải trở thành nhiệm vụ chủ yếu của nền ngoại giao Nga.


Bài viết phản ánh quan điểm của một chuyên gia Nga nổi tiếng là bài Trung Quốc, không nhất thiết phản ánh quan điểm của VietnamDefence, xin giới thiệu để quý vị tham khảo.


Việt Nam

Quân đội Việt Nam kể từ năm 1945 đã thể hiện sức chiến đấu rất cao, hơn nữa là trong các loại chiến tranh khác nhau. Họ lần lượt đánh bại quân đội Pháp, Mỹ và Trung Quốc.
Ngày nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn là quân đội lớn nhất ASEAN, trước hết là về Lục quân, mặc dù đã khá lạc hậu. Tuy nhiên, hiện quân đội Việt Nam đang từng bước được đổi mới nhờ duy trì quan hệ đặc biệt với Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Việt Nam đã mua của Nga 12 tiêm kích Su-27 và 12 Su-30, bên cạnh đó, việc mua sắm Su-30 vẫn sẽ tiếp tục, các tên lửa hàng không hiện đại Kh-31 và Kh-59, hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1 (2 tiểu đoàn, với 12 bệ phóng, 62 tên lửa phòng không có điều khiển).

Việt Nam cũng đã mua các tàu tên lửa, ban đầu là 4 tàu lớp Projekt 12411, sau đó là 12 tàu lớp Projekt 12418, trong đó có 2 chiếc đóng ở Nga, 10 chiếc còn lại đóng tại Việt Nam. Các tàu này được trang bị tên lửa chống hạm Uran. Việt Nam cũng đã nhận được 2 frigate lớp Projekt 11661 Gepard 3.9 và 4 tàu lớp Projekt 10412.

Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Projekt 636 Kilo, nhờ đó, Việt Nam trở thành nước sở hữu hạm đội tàu ngầm mạnh nhất ASEAN. Cuối cùng, Việt Nam đã mua của Nga một hệ thống tên lửa bờ biển tối tân Bastion trang bị tên lửa chống hạm Yakhont (cùng họ tên lửa với tên lửa Nga-Ấn BrahMos).
Năm 2002, theo sáng kiến của Hà Nội, Nga đã ngừng thuê căn cứ hải quân Cam Ranh. Việt Nam nhìn nhận căn cứ này từ góc độ kiềm chế Trung Quốc. Việt Nam không còn quan tâm đến việc duy trì căn cứ này do sự xích lại gần nhau giữa Moskva và Bắc Kinh, nghĩa là trong mắt ban lãnh đạo Việt Nam, nước Nga không còn đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc hơn là do Nga giảm sự hiện diện quân sự tại đây.
Mặc dù hiện nay quan hệ Việt-Trung về hình thức được coi là đã bình thường hóa, nhưng không còn nghi ngờ gì, việc củng cố sức mạnh chiến đấu của quân đội Việt Nam trước hết nhằm vào kiềm chế Trung Quốc. Dĩ nhiên, khả năng kinh tế của Hà Nội thua kém đáng kể Bắc Kinh. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang ở tình trạng phôi thai và chủ yếu chỉ sản xuất đạn dược mặc dù gần đây, ngành đóng tàu quân sự đã bắt đầu được phát triển.

Do sự yếu kém của công nghiệp quốc phòng, Việt Nam rất quan tâm đến việc hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga. Tuy nhiên, kể cả với sự trợ giúp của Nga, Việt Nam cũng sẽ không thể sánh nổi quân đội Trung Quốc về sức mạnh quân đội dù là ở những lĩnh vực đơn lẻ. Nhưng Việt Nam cũng không cần điều đó bởi vì Việt Nam hiển nhiên hoàn toàn không có ý định tấn công Trung Quốc. Nhiệm vụ kiềm chế sự xâm lược từ phía Trung Quốc bằng cách gây cho họ tổn thất không thể chấp nhận có vẻ là khả thi, và các nỗ lực của Hà Nội rõ ràng nhằm vào giải quyết nhiệm vụ này.

Việc mua sắm vũ khí trang bị với trọng tâm đặt vào vũ khí trang bị không quân và hải quân cho thấy, Việt Nam trước hết tìm cách ngăn chặn Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn vùng biển, các quần đảo và đáy biển Biển Đông. Ngoài ra, do tính phức tạp và hàm lượng khoa học cao, vũ khí trang bị hải quân và không quân mà Việt Nam có được từ thời Liên Xô đã rất lạc hậu nên vấn để đổi mới các loại vũ khí trang bị này đã trở thành bức thiết hơn đối với Việt Nam. Trong 20 năm qua, Hà Nội không hề mua vũ khí cho Lục quân vì thế vũ khí trang bị lục quân nhìn chung rất lạc hậu từ góc độ trình độ kỹ thuật. Điều đó có thể cho thấy, người Việt Nam không coi mối đe dọa trên bộ từ phía Trung Quốc là không cấp thiết hoặc họ coi các lực lượng hiện có là đủ để vô hiệu hóa mối đe dọa đó.

Hiện nay, quan hệ giữa Hà Nội và New Delhi đang được củng cố nhằm kiềm chế Trung Quốc. Với cùng mục tiêu, đã bắt đầu có sự xích lại gần nhau với Washington (tuy hai bên vẫn không quên ký ức về cuộc chiến tranh trước đây), thậm chí đã diễn ra cuộc huấn luyện hải quân chung vào năm 2010. Việc này đã khiến Bắc Kinh cực kỳ tức giận, thậm chí họ còn thẳng thừng đe dọa rằng, Hà Nội sẽ hối tiếc về việc này trong tương lai. Tuy nhiên, vào năm 2012, hai bên đã cùng tổ chức không chỉ một đợt huấn luyện chung Việt-Mỹ. Do đó, có thể dự đoán rằng, Việt Nam sẽ là một trong những thành viên chủ yếu của bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào có thể xuất hiện trong tương lai gần. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục củng cố tiềm lực quân đội của mình.
Philippines

Quốc gia quần đảo này sở hữu một quân đội gần như thuần túy chống du kích với quân số lớn, nhưng với số lượng vũ khí cổ lỗ cực kỳ ít ỏi. Ví dụ, lực lượng xe tăng gồm 65 xe tăng Scorpion của Anh, không có xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành và hệ thống rocket phóng loạt. Họ thực tế cũng không có máy bay chiến đấu, nếu không tính 15 chiếc OV-10 và S-211. Trong biên chế Hải quân Philippines không hề có tàu ngầm, không có tàu trang bị tên lửa nào. Tuy nhiên, họ lại có lực lượng thủy quân lục chiến lớn, vượt xa đáng kể khả năng đổ bộ của hạm đội.

Philippines cũng đang ở tình trạng tranh chấp với Trung Quốc, Đài Loan và nhiều nước ASEAN khác xung quanh quần đảo Trường Sa, và là bên yếu nhất về mặt quân sự trong tất cả các bên tranh chấp. Căn cứ vào sự tăng cường đáng kể sức mạnh của hải quân Trung Quốc, trong trường hợp nổ ra chiến tranh, thậm chí vị trí địa lý cũng sẽ không thể bảo vệ được Philippines. Khả năng mua sắm từ Hàn Quốc 12 tiêm kích FА-50, từ Italia 2 frigate lớp Maestrale cũng sẽ không thể nào thay đổi được tình thế.

Myanmar

Xét về quân số Lục quân, Myanmar nằm trong số 10 lực lượng lục quân đông đảo nhất thế giới. Tuy nhiên, số lượng binh khí kỹ thuật lại rất hạn chế, phần lớn đã cực kỳ lỗi thời. Ngoại lệ nào đó chỉ là 50 tăng Т-72 và 10 tiem kích MiG-29 mua sắm từ các nước thuộc Liên Xô trước đây. Nga sẽ tiếp tục chuyển giao MiG-29 sau khi đánh bại JF-17 của Trung Quốc trong một cuộc đấu thầu. Đây là điều hơi bất ngờ khi mà Myanmar rất phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự, Myanmar hoàn toàn hướng vào Trung Quốc. Bắc Kinh coi Myanmar là một hành lang tiến ra Ấn Độ Dương, bàn đạp để bành trướng vào ASEAN và một mắt xích quan trọng trong âm mưu bao vây chiến lược đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, gần đây, Mỹ đang quyết tâm giành lại Myanmar từ tay Trung Quốc, nhưng việc họ có thể thành công là cực kỳ đáng ngờ.

Lào, Campuchia, Brunei

Quân đội Lào và Campuchia là những bãi rác của một số lượng không đáng kể vũ khí trang bị lỗi thời của Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong các cuộc xung đột của họ với Thái Lan (cuộc xung đột Thái-Lào vào đầu năm 1988, Thái-Campuchia vào năm 2009-2011), quân đội hai nước này hầu như đánh ngang tay với quân đội Thái Lan. Có lẽ đó là do các cuộc đụng độ có quy mô hạn chế, cũng như sự hậu thuẫn từ phía Việt Nam.

Quân đội Brunei thực sự nhỏ đến mức không đáng kể, ngoại trừ hải quân với 3 tàu tên lửa nhỏ. Đó là do không có các địch thủ thật sự, hơn là quy mô lãnh thổ nhỏ bé của nước này.

Góc nhìn từ Bắc Kinh

Đông Nam Á thường được báo chí Nga và phương Tây xem là hướng bành trướng chủ yếu của Trung Quốc. Người ta cho rằng, khái niệm biên giới chiến lược và không gian sống chiến lược của Trung Quốc mà thực chất là luận cứ cho sự bành trướng chính là nhằm vào khu vực này. Trước hết, người ta thường cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát hoàn toàn vùng biển và đáy biển của Biển Đông cùng với các nguồn tài nguyên sinh học và địa chất của nó.

Thực tế, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng, họ coi toàn bộ vùng biển và các hòn đảo ở Biển Đông là của họ. Hiện đang có sự xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa, đối đầu nhiều bên về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Có yêu sách đối với các hòn đảo bé nhỏ này trên Biển Đông, ngoài Trung Quốc, nước chiếm đóng 7 hòn đảo, là Việt Nam (quản lý 27 hòn đảo), Philippines (8), Malaysia (3), Đài Loan (1). Từ giác độ luật quốc tế, các yêu sách của Trung Quốc là hoàn toàn không có căn cứ, nhưng đối với Trung Quốc, điều đó không bao giờ có ý nghĩa gì hết vì họ chỉ làm theo các quan niệm về luật pháp của chính họ.

Rõ ràng là bản thân các hòn đảo mà diện tích là cực nhỏ là không đáng quan tâm từ góc độ tiềm năng kinh tế hay làm nơi sinh sống cho dân cư. Đây là nơi để triển khai các căn cứ không quân và hải quân. Ngoài ra, việc chiếm hữu các hòn đảo lại xác định quyền đối với đáy biển giàu dầu mỏ tiếp giáp chúng. Có thể nói rằng, đối với Trung Quốc, chính tài nguyên hydrocarbon là yếu tố chính quyết định sự quan tâm đặc biệt của họ đối với Biển Đông. Hơn nữa, đó không chỉ là bản thân quá trình khai thác dầu mà cả việc bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển chạy qua Biển Đông dùng để vận chuyển dầu mỏ từ châu Phi và Cận Đông về Trung Quốc.

Tuy nhiên, lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á rộng lớn hơn nhiều việc kiểm soát tài nguyên dầu mỏ dưới đáy biển. Khu vực này được Bắc Kinh xem là cực kỳ quan trọng từ góc độ bảo đảm an ninh và mở rộng khu vực ảnh hưởng của họ.

Có thể dự đoán rằng, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập ở đây một thứ dạng như “khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á” dưới một dạng thức mới, mặc dù với những luận cứ tư tưởng gần như thế (có lẽ là được nhấn mạnh hơi kém cứng rắn). Nếu Nhật Bản vào nửa đầu thập niên 1940 đã mưu toan thiết lập “khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á” bằng sức mạnh quân sự, thì Trung Quốc sẽ trước hết nhằm vào bành trướng kinh tế và nhân khẩu.

Ở Đông Nam Á, phương thức hành động đó thuận lợi hơn nhiều đối với Bắc Kinh do có đến 70% tài sản ở các nước này nằm trong tay người Hoa. Người Hoa đông nhất là ở Indonesia (7,3 triệu) và Thái Lan (5,7 triệu). Tổng cộng, hiện có gần 30 triệu người gốc Hoa cư trú ở Đông Nam Á. Họ chiếm tỷ lệ cao nhất ở Singapore (77%), Malaysia (đến 30%) và Thái Lan (10%). Sự hiện hữu của một nền tảng kinh tế-nhân khẩu hùng mạnh nhờ thể làm gia tăng đáng kể ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và tạo điều kiện cho khả năng bành trướng, hơn nữa là không cần sử dụng các phương tiện quân sự.

Có thể Bắc Kinh đang coi Đông Nam Á là một thứ hậu phương, có tác dụng bảo đảm cho một là các tuyến đường giao thông với Cận Đông và châu Phi, hai là cho sự bành trướng lên phía bắc và sang phía tây vốn quan trọng hơn nhiều (bởi lẽ các vùng lãnh thổ và nguồn tài nguyên mà Trung Quốc cần có chính là nằm ở Nga và Trung Á), nhưng cũng khó khăn hơn nhiều đối với Trung Quốc. Ở ý nghĩa nhất định, ở đây cũng đang lặp lại hình ảnh các hành động của Nhật Bản năm 1941, khi mà Nhật Bản quyết định trước tiên đánh chiếm các nguồn tài nguyên ở phía nam để nhờ chúng tiến hành bành trướng lên phía bắc (chống Liên Xô).

Không có gì quá nghi ngờ, trong tương lai gần, Trung Quốc không xem xét phương án trực tiếp thôn tính các nước ASEAN. Bắc Kinh chỉ cần các quốc gia này nằm trong vòng phụ thuộc hoàn toàn về chính trị và kinh tế vào họ và không trở thành mối đe dọa quân sự dù là cục bộ. Nếu chiếm đóng các nước này bằng quân sự, Trung Quốc chỉ giải quyết ở mức độ không đáng kể sự thiếu hụt tài nguyên, còn các vấn đề quá đông dân cư và thiếu đất canh tác sẽ trở nên trầm trọng hơn, hơn nữa nhân dân các nước này sẽ không chịu thần phục Bắc Kinh. Nhất là Việt Nam, dân tộc rất giàu kinh nghiệm đánh thắng các cuộc chiến tranh, cả chiến tranh truyền thống lẫn chiến tranh du kích. Nhưng điều đó không hề có nghĩa là không tồn tại mối đe dọa quân sự từ phía Trung Quốc đối với nước này. Trái lại, sức mạnh gia tăng của quân đội Trung Quốc sẽ là yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ cho sự bành trướng “hòa bình” của Trung Quốc. Mặc dù, các cuộc va chạm quân sự trên biển và trên không xung quanh vấn đề Biển Đông không thể loại trừ. Và cuối cùng, Bắc Kinh hoàn toàn có thể lại muốn “dạy một bài học cho những kẻ cứng đầu”.

Xét các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học, sẽ chỉ có Việt Nam và Philippines thực sự chống lại sự bành trướng xuống phía nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước này lại là quá nhỏ về mặt quân sự, nên làm hạn chế rất nhiều cơ hội của họ. Lập trường của Malaysia và Indonesia hiện thời rất khó dự đoán, nó sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố có xu hướng khác nhau. Song hiện thời, hai nước này đang đi theo hướng chống Trung Quốc. Dẫu sao, “ở tiền tuyến” chống lại Bắc Kinh sẽ chỉ có đơn độc Hà Nội. Ấn Độ sẽ là đồng minh tự nhiên của Việt Nam, nhưng các tuyến đường giao thông giữa hai nước có thể bị Trung Quốc phong tỏa một khi tình hình căng thẳng.

Mối quan hệ lịch sử tốt đẹp Nga-Việt, phần nào vẫn được duy trì đến nay cho phép hy vọng vào sự củng cố, thắt chặt quan hệ của Nga với Việt Nam, điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với nước Nga. Bởi vậy, việc xây dựng tam giác địa-chính trị Moskva - Delhi - Hà Nội (thậm chí thành lập liên minh quân sự với các cam kết hỗ tương) thay cho quái vật hoang đường cực kỳ độc hại có tên Moskva - Delhi - Bắc Kinh cần phải trở thành nhiệm vụ chủ yếu của nền ngoại giao Nga. Tiếc thay, quái vật hoang đường đối với Nga lại quan trọng hơn nhiều những lợi ích địa-chính trị thực tế. Bởi vậy, cả Ấn Độ lẫn Việt Nam sẽ từng bước xích lại gần với Mỹ, bỏ lại nước Nga đơn độc với “đối tác chiến lược” Trung Quốc.
Nguồn: Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự (Nga) // VPKN, N50 (467), 19.12.2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !