Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Bê bối PRISM: Quá mù ra mưa

NDĐT-Trong suốt gần một tháng qua, những sự kiện liên quan tới cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đã khiến cho bầu không khí quốc tế vốn đang chẳng bình yên trở nên náo động hơn.
Thoạt nhìn thì việc E. Snowden tiết lộ những thông tin “động trời” liên quan tới các hoạt động tình báo của Mỹ chẳng khác là bao so với vụ Wikileaks trước đó. Cũng bắt đầu bằng những tuyên bố như: “Chúng tôi muốn người dân biết những gì chính phủ của họ đang làm” hay “Tôi không thể cho phép chính phủ Mỹ phá hoại tự do và những quyền riêng tư” v.v. và ngay lập tức từ Julian Assange hay Snowden được một số đông ca ngợi là những người anh hùng.
Bởi lẽ, dù lực lượng an ninh Mỹ đã dùng đến tiêu chí bảo đảm an ninh quốc gia để biện giải cho chương trình PRISM (chương trình thực hiện các hoạt động theo dõi bí mật công dân Mỹ), nhưng những tiết lộ của Snowden vẫn khiến người dân Mỹ, đặc biệt là những công dân tốt, cảm thấy bị lừa dối và xúc phạm, thậm chí còn rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi vì những gì thuộc về riêng tư đã không còn là bí mật nữa.
Tuy nhiên, từ thời điểm Snowden bắt đầu lộ diện ở Hong Kong rồi những diễn biến liên quan tiếp theo lại đang cho thấy bản chất rất khác biệt giữa hai vụ việc và hiệu ứng từ sự khác biệt này thực sự rất đáng phải quan tâm.
Trước hết, xét về mức độ tin cậy, những thông tin của Snowden có sức thuyết phục hơn nhiều so với của Wikileaks, bởi dù sao chúng cũng được người tham gia chính dự án PRISM cung cấp chứ không phải qua các khâu trung gian hay những câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu”. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin, chỉ cần một cơ hội nhỏ nhất có thể tiếp cận hệ thống thông tin thì một nhân viên “quèn” cũng có thể trở thành người am tường những chuyện “thâm cung bí sử”. Do đó, cũng không nên quá nghi ngờ một nhân viên làng nhàng của CIA như Snowden lại ngày càng chứng tỏ đang nắm giữ một khối lượng thông tin tuyệt mật không nhỏ (theo chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, Dianne Feinstein, có lẽ Snowden vẫn còn hơn 200 tài liệu nhạy cảm chưa công bố). Việc Bộ Tư pháp Mỹ ngay lập tức khép Snowden vào tội gián điệp đủ thấy “sức nặng” của những thông tin mà nhân viên này đang nắm giữ.
Sự khác biệt tiếp theo chính là mức độ lan tỏa của vụ việc. Những thông tin về chuyện đi đêm giữa bộ ba Taliban – Pakistan – Mỹ của Wikileaks tuy gây sốc nhưng cho đến nay, cũng chưa tạo ra một sự xáo trộn lớn nào. Ngược lại, những tiết lộ của Snowden, đặc biệt sau khi chính phủ Mỹ coi Snowden là tội phạm nghiêm trọng, không chỉ khiến xã hội Mỹ chao đảo mà những mối quan hệ giữa Mỹ với những nước như Trung Quốc, Nga, Bolivia, Venezuela cũng bị ảnh hưởng, tất nhiên với những mức độ khác nhau.
Sự khác biệt lớn nhất của vụ Snowden có lẽ là ở những hành động đang ngày càng tỏ ra thiếu kiềm chế của các bên liên quan. Đối với E. Snowden, việc công bố những hoạt động của chính phủ vi phạm quyền tự do riêng tư có thể coi là hành động dũng cảm nhằm bảo vệ quyền công dân theo đúng Hiến pháp. Tuy nhiên, từ lúc Snowden bắt đầu công bố việc chính phủ Mỹ theo dõi các nước khác, thậm chí ngay cả với các đồng minh châu Âu (EU), thì rõ ràng anh ta đã bắt đầu vượt qua “lằn ranh giới đỏ”. Với tư cách là một công dân Mỹ, là một nhân viên tình báo, việc Snowden làm là nhằm mục đích gì, vì ai và bảo vệ cái gì, bởi anh ta chắc phải quá hiểu những hoạt động này không quá xa lạ với hầu hết các quốc gia khi mà nước nào cũng tâm niệm cái triết lý “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”.
Đối với chính phủ Mỹ, khi bà Jennifer Psaki, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Mỹ đã liên hệ với nhiều chính phủ để hối thúc họ không hậu thuẫn cho Snowden, cho thấy giới chức Mỹ cũng không còn giữ được cái đầu lạnh như thời điểm ban đầu lúc Tổng thống Obama tuyên bố, “Mỹ sẽ không huy động chiến đấu cơ hay đổi chác ngoại giao chỉ để lấy một tin tặc 29 tuổi” tại Dakar (Senegan) hôm 27-6.
Sự “quá đà” nghiêm trọng nhất là việc chiếc máy bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales buộc phải thay đổi lịch trình bay, hạ cánh xuống Áo ngày 2-7-2013, do Pháp và Bồ Đào Nha từ chối không cho vào không phận với lý do nghi có Snowden trên máy bay. Sau vụ việc này, Tổng thống Bolivia dọa sẽ đóng cửa sứ quán Mỹ, còn Tổng thống Ecuado Correa gọi “đây là hành động có tính sỉ nhục Mỹ Latin”. Chính từ những “đặc biệt” này mà vụ Snowden đang gây nên những hiệu ứng rất phức tạp.
Thứ nhất, đúng là đối với các nước, đặc biệt là những nước sở hữu công nghệ cao, những chương trình theo dõi (kiểu như PRISM) hướng vào nhau chẳng có gì lạ lẫm. Hơn thế, những hiện tượng Snowden cũng không thể làm các mối quan hệ giữa họ thay đổi, bởi tất cả đều hiểu, đến trong nội bộ nước Mỹ mà những hoạt động kiểu này còn diễn ra không ít lần (tiêu biểu nhất là vụ Watergate năm 1972 của R. Nixon). Tuy nhiên, những thông tin của Snowden rõ ràng sẽ càng khiến cho mối nghi kỵ, vốn chưa bao giờ mất, giữa các nước sẽ lại ngày càng thêm sâu sắc. Đây lại là một trong những rào cản lớn nhất đối với hợp tác quốc tế.
Thứ hai, phản ứng từ chối của các nước trước đơn xin tị nạn chính trị của Snowden (trong số 27 nước thì chỉ có một vài nước Mỹ Latin như Ecuado, Bolivia, Venezuela và Cu Ba chấp thuận) có lẽ không hoàn toàn là vì sức ép của người Mỹ. Chính sự quá đà của Snowden khiến chính phủ của các nước lo ngại về một tiền lệ nguy hiểm, chẳng ai dám khẳng định sẽ lại không có một nhân bản Snowden ở ngay chính nước họ.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa lại càng khiến cho khả năng bảo mật của bất cứ một quốc gia nào cũng đang ngày càng giảm sút. Giờ đây, những hiện tượng như Snowden không chỉ là gánh nặng của Mỹ mà là chung cho tất cả.
Thứ ba, mối quan hệ giữa an ninh quốc gia và an ninh công dân luôn có sự gắn bó chặt chẽ nhưng không phải lúc nào cũng diễn ra xuôi chèo mát mái, chỉ cần một bên có hành động vượt quá khuôn khổ pháp lý cho phép thì lập tức mối quan hệ này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong vụ Snowden, chính phủ Mỹ cho rằng chương trình PRISM là cần thiết để bảo vệ cộng đồng, nhưng nó lại vi phạm Hiến pháp và đó lại chính là căn nguyên làm nảy sinh hiện tượng Snowden.
Về phần mình, Snowden cho rằng việc tố giác chính phủ là cần thiết để bảo vệ công lý nhưng lại vượt ngưỡng dẫn đến vi phạm chính những điều anh ta đang muốn bảo vệ. Vụ Snowden, vì thế cũng giúp chỉ ra cách khắc phục nghịch lý này – mọi hành động của chính phủ hay mỗi công dân đều phải hướng tới mục đích vì cộng đồng một cách thực chất.
Cuối cùng, ngoài những khía cạnh tích cực, những hiện tượng như Wikileaks, Snowden hay các trang mạng xã hội kiểu Bloger v.v. cũng đang đem đến những tác động rất nguy hiểm cho an toàn xã hội ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Nếu trước khi nghĩ đến việc chia sẻ suy nghĩ, cách nhìn, mỗi cá nhân không ý thức được trách nhiệm đối với cộng đồng thì những mong muốn công bằng xã hội hay đơn thuần là sự xả stress sẽ lại có tác dụng ngược lại theo kiểu “quá mù ra mưa”.

TS ĐỖ SƠN HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi tìm sự thật thực ra là một công việc vô ích vì sự thật sẽ tự tìm đến với chúng ta ,chỉ cần chúng ta có tâm tìm kiếm !
Nguyễn Linh
Bản quyền thuộc về Blog Tìm Lại Sự Thật ,khi đưa lại bài từ blog mong các bạn ghi rõ nguồn !
Bình luận đăng lên phải có chứng cứ rõ ràng ,không nên đăng những thông tin sai sự thật hay những bình luận có nội dung nhục mạ !